Năng lực cạnh tranh quốc gia và kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp của một số nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Năng lực cạnh tranh quốc gia là khả năng của một quốc gia đạt được những thành quả nhanh và bền vững về mức sống, nghĩa là đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao xác định sự thay đổi tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người theo thời gian. Ở cấp độ quốc gia, khái niệm năng lực cạnh tranh có ý nghĩa là năng suất sản xuất quốc gia. Năng lực cạnh tranh phụ thuộc vào năng suất sử dụng nguồn lực con người, tài nguyên về vốn của một quốc gia, bởi chính năng suất xác định mức sống bền vững thể hiện qua mức lương, tỷ suất lợi nhuận từ vốn bỏ ra, tỷ suất lợi nhuận thu được từ tài nguyên thiên nhiên. Năng lực cạnh tranh không phải là việc một quốc gia cạnh tranh trong lĩnh vực gì để thịnh vượng mà là quốc gia đó cạnh tranh hiệu quả như thế nào trong các lĩnh vực.
Ảnh minh họa (internet)
Năng lực cạnh tranh quốc gia

Năng lực cạnh tranh (NLCT) quốc gia được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng qua Báo cáo NLCT toàn cầu được xuất bản thường niên. Báo cáo này nghiên cứu và xem xét các nhân tố ảnh hưởng tới NLCT của các quốc gia. Xếp hạng NLCT của các nền kinh tế dựa trên số liệu kinh tế được chính các nước tham gia khảo sát công bố và kết quả lấy từ khảo sát ý kiến các doanh nhân và các chuyên gia kinh tế với 103 tiêu chí được chia thành 12 cột trụ. Các cột trụ này được chia vào 4 nhóm chính, gồm: môi trường thuận lợi (thể chế, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, ổn định kinh tế vĩ mô); thị trường (thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường tài chính, quy mô thị trường); nhân lực (sức khỏe, kỹ năng) và hệ sinh thái đột phá sáng tạo (mức độ phù hợp trong kinh doanh, năng lực đổi mới, sáng tạo). Như vậy, từ 12 trụ cột trên cho thấy, NLCT của quốc gia về trực tiếp hay gián tiếp đều phản ánh qua hoạt động sản xuất – kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp (DN) trong nền kinh tế của quốc gia. NLCT của DN dựa trên việc khai thác, sử dụng thực lực và lợi thế bên trong lẫn bên ngoài nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn người tiêu dùng để tồn tại và phát triển, thu được lợi nhuận ngày càng cao và cải tiến vị trí so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Để gia tăng chỉ số NLCT quốc gia (GCI), cải thiện thứ bậc cạnh tranh toàn cầu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (GCI 4.0), nhiều quốc gia đã tập trung cải cách thể chế và thủ tục hành chính đối với DN.

Năm 2019, WEF đã công bố Báo cáo thường niên NLCT toàn cầu (GCR), trong đó, khu vực ASEAN và Đông Á có nhiều quốc gia đang có thứ hạng cao hơn Việt Nam, như: Xinh-ga-po, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a. Theo Báo cáo này, hiện Xinh-ga-po đã vượt qua Mỹ vươn lên vị trí thứ nhất với 84,8 điểm, Hàn Quốc đứng thứ 13 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ về NLCT quốc gia (80 điểm) và tiếp tục đứng đầu thế giới ở hạng mục “phổ cập công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)”, “tính an toàn của nền kinh tế vĩ mô”. In-đô-nê-xi-a (64,6 điểm, xếp thứ 50). Trong khi đó, Việt Nam có nhiều nỗ lực cải thiện thứ bậc và tăng điểm số (đạt 61,5/100 điểm, xếp vị trí 67/141 quốc gia và nền kinh tế)1. Tuy nhiên, so với Xinh-ga-po, Hàn Quốc và In-đô-nê-xi-a, Việt Nam vẫn còn nhiều điều cần phải học hỏi để cải thiện thứ bậc của mình trên bảng xếp hạng NLCT toàn cầu.

Kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp của một số nước trên thế giới

Kinh nghiệm của Xinh-ga-po

Xinh-ga-po được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng 1 thế giới về tính dễ dàng kinh doanh, được đánh giá là một trong số những quốc gia ổn định về chính trị nhất ở châu Á; có vị trí đứng đầu với lực lượng lao động tốt nhất trên thế giới. Đặc biệt, ở Xinh-ga-po, các tổ chức cá nhân có rất nhiều điều kiện thuận lợi để kinh doanh và thu được giá trị lợi nhuận cao do Chính phủ nước này không áp dụng thuế lợi tức hoặc lợi tức vốn; không có thuế bất động sản, thừa kế… Theo đó, việc hình thành một DN mới tại đất nước này vô cùng thuận lợi, dễ dàng, thủ tục cho quá trình này chỉ tiêu tốn 2,5 ngày làm việc với ba thủ tục theo quy định của pháp luật Xinh-ga-po để có thể bắt đầu kinh doanh. Do đó, nước này đã được đánh giá là quốc gia có quy trình thuận lợi, nhanh chóng nhất để thành lập DN mới.

Một số biện pháp đồng bộ đã được Xinh-ga-po áp dụng, đó là:

– Áp dụng bộ quy chuẩn ISO 9000 trong bộ máy hành chính, coi đó vừa là công cụ cải tiến lề lối làm việc, vừa là công cụ đánh giá hiệu quả, phân loại công chức.

– Đưa tinh thần DN vào hoạt động của bộ máy hành chính mà cốt lõi là lấy hiệu quả làm thước đo.

– Thành lập Ủy ban hỗ trợ DN nhằm tìm hiểu, đánh giá và đề xuất phương án giải quyết các kiến nghị của DN.

– Đề ra chương trình xóa bỏ cách làm việc quan liêu, nhiều tầng nấc của bộ máy hành chính với mục tiêu là việc gì cũng phải có cơ quan chịu trách nhiệm.

– Thường xuyên rà soát để loại bỏ những quy định lỗi thời, không còn phù hợp.

– Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, coi đó là giải pháp cơ bản nhất để xây dựng nền công vụ có hiệu quả.

Xinh-ga-po đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho công nghệ thông tin, tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức để áp dụng công nghệ mới, hiện đã cung cấp dịch vụ công thông qua internet và dự kiến tiến tới giải quyết công việc của dân qua điện thoại di động trong mọi thời điểm. Đặc biệt, Xinh-ga-po đã xây dựng được hệ thống pháp luật hoàn thiện, nghiêm minh, công bằng và hiệu quả. Chính phủ Xinh-ga-po đã có chính sách cụ thể trong việc trả lương xứng đáng cho cán bộ, công chức, qua đó, hạn chế tối đa nạn tham nhũng, tăng sự minh bạch hóa của Chính phủ, tạo đà cho công chức dành hết tâm sức cho công việc được giao2.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Hàn Quốc là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ trong vòng 50 năm từ năm 1960 – 2020. Để có được những kỳ tích đáng ngưỡng mộ đó, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều chính sách để quản lý và phát triển DN – các chủ thể chính hoạt động trong nền kinh tế.

Khủng hoảng năm 1977 đã buộc Hàn Quốc đối diện với thực tế đó là, các phương thức cũ trong điều hành bộ máy nhà nước đã trở nên lạc hậu trong giai đoạn mới và cần có những thay đổi cơ bản để vực lại nền kinh tế của đất nước. Hàn Quốc đã khẩn trương nhiên cứu những bài học kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Chương trình cải cách khu vực công nhằm khắc phục hậu quả của cuộc khủ hoảng tài chính tiền tệ, tập trung trên bốn lĩnh vực chính: hợp tác, tài chính, lao động và khu vực công, trong đó xem việc tăng cường thúc đẩy cơ chế thị trường là nhiệm vụ trọng tâm.

Hàn Quốc đã thành lập Ủy ban Đặc trách trực thuộc Tổng thống, chịu trách nhiệm lập kế hoạch ngân sách, cải cách Chính phủ và đưa vào thử nghiệm nhiều ý tưởng cải cách mới, một trong số đó là chế độ lương, thưởng dựa theo đánh giá chất lượng hoạt động của từng cá nhân (hoàn toàn trái với cơ chế trả lương dựa theo cấp bậc kiểu truyền thống), tiến hành giảm biên chế, từng bước thực hiện việc thuê khoán dịch vụ công, mở rộng phạm vi hoạt động của khu vực tư…

Sự duy trì mạnh mẽ và định hướng dứt khoát các mục tiêu ngay từ đầu, nhờ đó, Chính phủ có thể hoạch định chính sách, các DN có thể tự tính kế hoạch đầu tư dài hạn. Hàn Quốc điều chỉnh hệ thống luật pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ cấp giấy phép nhanh cho DN. Các DN chỉ mất 45 ngày để nhận được giấy phép thành lập DN trong khi thời gian tối thiểu trước kia là 200 ngày.

Kết quả thu được từ quá trình cải cách rất khả quan. Về thể chế, đã sửa đổi các quy định của Nhà nước để bảo đảm sự thích ứng với phát triển nhanh chóng của thị trường trên nguyên tắc giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước và giảm chi phí cho người dân. Các lĩnh vực được cải cách về thể chế là quản lý hành chính, nhân sự, quản lý tài chính; quản lý DN công và quản lý lao động. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính, chú trọng phân cấp là vấn đề mấu chốt nhất. Về cải cách công và công chức, đã đưa yếu tố cạnh tranh vào chế độ tuyển dụng theo nguyển tắc minh bạch và công khai.

Hiện nay, tại Hàn Quốc, bình quân có 27 công chức trên mỗi 1.000 dân, trong khi tỷ lệ này ở Hoa Kỳ là 75,4, Pháp là 82,2…; đã xây dựng được mạng lưới hạ tầng thông tin thuộc loại tốt nhất trên thế giới, thiết lập xong hệ thống xử lý công việc hành chính trong nội bộ các cơ quan hành chính thông qua mạng điện tử, tiến hành việc cung cấp dịch vụ công thông qua internet, kể cả việc cung cấp dịch vụ hành chính thông qua điện thoại di động, công khai hóa việc xử lý các vấn đề của dân, của DN trên mạng3.

Kinh nghiệm của In-đô-nê-xi-a

Trong nhiều năm qua, In-đô-nê-xi-a đã có tiến bộ đáng kể trong việc làm trong sạch, vững mạnh các thể chế kinh tế, chính trị để thúc đẩy nâng cao NLCT quốc gia cũng như ở cấp địa phương.

Để nâng cao NLCT quốc gia mình, Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã xây dựng những hành động ưu tiên, tập trung cao: (1) Ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô thông qua phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hải quan và xây dựng những định chế tập đoàn lớn (Clustere) nhằm phổ biến các cách thức quản lý tốt nhất và hỗ trợ tiếp thu các công nghệ mới, cũng như làm đầu tàu cho nền kinh tế; (2) Cải cách thể chế kinh tế – xã hội dựa trên cơ sở xây dựng lại cơ chế đối thoại tích cực giữa DN và Chính phủ; (3) Tăng cường liên kết kinh tế – xã hội giữa các địa phương thông qua việc giảm thiểu các rào cản chính sách và quản lý nội địa đối với kinh doanh và đầu tư giữa các địa phương, xây dựng các quy định nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương đối với hoạt động đầu tư, chẳng hạn như các khoản trợ cấp lớn phi cạnh tranh4.

Tham khảo cho Việt Nam

Nghiên cứu kinh nghiệm từ Xinh-ga-po, Hàn Quốc và In-đô-nê-xi-a, có thể rút ra bài học tham khảo cho Việt Nam trong cải cách thủ tục hành chính đối với DN, góp phần cải thiện NLCT quốc gia như sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, loại bỏ, bổ sung và hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang theo đuổi, khẩn trương rà soát, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của DN và cơ sở kinh doanh cá thể. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của kinh tế tư nhân, đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính5.

Thứ hai, trong bối cảnh môi trường kinh doanh trong và ngoài nước đang có những biến động phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó có thiên tai, dịch bệnh đặc biệt là đại dịch Covid-19 và sự biến động của môi trường chính trị thế giới. Chính phủ cần nâng cao NLCT của khu vực DN trong nước bằng thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung trước mắt vào đầu tư xây dựng hạ tầng góp phần giảm chi phí cho DN; đẩy mạnh nghiên cứu khoa – học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, hình thành các trung tâm nghiên cứu và đổi mới, sáng tạo để chuyển giao công nghệ cho khu vực DN.

Thứ ba, với cuộc cách mạng công nghiệp, phương thức sản xuất thay đổi do áp dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ đã làm thay đổi phương thức sản xuất và quản trị kinh doanh, Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo nội hàm của cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó, định hướng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận tài chính, tín dụng, có chính sách thuế khuyến khích DN đầu tư vào công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của khu vực DN trong nước.

Thứ tư, với lợi thế so sánh sẵn có cộng với làn sóng dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chính phủ cần khai thác cơ hội từ xu hướng chuyển dịch dòng vốn quốc tế, các hình thức đầu tư mới để tạo dựng tối đa lợi thế của Việt Nam. Chủ động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, từ các nước nắm giữ công nghệ, có năng lực quản trị hiện đại, NLCT cao để đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ cần có chiến lược và giải pháp khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ DN trong nước liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ với DN FDI, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để DN Việt Nam tham gia vào chuỗi liên kết của DN FDI.

Để có thể nghiên cứu, áp dụng các kinh nghiệm nêu trên mang lại kết quả và hiệu quả cho Việt Nam, việc cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh thông qua hệ thống thể chế, chính sách là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, sẽ là hoàn hảo hơn khi hệ thống thủ tục hành chính đối với DN trong và ngoài nước được cải thiện, rút ngắn và minh bạch và sẽ là mấu chốt trong việc cải thiện chỉ số của 12 trụ cột đánh giá trong chỉ số cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong thời gian tới.

Chú thích:
1. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019.
2. Cải cách hành chính tại Xinh-ga-po. https://tcnn.vn, ngày 21/9/2020.
3, 4. Cải cách hành chính tại một số quốc gia và kinh nghiệm vận dụng vào Việt Nam. https://tks.edu.vn, ngày 21/9/2020.
5. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
TS. Nguyễn Đức Thắng
Học viện Hành chính Quốc gia