Tác động của đại dịch covid-19 đến giảm nghèo bền vững ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Giảm nghèo bền vững luôn là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế – xã hội và đời sống của Nhân dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội. Dịch bệnh có thể còn kéo dài và đang đặt ra thách thức lớn cho công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế – xã hội. Hiểu rõ thực trạng và đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đại dịch Covid-19 là việc làm cấp bách trong thời điểm hiện nay.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Quan điểm, chủ trương của Đảng về giảm nghèo bền vững đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ, ngày càng sâu rộng, toàn diện hơn. Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện chương trình giảm nghèo, chương trình, cơ chế, chính sách, pháp luật về giảm nghèo được Chính phủ ban hành khá đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ toàn diện cho người nghèo, trong đó có chính sách giảm nghèo đặc thù, ưu tiên đối với các đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện. Cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện; huy động sự hưởng ứng tích cực của cả xã hội. Nhận thức của người nghèo dần thay đổi, cơ bản không còn ỷ lại, đã có nhiều tấm gương, điển hình thoát nghèo, tình nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Qua 35 năm đổi mới (1986 – 2020), nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tăng trưởng kinh tế luôn ở mức dương, có nhiều năm tăng trưởng đạt mức cao; tỷ lệ nghèo giảm mạnh; thu nhập được cải thiện rõ rệt, đời sống người dân nâng cao. Tuy nhiên, trong hơn 3 thập niên đổi mới, nền kinh tế Việt Nam nhiều lần chịu tác động bởi các cú sốc bên ngoài, như: cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và cú sốc dịch tễ năm 2020.

Khác với 2 cú sốc trước là về tài chính – tiền tệ, cú sốc Covid-19 lần này chưa từng có tiền lệ, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế – xã hội của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, lao động, việc làm và thu nhập của người dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội (người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em). Dịch bệnh có thể còn kéo dài, tiếp tục và đang đặt ra thách thức lớn cho công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh và phát triển kinh tế – xã hội.

Thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đại dịch Covid-19

Thứ nhất, về việc làm, sinh kế, thu nhập.

Đối với người nghèo ở khu vực thành thị (người bán vé số, xe ôm, gánh hàng hoặc chở hàng thuê, buôn bán nhỏ, thợ hồ…) chủ yếu là lao động tự do, kiếm sống hằng ngày,  việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, không ổn định, không có tích lũy hoặc có nhưng rất thấp; không có điều kiện tự tăng gia, sản xuất, tự cung, tự cấp về lương thực, thực phẩm. Do vậy, khi thực hiện giãn cách xã hội, phần lớn người nghèo mất việc làm, mất sinh kế và thu nhập, không có khả năng duy trì cuộc sống sinh hoạt tối thiểu hằng ngày. Theo thống kê trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, có gần 30 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo (HNHCN) ở khu vực thành thị bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, thành phố Hà Nội với trên 4,4 nghìn hộ; TP. Hồ Chí Minh trên 3,1 nghìn hộ; tỉnh Bình Dương trên 3,1 nghìn hộ và tỉnh Đồng Nai trên 3,7 nghìn hộ… (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2022 của địa phương)1.

Đối với người nghèo ở khu vực nông thôn, chủ yếu làm nông, lâm, ngư nghiệp, làm thuê theo mùa vụ hoặc buôn bán nhỏ. Phần lớn người nghèo khu vực nông thôn có điều kiện tăng gia, sản xuất, tự cung, tự cấp về lương thực, thực phẩm nên có thể tự bảo đảm duy trì cuộc sống tối thiểu trong khoảng thời gian nhất định. Nhiều HNHCN nhận được sự hỗ trợ của gia đình, họ hàng, làng xóm trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19 thời gian qua, HNHCN khu vực nông thôn cũng bị giảm thu nhập nghiêm trọng. Theo khảo sát sơ bộ: 50% hộ gia đình nông thôn giảm thu nhập trung bình 38% và 78% hộ hoạt động phi nông nghiệp giảm thu nhập trung bình 46%2.

Thứ hai, về lương thực, thực phẩm.

Khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều HNHCN rơi vào tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, nhất là các HNHCN ở khu vực thành thị không có nguồn thu nhập, không có khả năng tự cung, tự cấp về lương thực; chủ yếu trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Để bảo đảm đời sống của người dân, nhất là người thuộc HNHCN khu vực đô thị, chính quyền các địa phương đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói. Từ đầu năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 136.349.61 tấn gạo cho 9.089.974 người thiếu đói tại 30 địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-193. Trong đó, có 303.635 hộ nghèo với khoảng 1.123.450 người; hơn 482 nghìn hộ cận nghèo với khoảng gần 1,8 triệu người4.

Thứ ba, về chăm sóc sức khỏe, điều trị y tế tại bệnh viện, khu cách ly.

Theo quy định hiện nay, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo, 70% đối với hộ cận nghèo. Người thuộc HNHCN được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Trong thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua, người thuộc HNHCN được hỗ trợ chi phí điều trị và chi phí ăn, ở tại các khu cách ly tập trung hoặc chi phí mai táng khi mất. Do vậy, người thuộc HNHCN bị mắc Covid-19 cần chăm sóc y tế, điều trị y tế được hỗ trợ đầy đủ tại địa phương.

Thứ tư, về điều kiện tham gia học trực tuyến của trẻ em nghèo.

Thời gian qua, ở các địa phương không bị giãn cách xã hội, trẻ em thuộc HNHCN được tham gia học tập, giáo dục bình thường. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em thuộc HNHCN tại địa phương thực hiện giãn cách xã hội (chủ yếu ở khu vực thành thị) không có đủ điều kiện cần thiết để bảo đảm việc học tập trực tuyến do không có phương tiện (máy tính, điện thoại thông minh) và mạng internet. Theo tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm ngày 12/9/2021, cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố đang học trực tuyến, với số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh, trong đó có khoảng 1,5 triệu học sinh thuộc diện khó khăn cần được hỗ trợ trang thiết bị học trực tuyến5.

Nhìn chung, đại dịch Covid-19 đã khiến thu nhập của các hộ gia đình, người lao động, trong đó có người nghèo bị sụt giảm đáng kể, dẫn đến sự gia tăng nghèo tạm thời về thu nhập và đẩy các hộ nghèo lún sâu hơn vào tình trạng nghèo thu nhập. Kết quả khảo sát vào tháng 4/2020 cho thấy, trong tháng 12/2019, trung bình tỷ lệ hộ nghèo là 11,3%. Tỷ lệ này tăng lên 50,7% trong tháng 4/2020. Tỷ lệ hộ cận nghèo tăng từ 3,8% vào tháng 12/2019 lên 6,5% vào tháng 4/2020. Thu nhập giảm đã tạm thời đẩy 47,8% các hộ gia đình không nghèo vào thời điểm tháng 12/2019 xuống dưới ngưỡng nghèo (thu nhập 700.000 đồng cho nông thôn và 900 nghìn đồng cho khu vực thành thị)6. Dự báo tại thời điểm đầu năm 2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới chuẩn nghèo thu nhập, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ (tăng 2,32 triệu hộ so với năm 2020), tương ứng khoảng 17,447 triệu người; dự kiến số hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng 2,3 lần so với năm 20217.

Chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đại dịch Covid-19

(1) Chính sách giảm nghèo thường xuyên.

Hệ thống chính sách giảm nghèo thường xuyên được cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ, toàn diện, bảo đảm người thuộc hộ nghèo ở khu vực thành thị, nông thôn có điều kiện tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Đơn cử, như: chính sách hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế, chi phí điều trị cho người mắc Covid-19, chi phí ăn, ở tại các khu cách ly tập trung hoặc chi phí mai táng khi mất; chính sách miễn, giảm học phí đối với trẻ em thuộc HNHCN; chính sách hỗ trợ học nghề, đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm đối với con em, người lao động thuộc HNHCN; chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với HNHCN để phát triển kinh tế, tự tạo việc làm; chính sách hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý… Hằng năm, ngân sách nhà nước chi khoảng 25 nghìn tỷ đồng bảo đảm thực hiện đầy đủ, toàn diện các chính sách giảm nghèo thường xuyên đối với người nghèo. Trong thời gian bị ảnh hưởng, tác động bởi đại dịch Covid-19, các chính sách giảm nghèo thường xuyên vẫn được duy trì, bảo đảm thực hiện hiệu quả, đúng đối tượng.

(2) Chính sách hỗ trợ người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chính sách của trung ương hướng về những trường hợp yếu thế trong xã hội (nhất là người nghèo ở thời điểm đại dịch Covid-19) vốn là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong nhiều thập niên. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã triển khai đồng bộ hàng loạt chủ trương, chiến lược về xóa đói, giảm nghèo để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo; thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương, giữa miền núi với miền xuôi.

Đặc biệt, hai năm gần đây đất nước gặp nhiều thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19, song Quốc hội, Chính phủ vẫn tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp hai lần so với giai đoạn trước; 21% ngân sách nhà nước đã được dành để bảo đảm phúc lợi xã hội – đây là mức cao nhất trong các nước ASEAN. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19, trong đó chú trọng tới người nghèo. Cụ thể: Chính phủ quy định hỗ trợ HNHCN (theo chuẩn nghèo quốc gia) mức 250.000 đồng/khẩu/tháng8. Hỗ trợ HNHCN lao động tự do, đối tượng khác tại các khu y tế là 220.061 lượt người9.

Tại các địa phương, để hỗ trợ HNHCN bị tác động bởi đại dịch Covid-19, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, phù hợp với tình hình cụ thể. Đơn cử: thành phố Hà Nội hỗ trợ tiền mặt, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ; người đang mang thai được hỗ trợ bổ sung mức 1.000.000 đồng/người; người đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi hỗ trợ bổ sung mức 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi10. TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ gói lương thực, thực phẩm; tiền mặt mức 50.000 đồng/người/ngày; nữ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em11. Tỉnh Bình Dương hỗ trợ mức 50.000 đồng/người/ngày (hình thức hỗ trợ bằng lương thực, thực phẩm hoặc bằng tiền); hỗ trợ 1 lần tiền thuê nhà trọ 300.000 đồng/người…12. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố còn hỗ trợ người dân từ vùng dịch trở về địa phương, như: hỗ trợ phương tiện di chuyển, lương thực, thực phẩm, tiền mặt, tìm kiếm việc làm…

Đề xuất giải pháp giảm nghèo bền vững ở Việt Nam  

Đại dịch Covid-19 lần thứ tư tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng có đóng góp lớn đối với phát triển kinh tế. Nhiều HNHCN, hộ mới thoát nghèo sẽ tái nghèo, làm phát sinh nhiều hộ nghèo mới, đặc biệt tại khu vực thành thị. Để thực hiện được mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước là giảm nghèo bền vững, thời gian tới, cần tập trung một số giải pháp sau:

Một là, giải pháp ngắn hạn.

Đối với HNHCN khu vực địa phương thực hiện giãn cách xã hội thường thiếu lương thực, thực phẩm và khó tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu, cơ bản. Do vậy, cần bổ sung và bảo đảm thực hiện chính sách hỗ trợ HNHCN tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ: (1) Hỗ trợ lương thực (mức 15 kg gạo/người);  (2) Hỗ trợ tiền mặt để duy trì sinh hoạt tối thiểu hằng ngày mức 2 triệu đồng/hộ; (3) Hỗ trợ máy tính hoặc điện thoại thông minh và dịch vụ internet để phục vụ học trực tuyến.

Đối với người thuộc HNHCN khu vực thành thị phần lớn là lao động tự do, làm việc trên đường phố, chợ đầu mối và tiếp xúc nhiều người, sống ở khu vực nhà trọ, nhà tạm, dễ trở thành nguồn lây dịch bệnh Covid-19. Do vậy, đề xuất ưu tiên lập danh sách tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Hai là, giải pháp dài hạn.

(1) Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành về hỗ trợ việc làm, dạy nghề, sinh kế, giáo dục, y tế, tiền điện, trợ giúp pháp lý.

(2) Bố trí đầy đủ nguồn lực, đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, nhất là các hoạt động về hỗ trợ sản xuất, việc làm, sinh kế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, dinh dưỡng, giảm nghèo về thông tin.

(3) Tăng cường bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người nghèo.

(4) Các địa phương kịp thời xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm an sinh xã hội đối với người nghèo, người dân trên địa bàn phù hợp với tình hình thực hiện, đặc biệt cần thực hiện mục tiêu kép phòng, chống đại dịch Covid-19 và phát tiển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19.

Chú thích:
1, 2. Tác giả tổng hợp từ báo cáo nhanh của các địa phương, thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 năm 2021 gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
3. Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh, thành phố để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
4. Phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em: Gieo những hạt mầm yêu thương”. https://moet.gov.vn, ngày 13/9/2021.
5, 6, 7. Tác giả tổng hợp từ: Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế xã hội của đại dịch Covid-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam – Phân tích có tính tới yếu tố giới” (RIM-2020) của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN); Báo cáo đánh giá tác động đại dịch Covid-19 đến hộ nghèo, hộ cận nghèo của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
8. Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
9. Báo cáo số 178/BC-TBASXH ngày 14/9/2021 của Tiểu ban An sinh xã hội, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
10. Nghị quyết số 15/NQ ngày 13/8/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
11. Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid -19, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
12. Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người nghèo, cận nghèo và người dân đang ở trọ trong khu vực thực hiện tăng cường giãn cách thuộc 15 phường trên địa bàn thành phố Thuận An, Dĩ An và Thị xã Tân Uyên để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 118/BC-LĐTBXH ngày 16/9/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
2. Báo cáo số 175/BC-LĐTBXH ngày 4/11/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2021.
3. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
4. Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
5. Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
ThS. Chu Thị Hạnh
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội