Điểm mới về mục tiêu, định hướng phát trển đất nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Những thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới là những minh chứng thuyết phục để khẳng định tính đúng đắn trong vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện đất nước và bối cảnh quốc tế ngày nay. Qua mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta lại có bước phát triển mới về vấn đề căn cốt này. Đại hội XIII là một dấu mốc quan trọng, đã dành sự quan tâm hàng đầu cho lý luận và thực tiễn quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN
Thành tựu đạt được trong thực hiện mục tiêu chủ nghĩa xã hội

Báo cáo Chính trị của Đại hội XIII dành sự quan tâm hàng đầu cho lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta. Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đảng ta xác định 8 đặc trưng của XHCN ở nước ta, trong đó đặc trưng hàng đầu, mang tính mục tiêu xuyên suốt của CNXH Việt Nam là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đến nay, Đảng cũng nhất quán xác định 8 phương hướng cơ bản của con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, vừa quán triệt sâu sắc bản chất của CNXH khoa học, vừa bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại.

Văn kiện Đại hội XIII đã cụ thể hóa những kết quả, thành tựu trong thực hiện mục tiêu CNXH và bảo đảm định hướng XHCN thời gian qua.

(1) Về kinh tế, nhận thức nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN ngày càng đầy đủ hơn; doanh nghiệp nhà nước từng bước được sắp xếp, tổ chức lại có hiệu quả hơn; kinh tế tập thể từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường.

(2) Về chính trị – xã hội, tiếp tục phát huy dân chủ XHCN, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước; xây dựng Nhà nước pháp quyền (NNPQ) XHCN có nhiều tiến bộ, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; tổ chức bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp tiếp tục được hoàn thiện.

(3) Về xây dựng Đảng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”. Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới; ban hành và thực hiện nhiều quy định bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam tiếp tục được bổ sung, phát triển…

Hạn chế trong thực hiện mục tiêu, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới

(1) Về kinh tế, thể chế KTTT định hướng XHCN còn nhiều vướng mắc, bất cập. Đảng ta đã xác định những đặc trưng của nền KTTT định hướng XHCN, nhưng những tiêu chí cụ thể của từng đặc trưng chưa được làm sáng tỏ, gây ra nhiều cách hiểu, cách làm, cách đánh giá chưa thống nhất. Chủ trương xây dựng các quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp, được nêu ra từ Đại hội XI (năm 2011), đến nay còn nội dung vẫn chưa được làm rõ về nội hàm, tiêu chí, cách làm…

Quá trình sắp xếp lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chậm và không ít trường hợp bị nhìn nhận thành tư nhân hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa với thiên chức tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH, sau 3 thập kỷ thực hiện, như Đại hội đánh giá là chưa đạt được mục tiêu đề ra. Như vậy, cả cơ sở hạ tầng của hình thái kinh tế – xã hội XHCN (các quan hệ sản xuất) và cơ sở vật chất – kỹ thuật của CNXH (nền công nghiệp hiện đại) đều rất chậm, được làm rõ và chưa thành công. Có lẽ đây là hạn chế, yếu kém đáng lo ngại hàng đầu khi nói đến mục tiêu CNXH cũng như định hướng XHCN ở nước ta.

(2) Về văn hóa – xã hội, lần đầu tiên Đảng chỉ rõ hạn chế, yếu kém, là có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng XHCN về phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển KTTT. Trong đời sống văn hóa, tinh thần, giáo dục của đất nước hiện nay, gần như không thấy đề cập đến việc xây dựng con người XHCN, tạo lập các giá trị XHCN, văn hóa XHCN, thế giới quan và nhân sinh quan cộng sản… Thay vào đó là vô số những phong cách, khuynh hướng tân kỳ, lạ lẫm. Hoạt động tâm linh nhiều khi bị biến thành mê tín, dị đoan. Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống có trường hợp trở thành khôi phục hủ tục xưa cũ. Tiếp thu văn hóa bên ngoài ở nhiều nơi chỉ là sự sao chép vụng về. Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với tính chất là nền tảng tinh thần của xã hội XHCN ở Việt Nam, sẽ không thể vững vàng tiến bước trong bối cảnh đời sống văn hóa – xã hội và công tác văn hóa – tư tưởng thiếu định hướng.

(3) Về xây dựng Đảng và Nhà nước, Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ, thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng còn chưa nghiêm, thậm chí vi phạm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, trọng tâm là đối với Nhà nước còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Chính quyền là vấn đề cơ bản của sự nghiệp cách mạng, như Lênin đã cảnh tỉnh ngay từ những năm tháng đầu thế kỷ XX. Và với vấn đề cơ bản này, Đại hội XIII cũng đã rất thẳng thắn kiểm điểm: “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”1.

(4) Về tư duy lý luận, hạn chế nhiều năm nay chưa được khắc phục là: “Công cuộc đổi mới tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn cần phải tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là việc nhận thức, giải quyết đúng, hiệu quả các mối quan hệ lớn”2. Trong 10 mối quan hệ lớn hiện nay, có các mối quan hệ trực tiếp quyết định đến mục tiêu CNXH và bảo đảm định hướng XHCN. Đó là các quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ… Đây là các vấn đề chứa đựng mâu thuẫn biện chứng xuất hiện trong thực tiễn Việt Nam hiện nay, không có tiền lệ trong lịch sử phong trào XHCN thế giới, càng không có lời giải trong di sản kinh điển Mác-Lênin. Đảng và Nhân dân Việt Nam đã tự nhận thức, tổng kết thành lý luận và phải tiên phong tìm ra giải pháp kịp thời, hữu hiệu.

Định hướng mục tiêu phát triển đất nước trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN vào giữa thế kỷ XXI, chúng ta phải nhất quán KTTT định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, có sự quản lý của NNPQ XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước3.

Trên bình diện xã hội, Đại hội nêu rõ yêu cầu cần nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng XHCN trong các chính sách xã hội. Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện của Việt Nam trên cơ sở bảo đảm công bằng xã hội và các giá trị cơ bản của định hướng XHCN. Trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, cần chú trọng hơn đến bảo đảm định hướng XHCN; xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc XHCN. Thực chất, đây là tư duy, quan điểm về nhiệm vụ xây dựng con người XHCN – nhân tố không thể thiếu đối với sự nghiệp xây dựng CNXH như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh.

Đại hội XIII của Đảng ta đã chỉ rõ, phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện NNPQ XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Phát huy tính tích cực chính trị – xã hội của cựu chiến binh, cán bộ công an hưu trí trong xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Đại hội XIII dành sự quan tâm lớn đến công tác xây dựng Đảng, nhân tố quyết định thành bại của mục tiêu CNXH và định hướng XHCN trong quá trình đổi mới ở nước ta. Kiên định các nguyên tắc về xây dựng Đảng, nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới cũng như lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ và phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Đại hội XIII với nhiều tư duy, quan điểm đặc sắc về mục tiêu CNXH và định hướng XHCN trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã làm rõ, khẳng định tính đúng đắn của con đường quá độ lên CNXH ở nước ta. Đây là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Vấn đề không chỉ là mục tiêu, lý tưởng mà điều quan trọng là phải tìm ra giải pháp, bước đi, cách làm khoa học, sáng tạo nhằm thực hiện mục tiêu, lý tưởng đã xác định. CNXH mà chúng ta đang theo đuổi và hướng đến là CNXH khoa học, có sự phát triển và đổi mới đúng đắn trên tinh thần phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và quá trình phát triển thực tiễn của đất nước.

Chú thích:
1, 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 91, 103, 128.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam – Dùng cho bậc Đại học hệ không chuyên Lý luận chính trị. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Hội đồng Lý luận Trung ương. Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia, 2018.
3. Nguyễn Ngọc Long, Nguyễn Hữu Vui. Giáo trình triết học Mác-Lênin – Dùng trong các trường Đại học, Cao đẳng. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006.
4. Văn phòng Trung ương Đảng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
Lê Thị Hường
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên