(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 25/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành thông tin và truyền thông năm 2022 và giai đoạn 2022 – 2025; phổ biến nội dung Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2020, Đắk Nông đang đứng trong tốp cuối của cả nước về chỉ số Chuyển đổi số. Cụ thể, chỉ số chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đứng thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, Chính quyền số xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố; Kinh tế số xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố và Xã hội số xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố.
Một số chỉ số chính của Chính quyền số bị xếp hạng rất thấp như: Chỉ số chính An toàn, an ninh mạng xếp hạng thứ 58/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số chính Đào tạo và Phát triển nhân lực xếp hạng thứ 61/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số chính Hoạt động Chính quyền số xếp hạng thứ 57/63 tỉnh, thành phố…
Đến năm 2021, Đắk Nông đã tập trung vào việc chuyển đổi số, góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, tích cực thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể, tỉnh đã triển khai hệ thống giao ban điện tử từ tỉnh đến 100% xã, phường, thị trấn; thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành Trung ương; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% văn bản được gửi, nhận trên hệ thống quản lý văn bản; khai thác sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội…
Tổng doanh thu lĩnh vực bưu chính, viễn thông đạt 875 tỷ đồng, tăng 59,51%; tỷ lệ người dân có thuê bao điện thoại di động 95,7%; tỷ lệ người dân có thuê bao Internet băng rộng cố định 11,80%; tỷ lệ thuê bao Internet di động 59,35%.
Giai đoạn 2022-2025, ngành thông tin và truyền thông Đắk Nông đặt ra 92 nhiệm vụ, với 5 nhóm nhiệm vụ trong chuyển đổi số gồm: nhóm nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng; phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số và chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực.
Trong đó, chính quyền số tập trung xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh cấp tỉnh, cấp huyện; nâng cấp và tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phát triển Kho dữ liệu dùng chung; triển khai an toàn thông tin 4 lớp; phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao, triển khai và phủ sóng mạng di động 4G, 5G.
Lĩnh vực kinh tế số, trọng tâm phát triển thương mại điện tử, doanh nghiệp công nghệ số, đẩy mạnh các hình thức xúc tiến thương mại trên môi trường công nghệ số, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, triển khai Chương trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Đối với ngành, lĩnh vực chuyển đổi số trọng tâm trong lĩnh vực nông nghiệp; y tế; giáo dục; quy hoạch, xây dựng, giao thông vận tải; tài nguyên và môi trường; xây dựng nông thôn mới…
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, cần nhận thức rõ chuyển đổi số của Đắk Nông hiện nay đang ở đâu, nếu không có sự cải cách mạnh mẽ, quyết liệt sẽ bị tụt hậu rất xa so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cũng theo ông Mười, Đắk Nông đã chậm trong chuyển đổi số nên phải hành động ngay, hành động phải nhiều hơn, nhanh hơn, mạnh hơn để sớm chuyển mình trong công cuộc chuyển đổi số, thay đổi thứ hạng trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy Đắk Nông phát triển toàn diện, nhanh, bền vững.