Quản lý tin giả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Vấn nạn tin giả là một trong những thách thức lớn nhất mà các cá nhân, tổ chức, quốc gia, tổ chức quốc tế phải đối mặt trong thời kỳ bùng nổ thông tin trên nền tảng trực tuyến và kỹ thuật số. Đặc biệt, tin giả có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thành quả chống dịch của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thời gian qua, tình hình quản lý tin giả về Covid-19 của một số quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chính vì vậy, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ảnh minh họa (nguồn: qdnd.vn).
Khái quát về tin giả

Tin giả (fake news) được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt xuất hiện sai lệch về nội dung được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, bao gồm cả tryền thông xã hội1.Tin giả tồn tại trong một hệ sinh thái thông tin sai lệch và mức độ sai tăng dần, bao gồm thông tin sai lệch và thông tin xuyên tạc. Trong đó, thông tin sai lệch (Misinformation) là loại thông tin không chính xác, hoặc hoàn toàn sai được tạo ra hoặc lan truyền một cách nhầm lẫn hay vô tình nhưng mục đích không phải là để lừa dối. Còn thông tin xuyên tạc (Disinformation) là thông tin sai sự thật được cố tình tạo ra và lan truyền “nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận hoặc che khuất sự thật”2.

Số lượng tin giả là khổng lồ, không một tổ chức, Chính phủ nào đủ năng lực để kiểm soát. Trong dịch bệnh Covid-19, tác hại của của tin giả đang trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Theo tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới  (WHO), sự bùng phát và những nỗ lực ứng phó với Covid-19 đã tạo ra một “đại dịch thông tin” với lượng thông tin khổng lồ với độ chính xác chênh lệch quá lớn, khiến người dân không thể tìm được nguồn tin và hướng dẫn đáng tin cậy, dù phương tiện tiếp cận thông tin như máy tính, hệ thống mạng hạ tầng đều có sẵn. “Đại dịch thông tin” là sự gia tăng đột biến về khối lượng thông tin, theo cấp số nhân, trong một thời gian ngắn, là hệ quả của một sự cố cụ thể3. Trong tình huống là đại dịch Covid-19, thông tin sai lệch và tin đồn đoán liên tiếp xuất hiện, cùng với việc thao túng thông tin với các mục đích khác nhau, khuếch đại qua mạng xã hội, lan rộng với tốc độ nhanh hơn như vi-rút.

Nguồn của tin giả rất đa dạng, có thể đến từ chính lãnh đạo các quốc gia. Các nhà lãnh đạo thế giới dưới áp lực trấn an người dân, điều hành đất nước và tranh đấu chính trị, đã đưa ra nhiều thông tin sai lệch về Covid-19, nên vì tầm ảnh hưởng của họ, đã đưa đến hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Các phát ngôn coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh hay những phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng từ cựu Tổng thống Trump (khi còn đang đương nhiệm thời kỳ đầu đại dịch) đã khiến nhiều người dân Hoa Kỳ tin tưởng, tuân thủ và để lại hậu quả đáng tiếc. Bra-xin cũng dần phải gánh chịu sự xa lánh từ các nước khác, dẫn tới số liệu tử vong tăng đột biến, vì thái độ dữ dằn, nghi kỵ của Tổng thống Jair Bolsonaro trước những nỗ lực hỗ trợ từ nước ngoài.

Nguồn tin giả cũng có thể đến từ chính trong cộng đồng, người dân với mục đích kiếm tiền, giải trí. Trong thời kỳ thông tin đa nguồn và đa dạng, một người bình thường có thể trở thành “người tạo ảnh hưởng” (influencer), người nổi tiếng hoặc nhà báo đưa tin 24/7 dễ dàng, dẫn dắt những người theo dõi trên mạng xã hội và một bộ phận người theo dõi thường làm theo lời hướng dẫn mà không hề kiểm chứng thông tin. Nút chia sẻ trên Facebook hoặc video trên Youtube khiến bất cứ ai cũng có thể thành người lan truyền thông tin giả trên mạng và vô tình hay cố ý phá hoại nỗ lực chống dịch của chính quyền.

Ngoài ra, nguồn tin giả có thể đến từ các chủ thể bên trong chính quyền, từ những người làm chính sách đang hiểu sai về nguồn gốc và chịu ảnh hưởng của các thuyết âm mưu, như sự nghi kỵ giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc về nguồn gốc vi-rút Corona, hay nguồn tin cũng có thể đến từ các thế lực thù địch bên ngoài nhằm hạ thấp uy tín của chính quyền, lãnh đạo, làm mất uy tín của Đảng cầm quyền trước dân chúng, với nội dung chủ yếu tập trung vào những sai lầm khi thực hiện chính sách phòng, chống dịch bệnh, phóng đại lỗi lầm của lực lượng chức năng để gây phẫn nộ trong dân chúng…

Tình hình phòng, chống tin giả về Covid-19 của một số quốc gia trên thế giới

Tin giả về Covid-19 được đánh giá cực kỳ nguy hiểm vì đối tượng tiếp nhận thông tin có quy mô toàn cầu. Theo báo cáo từ Học viện Nghiên cứu truyền thông Poynter (năm 2020), tin giả chủ yếu bắt nguồn từ 4 quốc gia: Bra-xin, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ4. Cách thức ứng phó của các quốc gia tại từng thời điểm có thể khác nhau nhưng tổng kết lại thì có những điểm chung sau:

Thứ nhất, chính phủ các quốc gia thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch, mức độ khẩn cấp cao nhất, mức độ ưu tiên cao nhất để chỉ đạo từ trên xuống 24/7. Đồng thời, các phương án phòng, chống tin giả về dịch bệnh theo cấp độ từ thấp tới cao, tùy thuộc vào độ nghiêm trọng của nội dung thông tin, đưa ra phản hồi kịp thời.

Ở Ốt-xtrây-li-a, chiến dịch “Stop and consider” (Dừng lại và suy xét) đã đánh thẳng vào tin giả do Ủy ban Bầu cử Ốt-xtrây-li-a đặt ra, để bảo vệ tính công bằng, toàn vẹn của cuộc bầu cử tại nước này. Ủy ban Cạnh tranh và tiêu dùng Ốt-xtrây-li-a cũng đang điều tra các vụ việc liên quan tới tin giả. Những nỗ lực này đã khiến người dân tin tưởng vào nguồn tin từ Chính phủ. Niềm tin vào tin tức từ người dân Ốt-xtrây-li-a đã tăng (+5) lên 43%, gần với mức trung bình toàn cầu (44%). Mối quan tâm chung về thông tin sai lệch và gây hiểu lầm trực tuyến ở Ốt-xtrây-li-a là cao (64%) và cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (56%)5.

Thứ hai, chính quyền các quốc gia sử dụng các nền tảng, ứng dụng công nghệ số để kiểm soát dịch bệnh, quét mã theo dõi tình trạng tiêm vắc-xin, thành lập trang thông tin chính thức của chính phủ về vi-rút Corona, tuyên truyền cho toàn dân về tác hại của vi-rút và cách phòng tránh. Những ứng dụng này xuất hiện sớm tại các nước phát triển về công nghệ như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Vương Quốc Anh.

Tại Vương quốc Anh, ứng dụng Covid-19 của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), từ khi ra mắt vào ngày 24/9/2020 đến cuối tháng 12/2020 đã được sử dụng thường xuyên bởi khoảng 16,5 triệu người dùng (28% tổng dân số) và đã gửi khoảng 1,7 triệu thông báo tiếp xúc: 4,2% các trường hợp được ghi nhận đồng thuận công tác truy vết và liên hệ6.

Thứ ba, các quốc gia thành lập các đội phản ứng nhanh theo quy mô nhỏ để xử lý ngay thông tin sai lệch về dịch bệnh, vắc-xin và tình hình chống dịch. Các đội chứng thực thông tin làm việc theo nhóm hiệu quả, phát hiện, xác định và chứng thực, xử lý các thông tin sai lệch, báo cáo lại các cơ quan chức năng. Hình thức này phổ biến ở các nước châu Phi, nơi nguồn lực về y tế khám, chữa bệnh và thông tin về bệnh Covid-19 đều quá hạn chế. PesaCheck, một trong những sáng kiến chứng thực thông tin lớn nhất tại ở châu Phi là một đội gồm 20 nhà báo làm việc ở khắp các quốc gia châu Phi, hình thành mạng lưới phối hợp chứng thực thông tin và dịch ra nhiều ngôn ngữ, như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Swa-hi-li và Am-ha-ric. Đội ngũ này đang tập trung giải quyết các thông tin giả về vắc-xin Covid-19, như: Chính phủ không tin vắc-xin, Bộ trưởng chỉ vờ tiêm vắc-xin, ống tiêm rỗng…7.

Thứ tư, các quốc gia ban hành luật, lập chế tài để răn đe, xử lý các đối tượng tung tin giả, gây tổn hại tới con người và lợi ích quốc gia qua hành động lan truyền tin giả. Mức độ xử lý linh hoạt, từ xử phạt hành chính tới khởi tố hình sự, phạt tù. Các quốc gia áp dụng hình thức phạt tù có thể kể tới Thái Lan, Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a.

Tại Thái Lan, tháng 7/2021, trong hơn 50 trường hợp bị khởi tố vì lan truyền tin giả, có 30 trường hợp liên quan tới Covid-19. Hình ảnh, biểu ngữ, tin giả gây thiệt hại cho bất cứ đối tượng nào, làm loạn trị an xã hội có thể lĩnh án lên tới 5 năm tù, hoặc phạt 100,000 bạt (THB), hoặc cả hai, theo Bộ luật Hình sự liên quan tới Công nghệ 20178.

Thứ năm, các quốc gia tập trung tăng cường an ninh mạng trong tình hình hầu hết các hoạt động của chính phủ, người dân đều được chuyển lên môi trường trực tuyến. Nga, Tây Ban Nha, đều đưa ra các hoạt động hợp tác song phương tăng cường an ninh mạng, phối hợp giữa các nhóm an ninh mạng, cùng phối hợp kiện toàn hệ thống dữ liệu quốc gia9.

Kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc quản lý tin giả về Covid-19

Tình hình tin giả ở Việt Nam được đánh giá là nghiêm trọng, thông tin nhiều, nguồn đa dạng và nhắm tới mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Theo thống kê của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm nhận được hơn 1,1 nghìn lượt báo cáo tin giả. Xử lý và dán nhãn 38 tin giả, tin sai sự thật với nhiều nội dung liên quan đến hiện trạng và công tác phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam10.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo đó, khoản 1 Điều 10 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định số tiền phạt lên tới 10 – 20 triệu đồng cho các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín danh dự của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo tình hình dịch bệnh kéo dài và chủng mới nguy hiểm xuất hiện, tháng 9/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành “Kế hoạch thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố”, theo đó, hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (tối đa 7 năm tù, phạt hành chính tối đa 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm)11.

Áp dụng kinh nghiệm thành công của một số quốc gia trên thế giới trong phòng, chống tin giả Covid-19, thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, năm 2021, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC). Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng công bố 3 nền tảng số cho các cơ quan báo chí, gồm nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; nền tảng phân tích dư luận trên mạng xã hội và nền tảng phòng ngừa vi phạm an ninh, nền tảng phản ứng khẩn cấp cho hệ thống thông tin mạng của các cơ quan báo chí. Vì vậy, cần tuyên truyền, thông báo thông tin về dịch bệnh Covid-19, thông qua các nền tảng này nhằm giúp người dân tiếp cận với các thông tin chính thức về dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện các ứng dụng quét mã theo dõi tình trạng tiêm vắc-xin, kiểm tra sức khỏe như PC – Covid, Sổ sức khỏe điện tử để kết hợp kiểm soát, phòng dịch bệnh và ngừa sự lây lan của tin giả hiệu quả.

Thứ hai, cuộc chiến chống lại tin giả là cuộc chiến lâu dài, không chỉ dừng lại ở trong dịch bệnh mà là cuộc chiến ác liệt bảo vệ lợi ích quốc gia trong thời kỳ thông tin số, nên nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao của Việt Nam là nguồn lực tiên quyết không thể thiếu. Nguồn lực này có thể được đào tạo từ các trường đại học, công ty công nghệ thông tin uy tín trong nước, hoặc là nguồn nhân lực từ nước ngoài tham gia vào công tác bảo mật cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước cần dành nguồn kinh phí đào tạo nhân tài, nghiên cứu sản phẩm bảo mật, các sản phẩm công nghệ thông tin khác mang tính ứng dụng cao phục vụ công tác số hóa chính phủ số và bảo vệ an ninh không gian mạng quốc gia.

Thứ ba, các doanh nghiệp trong nước cần nỗ lực tạo nên các nền tảng nội địa phục vụ tốt cho yêu cầu học tập, lao động, giải trí, giao lưu văn hóa và mua bán hàng hóa của Nhân dân để tránh tình trạng người dân phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng công nghệ nước ngoài.

Thứ tư, Việt Nam tiếp tục kêu gọi các nước ASEAN thành lập một đội đặc nhiệm chống tin giả, dùng các nỗ lực ngoại giao và sự hỗ trợ từ bạn bè quốc tế để chung sức chống đại dịch Covid-19, qua đó thể hiện nỗ lực chống dịch và thực hiện nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam.

Chú thích:
1. Phòng, chống tin giả trên không gian mạng và cách nhận diện. https://www.mic.gov.vn, ngày 01/11/2021.
2. Fake news its complicated. https://medium.com, ngày 16/2/2017.
3. Infodemic. https://www.who.int, ngày 28/12/2021.
4. How Goverments can take actions Against Fake news propensity. https://www.hec.edu, ngày 26/4/2021.
5. Digital news report: Australia 2021. https://apo.org.au, ngày 23/6/2021.
6. The epidemiological impact of the NHS Covid-19 app. https://www.nature.com, ngày 12/5/2021.
7. Meet the Woman Beating Covid-19 Misinformation Across Africa, One Fake News Story at a Time. https://www.globalcitizen.org, ngày 09/7/2021.
8. Posters of fake news regarding Covid-19 could face jail time, warn Thai authorities. https://dunyanews.tv, ngày 14/7/2021.
9. Russia and Spain Agree to Cooperate on Cyber Security, Fight Fake News. https://www.themoscowtimes.com, ngày 7/11/2018.
10. Tin giả liên quan đến Covid-19 gia tăng trên mạng xã hội. https://tuyenquang.gov.vn, ngày 28/7/2021.
11. Đưa tin giả về Covid-19 trên mạng có thể bị phạt tù 7 năm. https://www.qdnd.vn, ngày 16/9/2021.
ThS. Nguyễn Minh Phương
Học viện Ngoại giao