(Quanlynhanuoc.vn) – Phòng, chống tham nhũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Tham nhũng là một biểu hiện rõ nét nhất của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Tham nhũng làm tổn hại nghiêm trọng sức mạnh của chế độ, làm tổn thương xã hội, làm sụt giảm niềm tin của Nhân dân và xâm hại lợi ích của Nhân dân. Nếu không kiên quyết phòng, chống tham nhũng thì không thể xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Tham nhũng là một hiện tượng tồn tại tất yếu khách quan trong xã hội có phân chia giai cấp, có nhà nước. Bởi vì tham nhũng luôn luôn gắn với quyền lực nhà nước; một số người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước đã lợi dụng quyền lực nhà nước để tham nhũng nhằm thu về những lợi ích cho bản thân mình, cho gia đình hoặc cho người thân của mình.
Phòng, chống tham nhũng (PCTN) là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, gay go, phức tạp, bao gồm: các hoạt động của hệ thống cơ quan Đảng, bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân. Căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những hành vi tham nhũng nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị – xã hội, bảo vệ chế độ và bảo đảm cho kinh tế – xã hội đất nước phát triển bền vững.
Đảng ta xác định đấu tranh PCTN là sự nghiệp của toàn dân. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Nâng cao vai trò phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”1.
Trong công tác đấu tranh PCTN, tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) có vai trò đặc biệt quan trọng trong nắm bắt, phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng từ cơ sở. Do đó, phát huy vai trò của TCCSĐ trong PCTN, một giải pháp quan trọng nhằm góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, nhất là tập trung xây dựng các TCCSĐ trong sạch, vững mạnh.
Thực hiện đường lối, chủ trương về PCTN trong những năm qua, công tác này đã đạt được những thành quả to lớn, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về PCTN. Những văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc PCTN và góp phần to lớn vào công cuộc PCTN ở Việt Nam hiện nay. Công tác PCTN đã được chỉ đạo, triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt. Nhiều vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; vụ án Phan Văn Anh Vũ; vụ án Đinh Ngọc Hệ; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, vụ án xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân… đã được xét xử nghiêm minh, thấu tình đạt lý, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Hệ thống pháp luật về PCTN còn có một số quy định chưa phù hợp, tính khả thi thấp hoặc còn có “lỗ hổng”, nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện kịp thời để làm cơ sở pháp lý cho việc PCTN. Một số cán bộ, công chức lợi dụng quy định về bí mật nhà nước để che giấu thông tin nhằm mục đích tham nhũng. Một trong những nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, có một vấn đề đặt ra với vai trò, chức năng của các cấp ủy, tổ chức đảng, đặc biệt là của các TCCSĐ nơi trực tiếp tiến hành tuyên truyền, giáo dục và quản lý cán bộ, đảng viên. Có không ít TCCSĐ, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN. Vai trò của TCCSĐ còn mờ nhạt, phần lớn các vụ án tham nhũng không phải do TCCSĐ phát hiện. Thậm chí có đơn vị xảy ra các vụ tham nhũng rất lớn, kéo dài nhưng TCCSĐ ở đó không biết và cũng có không ít trường hợp làm ngơ.
Để phát huy và nâng cao vai trò, tính chiến đấu của TCCSĐ, cần tập trung vào việc xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh. Bởi lẽ, để PCTN có hiệu quả chỉ khi mọi đảng viên từ đồng chí bí thư, cấp ủy đến những đảng viên đều phải liêm chính có quyết tâm mạnh mẽ trong PCTN và khi mọi TCCSĐ đều được xây dựng trong sạch, vững mạnh.
Để xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường tính chiến đấu của TCCSĐ.
TCCSĐ là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, nơi trực tiếp giáo dục, rèn luyện và quản lý đảng viên. Do đó, TCCSĐ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác PCTN. Vì vậy, việc nâng cao vai trò, vị trí, tính chiến đấu của các TCCSĐ là yêu cầu bức thiết trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong đó có công tác PCTN.
Để làm tốt nhiệm vụ này, các TCCSĐ cần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cấp ủy, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức đối với công tác PCTN, gắn với việc liên hệ, kiểm điểm về công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong từng TCCSĐ. Tổ chức lãnh đạo xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị theo hướng công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, đặc biệt là về những lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng.
Thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình gắn với cơ chế phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong sinh hoạt chi bộ. Chi bộ là nơi sâu sát nhất với đảng viên, mọi việc làm của đảng viên đều không thể tránh được sự giám sát của từng đảng viên trong chi bộ. Nếu TCCSĐ thực sự trong sạch, vững mạnh sẽ kịp thời phát hiện những trường hợp đảng viên có dấu hiệu tham nhũng. Từ sự phát hiện đó, nếu tại TCCSĐ đấu tranh quyết liệt sẽ ngăn chặn được ngay từ đầu những hành vi tham nhũng, không để cho nó phát triển phức tạp, đồng thời hạn chế được những thiệt hại. Tuy nhiên, đây lại là một hạn chế lớn của TCCSĐ trong thời gian qua, hoạt động tự phê bình và phê bình của các TCCSĐ còn hạn chế, mang nặng tính hình thức, qua loa, chiếu lệ. Phần lớn các vụ tham nhũng đều do quần chúng nhân dân và báo chí phát hiện ban đầu.
Để khắc phục hạn chế đó cần có cơ chế, quy định cụ thể, rõ ràng về nhiệm vụ của từng chi bộ, đảng viên trong PCTN, trong đó quy định rõ cả trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của TCCSĐ và đảng viên. Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát huy vai trò của TCCSĐ trong PCTN cần quy định vai trò trách nhiệm của cấp ủy TCCSĐ, vai trò của cán bộ, đảng viên đối với việc chủ động phát hiện và đấu tranh với các hạn chế, khuyết điểm. Nghiêm túc khắc phục tình trạng sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ mang tính hình thức. Cần thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng: “Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ thúc đẩy phát triển”2.
Thứ hai, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy TCCSĐ và cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ PCTN.
Mặc dù trong mỗi cơ quan nhà nước đều có các tổ chức, nhưng cho đến nay hầu như chưa có bất kỳ vụ tiêu cực tham nhũng nào do các TCCSĐ hay tổ chức chính trị – xã hội phát hiện. Điều đó cho thấy, hoạt động của các tổ chức này với công tác PCTN còn mang tính hình thức. Với các TCCSĐ, nguyên nhân trước hết là do những người đứng đầu cấp ủy không kiên quyết đấu tranh với sai phạm, thiếu gương mẫu, một số khác do sợ mất thành tích thi đua của đơn vị nên đã bao che hoặc không báo cáo với cấp trên mà chỉ xử lý nội bộ.
Quy định của Đảng là người đứng đầu phải có trách nhiệm kịp thời phát hiện, xử lý những vụ việc tham nhũng xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình. Do đó, ở những nơi có vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng kéo dài, thì phải xem xét trách nhiệm của cả người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội.
Thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cũng là một biện pháp quan trọng khắc phục hiệu quả bệnh quan liêu, thiếu sâu sát, thiếu kiểm tra trong công tác quản lý hiện nay. Làm được như vậy, không những hạn chế được mức độ thiệt hại do tham nhũng gây ra mà còn làm tăng hiệu lực của luật pháp, kỷ luật của Đảng và của các đoàn thể. Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp ủy, TCCSĐ cần tổ chức thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách để xảy ra tham nhũng nghiêm trọng. Đồng thời, sớm xây dựng quy định về việc từ chức và thực hành văn hóa từ chức đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, cần áp dụng hình thức khen thưởng đối với người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng và tập thể đơn vị đã làm tốt công tác tự kiểm tra phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị mình, tự xử lý hoặc đề nghị cơ quan thuộc thẩm quyền xử lý nghiêm minh, đúng theo quy định của pháp luật, nhằm tránh tình trạng bao che cho cán bộ cấp dưới tham nhũng, tiêu cực hoặc vì sợ mất thành tích của đơn vị mà không dám xử lý cán bộ vi phạm.
Thứ ba, phát huy tính tiên phong, vai trò gương mẫu của cấp ủy, TCCSĐ và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Việc nêu gương của cấp ủy và người đứng đầu, của mỗi đảng viên ở TCCSĐ là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với uy tín của Đảng trước Nhân dân, đem lại niềm tin cho Nhân dân và góp phần xây dựng TCCSĐ thật sự trong sạch, vững mạnh. Thực tế cho thấy, những thành tựu và hạn chế trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đều liên quan đến năng lực lãnh đạo của Đảng và vai trò của cấp ủy TCCSĐ. Đảng ta là đảng cầm quyền, quyền hạn cao nhất, người chịu trách nhiệm cao nhất phải là cấp ủy và bí thư cấp ủy. Vì vậy, trong tất cả mọi việc cũng như trong PCTN, trước hết, cấp ủy phải là người đi tiên phong.
Cấp ủy bao gồm đảng viên giữ những chức vụ chủ chốt trong các cơ quan đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội, phải nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong đấu tranh PCTN, phải thực sự trong sáng, liêm chính, là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống. Sự trong sáng, liêm chính đó bắt đầu từ bản thân, tới những người thân xung quanh. Mỗi đảng viên trong cấp ủy phải gương mẫu thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong chương trình đã đề ra, nếu không làm tròn trách nhiệm phải nghiêm khắc bị kiểm điểm và xử lý.
Các cấp ủy, TCCSĐ cần nghiên cứu và có thể áp dụng hình thức mỗi cấp ủy viên phải cam kết bằng văn bản rằng họ không tham nhũng dưới bất cứ hình thức nào và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng. Do đó, cần phải cụ thể hóa tiêu chuẩn cấp ủy không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh PCTN.
Các cấp ủy TCCSĐ cần xác định đúng vai trò, vị trí của công tác PCTN, xem đây là một trong những trọng tâm công tác lớn có tính chất thường xuyên, liên tục của TCCSĐ. Đưa công tác PCTN thành một nội dung kiểm điểm công tác định kỳ của cấp ủy TCCSĐ và đưa vào chương trình kiểm tra thường xuyên của cấp ủy. Kết quả công tác PCTN là thước đo năng lực, sức chiến đấu của mỗi TCCSĐ, năng lực và hiệu quả điều hành của các cấp, các ngành, cấp ủy các cấp phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết của Trung ương và chương trình hành động của cấp ủy về PCTN, phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời những ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có cách làm hay, đạt kết quả tốt, những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, chủ động ngăn ngừa những lệch lạc, chấn chỉnh kịp thời những nơi làm chậm, kém hiệu quả. Đồng thời, công bố công khai kết quả PCTN của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân biết, theo dõi và giám sát. Ngoài ra, các cấp ủy TCCSĐ phải tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng thực thi pháp luật trong trường hợp cán bộ, công chức trong TCCSĐ của mình có hành vi tham nhũng, lãng phí cần xử lý, không được dung túng, bao che.
Thứ tư, thực hiện tốt các khâu trong công tác cán bộ.
Cán bộ và công tác cán bộ được xác định là công việc “then chốt của then chốt”. Đánh giá cán bộ được xác định là khâu quan trọng nhất trong quy trình công tác cán bộ nhưng thực tế cho thấy, việc đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, cá biệt có nơi bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín. Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp. Nhiều nơi còn tình trạng nể nang, chưa chỉ rõ những cán bộ có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực. Từ tình trạng trên dẫn đến nhiều vụ án tham nhũng của những cán bộ, đảng viên. Ở những đối tượng này, có thể khẳng định, họ không phải là những người có trình độ thấp, không phải họ gặp khó khăn về kinh tế mà thậm chí mức sống của họ còn cao hơn rất nhiều so với mức sống trung bình trong xã hội. Nguyên nhân dẫn họ đến tham nhũng được xác định là do sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, dẫn đến, suy thoái đạo đức, lối sống cùng với sự buông lỏng, yếu kém trong đánh giá, quản lý cán bộ của TCCSĐ.
Để khắc phục những hạn chế này, các cấp ủy TCCSĐ cần thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, đánh giá cán bộ, đảng viên theo quy định. Cơ quan tổ chức cán bộ tham mưu cho cấp ủy và người đứng đầu cơ quan đánh giá đúng cán bộ. Trên cơ sở đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu của từng người để lựa chọn, bố trí cán bộ vào môi trường và cương vị phù hợp, nhất là người đứng đầu. Những người chưa thật sự đáng tin cậy về tính liêm khiết, tính kỷ luật, tính trung thực thì không bố trí công tác ở nơi có khả năng tham nhũng. Người đã có biểu hiện tư lợi ở cấp dưới thì không bố trí vào cương vị cao hơn. Cấp ủy cơ sở và cơ quan tổ chức – cán bộ phải hết sức tỉ mỉ, cụ thể, khách quan và công tâm trong theo dõi nhận xét cán bộ, lường trước được diễn biến tư tưởng, đạo đức của từng người. Sau khi bố trí công tác, cấp ủy và cơ quan tổ chức cán bộ tiếp tục theo dõi sát sao, thấy rõ những mặt tốt, mặt mạnh và những hạn chế bộc lộ trong quá trình công tác của cán bộ để kịp thời giáo dục, uốn nắn. Trong những trường hợp cụ thể, có thể giao thêm nhiệm vụ hoặc đình chỉ, miễn nhiệm công tác.