Giáo dục và đào tạo của thị xã Tân Uyên – kết quả và giải pháp phát triển

(Quanlynhanuoc.vn) – Thị xã Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương luôn xác định phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Tân Uyên lần thứ XI nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học, chăm sóc trẻ ở các nhóm trẻ, trường mầm non ngoài công lập hiện có; đồng thời khuyến khích kêu gọi đầu tư xây dựng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ngoài công lập trên địa bàn thị xã; kêu gọi xã hội hóa trong công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương.
Các em học sinh tham gia hoạt động học làm lính cứu hỏa trong hội trại hè năm 2018 tại Nhà Thiếu nhi TX.Tân Uyên. Ảnh: K. Tuyến
Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo của thị xã Tân Uyên

Thị xã Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương luôn xác định phát triển giáo dục và đào tạo (GDĐT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT của Đảng bộ tỉnh Bình Dương, Thị ủy Tân Uyên đã ban hành Kế hoạch số 09-KH/TU ngày 09/6/2014 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; tiếp đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Tân Uyên lần thứ XI nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học, chăm sóc trẻ ở các nhóm trẻ, trường mầm non ngoài công lập hiện có, đồng thời khuyến khích kêu gọi đầu tư xây dựng trường tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) ngoài công lập trên địa bàn thị xã. Kêu gọi xã hội hóa trong công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương.

Thực trạng giáo dục và đào tạo của thị xã Tân Uyên

(1) Về giáo dục mầm non.

Chất lượng giáo dục mầm non (GDMN) bảo đảm các yêu cầu về mục tiêu, phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của thị xã Tân Uyên. Giai đoạn từ năm 2015 – 2020, số lượng trường, lớp, giáo viên, học sinh ở bậc mầm non của thị xã Tân Uyên đều tăng; tỷ lệ trẻ từ 3 – 5 tuổi được học lớp mẫu giáo đạt trên 80%; trẻ 5 tuổi được vận động đến lớp mẫu giáo luôn đạt trên 98%, vượt chỉ tiêu so với Kế hoạch số 09-KH/TU ngày 09/6/2014 của Thị ủy Tân Uyên1.

Trong năm học 2019 – 2020, cấp học mầm non tham gia các phong trào, hội thi và đạt nhiều kết quả, như: có 66/129 giáo viên/cấp dưỡng được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi/cấp dưỡng giỏi; 22 cá nhân đạt giải, trong đó: 2 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 14 giải khuyến khích…2.

(2) Về giáo dục phổ thông.

Từ năm 2015 – 2020, số lượng trường, lớp, giáo viên, học sinh ở bậc phổ thông của thị xã Tân Uyên đều có chiều hướng tăng theo hằng năm, phù hợp với hướng phát triển của toàn tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, trong 3 năm (2017, 2018, 2020), các trường THPT ở thị xã Tân Uyên đều có số học sinh tốt nghiệp đạt tỷ lệ là 100%3.

(3) Bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý gắn với quy hoạch của từng đơn vị được quan tâm. Thông qua các lớp bồi dưỡng, từng bước lựa chọn được cán bộ có năng lực, phẩm chất để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững, yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và có trách nhiệm cao trong công việc. Năng lực sư phạm của giáo viên được nâng cao, tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hằng năm đều đạt hơn 80% so với kế hoạch4.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng của thị xã Tân Uyên còn một số hạn chế, bất cập, cụ thể:

Một là, cơ sở vật chất của trường, lớp tuy được tập trung đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu giáo dục. Nhiều trường có khuôn viên hẹp, chưa có sân thể dục; một số trường mầm non, tiểu học vẫn còn nhiều điểm lẻ, chưa tập trung, gây khó khăn cho công tác quản lý và tổ chức cho trẻ ăn bán trú.

Hai là, tình trạng đội ngũ giáo viên thừa, thiếu, chưa đồng bộ ở các cấp học, đặc biệt là bậc mầm non và tiểu học. Một số giáo viên chưa tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên được bồi dưỡng lý luận chính trị hằng năm và tỷ lệ phát triển đảng viên trong đội ngũ chưa đạt mục tiêu đề ra.

Ba là, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp có lúc chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Các trung tâm học tập cộng đồng chưa thực sự hoạt động tốt. Chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi chưa cao (nhất là ở bậc THCS). Việc thực hiện đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất người học có nơi còn lúng túng, thiếu đồng bộ. Việc phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập tăng nhanh về số lượng, tuy nhiên chất lượng giáo dục còn chưa bảo đảm.

Bốn là, công tác huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho GDĐT chưa cao. Hệ thống trường ngoài công lập đối với bậc tiểu học, THCS chưa phát triển; chủ đầu tư có tâm lý e ngại đầu tư.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở thị xã Tân Uyên

Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới GDĐT.

Tổ chức tăng cường quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện về GDĐT trong công tác quy hoạch, đầu tư, lập dự án phát triển kinh tế – xã hội của thị xã; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển GDĐT. Chú trọng việc củng cố và phát triển các cơ sở Đảng, công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong trường học, trước mắt là đội ngũ giáo viên. Thị xã Tân Uyên cần có kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực, cơ cấu nội dung chương trình dạy học phù hợp, giao chỉ tiêu cho ngành GDĐT đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ phát triển của thị xã. Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đi đôi với việc thực hiện cơ chế công khai, minh bạch, bảo đảm sự giám sát của các cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội và Nhân dân.

Thứ hai, đẩy mạnh quá trình đổi mới và thực hiện đồng bộ các yếu tố cơ bản của GDĐT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Các cơ sở GDĐT phải xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng cấp học. Coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở GDĐT; là căn cứ giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện cải tiến nội dung chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy nghề và dạy chữ theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát triển năng lực người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động ngoại khóa gắn với các di sản văn hóa, lịch sử, xã hội ở địa phương; gắn hoạt động dạy học với ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, thực hiện đa dạng hình thức và phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả GDĐT bảo đảm trung thực, công bằng, khách quan.

Trong đó, cần kết hợp việc đánh giá của giáo viên với tự đánh giá của học sinh; kết hợp đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và xã hội. Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục của các cơ sở GDĐT làm căn cứ đề xuất chính sách, giải pháp cải thiện chất lượng GDĐT. Chú trọng kiểm tra, đánh giá, kiểm soát chất lượng GDĐT đối với các cơ sở ngoài công lập, các cơ sở tư nhân. Xây dựng phương thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với các loại hình giáo dục. Kiểm tra chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc quy định về dạy thêm và học thêm; tiến tới chấm dứt các biểu hiện tiêu cực về dạy thêm và học thêm tràn lan, lạm dụng thu phí trong ngành GDĐT.

Thứ tư, thực hiện điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới GDĐT của thị xã đáp ứng yêu cầu hệ thống giáo dục quốc dân.

Triển khai thực hiện có hiệu quả điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành GDĐT của thị xã giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án GDĐT… đã được lãnh đạo các cấp phê duyệt. Tập trung đầu tư xây dựng các trường THPT trên địa bàn thị xã, mở rộng loại hình trường THPT chất lượng cao và các trường THCS tạo nguồn ở thị xã, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo; định hướng nghề nghiệp ở THCS, THPT và đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp sau THCS, THPT. Huy động các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông theo hướng bền vững. Nâng cao chất lượng GDĐT tại các trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn thị xã Tân Uyên.

Thứ năm, tăng cường đổi mới công tác quản lý GDĐT theo hướng phát huy quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐT.

Đẩy mạnh phân cấp và cụ thể trách nhiệm trong quản lý nhà nước và quản lý trong lĩnh vực GDĐT. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào quá trinh quản lý GDĐT. Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDĐT. Thực hiện nghiêm túc chức năng giám sát của các chủ thể trong các cơ sơ giáo dục và xã hội, bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Báo cáo Tổng kết năm học 2019 – 2020 của Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Tân Uyên.
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Thống kê Bình Dương. Niên giám thống kê Bình Dương năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020. H. NXB Thanh Niên, 2020.
2. Kế hoạch số 09-KH/TU ngày 09/6/2014 của Thị ủy Tân Uyên về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
3. Kế hoạch số 1249/KH-SGDĐT ngày 20/7/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương về việc ban hành Kế hoạch thực hiện đổi mối căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
4, Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 12/8/2015 tại Đại hội Đảng bộ thị xã Tân Uyên lần thứ XII nhiệm kỳ 2015 – 2020.
5. Trang thông tin điện tử thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. http://tanuyen.binhduong.gov.vn
Trần Trung Thiện
Học viên cao học, Trường Đại học Thủ Dầu Một