Môi trường thương mại tại Việt Nam – những hạn chế và một số kiến nghị

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực tế hiện nay, môi trường thương mại tại Việt Nam thường không ổn định vì bị ảnh hưởng từ khá nhiều yếu tố khác nhau. Điều này không những gây khó khăn cho công tác quản lý của Nhà nước mà còn gây rất nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Bài viết phân tích về các yếu tố tác động đến môi trường thương mại tại Việt Nam, từ đó, chỉ ra các hạn chế và đề xuất một số kiến nghị.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Mặc dù kinh tế Việt Nam đạt được một số thành tựu khả quan trong những năm gần đây, song chưa thể khẳng định nền kinh tế đã phát triển hiệu quả và bền vững lâu dài. Nền kinh tế nước ta thường tăng trưởng, suy thoái và có sự liên quan, phụ thuộc trực tiếp vào sự phát triển của một số loại thị trường, như: thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán…, bởi các loại thị trường này có khả năng thu hút mạnh mẽ nguồn vốn và sự tham gia của các nhà đầu tư thứ cấp, do đó, tác động, ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, “yếu tố tâm lý kinh doanh và truyền thống thương mại của đại đa số người dân Việt Nam thường có ảnh hưởng rất lớn đối với các quyết định đầu tư, kinh doanh và đó có thể là cơ sở cho các loại thị trường trên bùng nổ trong từng giai đoạn”1. Mặc dù vậy, đây lại là vấn đề rất cần quan tâm, chú ý, bởi sự tác động này có thể mang lại nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư và ảnh hưởng đến môi trường thương mại (MTTM) của Việt Nam.

Những hạn chế, bất cập của môi trường thương mại tại Việt Nam

Là quốc gia đang phát triển và không ngừng hội nhập sâu rộng với quốc tế, MTTM Việt Nam có sự tham gia của khá nhiều chủ thể. Trong đó, những nhà đầu tư thứ cấp (đặc biệt các nhà đầu tư mới tham gia – F0 thường chiếm tỷ lệ rất lớn) đến những nhà đầu tư chuyên nghiệp (công ty tài chính, công ty chứng khoán, công ty bất động sản, các ngân hàng thương mại, những người có các chứng chỉ hành nghề trong các lĩnh vực tài chính – chứng khoán – bất động sản…) hay những nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam. Điều đó phần nào cho thấy sức hút rất lớn của MTTM Việt Nam đối với các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cùng với sự đa dạng của các nhà đầu tư tham gia sẽ tiềm ẩn những rủi ro rất lớn cho MTTM Việt Nam nếu như không có sự điều tiết kịp thời của Nhà nước. Vì vậy, một trong những chủ thể không thể thiếu và giữ vai trò đặc biệt quan trọng nhằm mục đích ổn định MTTM chính là Nhà nước. Trên thực tế, Nhà nước tác động và tham gia vào MTTM Việt Nam bằng nhiều hình thức, như: ban hành các chính sách, pháp luật để điều tiết các loại thị trường hay sử dụng bàn tay vô hình là các công ty tài chính, các ngân hàng thương mại… trực tiếp tham gia đầu tư trên các thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Thông thường, các yếu tố tác động của MTTM là các quan hệ tài chính, quan hệ tín dụng…, do đó, các công cụ của kinh tế vĩ mô được Nhà nước vận hành rất linh hoạt qua các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ… Từ đó, Nhà nước nhanh chóng điều tiết và bình ổn MTTM khi cần thiết.

Kể từ khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, MTTM của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ theo định hướng của nền kinh tế thị trường tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, từ thực tiễn thương mại cho thấy, hiện tượng “đầu cơ” rất phổ biến, trong đó khá nhiều người thường có xu hướng đổ xô đi mua bán vàng, ngoại tệ, tiền ảo, chứng khoán, đất đai… để trục lợi. Điều này một phần bởi người dân chưa thực sự tin tưởng vào sự ổn định của đồng tiền trong nước hay kênh đầu tư tiền gửi tại các ngân hàng. Do vậy, việc tích trữ vàng hay ngoại tệ rất phổ biến. Tuy nhiên, những đồng vốn được quy đổi thành vàng, ngoại tệ đó đương nhiên trở thành nguồn vốn nhàn rỗi và là một sự lãng phí, dư thừa rất lớn đối với hiệu quả của nền kinh tế.

MTTM của Việt Nam luôn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tâm lý thương mại theo kiểu “phong trào”, “chộp giật”… Thực tiễn minh chứng, xưa nay người Việt Nam thường rất thích các hoạt động liên quan đến vui chơi có thưởng hay thậm chí đó là các loại cờ bạc, lô đề, cá cược… không chỉ hấp dẫn, lôi kéo đối tượng thanh thiếu niên mà đông đảo người chơi từ già đến trẻ cũng tham gia mạnh mẽ, thêm nữa, với tâm lý chỉ muốn làm việc ít, nhẹ nhàng nhưng lại muốn được hưởng nhiều lợi ích và muốn giàu lên nhanh chóng… nên đây chính là lý do làm cho các hoạt động cờ bạc, lô đề… rất phát triển tại Việt Nam. Do vậy, chúng đã tác động không nhỏ đến tâm lý thương mại của không ít nhà đầu tư khi hoạt động thương mại. Điển hình trong đó, thị trường chứng khoán đã từng có những thời điểm nổi lên như kênh đầu tư hàng đầu tại Việt Nam và là nơi gần như thu hút mọi sự quan tâm, chú ý của cả xã hội, bởi rất nhiều người cho rằng đây là nơi kiếm tiền nhanh chóng, đơn giản và dễ dàng nhất.

Tuy nhiên, dù được gọi là những “nhà đầu tư chứng khoán” nhưng những người này thường hiểu biết rất hạn chế về chứng khoán hay thị trường chứng khoán. Hoặc có thể bản thân những người này chỉ coi đầu tư chứng khoán cũng giống như đánh bạc, nên cho rằng, việc mua cổ phiếu như đang chọn lựa một con số may mắn… và đến khi thị trường chứng khoán rơi vào thời kỳ suy thoái, phần lớn các nhà đầu tư này đều thất bại, không ít người còn lâm vào hoàn cảnh nợ nần, phá sản.

Ngay đối với thị trường bất động sản, kiểu đầu tư “phong trào”, “chộp giật” cũng tác động, ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định và phát triển của thị trường đặc biệt quan trọng này. Khác với chứng khoán, xuất phát từ nhu cầu của người dân đột ngột thay đổi (ảnh hưởng từ các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước khi phát triển, quy hoạch ở một số địa phương, vùng miền), làn sóng đầu cơ và đầu tư bất động sản phát triển hết sức mạnh mẽ, nên lại dẫn đến hiện tượng gần như cả nước lại đổ xô đi buôn bán, đầu cơ bất động sản (chứng khoán lúc này không phải là kênh đầu tư hàng đầu để thu hút, lôi kéo các nhà đầu tư tham gia). Vì thế, hàng loạt khu đô thị mọc lên liên tiếp và kéo theo sự phát triển rầm rộ của rất nhiều công ty, người hành nghề môi giới hay tư vấn đầu tư bất động sản.

Về phía những nhà đầu tư, đối với những người tự có nguồn vốn thì tìm mọi cách mua đi bán lại bất động sản. Còn với những người có ít vốn thì họ lại tìm cách liên kết với nhau tạo thành một nhóm, một hội, một phường… để cùng đầu tư vào bất động sản. Hiện tượng mua bán trao tay liên tục làm cho giá nhà đất tại một số khu vực bị thổi lên nhanh chóng và gây khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người có nhu cầu thật sự khi cần mua nhà đất để sinh sống lâu dài.

Giữa các nhà đầu tư bất động sản, chứng khoán hay các loại hàng hóa khác vẫn thường có điểm chung là được bạn bè, người thân “mách bảo” và với tư tưởng “hám lãi” nhanh chóng nên họ lập tức tham gia ngay hoặc thậm chí nhiều người còn sợ nếu mua không nhanh thì hết cơ hội. Do đó, các nhà đầu tư Việt Nam thường có xu hướng thích đầu tư theo “đám đông”. Ở thời điểm hiện tại, một số khu vực mới được quy hoạch, ngay tại đây “thị trường bất động sản lại bắt đầu xuất hiện nhiều cơn sốt ảo”2. Trên thực tế, nguồn cung của thị trường bất động sản còn thừa rất lớn (cho đến nay vẫn chưa giải phóng được hàng tồn từ các năm trước) nhưng trước sự PR, marketing của hàng loạt chủ đầu tư và giới đầu cơ, sức hút của thị trường bất động sản đã nóng trở lại. Hậu quả, lại không ít người vay mượn, thế chấp tài sản để đầu tư vào bất động sản.

Hoặc thời gian gần đây, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 kéo dài gây nên những khó khăn rất lớn trong công việc và thu nhập, không ít người lại quan tâm đến các kênh đầu tư từ thị trường chứng khoán, thị trường vàng3 hay với sự xuất hiện của các loại tiền ảo4 hoặc thị trường lan đột biến5. Suy cho cùng, bong bóng chứng khoán, vàng, bất động sản, tiền ảo, lan đột biến… có thể được hình thành và phát triển hết sức mạnh mẽ chính từ tâm lý đầu cơ chộp giật, theo phong trào của nhiều người. Với các nhà đầu cơ khôn khéo thì nhanh tay có được các loại bong bóng trên và đến khi thị trường bắt đầu suy thoái thì hàng loạt nhà đầu cơ khác rơi vào hoàn cảnh thua lỗ, nợ lần, phá sản, thậm chí lừa đảo và bỏ trốn…

Một minh chứng khác, khi ở đâu xuất hiện một ngành nghề kinh doanh mới lạ và có vẻ hứa hẹn hấp dẫn (ví dụ, đã từng có các hiện tượng kinh doanh nổi lên như game, internet, môi giới bất động sản, kinh doanh bán hàng đa cấp hay lan đột biến…) thì lập tức thu hút nhiều người tham gia và được lan tỏa rất nhanh chóng. Thế nhưng, chỉ vì bắt chước, làm theo nên những người tham gia sau đó thường không nắm vững các yếu tố hoặc các đặc thù của lĩnh vực mà họ đang đầu tư. Và hành động hấp tấp, vội vàng dẫn đến việc thất bại cho các nhà đầu tư là rất lớn.

Thực tế, hầu hết làn sóng đầu tư nhanh chóng chấm dứt và nhiều người quay trở lại tích trữ vàng, đồng vốn bị kẹt trong tay người dân nên không tham gia vào sản xuất, lưu thông. Chính phủ lại phải tìm mọi cách để khơi thông nền kinh tế, thế nhưng nguồn vốn vẫn nằm đọng trong tay người dân.

Ngoài ra, trong giai đoạn kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, khi chuẩn mực thương mại ngày càng được quan tâm, chú ý thì các yêu cầu về văn hóa và đạo đức kinh doanh càng trở nên quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại, phát triển của các doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, đối với MTTM của Việt Nam hiện nay, các vấn đề về văn hóa và đạo đức kinh doanh dường như vẫn còn khá xa lạ với phần lớn doanh nghiệp và nhà đầu tư của Việt Nam. Không ít doanh nghiệp của Việt Nam còn chưa hiểu rõ triết lý kinh doanh tư bản hiện đại hoặc có thể chỉ vì quá quan tâm đến vấn đề lợi nhuận thu được nên ngay từ khi chuẩn bị thành lập doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã chỉ tìm mọi cách để có thể nhanh chóng thu được thật nhiều lợi nhuận chứ chưa quan tâm đến việc phát triển doanh nghiệp lâu dài. Đây cũng là sự khác biệt giữa doanh nghiệp mới thành lập tại Việt Nam với các doanh nghiệp mới thành lập tại một số quốc gia, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức… Hầu hết các quốc gia tư bản này đều tập trung xây dựng tên tuổi, uy tín của doanh nghiệp, do vậy, khi các doanh nghiệp tại nước ngoài sản xuất, cung cấp một loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà sau đó phát hiện có lỗi thì đã nhanh chóng, vội vàng thu hồi và bồi thường thỏa đáng cho khách hàng để nhằm mục đích giữ gìn, khẳng định uy tín của doanh nghiệp. Từ đây cho thấy, dù ở nước ta có số lượng doanh nghiệp khá lớn nhưng những doanh nghiệp tự khẳng định bằng uy tín, danh tiếng dường như còn khiêm tốn.

Một số kiến nghị

Để MTTM tại Việt Nam ngày càng ổn định, bền vững, hiệu quả và phù hợp với nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập quốc tế, chúng ta cần xem xét một số giải pháp sau:

Thứ nhất, vai trò quản lý của Nhà nước đối với MTTM: có thể nói, tâm lý kinh doanh và truyền thống thương mại lại là các yếu tố rất khó có thể thay đổi, do vậy, để nhanh chóng thay đổi được thói quen kinh doanh của các nhà đầu tư Việt Nam không phải là việc đơn giản, nhanh chóng và dễ dàng. Từ đó, trong hoàn cảnh hiện nay, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng nhằm giữ vững và bảo đảm sự ổn định cho MTTM. Trong đó, cần hạn chế vấn đề đầu cơ gây nên tình trạng lũng đoạn, thao túng thị trường bất động sản.

Nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài cho thấy, việc đánh thuế tài sản đối với người có nhiều nhà đất luôn có tác động rất lớn để kìm hãm tình trạng đầu cơ, thao túng thị trường bất động sản. Từ đó, những người cần mua nhà để sử dụng thực sự mới có cơ hội để sở hữu nhà sát với giá trị thực và giới đầu cơ khó có thể thực hiện hành vi thổi giá bất động sản. Mặt khác, Nhà nước khi cấp phép phát triển một khu vực hoặc một đặc khu kinh tế thì có thể đồng thời ban hành những lệnh cấm tạm thời các giao dịch, mua bán, chuyển nhượng đất đai tại khu vực đó trong một khoảng thời gian nhất định. Thực hiện được điều này, Nhà nước mới có thể làm hạn chế việc mua bán, chuyển nhượng hay đầu cơ bất động sản tại những khu vực đang hoặc sắp phát triển.

Ngoài ra, công tác đào tạo, sát hạch các chứng chỉ hành nghề về bất động sản rất cần được quan tâm, chú ý và phải bài bản, nghiêm túc, minh bạch hơn nữa. Đặc biệt, cần sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và quy định theo hướng, để có thể mở các văn phòng môi giới bất động sản, đòi hỏi người chủ văn phòng phải có các chứng chỉ hành nghề bất động sản và phải cam kết thực hiện hành vi môi giới trung thực, đúng quy định của pháp luật.

Còn đối với lĩnh vực thương mại, việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hành lang pháp lý là các quy định của Luật Thương mại năm 2005 (sửa đổi năm 2017, 2019) cần nhanh chóng, khẩn trưởng hơn nữa. Bởi lẽ, kể từ thời điểm ban hành Luật Thương mại năm 2005 cho đến nay, các quy định của Luật Thương mại gần như không có sự thay đổi. Những lần sửa đổi các năm 2017, 2019 chủ yếu chỉ để loại bỏ một số quy định không còn phù hợp, nên cơ bản, tinh thần và quy định của Luật Thương mại năm 2005 vẫn không thay đổi. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử đang rất phát triển, vì vậy, cần phải có hành lang pháp lý dành cho thương mại điện tử.

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và cần xử lý nghiêm túc theo hướng tăng trách nhiệm đối với các văn phòng môi giới bất động sản không thực hiện theo quy định.

Đối với thị trường chứng khoán, cần nghiên cứu xây dựng các quy định nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ trên thị trường chứng khoán. Trong đó, trước mắt, cần xây dựng các quy định theo hướng giới hạn số lượng giao dịch của một nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong một thời điểm, để từ đó, hạn chế tình trạng đầu cơ dẫn đến hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán.

Về lâu dài, khi thị trường chứng khoán đã trở nên minh bạch, công khai, rõ ràng và công tác quản lý thị trường chứng khoán tốt hơn thì có thể gỡ bỏ quy định trên. Điều này sẽ góp phần làm hạn chế bong bóng bất động sản hay bong bóng chứng khoán và làm cho MTTM của Việt Nam đi vào ổn định, bền vững thực chất và ngày càng hiện đại.

Thứ hai, vấn đề xây dựng đạo đức và văn hóa kinh doanh: cần xây dựng thêm các chế tài xử lý theo hướng rất nghiêm khắc để kiên quyết trừng trị những hành vi sản xuất, thương mại gây ảnh hưởng bất lợi đến xã hội để coi đó là sự răn đe, cảnh tình cho nhiều chủ thể thương mại khác.

Mặt khác, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và đạo đức kinh doanh cho các chủ thể đang hoạt động thương mại. Ngoài ra, cũng cần siết chặt hơn nữa công tác đào tạo và thi sát hạch để cấp các chứng chỉ hành nghề môi giới, đầu tư, tư vấn… về bất động sản và chứng khoán. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến môn đạo đức nghề nghiệp và phải coi đây là một môn thi bắt buộc trước khi cấp chứng chỉ. Có như vậy, MTTM Việt Nam mới ổn định và phát triển bền vững.

Chú thích:
1. Nguyễn Vinh Hưng. Từ truyền thống thương mại đến việc định hướng các loại hình doanh nghiệp tham gia kinh doanh tại Việt Nam. Tạp chí Quản lý Kinh tế, số 83 (2017), tr. 73.
2. Ngăn chặn sốt đất ảo: cần sớm sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về đất đai. https://laodong.vn, truy cập ngày 31/3/2021.
3. Cảnh giác với sự “sốt ảo” của giá vàng. http://dantri.com.vn, ngày 28/02/2020.
4. Một sàn tiền ảo lớn sắp được mua lại, giá Bitcoin bật tăng. http://vneconomy.vn, ngày 04/4/2018.
5. Cơn sốt lan đột biến có thể khiến nhiều người đột quỵ. http://amp.vov.vn, ngày 30/3/2021.

TS. Nguyễn Vinh Hưng
Đại học Quốc gia Hà Nội
TS. Nguyễn Thị Thu Hương
Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội