Cần tạo điểm tựa vững chắc cho cán bộ năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung – Đây chính là khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ.

 

Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (nguồn: nhandan.vn).

 1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”2; “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”3. Như vậy đủ thấy, yếu tố cán bộ thật sự quan trọng đến việc phát triển hay thành bại của mỗi đoàn thể, cơ quan, tổ chức. Trong đánh giá, lựa chọn cán bộ phải trọng dụng cán bộ năng động, sáng tạo; phải hết sức tạo điều kiện cho cán bộ đột phá, đổi mới, sáng tạo, cống hiến vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.

Cán bộ thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Sự nghiệp cách mạng thành công, người cán bộ phải đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm; dám xả thân vì sự nghiệp chung. Nhất là, trong công cuộc kiến thiết đất nước, để loại bỏ những cái cũ, cái lạc hậu, kiên quyết chống lại tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong xã hội, rất cần đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm những việc mới, việc khó thì mới tạo ra chuyển biến tích cực, thúc đẩy sự phát triển cho đất nước, quê hương.

Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định, cán bộ là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng ta luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; tạo môi trường, điều kiện để cán bộ phát huy tối đa phẩm chất, năng lực trong xây dựng đường lối, lãnh đạo và tổ chức thực hiện thành công đường lối chính trị đi vào đời sống Nhân dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV (năm 1976) đã nêu vấn đề: “cần đấu tranh loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán”. Đến Đại hội lần thứ V (năm 1980), Đảng ta nhấn mạnh cần đặc biệt coi trọng việc phát hiện và đưa vào đội ngũ cán bộ những người trung thực đã dám vì sự nghiệp chung mà vạch trần khuyết điểm, bảo vệ chân lý; cần phải tập hợp được những cán bộ có tinh thần dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ.

Trải qua các kỳ Đại hội của Đảng, từ Đại hội VI (năm 1986) đến Đại hội XIII (năm 2021), tinh thần xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám xả thân vì sự nghiệp chung luôn được Đảng ta đặc biệt coi trọng. Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đã chỉ rõ nhiệm vụ cần phải bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung… Đến Đại hội XIII, Đảng ta một lần nữa khẳng định: có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung

Thực tiễn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, để lại dấu ấn đậm nét, tạo sự đột phá về mọi mặt trong đời sống xã hội, được Nhân dân tin tưởng và yêu mến. Lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại cũng đã từng có tấm gương những người cán bộ lãnh đạo bản lĩnh, sáng tạo và quyết đoán trong từng quyết sách, như: Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc- người khởi xướng chủ trương “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc những năm 1966-1968 với những đổi mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp; Tổng Bí thư Trường Chinh với đổi mới tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) tại Long An với quyết định đổi mới tư duy, thực hiện “cơ chế một giá theo thị trường”; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất, mọi thành phần kinh tế sản xuất bung ra, cải tiến lưu thông, phân phối để thúc đẩy sản xuất phát triển, với “những việc cần làm ngay”; những quyết định “xé rào, bung ra” của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt; của Chủ tịch UBND Thành phố Mai Chí Thọ và các lão thành cách mạng đã mạnh dạn cho phép nhà máy, xí nghiệp thử nghiệm “Kế hoạch 3 phần”; của bà Nguyễn Thị Ráo (bà Ba Thi) phá rào thu mua gạo, bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước, góp phần quyết định lo đủ gạo ăn cho 4 triệu dân của Thành phố mang tên Bác từ cuối thập niên 1970 đến thập niên 1980…

Đặc biệt, trong đại dịch Covid – 19, lãnh đạo Quận 7, lãnh đạo huyện Củ Chi của TP. Hồ Chí Minh đã “xé rào” sử dụng các loại thuốc kết hợp đông y và tây y cho các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà; đưa bồn ôxy công nghiệp vào bệnh viện, mô hình điều trị tam giác… Nhờ đó, Quận 7 cùng huyện Củ Chi là hai địa phương đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh công bố tạm thời kiểm soát được dịch Covid-19 vào thời điểm đầu tháng 9/2021…5

Bí thư Quận ủy Quận 7 Võ Khắc Thái (đứng)- Người đã mạnh dạn “xé rào” trong phòng, chống dịch Covid – 19 tại TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Cổng TTĐT UBND Quận 7).

Như vậy, những cán bộ lãnh đạo kể trên chính là minh chứng sinh động cho thấy: từ trong thực tiễn đã và luôn xuất hiện những cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà còn phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, luôn sáng tạo trong suy nghĩ và việc làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước, của Nhân dân.

Tuy nhiên, sự thiếu đồng bộ trong cơ chế, chính sách; sự duy ý chí theo lối tư duy cũ, ngại đổi mới, ngại thay đổi đã bó buộc, thậm chí triệt tiêu sức sáng tạo, bầu nhiệt huyết của không ít cán bộ. Chưa có khuôn khổ pháp lý để bảo vệ những cán bộ thật sự suy nghĩ, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc mà “xé rào”, khiến nhiều cán bộ tài năng, tâm huyết bị nhụt chí, không dám đổi mới, sáng tạo; không dám xả thân vì lợi ích chung.

Việc ban hành cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung; có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với công tác cán bộ, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước. Cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải thật sự tạo động lực cho sự bứt phá, thay đổi để khơi dậy mạnh mẽ ý chí khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vì Nhân dân để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

2. Từ yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, Kết luận số 14-KL/TW ban hành ngày 22/9/2021 của là tất yếu khách quan trở thành điểm tựa vững chắc cho đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là bước đi cụ thể hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”: dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đã mở đường để chủ trương được thể chế hóa thành quy định pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc khuyến khích và bảo vệ cán bộ. Đồng thời, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, ích kỷ cá nhân, cơ hội, lợi ích nhóm; không dám nghĩ, không dám làm, không dám sáng tạo, đổi mới và không dám chịu trách nhiệm khi gặp sai lầm, khuyết điểm; tạo nên những “vùng né”; thụ động chấp hành mệnh lệnh, thậm chí là mệnh lệnh chưa đúng, làm cho những cơ hội đột phá, sáng tạo để phát triển quê hương, đất nước bị mất thời cơ, mất tính sáng tạo và đột phá.

Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, tập trung vào những nội dung cơ bản4:

Một là, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Hai là, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Ba là, đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác.

Bốn là, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Năm là, định kỳ sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp thí điểm, đổi mới, sáng tạo có hiệu quả.

3. Để thực hiện hóa Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, tại mỗi cơ quan, đơn vị cần phải thực hiện một số biện pháp sau đây:

Thứ nhất, cần  cụ thể hóa Kết luận 14 thành các quy định, quy chế cụ thể, nhất là bổ sung hoàn thiện các quy chế, như: quy chế làm việc; quy chế dân chủ; quy chế thi đua khen thưởng… tạo cơ sở, công cụ pháp lý cho việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ, năng động sáng tạo vì lợi ích chung. Việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo phải trở thành nề nếp, trở thành văn hóa trong suy nghĩ và hành động của mỗi cán bộ trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, loại bỏ tình trạng ghen ghét, đố kỵ, phân bì “trâu buộc ghét trâu ăn”; phủ nhận sạch trơn mọi công lao, đóng góp của những cán bộ đi tiên phong làm những việc mới, việc khó, nhất là những việc không có trong tiền lệ, thậm chí “xé rào” vì lợi ích của tập thể, của Nhân dân.

Thứ hai, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phải thật sự tiêu biểu về tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; công tâm khách quan sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường để phát huy tính năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng môi trường làm việc tạo động lực cho cán bộ rèn luyện, phấn đấu, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung. Trong môi trường làm việc, cấp trên tin tưởng cấp dưới, cấp dưới tin tưởng vào sự định hướng, chỉ đạo của cấp trên; đồng chí, đồng nghiệp tin tưởng lẫn nhau, xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong nhận thức và hành động; sáng tạo, đổi mới vì sự nghiệp chung.

Thứ ba, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, gắn tuyên dương, khen thưởng với nhân rộng các điển hình cán bộ về những việc làm hay, thiết thực, hiệu quả vì lợi ích của tập thể để tạo động lực cho cán bộ năng động, sáng tạo; dám tiên phong làm những việc mới, việc khó trong thực thi nhiệm vụ.

Thứ tư, mỗi cán bộ phải thật sự cầu thị “nhìn cho kỹ, nghĩ cho chín”; xây dựng phong cách làm việc gần dân, sát dân để học dân, hiểu dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân; vì sự nghiệp chung của mỗi cơ quan, đơn vị để phát huy tính năng động, sáng tạo, dám dấn thân vào những việc khó, việc mới để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, bản thân phải thật sự là điểm tựa khuyến khích, ủng hộ những cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống lại những biểu hiện lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện lợi ích cá nhân, vị kỷ, hay đố kỵ.

Đặc trưng giai đoạn tới của công cuộc đổi mới càng đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo. Công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu với quyết tâm bứt phá hiện nay càng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, để những mục tiêu Đại hội XIII đã xác định mới đạt kết quả cao. Đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn là chìa khóa để thực hiện các chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học – công nghệ… mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Chú thích:
1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 269, 240.
3. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 46.
4. Kết luận số14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
5. Mô hình “xé rào” chống dịch của Bí thư quận 7. http: baoquankhu7.vn, ngày 10/9/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia, 2021.
2. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảngvề tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
3. Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị: Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, http://dukcqtw.dcs.vn, ngày 08/12/2021.
TS. Lê Văn Phong – ThS. Lê Thị Huyền
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa