Phát triển nông nghiệp bền vững tại một số quốc gia và hàm ý cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Qua nghiên cứu về kinh nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới, bài viết đề cập một số nội dung hàm ý chính sách cho Việt Nam để phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Ảnh minh họa (internet)
Chính sách phát triển nông nghiệp bền vững tại một số quốc gia trên thế giới

Thái Lan

Là quốc gia có tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Thái Lan được xem là quốc gia đứng đầu trong sản xuất nông nghiệp ở một số lĩnh vực quan trọng, như: cây trồng, vật nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Theo các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng ở Thái Lan và tạo ra việc làm nhiều nhất cho dân cư nông thôn của nước này. Ngành nông nghiệp Thái Lan thu hút khoảng 40% lực lượng lao động và đóng góp gần 10% GDP1. Các chuyên gia nhận định, số liệu này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành Nông nghiệp Thái Lan và cho rằng nước này nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ để lĩnh vực này có thể phát huy tối đa các thế mạnh, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 30,43% tổng số việc làm của thị trường lao động Thái Lan trong năm 2019. Hiện tại, Chính phủ Thái Lan đang xem xét đầu tư 1 tỷ baht (hơn 30 triệu USD) trong tài khóa 2020 nhằm hỗ trợ nông dân và thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp trong nước phát triển. Con số này sẽ là một phần trong ngân sách hàng năm trị giá 14 tỷ baht (hơn 366 triệu USD) của tài khóa 2020 và dự kiến bắt đầu được thực hiện trong tháng 5/20202.

Về chính sách hướng đến PTNNBV, Thái Lan đã thực hiện các chính sách mang lại hiệu quả trên nhiều mặt, cụ thể:

Thứ nhất, về chính sách trợ giá nông sản và hỗ trợ nông dân, như: mua phân bón với giá thấp, miễn cước vận chuyển phân bón, được cung cấp giống mới có năng suất cao, được vay vốn lãi xuất thấp từ ngân hàng nông nghiệp… Đặc biệt, nhiều ưu đãi về vốn và tăng cường bảo hiểm cho người nông dân được Chính phủ Thái Lan thực hiện; thuế nông nghiệp được bãi bỏ. Để khuyến khích người nông dân hiện đại hóa sản xuất, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra những ưu đãi hấp dẫn cho việc nâng cấp phương thức sản xuất và chất lượng thu hoạch theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, như: Chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP), Chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO-22000.

Thứ hai, tổ chức khai thác nông nghiệp theo hướng khai thác lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương trong phát triển nông nghiệp. Nhờ đó, Thái Lan đã nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản, các nguồn lực được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, yêu cầu của PTNNBV được đáp ứng. Trên thực tế, Thái Lan đã tập trung phát triển các ngành mũi nhọn sản xuất hàng nông – thủy, hải sản phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Công nghiệp chế biến thực phẩm Thái Lan phát triển mạnh nhờ chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp bằng một chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (One tambon, One product – OTOP). Gắn liền với việc xem trọng chất lượng sản phẩm, Chính phủ Thái Lan cũng rất quan tâm đến chính sách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để thực hiện có hiệu quả chính sách này, chính phủ Thái Lan đã phát động chương trình: “Thái Lan là bếp ăn của thế giới” để kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm bảo đảm cho xuất khẩu và người tiêu dùng.

Thứ ba, mở cửa thị trường thích hợp để thu hút đầu tư mạnh mẽ của nước ngoài cho nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến thực phẩm. Chính phủ Thái Lan đã có chính sách trợ cấp ban đầu cho các nhà máy chế biến và đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng, như: cảng, kho lạnh, sàn đấu giá và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển; xúc tiến công nghiệp và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ tư, trong nông nghiệp, Thái Lan luôn coi trọng đến đạo đức, thành thật với người tiêu dùng, chú trọng hoạt động sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường.

Trung Quốc

Trung Quốc là đất nước rộng lớn với tổng diện tích đất hơn 9,3 triệu km2 và dân số đến ngày 17/11/2021 là 1.445.841.293. Kinh tế Trung Quốc nói chung, nông nghiệp nói riêng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Trên thực tế, phần lớn đất canh tác đều được sử dụng để trồng cây lương thực nên Trung Quốc nằm trong nhóm các quốc gia sản xuất hàng đầu về lúa gạo, khoai tây, lúa mì, kê, lạc và thịt lợn. Trung Quốc rất chú trọng phát triển nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu 1,4 tỷ dân trong nước và hướng ra xuất khẩu. Trong các vấn đề phát triển nông nghiệp, phát triển bền vững nông nghiệp trong điều kiện dân số lớn, mức tăng cao về tuyệt đối đã từng bước được chú trọng, nhất là những năm gần đây. Cụ thể:

Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Trước tiên, có thể kể đến là chính sách đầu tư xây dựng một cơ chế để phát triển công nghiệp và đô thị thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Sự phân phối thu nhập quốc dân được điều chỉnh tăng cho nông nghiệp và nông thôn.

Trung Quốc đã xóa bỏ thuế nông nghiệp với mức 133,5 tỷ NDT mỗi năm, tạo động lực khuyến khích người dân đầu tư phát triển nông nghiệp. Năm 2020 đánh dấu năm bội thu thứ 17 liên tiếp của Trung Quốc với sản lượng ngũ cốc đạt gần 670 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm 20194. Trung Quốc là nước thực hiện khá tốt chính sách hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tại vùng trồng lương thực. Ngoài ra, còn hỗ trợ cho mua hạt giống chất lượng cao và máy nông nghiệp, hỗ trợ tư liệu sản xuất nông nghiệp.

Để phát triển bền vững nông nghiệp, Trung Quốc đã chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Sau khi Chương trình Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao quốc gia được thiết lập, công nghệ nông nghiệp cao ở Trung Quốc đã phát triển nhảy vọt, trước hết là ở khâu giống. Nông nghiệp Trung Quốc đã có những đột phá tại công nghệ chủ chốt, như: công nghệ sản xuất cây trồng hiệu quả an toàn, công nghệ nhân giống động vật khỏe mạnh, công nghệ bảo tồn nước, công nghệ thông tin trong nông nghiệp và nông nghiệp kỹ thuật số, công nghệ giám sát môi trường và công nghệ xử lý sinh học, công nghệ thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, công nghệ chế biến nông sản, công nghệ chuyển đổi năng lượng sinh học và các sản phẩm khoa học – kỹ thuật được tạo ra như: vắc xin, công nghệ gen chọn lọc, phân bón sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, cơ sở dữ liệu nông nghiệp, hệ thống thông tin nông nghiệp, đã nâng cấp các công nghệ công nghiệp và hình thành các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, Trung Quốc đã khá chú trọng tới vấn đề nông dân. Sau cải cách mở cửa, chính sách khẳng định chủ thể sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nông dân với những cải cách kinh tế ở nông thôn đã tạo ra bước phát triển vượt bậc trong nông nghiệp Trung Quốc. Trung Quốc cũng rất quan tâm đến cải cách chính sách thuế. Nhiều loại thuế đã được giảm từ năm 2000 – 2004 và giảm chỉ còn một nửa, việc thiếu hụt ngân sách địa phương do miễn giảm thuế được trung ương bù. Việc cắt giảm nhiều loại thuế, chỉ còn ba loại thuế: thuế nông nghiệp, phí hành chính và phí thực hiện các công việc chung đã giảm bình quân 30% gánh nặng cho nông dân.

Kinh nghiệm của các địa phương ở I-xra-en

Đất nước I-xra-en diện tích chỉ rộng khoảng 21.639 km2, Dân số hiện tại của I-xra-en là 8.840.871, đất canh tác rất ít, chỉ chiếm 18,3% tổng diện tích, không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, lượng mưa ít, nhưng I-xra-en có nền kinh tế phát triển với trình độ cao5. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, I-xra-en không những sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp và công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp ra thế giới. Một trong các nguyên nhân để nông nghiệp I-xra-en thành công đó là áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, khắc phục các điều kiện thời tiết khắc nghiệt để phát triển nông nghiệp một cách hiệu quả và bền vững. I-xra-en là một đất nước không có tài nguyên nước nhưng lại có công nghệ tiết kiệm nước, xử lý nước rất tốt để phục vụ cho phát triển nông nghiệp xanh. Tổng kết kinh nghiệm PTNNBV qua đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho thấy, I-xra-en đã giải quyết tốt các vấn đề sau:

Một là, xác định rõ các chức năng quản lý nhà nước đối với nông nghiệp và xây dựng các nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đưa cơ quan này trở thành một “đầu tàu” trong việc dẫn dắt, chỉ đạo, kiểm tra, khuyến khích các hoạt động nông nghiệp nói chung và công nghệ nông nghiệp nói riêng, vừa bảo đảm hiệu quả vừa rất cập nhật. Các nhiệm vụ chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là: (1) Hướng dẫn và đào tạo nghề; (2) Bảo vệ đất, trong đó chú trọng hướng dẫn nông dân và giúp họ trong các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ chất lượng và độ màu mỡ của đất, chống ngập lụt, chống hạn hán; (3) Cung cấp các thông tin nghiên cứu chiến lược về kinh tế hữu ích và cập nhật về thị trường nông sản toàn cầu; làm tốt các dịch vụ thú y; bảo hộ cho vật nuôi, kiểm soát và bảo vệ thực vật; (4) Sử dụng côn trùng thân thiện với môi trường; (5) Khuyến khích vốn đầu tư cho nông nghiệp.

Hai là, chú trọng phát triển các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, các cơ quan nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) phục vụ nông nghiệp. Hiện nay, I-xra-en có khoảng 10 cơ quan nghiên cứu nông nghiệp lớn, tiêu biểu là Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp (ARO), Cơ quan Nghiên cứu nông nghiệp (hay còn gọi là Trung tâm Volcani) đều thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa Nông nghiệp thuộc Trường Đại học Hebrew… Trong các đơn vị đó, ARO là cơ quan nghiên cứu nông nghiệp tiêu biểu, chịu trách nhiệm tới 75% các nghiên cứu nông nghiệp toàn quốc và cũng được đánh giá là đơn vị hậu thuẫn cho các thành công lớn về nông nghiệp của I-xra-en trên trường quốc tế6.

Ba là, Chính phủ I-xra-en đã đẩy mạnh đầu tư và thu hút đầu tư cho khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó đầu tư kinh phí cho hoạt động R&D từ ngân sách chính phủ, chủ yếu thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm; từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp khác từ nước ngoài. Vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm này đổ vào cho các công ty khởi nghiệp, các dự án R&D đang thực hiện hoặc mới chỉ là các dự án R&D khả thi.

Kinh nghiệm quan trọng nhất của I-xra-en để xây dựng được một nền nông nghiệp hiện đại là đầu tư cho khoa học – kỹ thuật, phục vụ trực tiếp cho phát triển nông nghiệp, với những quyết sách táo bạo. Mặc dù Chính phủ không ưu đãi đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp nhưng I-xra-en là một trong những nước có mức đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp thuộc loại lớn nhất thế giới, với gần 100 triệu USD mỗi năm, chiếm khoảng 3% tổng giá trị sản lượng nông nghiệp quốc gia7. Nguồn kinh phí đó được cung cấp trực tiếp cho việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ứng dụng và các nhà đầu tư giữ bản quyền sáng chế. Phần lớn các nghiên cứu đều do những công ty sản xuất sản phẩm đầu vào, như: hệ thống tưới tiêu, phân bón, nhà kính… triển khai nghiên cứu.

Bốn là, Chính phủ đã tăng cường phối hợp giữa Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà tư vấn – Nhà nông. Xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các nhà trong sự phối hợp đó.

Năm là, chú trọng phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp đặc trưng I-xra-en. Nông nghiệp I-xra-en được cấu thành dựa trên sự hợp tác của các cơ sở nông nghiệp được phát triển từ đầu thế kỷ XX. Các mô hình hợp tác được quy định cụ thể trong Đăng ký Hợp tác quốc gia.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam để phát triển nông nghiệp bền vững

Qua nghiên cứu về kinh nghiệm PTNNBV tại một số quốc gia trên thế giới, để phát triển một nền nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, chúng ta cần:

Thứ nhất, phát huy vai trò quản lý nhà nước của Chính phủ đối với nông nghiệp, từ quy hoạch đến xây dựng chiến lược là cơ sở cho PTNNBV khi triển khai trên thực tế.

Thứ hai, các quốc gia đều khai thác khá tốt các tác động tích cực do công nghiệp hóa, hiện đại hóa mang lại. Trung Quốc là quốc gia khai thác tốt mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, triển khai tốt vấn đề “tam nông”, nhất là xây dựng và khai thác tốt các công trình hạ tầng nông thôn. Các công trình vừa nâng cao năng lực kinh tế, nông nghiệp, nông thôn, vừa góp phần hạn chế các tác động tiêu cực của tự nhiên đến các hoạt động nông nghiệp như kinh nghiệm của Thái Lan có chiến lược xây dựng và phân bổ hợp lý các công trình thủy lợi lớn phục vụ cho nông nghiệp.

Thứ ba, tại các nước nghiên cứu, vai trò của Nhà nước, của Chính phủ được thể hiện ở ban hành các chính sách định hướng, khuyến khích nông nghiệp phát triển bền vững, như: chính sách đầu tư, chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao… Về vấn đề này, kinh nghiệm của Trung Quốc, I-xra-en và Thái Lan đều thể hiện ở những mức độ khác nhau, trong đó vai trò của Chính phủ I-xra-en trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, của Thái Lan trong khai thác lợi thế so sánh, kết nối thị trường, của Trung Quốc trong hỗ trợ thuế… thể hiện rất rõ.

Thứ tư, để PTNNBV, các quốc gia nghiên cứu đều phát triển theo hướng khai thác lợi thế so sánh nhằm sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, (nhất là tài nguyên thiên nhiên). Thái Lan có chương trình mỗi làng một sản phẩm và có chiến lược phát triển nông nghiệp xanh,.. đã mang lại lợi ích lớn trong khai thác tài nguyên, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản.

Thứ năm, tuy ở những mức độ khác nhau nhưng các quốc gia đều chú trọng đến vấn đề môi trường, xử lý khá tốt các tác động tiêu cực do công nghiệp hóa, hiện đại hóa cao gây nên, trong đó vấn đề quy hoạch, vấn đề phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được tổng kết và đã thể hiện khá rõ. Ngoài ra, Thái Lan còn chú trọng đến bảo hiểm, chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm; Trung Quốc chú ý đến công nghệ giám sát môi trường, và nâng cao vai trò chứng nhận quốc tế về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); I-xra-en chú ý đến bảo vệ đất trước sự tác động của các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và ô nhiễm do hoạt động công nghiệp gây nên…

Thứ sáu, hầu hết các quốc gia đều chú trọng đến liên kết và gắn bó các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; hình thành chuỗi giá trị nông sản. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp không chỉ giải quyết được vấn đề đầu ra, mà còn tạo các điều kiện để tiêu thụ nông sản ổn định, nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản. Thái Lan đã đồng bộ hóa các chính sách, bảo đảm tính liên thông từ sản xuất đến bao tiêu xuất khẩu, giảm rủi ro cho nông dân; Trung Quốc mở rộng các quan hệ của kinh tế thị trường thay cho các quan hệ truyền thống; I-xra-en chú trọng liên kết 4 nhà (Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông) trong phát triển nông nghiệp, chú trọng phát triển các hợp tác xã nông nghiệp. Tất cả những vấn đề đó đều hướng đến mở rộng các quan hệ liên kết, PTNNBV.

Chú thích:
1, 2. Nông nghiệp – “trụ đỡ” của nền kinh tế Thái Lan. https://bnews.vn, ngày 15/4/2020.
3. Dân số Trung Quốc. https://danso.org, ngày 18/11/2021.
4. Trung Quốc đảm bảo tổng sản lượng ngũ cốc trên 650 triệu tấn vào năm 2021. https://bnews.vn, ngày 24/12/2020.
5. Dân số Israel. https://danso.org, ngày 18/11/2021.
6. Sản xuất nông nghiệp bền vững ở Israel và hàm ý chính sách cho Việt Nam. http://mtapchikhxh.vass.gov.vn, ngày 25/6/2019.
7. Sản xuất nông nghiệp bền vững ở Isarel và hàm ý chính sách cho Việt Nam. https://skhcn.kontum.gov.vn, ngày 26/12/2019.
TS. Lê Khánh Cường
Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội