Quản lý nhà nước đối với hoạt động của Phật giáo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

(Quanlynhanuoc.vn) – Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và xã hội, thời gian qua, hoạt động của tôn giáo, trong đó có Phật giáo của tỉnh Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, chức sắc, nhà tu hành và tín đồ Phật giáo tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sinh hoạt tôn giáo thuần túy, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo ở địa phương. Nhìn chung, Phật tử trên địa bàn tỉnh đều thực hiện đường hướng hành đạo gắn bó và đồng hành cùng dân tộc theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự năm 2021 và phương hướng hoạt động Phật sự năm 2022 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh tổ chức ngày 19/1/2022. Ảnh: phatgiaotayninh.vn

Tây Ninh là một trong 6 tỉnh miền Đông Nam Bộ, cách TP. Hồ Chí Minh 99 km về phía Tây, có đường biên giới với Cam-pu-chia dài hơn 240 km. Tây Ninh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 6 huyện với 94 đơn vị hành chính cấp xã. Tính đến ngày 01/4/2019, dân số toàn tỉnh Tây Ninh đạt 1.169.165 người, mật độ dân số đạt 268 người/km². Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Tây Ninh, có 21 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Tà Mun (được cho là hậu duệ của Vương quốc Phù Nam) ở Tây Ninh đang làm thủ tục để công nhận là dân tộc thứ 55 của Việt Nam1.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 5 tôn giáo chính, gồm: Cao Đài, Phật giáo, Công giáo, Tin Lành và Hồi giáo Islam, với 821.864 tín đồ (chiếm 70% dân số toàn tỉnh), 2.045 chức sắc, 8.445 chức việc, 361 cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Trong đó, Phật giáo toàn tỉnh có 142 cơ sở tự viện, gồm: 113 chùa Bắc tông, 6 chùa Nam tông Khơ-me, 1 Nam tông Kinh, 20 tịnh xá và 2 Niệm Phật đường, phân bố ở hầu hết các địa phương trong tỉnh và 1 trường trung cấp Phật học. Toàn tỉnh có 454 tăng, ni, gồm: Bắc tông 376 vị, Nam tông Khơ-me 20 vị, Nam tông Kinh 2 vị, Khất sĩ 56 vị và hơn 200.000 phật tử2.

Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của Phật giáo tại tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua

Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động của tôn giáo, Ban Tôn giáo – Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giữ mối liên hệ chặt chẽ với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, các chức sắc, tăng, ni nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của các chức sắc, phật tử trên địa bàn, qua đó kịp thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền phương hướng giải quyết các vụ việc phát sinh một cách phù hợp, không để xảy ra điểm nóng làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Với mối quan hệ của tỉnh với nước láng giềng Cam-pu-chia, Phật giáo Tây Ninh đã tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế với Phật giáo nước bạn tổ chức các đoàn cứu trợ, thăm, tặng quà cho người nghèo. Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo tỉnh cũng cử người tham gia các hoạt động Phật giáo mang tính quốc tế được tổ chức trong nước như Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc năm 2019 tại chùa Tam Chúc tỉnh Hà Nam. Tỉnh Tây Ninh luôn tạo điều kiện để các tôn giáo thực hiện việc giao lưu, trao đổi các đoàn quốc tế trên cơ sở các quy định của pháp luật. Các hoạt động giao lưu, thăm, tặng quà của Phật giáo tỉnh đã góp phần làm bền chặt thêm tình hữu nghị giữa Phật giáo hai nước, giữa chính quyền Tây Ninh với các tỉnh giáp biên của nước bạn.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo – Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo trên địa bàn tỉnh, về cơ bản, Phật giáo trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, tuân thủ đúng pháp luật, không phát sinh vụ việc phức tạp, điểm nóng. Đặc biệt, từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực đến nay, tình hình hoạt động của các tổ chức, cơ sở Phật giáo trong tỉnh diễn ra theo đúng thông báo danh mục hoạt động Phật sự diễn ra hằng năm (kể cả thông báo bổ sung) đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội và chủ trương hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, thời gian qua Phật giáo toàn tỉnh đã tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương bằng nhiều việc làm thiết thực, như: thăm, tặng quà cho các gia đình công nhân, hộ nghèo, hộ cận nghèo, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ xây dựng các lớp học tình thương cho đồng bào biên giới còn khó khăn, đặc biệt các hoạt động hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, bão lũ, công tác phòng chống dịch Covid-19… Chỉ tính riêng trong năm 2020, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Ban Trị sự các huyện, thị xã, thành phố cùng toàn thể tăng, ni, các cơ sở tự viện đã ủng hộ hơn 37 tỷ đồng góp phần cùng chính quyền tỉnh thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động tôn giáo trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, một số tổ chức, cá nhân ở nơi khác đến tự lập am, cốc mang tính tự phát cũng gây khó khăn cho công tác quản lý.

Một số giải pháp về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của Phật giáo

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, đưa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của Phật giáo trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu cần chú trọng thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục hướng dẫn chức sắc, tín đồ Phật giáo thực hiện tốt các chính sách, văn bản pháp luật về tôn giáo. Chính quyền các cấp cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để Phật giáo hoạt động theo đúng Hiến chương của Giáo hội và quy định của pháp luật về các hoạt động tôn giáo. Hướng dẫn cho các cơ sở tự viện các quy trình, thủ tục trong việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm; các quy trình, thủ tục về sửa chữa, xây dựng, giao đất mở rộng khuôn viên cơ sở thờ tự và các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo khác.

Thứ hai, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo nói chung, đồng bào phật tử nói riêng thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời, đẹp đạo, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh và thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh Tây Ninh phát động. Nghiên cứu, đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền nhằm tuyên tuyền sâu, rộng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến chức sắc, tín đồ, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hoạt động.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, nhất là ở cấp huyện, xã. Trong thời gian tới, Ban Tôn giáo – Dân tộc, Sở Nội vụ cần tham mưu UBND tỉnh mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về tôn giáo, trong đó có chuyên đề về Phật giáo. Các tài liệu nghiên cứu chính sách, pháp luật về tôn giáo cũng cần được cung cấp đẩy đủ cho đội ngũ làm công tác tôn giáo, đồng thời cung cấp các tài liệu liên quan đến giáo lý, giáo luật, đặc điểm của tôn giáo.

Thứ tư, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh nhất là ở cơ sở, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo nói chung và Phật giáo trong cán bộ, đảng viên nói riêng. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tiếp tục giữ mối liên hệ chặt chẽ với chức sắc Phật giáo, xây dựng và phát huy vai trò của chức sắc, nhà tu hành trong đồng bào Phật giáo. Gắn việc thực hiện các chính sách đối về Phật giáo với phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh.

Thứ năm, thường xuyên nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, đồng bào phật tử, đề xuất cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến Phật giáo ngay từ cơ sở, phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động, không để xảy ra điểm nóng.

Thứ sáu, Sở Nội vụ tỉnh cần xây dựng kế hoạch phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành và chủ động tổ chức kiểm tra các hoạt động tôn giáo, các địa điểm sinh hoạt tôn giáo, các công trình xây dựng,… qua đó phát hiện những vi phạm pháp luật để kịp thời xử lý. Hoạt động kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tôn giáo cần được duy trì thường xuyên. Có như vậy, hoạt động tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng mới đi vào nền nếp, qua đó góp phần ổn định, nâng cao đời sống đồng bào tôn giáo tại địa phương.

Chú thích:
1. Tỉnh Tây Ninh. https://vi.wikipedia.org, ngày 14/02/2022.
2. Ban Tôn giáo – Dân tộc, Sở Nội vụ tỉnh Tây NinhBáo cáo sơ kết 3 năm triển khai, thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật số 02/2016/QH14, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ Quy định chi tiểt một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh. Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự năm 2020 và triển khai hoạt động Phật sự năm 2021.
4. Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh. Báo cáo kết quả công tác tôn giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh năm 2020.
Nguyễn Tấn Phát
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh