Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam – Trung Quốc và kinh nghiệm trong xây dựng chính sách mới ở khu vực khai thác chung Vịnh Bắc Bộ

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam – Trung Quốc (2004 – 2019) hết hiệu lực vào ngày 30/6/2020. Sau khi Hiệp định hết hiệu lực, Việt Nam có các chính sách phù hợp đối với công tác quản lý hoạt động của ngư dân tại khu vực này, đồng thời, thúc đẩy sự phát triển bền vững thủy sản trên vịnh Bắc Bộ, tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hội thảo đánh giá 15 năm thực thi Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc, ngày 31/3/2019. Ảnh: dantri.com.vn
Cơ sở pháp lý về hợp tác nghề cá tại vịnh Bắc Bộ

Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam – Trung Quốc (2004 – 2019) hết hiệu lực vào ngày 30/6/2020. Sau khi Hiệp định hết hiệu lực, Việt Nam có các chính sách phù hợp đối với công tác quản lý hoạt động của ngư dân tại khu vực này, đồng thời, thúc đẩy sự phát triển bền vững thủy sản trên vịnh Bắc Bộ, tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ngày 25/12/2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ. Hiệp định hợp tác nghề cá với 7 phần, 22 điều và 1 phụ lục về tránh nạn khẩn cấp cùng các văn kiện bổ trợ khác. Nội dung chủ yếu của hiệp định là xác lập vùng đánh bắt chung, vùng nước dàn xếp quá độ và vùng đệm cho tàu cá nhỏ cũng như các nguyên tắc cơ bản về hoạt động đánh cá diễn ra tại những khu vực này. Ngoài ra, để thực hiện có hiệu quả Hiệp định hợp tác nghề cá, hai bên đã ký kết Nghị định thư bổ sung vào ngày 29/4/2004 giữa đại diện Chính phủ Việt Nam và đại diện Chính phủ Trung Quốc; Ủy ban nghề cá được thành lập theo Hiệp định đã ban hành thêm Quy định về bảo tồn và quản lý nguồn thuỷ sản trong vùng đánh cá chung ngày 29/4/2004.

Khu vực quản lý chung theo Hiệp định hợp tác nghề cá và các văn bản liên quan ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc chia thành ba khu vực: vùng đánh cá chung có thời hạn 15 năm (trong đó có 12 năm chính thức và 3 năm tự động gia hạn); vùng dàn xếp quá độ có thời hạn 4 năm và vùng đệm cho tàu cá nhỏ tại cửa sông Bắc Luân. Ngày 30/6/2020, Hiệp định chính thức hết hiệu lực sau 15 năm thi hành phát huy tác dụng điều chỉnh quan hệ về nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc tại vùng đánh cá chung. Thời hạn của vùng đánh cá chung là 12 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và 3 năm mặc nhiên gia hạn. vùng đệm cửa sông Bắc Luân có chiều dài tính từ điểm đầu tiên của đường phân định kéo về phía Nam theo đường phân định 10 hải lý, chiều rộng lùi về mỗi phía 3 hải lý tính từ đường phân định và được xác định bởi đoạn thẳng nối 7 điểm theo như quy định tại Điều 12 của Hiệp định.

Nhằm xây dựng quy chế trong vùng đánh cá chung cũng như giám sát việc thực hiện hiệp định một cách có hiệu quả, hai bên ký kết đã thống nhất thành lập Ủy ban Liên hợp Nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt – Trung (gọi tắt là Ủy ban Liên hợp Nghề cá theo quy định tại Phần V Điều 13 của Hiệp định). Theo đó, Ủy ban này gồm một đại diện do Chính phủ bên ký kết, mỗi bên bổ nhiệm và một số ủy viên với số lượng tương đương từ mỗi bên; những ủy viên này là các chuyên viên thuộc Cục Thủy sản, Bộ Công an, Ủy ban Bảo vệ biên giới cũng như lực lượng hải quân của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Ý nghĩa của kết quả sau 15 năm thực thi Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc

Đến nay, sau quá trình thực thi kéo dài 15 năm và 1 năm gia hạn, Hiệp định mang ý nghĩa thực tiễn quan trọng, là “Điểm sáng trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước”. Hai bên đã thực hiện tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân, cấp giấy phép khai thác cũng như tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá tại các vùng nước thuộc Hiệp định vịnh Bắc Bộ để bảo đảm duy trì trật tự an ninh trong khu vực hợp tác nói riêng và trên Biển Đông nói chung. Ngoài ra, hai bên còn tích cực thực hiện các chương trình nghiên cứu chung nhằm phát triển và bảo tồn nguồn tài nguyên trong vịnh – tạo ra tiền đề tốt đẹp cho việc giải quyết các tranh chấp còn tồn tại cũng như triển vọng hợp tác sau này. Sự thành công của Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng tạo nên bước đà cho việc áp dụng mô hình này trong việc giải quyết các vấn đề về phân định biển giữa Việt Nam và một số nước láng giềng như: Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a…

Khi Hiệp định về nghề cá hết hiệu lực, vùng đánh cá chung chính thức bị xóa bỏ, hai phía Việt Nam và Trung Quốc cần phải chấp hành đầy đủ nội dung hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ năm 2000 để xử lý tất cả các quan hệ kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng xảy ra trong phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình1. Đồng thời, để các lực lượng chức năng có thể xác định các hành vi vi phạm tại các khu vực vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia, Chính phủ cần đưa ra tuyên bố xác định đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải tại khu vực vịnh Bắc Bộ.

Đối với tuyên bố về đường cơ sở của Việt Nam năm 1982, cần bổ sung và chỉnh sửa phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982. Trong thời gian tới, Chính phủ hai bên có thể tiến hành đàm phán, xây dựng một hiệp định mới với mục đích quản lý hoạt động khai thác chung tại khu vực vịnh Bắc Bộ dựa trên những quy định trong hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ năm 2000 với tinh thần hợp tác, bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Từ kết quả của Hiệp định đến kinh nghiệm trong xây dựng chính sách mới đối với khu vực khai thác chung tại vịnh Bắc Bộ

Hiện nay, đối với hoạt động khai thác chung, Nhà nước thể hiện vai trò bằng cách tăng khả năng tiếp cận các thông tin về việc thực hiện của những người có giấy phép hoặc chủ thể của hợp đồng hoặc áp dụng những ảnh hưởng của chính sách đối với các hoạt động. Sự giám sát, quản lý của Nhà nước thực hiện thông qua việc cử thành viên là đại diện của Chính phủ tham gia ủy ban quản lý để quyết định các chương trình làm việc, kế hoạch khai thác và các khoản tài chính2.

Cụ thể hơn, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực biển và hải đảo trong khu vực vịnh Bắc Bộ, trong thời gian tới, Chính phủ cần thực hiện một số những biện pháp cần thiết để đạt được mục đích quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển.

Chính sách, pháp luật về biển của các quốc gia là cơ sở pháp lý nền tảng để hình thành các khu vực khai thác chung. Những chính sách này mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc điều chỉnh các vấn đề hợp tác, thành lập các cơ quan quản lý, xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ khai thác chung. Chính phủ cần tăng cường rà soát, cập nhật những quy định trong hệ thống chính sách về biển với mục tiêu bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế và điều kiện thực tiễn trong khu vực vịnh Bắc Bộ.

Hoạt động quản lý nguồn lực tài chính, nguồn lực tham gia vào quan hệ khai thác chung đóng vai trò quan trọng. Nâng cao điều kiện kinh tế – xã hội, cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực của quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo để điều kiện nhân tố của các bên tham gia khai thác chung không quá chênh lệch thì trong quá trình đàm phán, thương lượng, sẽ thuận lợi ít phát sinh những vấn đề khó giải quyết. Đây là yếu tố bảo đảm thành công của hoạt động khai thác chung.

Chính phủ ban hành những chính sách tuyên truyền, đẩy mạnh nhận thức cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chủ trương, giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển, khai thác tài nguyên biển, tăng cường công tác quản lý chặt chẽ hoạt động của ngư dân sau khi vùng đánh cá chung bị xóa bỏ. Trong thực tiễn, cần đẩy mạnh hoạt động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố ven biển và các cơ quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho các ngư dân ở trên biển thông qua các buổi tiếp xúc tại địa phương, phát tờ rơi tuyên truyền, phát sóng thông qua các kênh truyền thông như báo đài về thông tin trên biển, xác định khu vực nào là khu vực ngư dân được phép khai thác sau khi hiệp định nghề cá hết hiệu lực, tránh việc khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài. Cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời phát hiện các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về Việt Nam3. Từ đó, ngư dân sẽ tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trong vùng biển vịnh Bắc Bộ.

Việt Nam và Trung Quốc cần đàm phán những thỏa thuận mới tại khu vực vùng chồng lấn nằm ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Việc này đòi hỏi trình độ của đội ngũ chuyên gia đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, bởi những chuyên gia này sẽ tham gia vào quá trình đàm phán, ký kết thực thi các thỏa thuận, từ đó tạo tiền đề phát triển bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các quốc gia. Do đó, Chính phủ cần xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi để huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển khoa học – công nghệ, nguồn nhân lực và chuyển giao tri thức về biển, đồng thời, kiện toàn, đổi mới tổ chức, vận hành hiệu quả tổ chức quản lý tổng hợp, thống nhất.

Hoạt động khai thác ở biển tác động trực tiếp tới rất nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau như quản lý tài nguyên môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh – quốc phòng trên biển, giao thông vận tải biển… Vì vậy, cần sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, tổ chức ở nhiều cấp để thực hiện hiệu quả các thoả thuận quốc tế về khu vực khai thác chung tại vịnh Bắc Bộ. Đồng thời, cần thiết lập các cơ chế hợp tác ở phạm vi quốc tế để thực thi hiệu quả các thỏa thuận ở khu vực này, đồng thời bảo đảm được một cơ chế chung, đồng bộ, thống nhất giữa các quốc gia liên quan.

Ngoài việc ban hành các chính sách phù hợp trong việc quản lý nhà nước đối với  các hoạt động hợp tác tại khu vực đánh cá chung ở vịnh Bắc Bộ, Chính phủ cần tập chung một số các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, việc bảo tồn và quản lý một cách hiệu quả nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật biển tại khu vưc vịnh Bắc Bộ là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng. Về khuôn khổ pháp lý, cần có các điều ước quốc tế song phương không chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn cần những hiệp định đa phương và khu vực tạo hành lang cho các quốc gia trong việc khai thác và bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên trên biển. Ban hành những chính sách phù hợp dành cho hoạt động gìn giữ, nuôi trồng thủy hải sản, xác định định mức đánh cá hàng năm cho phép khai thác. Hơn thế, việc thiết lập các hiệp định song phương về nghề cá có thể góp phần tạo cơ sở cho việc hợp tác khu vực.

Thứ hai, các quốc gia cần quản lý và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường biển, tiến hành hợp tác trong khu vực vịnh Bắc Bộ là thực sự cần thiết với mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy nỗ lực của các quốc gia thành viên trong việc quản lý và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ khu vực trên cơ sở độc lập và lâu dài. Trên thực tiễn, các quốc gia thành viên chưa ký kết vào bất kỳ một văn bản có giá trị ràng buộc về việc bảo vệ môi trường biển hay chưa có hệ thống giải quyết tranh chấp ràng buộc nên cần sự tận tâm thiện chí của các quốc gia này với mục tiêu thực hiện theo đúng pháp luật quy định.

Thứ ba, trong lĩnh vực an toàn hàng hải, ở cấp độ hợp tác song phương, Trung Quốc và Việt Nam cần thảo luận những vấn đề có thể hợp tác trong tương lai nhằm chống lại nạn cướp biển và buôn lậu chất ma túy,   cần thành lập những đội tuần tra chung đặc biệt.

Thứ tư, hiệp định Việt – Trung về phân định ranh giới trên biển và Hiệp định hợp tác về nghề cá trong vịnh Bắc Bộ là một thành công trong việc phân định biển, trở thành tiền đề, bài học kinh nghiệm cho các quốc gia khác tiến hành đàm phán đối với khu vực vùng biển quốc gia mình. Do đó, sau khi Hiệp định hết hiệu lực, cần xây dựng nhiều hơn các điều ước quốc tế nhằm phân định ranh giới trên biển giữa các quốc gia có vùng biển chồng lấn. Việc xây dựng các hiệp định hợp tác mới tại khu vực chồng lấn sẽ đóng vai trò tăng cường hợp tác nghề cá trong khu vực tranh chấp, là chất keo gắn kết để đi đến nhất trí chung trong việc xác định rõ phạm vi và tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho thỏa thuận phân định phân định biển giữa hai bên.

Chú thích:
1. Hợp tác nghề cá trên biển Đông, nắm tay vượt qua thách thức. Tạp chí Người đưa tin của Hội Luật gia Việt Nam. https://www.nguoiduatin.vn, ngày 01/4/2019.
2. Nguyễn Bá Diến. Hợp tác khai thác chung trong Luật Biển quốc tế hiện đại. Những vấn đề lý luận và thực tiễn. H. NXB Tư pháp, 2010.
3. Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho ngư dân khai thác thủy sản ở trên biển. https://haiquanonline.com.vn, ngày 28/7/2021.
ThS. Nguyễn Phương Thảo
Học viện Cảnh sát nhân dân