Bảo đảm quyền của người lao động di cư Việt Nam ở nước ngoài theo tiêu chuẩn quốc tế

(Quanlynhanuoc.vn) – Bảo đảm quyền của người lao động di cư Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của Nhà nước với công dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”1 nhằm bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Điều đó  đã thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước ta đối với thế giới cũng như niềm tin yêu của người Việt Nam ở nước ngoài đối với Đảng và Nhà nước. Đây cũng  là động lực khuyến khích sự đóng góp của đồng bào ở xa Tổ quốc vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Bảo đảm quyền của lao động di cư (LĐDC)  ra nước ngoài là một đặc trưng của  nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Công tác này đòi hỏi phải xử lý những mối quan hệ lao động khác nhau trên cơ sở pháp luật Việt Nam, song cần phải tương thích với pháp luật, thông lệ của quốc gia nhận lao động Việt Nam đến làm việc và sinh sống. Điều này cần có sự điều tiết, kết hợp thực hiện trách nhiệm quản lý của nhiều ngành và địa phương có lao động xuất khẩu. Qua đó, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân và là nguồn động viên, khích lệ người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bảo đảm quyền của người lao động di cư theo tiêu chuẩn quốc tế

Một là, khái niệm về lao động di cư (hay di trú) tự do.

LĐDC tự do ra nước ngoài được hiểu là một cá nhân hay một nhóm di chuyển địa bàn lao động, cư trú từ lãnh thổ một quốc gia này tới một lãnh thổ quốc gia khác không theo kế hoạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Theo Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990 được thông qua Nghị quyết A/RES/45/158 ngày 18/12/1990 của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc), về mặt pháp lý, những lao động này được phân thành hai dạng:

a) Hợp pháp (documented migrant): là những người đã, đang và sẽ làm một công việc có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân với các hình thức: nhân công vùng biên hay theo mùa; nhân công làm việc tại một công trình trên biển; nhân công lưu động hay theo dự án;… Công ước này sẽ không áp dụng với những người được cử hoặc tuyển dụng bởi các cơ quan và tổ chức quốc tế hoặc những người được cử hoặc được tuyển dụng bởi một nước sang một nước khác được điều chỉnh bởi pháp luật quốc tế chung hoặc các hiệp định hay công ước quốc tế cụ thể; những nhà đầu tư; sinh viên và học viên…2.

b) Bất hợp pháp (undocumented migrant): là những người LĐDC không có giấy tờ, họ không được trao các quyền được một nước cho phép vào, ở lại và làm một công việc được trả lương tại quốc gia đó.

Ngoài ra, Điều 4 của Công ước này còn đưa ra định nghĩa về “các thành viên gia đình” là những người kết hôn với những người lao động di trú hoặc có quan hệ tương tự như quan hệ hôn nhân, theo pháp luật hiện hành, cũng như con cái và những người sống phụ thuộc khác được công nhận là thành viên của gia đình theo pháp luật hiện hành và theo các hiệp định song phương và đa phương giữa các quốc gia liên quan3.

Hai là, pháp luật quốc tế về quyền của LĐDC.

Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948, Điều 23 quy định: (1) Ai cũng có quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp. (2) Cùng làm việc ngang nhau, mọi người được trả lương ngang nhau, không phân biệt đối xử. (3) Người làm việc được trả lương tương xứng và công bằng, đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác. (4) Ai cũng có quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.

Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 19904, quy định các quyền, như: được tự do rời khỏi bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia xuất xứ của họ; quyền trở về hoặc ở lại nước xuất xứ của họ vào mọi thời điểm; quyền sống; quyền không bị tra tấn hoặc đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm; quyền không bị làm nô lệ hoặc nô dịch; quyền không bị lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, nhận thức và tôn giáo; quyền tự do thể hiện tôn giáo hoặc tín ngưỡng; quyền có chính kiến mà không bị can thiệp; quyền tự do ngôn luận; quyền hoặc tôn trọng danh dự – uy tín của người khác; không ai được phép can thiệp một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện vào cuộc sống gia đình, đời tư, nhà cửa, thư tín hoặc các phương thức giao tiếp khác, hoặc công kích bất hợp pháp danh dự và uy tín của người lao động di trú và các thành viên gia đình họ; quyền tự do và an toàn cá nhân; quyền bình đẳng với các công dân của quốc gia liên quan trước các tòa án; bị cáo buộc phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi bị chứng minh là có tội theo pháp luật;…

Ngoài ra, còn phải kể đến Công ước Viên ngày 18/4/1961 về quan hệ ngoại giao và Công ước Viên ngày 24/4/1963 về quan hệ lãnh sự của Bộ Ngoại giao (Việt Nam là thành viên) cũng đóng vai trò trực tiếp trong bảo hộ công dân đối với LĐDC.

Ba là, tiêu chuẩn quốc tế về bảo đảm quyền của LĐDC.

Tại khoản a Điều 7 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 quy định: (1) Tiền lương thỏa đáng và tiền công bằng cho những công việc có giá trị như nhau, không có sự phân biệt đối xử nào; đặc biệt, phụ nữ phải được bảo đảm những điều kiện làm việc không kém hơn đàn ông, được trả công ngang nhau đối với những công việc giống nhau; (2) Một cuộc sống tương đối đầy đủ cho họ và gia đình họ phù hợp với các quy định của Công ước này. Khoản a Điều 8 cũng quy định: quyền của mọi người được thành lập và gia nhập công đoàn do mình lựa chọn, theo quy chế của tổ chức đó, để thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích kinh tế – xã hội của mình. Việc thực hiện quyền này chỉ bị những hạn chế quy định trong pháp luật và cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích của an ninh quốc gia và trật tự công cộng, hoặc vì mục đích bảo vệ các quyền và tự do của những người khác.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong Công ước số 98 năm 1949 và Công ước số 143 năm 1975 về LĐDC bước đầu đã thể chế hóa quyền của lao động di trú. Trên cơ sở đó, Liên hiệp quốc đã ban hành Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 19905 . Công ước này đã có những quy định cụ thể về quyền làm việc của LĐDC tại các quốc gia thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền làm việc của LĐDC trong thực tế.

Tình hình bảo hộ công dân đối với lao động di cư Việt Nam ở nước ngoài hiện nay

Ở nước ta, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006,  Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019, đã tạo khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh thúc đẩy việc bảo vệ quyền của người LĐDC theo tiêu chuẩn quốc tế6. Theo đó, Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ quy định: Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, trong đó có quản lý nhà nước các dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài được thành lập theo Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác bảo hộ công dân. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức di cư quốc tế (International Organization for Migration) từ tháng 11/2007 và tham gia tích cực các hoạt động của ILO cũng như các diễn đàn quốc tế, trong nước trên lĩnh vực này.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song thực tế phần lớn người lao động Việt Nam đi làm việc tự do ra nước ngoài chưa được tổ chức nào bảo vệ cụ thể. Hiện nay, phần lớn LĐDC là lao động nông thôn, với trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, thêm nữa, số lượng khó kiểm soát do lao động tự do nên việc bảo hộ chưa được thực hiện đầy đủ, hiệu quả trong thực tế.

Một số gợi ý trong công tác bảo hộ công dân đối với lao động di cư Việt Nam ở nước ngoài

a. Về phương hướng

Bảo hộ LĐDC ra nước ngoài là một sự gắn kết chặt chẽ giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế và pháp luật nước sở tại.

Nội dung bảo hộ công dân: (1) Hỗ trợ việc làm, đời sống và bảo vệ người lao động di trú khỏi sự phân biệt đối xử và ngược đãi; (2) Xác lập và bảo vệ các quyền của người lao động di trú, như các quyền: dân sự, chính trị, kinh tế – xã hội (tự do cá nhân) và nhóm quyền đặc thù (nhân công vùng biên, nhân công theo mùa, người đi biển…); (3) Ngăn chặn tình trạng buôn bán người nhập cư (tiêu biểu là Nghị định thư về chống buôn bán người nhập cư bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không được bổ sung trong Công ước của Liên hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia thông qua ngày 15/11/2020).

Đa dạng biện pháp bảo hộ công dân7.

– Ở nước ngoài: cử viên chức Lãnh sự tiến hành thăm lãnh sự đối với công dân bị giam giữ, bị tù; gặp gỡ, đấu tranh trực tiếp, can thiệp, bày tỏ quan điểm pháp lý với cơ quan chức năng nước sở tại; gửi thư, công hàm trực tiếp cho cơ quan chức năng hoặc Bộ Ngoại giao nước sở tại; gửi thư cá nhân hoặc Đại sứ, Tổng Lãnh sự trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với đại diện cơ quan hữu quan nước sở tại hoặc gửi công hàm Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam.

– Ở trong nước: Lãnh đạo Bộ Ngoại giao triệu tập đại sứ, trao công hàm; trả lời phỏng vấn báo chí của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao hoặc tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao về vấn đề bảo vệ quyền lợi của công dân; Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) gửi công hàm cho Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội hoặc Cục trưởng Cục Lãnh sự mời Đại sứ nước liên quan trao công hàm; Bộ Ngoại giao  Việt Nam gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao nước ngoài liên quan; cử đoàn công tác liên ngành trong nước ra nước ngoài thực hiện bảo hộ. Ngoài ra, một số bộ, ngành hoặc hội nghề nghiệp, đoàn thể quần chúng hoặc một số chính khách cũng cần phát biểu hoặc ra tuyên bố công khai phản đối, lên án việc xâm phạm lợi ích hoặc đối xử thô bạo với công dân, pháp nhân của Việt Nam.

b. Một số giải pháp       

Thứ nhất, nâng cao công tác quản lý nhà nước, trong đó cần rà soát để có định hướng khắc phục những bất cập trong thực thi pháp luật bảo đảm quyền đối với LĐDC tự do, như: cơ chế bảo đảm pháp luật, sự phối hợp và kiểm tra giữa các cơ quan chức năng, khai báo tạm trú của người lao động, chế tài đối với chủ sử dụng lao động trong trường hợp chủ sử dụng không thực hiện việc ký kết hợp đồng và các quyền lợi đối với người lao động; thủ tục tạm trú và cấp thẻ lao động tại một số quốc gia; lao động có hợp đồng khi ốm đau phải chữa trị tại các cơ sở y tế của nước sở tại…

Tiếp tục xây dựng chiến lược, chính sách quốc gia và khuôn khổ pháp luật có sự liên kết hợp tác quốc tế về lao động nói chung và LĐDC tự do nói riêng. Thành lập cơ quan và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách có đủ năng lực, tận tụy và có tâm với người LĐDC.  Thiết lập sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam với các quốc gia có người LĐDC.

Thứ hai, cần hoàn thiện pháp luật cụ thể là tiếp tục “nội luật hoá” các quy định của Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990. Đồng thời, hoàn thiện các quy định của pháp luật, ví dụ như Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó các quy định phải có những chế tài nghiêm khắc, cụ thể đối với các doanh nghiệp, chủ cơ sở lao động có hành vi vi phạm pháp luật lao động xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của  người LĐDC tự do để quản lý có hiệu quả việc di trú lao động, được định hướng bởi các tiêu chuẩn quốc tế về lao động, về quyền con người và mang tính nhạy cảm giới ở những nước gửi và nhận lao động.

Tiếp tục, rà soát lại các văn bản có liên quan đến vấn đề trao đổi lao động, quy định đối với người lao động nước ngoài, quy định về giao thương trong điều kiện hội nhập quốc tế nhằm tạo điều kiện cho công dân của hai quốc gia được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp theo pháp luật quốc tế và pháp luật hiện hành của mỗi quốc gia. Mặt khác, cần có những hợp tác và ký kết riêng phù hợp với thực tiễn về nhu cầu lao động ở các địa phương nhằm xây dựng quan hệ hợp tác lao động quốc tế thúc đẩy sự di trú vì mục đích việc làm có quản lý; kiến tạo trao đổi thông tin, đối thoại ba bên liên chính phủ ở cấp khu vực, quốc tế và nhiều bên, thúc đẩy việc thông qua các thỏa thuận song phương, đa phương;…

Thứ ba, hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ nhằm bảo hộ quyền cho LĐDC tự do. Cung cấp thông tin về các quyền lao động, quyền con người cho người LĐDC và hỗ trợ họ thực hiện các quyền này, như: qua Tổng đài điện thoại +844.62.844.844 nhằm hỗ trợ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; tạo lập các cơ chế thực thi có hiệu quả nhằm bảo vệ các quyền của người LĐDC và tập huấn về quyền con người cho tất cả quan chức chính phủ và phi chính phủ có liên quan đến vấn đề di cư lao động; bảo đảm sự tôn trọng các tiêu chuẩn về tuổi lao động tối thiểu, bảo vệ các điều kiện lao động và chống buôn bán người, nhất là phụ nữ, trẻ em; hỗ trợ người lao động trong các giai đoạn di cư thông qua việc cung cấp thông tin, tập huấn và dạy tiếng cho họ; bảo đảm người LĐDC có thể hiểu và thực hiện các hợp đồng lao động; phê chuẩn và thực hiện đầy đủ các văn bản pháp luật quốc tế về LĐDC

Kết luận

Bảo đảm quyền của LĐDC Việt Nam ở nước ngoài là một quá trình gắn kết chặt chẽ giữa công tác bảo vệ và hỗ trợ quyền con người theo pháp luật Việt Nam phù hợp với pháp luật quốc tế, trước hết và chủ yếu là pháp luật của nước có lao động Việt Nam đến làm việc và sinh sống. Công tác quản lý này liên quan tới nhiều ngành, địa phương nhằm hỗ trợ việc làm, đời sống và bảo vệ LĐDC không lâm vào tình trạng bị phân biệt đối xử, ngược đãi và bảo vệ các quyền lao động cơ bản của họ; đồng thời phòng, chống có hiệu quả các tội phạm buôn người xuyên quốc gia. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để đa dạng hóa các biện pháp bảo hộ công dân, như: rà soát để có định hướng khắc phục những bất cập trong thực thi pháp luật; tiếp tục xây dựng hoàn thiện một chiến lược, chính sách quốc gia có thể liên kết hợp tác quốc tế về lao động nói chung và LĐDC nói riêng; tiếp tục “nội luật hóa” các quy định của “Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ” (1990); đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách có đủ năng lực, tận tụy và có tâm với người LĐDC; thiết lập sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý trong nước với các quốc gia nhận và gửi lao động Việt Nam.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 70.
2, 3, 4. Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ. http://thuvienphapluat.vn, ngày 14/11/2020.
5. Giới thiệu chung về quyền của người lao động di cư trong luật quốc tế. http://thongtinphapluatdansu.edu.vn, ngày 14/11/2020.
6. Báo cáo tổng kết số 12/BC-TLĐ ngày 03/02/2017 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
7. Bảo hộ công dân và pháp nhân ở nước ngoài: Quán triệt phương châm chủ động, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả. http://vnembassy-singapore.mofa.gov.vn, ngày 14/11/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Lao động  năm 2019.
2. Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.
3. Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
4. Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ về quy định một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.
5. Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.
ThS. Nguyễn Thị Loan Anh
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội