Đổi mới quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả là yêu cầu tất yếu khách quan để phát triển đất nước

(Quanlynhanuoc.vn) – “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”1 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua. Bài viết đề cập nội dung đổi mới quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả là yêu cầu tất yếu khách quan đặt ra trong bối cảnh phát triển đất nước hiện nay.
Ảnh minh họa (internet)
Quan niệm về đổi mới quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả

Hiện nay, đổi mới quản trị nhà nước (QTNN) theo hướng hiện đại, hiệu quả là đổi mới QTNN dựa trên các quan điểm và sử dụng các phương pháp, thành tựu mới nhất của khoa học – công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số vào thực hiện mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của QTNN, tạo điều kiện thuận lợi, lợi thế cạnh tranh cho kinh tế – xã hội của đất nước phát triển nhanh, bền vững và phục vụ người dân tốt hơn.

Chính vì vậy, đổi mới QTNN theo hướng hiện đại là việc áp dụng những phát minh, những thành tựu mới nhất của khoa học – công nghệ, các thành tựu của cách mạng 4.0 vào QTNN, như: internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, công nghệ sinh học và công nghệ nano… Đây là những công nghệ mang lại giá trị lớn trong việc hỗ trợ tạo ra những chiến lược, chính sách, hệ thống pháp luật có chất lượng, sát thực và hiệu quả cao trong QTNN. Nhờ có công nghệ số, các chủ thể QTNN đưa ra các quyết định quản trị kịp thời, ban hành chính sách, sử dụng các nguồn lực hợp lý, hiệu quả hơn; cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thiết yếu, cơ bản cho người dân đầy đủ, kịp thời, mang lại sự hài lòng cho người dân; thu hút người dân và doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào QTNN để cùng tạo ra các giá trị, lợi ích, niềm tin và sự đồng thuận cao trong xã hội.

Đổi mới QTNN theo hướng hiệu quả yêu cầu việc hoạch định, xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật và sử dụng các nguồn lực phải bảo đảm hiệu quả cả về mặt định lượng và định tính. Chiến lược, chính sách, pháp luật được xây dựng, ban hành ra phải thực sự là công cụ QTNN thiết thực và hữu dụng, phải tạo ra các nguồn lực, lợi thế cạnh tranh cho kinh tế – xã hội của đất nước phát triển. Đổi mới QTNN theo hướng hiệu quả phải đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ hành chính công, các dịch vụ thiết yếu, cơ bản bảo đảm chất lượng, kịp thời và tạo sự hài lòng cho người dân. Như vậy, đổi mới QTNN theo hướng hiện đại hay hiệu quả đều nhằm mục tiêu chung, mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả QTNN, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Đổi mới quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả

Thứ nhất, QTNN là quá trình đổi mới sáng tạo.

Quản trị nói chung và QTNN nói riêng là một tiến trình năng động, sáng tạo để thích nghi với sự thay đổi, phát triển của môi trường và đối tượng quản trị. Đứng trước những thay đổi của đối tượng quản trị cũng như môi trường quản trị cả về quy mô và sự phức tạp, chủ thể QTNN phải tìm các phương pháp và biện pháp để tiếp tục QTNN có hiệu quả, như: điều chỉnh, đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng, trình độ của nguồn nhân lực; đổi mới phương pháp, công cụ quản trị để bảo đảm và duy trì QTNN có hiệu quả. Sự thành công của QTNN phụ thuộc phần nhiều vào những chiến lược đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, đổi mới QTNN để tư duy lại quản trị nhà nước.

QTNN hiện đại không chỉ nhấn mạnh tính hiệu quả mà còn bao hàm cả những ý tưởng về trách nhiệm, sự tham gia và sự trao quyền lực hợp pháp, hợp lý giữa các chủ thể và các cấp QTNN. Hiệu quả QTNN phụ thuộc vào các quyết định có chất lượng, các dịch vụ công – sản phẩm đầu ra của QTNN đáp ứng nhu cầu và sự lựa chọn của người dân. Vì vậy, các cơ quan, chủ thể QTNN phải chịu trách nhiệm về tính chính xác trong quyết định quản trị của mình. Mục đích của QTNN hiện đại là thiết lập một khuôn khổ, trong đó Chính phủ là chủ thể QTNN trực tiếp và cao nhất được cải thiện cả về hiệu quả quản trị và trách nhiệm.

Thực chất, bản chất của QTNN là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực của Nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi của công dân thông qua hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra nhằm đạt được mục tiêu của Nhà nước. QTNN không phải là cai trị, cấm đoán, áp đặt đơn phương mà là quản trị một cách dân chủ, pháp quyền bằng việc mở rộng, bảo đảm quyền tham gia của người dân vào QTNN bằng việc sử dụng có hiệu quả các công cụ, như: thể chế, chính sách và các phương pháp, công nghệ, kỹ năng, kỹ trị hiện đại nhằm đạt hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi và lợi thế cạnh tranh cho kinh tế – xã hội phát triển và phục vụ người dân tốt hơn.

Thứ ba, đổi mới QTNN để phát triển đất nước.

Đối tượng QTNN là các lĩnh vực, các mặt của đời sống xã hội, trong đó có kinh tế. Nhà nước, nền QTNN là bộ phận cấu thành thượng tầng kiến trúc, bị quy định bởi hệ thống các mối quan hệ kinh tế, quan hệ sản xuất trong xã hội hợp thành kết cấu hạ tầng của xã hội. Về cơ bản, nền QTNN phụ thuộc vào các quan hệ kinh tế. Ngày nay, ở các nước phát triển, nhà nước ngày càng tham dự bao quát hơn vào nền kinh tế quốc dân. Nhà nước nắm giữ những khu vực kinh tế quan trọng, dùng công cụ quản trị như chính sách để tác động vào nền kinh tế thị trường nhằm khắc phục những nhược điểm, khiếm khuyết của nó, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển. Mặt khác, sự biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh tế tác động đến tổ chức và hoạt động của QTNN đòi hỏi hệ thống bộ máy QTNN phải cải cách, đổi mới một cách tương thích để phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Thứ tư, đổi mới QTNN xuất phát từ vai trò QTNN.

QTNN đối với xã hội là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đến các quá trình, quan hệ xã hội và hành vi hoạt động của công dân nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển xã hội, cũng chính là để duy trì sự tồn tại và phát triển của Nhà nước. Vai trò của QTNN quyết định sự tồn tại và phát triển của Nhà nước. QTNN, năng lực QTNN quyết định đến sự tồn tại và phát triển của một quốc gia, dân tộc.

Ngày nay, trong các yếu tố quyết định đến năng lực cạnh tranh quốc gia, như: nguồn lực tài nguyên thiên, nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực khoa học – công nghệ và QTNN thì yếu tố QTNN là yếu tố quan trọng nhất, chi phối các yếu tố khác và là yếu tố quyết định đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra, QTNN còn có vai trò hoạch định, tổ chức, chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chiến lược, thể chế và chính sách của Nhà nước trong các lĩnh vực, như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học – công nghệ, môi trường, an ninh – quốc phòng… Như vậy, đổi mới QTNN theo hướng hiện đại chính là để phát huy hơn nữa vai trò, tầm quan trọng của QTNN trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ năm, đổi mới QTNN để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030. Mục tiêu tổng thể của Chiến lược là phấn đấu đến năm 2030 nước ta “là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao… Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”2. Để thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược phải triển khai thực hiện một loạt các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng liên quan đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, trong đó ưu tiên các đột phát triển chiến lược. QTNN theo hướng hiện đại, hiệu quả là đột phá quan trọng đầu tiên để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030 của đất nước.

Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Thứ sáu, đổi mới QTNN để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền.

Nhà nước pháp quyền là nhà nước dân chủ, công bằng và tiến bộ, đề cao vị trí tối thượng của pháp luật, quyền con người, quyền công dân; được tổ chức và hoạt động trên cơ sở chủ quyền Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền phải đáp ứng các yêu cầu sau:

(1) Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, tiến bộ thể hiện ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, là công cụ thực hiện quyền lực của Nhân dân, thừa nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân. Tổ chức và hoạt động của Nhà nước trên cơ sở Nhân dân là chủ thể tối cao, duy nhất của quyền lực nhà nước, Nhân dân thiết lập và ủy quyền cho các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực của mình. Nhân dân có quyền tham gia vào QTNN, có quyền quyết định tối cao và cuối cùng những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhà nước phải tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định của Nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

(2) Các chính sách của Nhà nước đều phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, hướng tới chuyển từ bộ máy quản trị xã hội sang bộ máy phục vụ xã hội. QTNN phải chuyển từ quản trị với tính chất cai trị sang quản trị với tính chất dân chủ, pháp quyền, quản trị với mục tiêu phục vụ Nhân dân là trên và trước hết.

(3) Xây dựng nhà nước pháp quyền, trong đó tổ chức và hoạt động của Nhà nước phải theo nguyên tắc hiến định “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”3. Nguyên tắc này yêu cầu phải “xác định rõ hơn vai trò, vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”4. Cụ thể, Chính phủ cần xác định rõ: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan QTNN cao nhất, chủ thể QTNN cao nhất và Chính phủ nắm quyền thống nhất quản trị điều hành các mặt của đời sống kinh tế – xã hội của đất nước; quyết định chủ trương, chiến lược, thể chế, chính sách QTNN.

Các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền đều liên quan trực tiếp đến QTNN. Vì vậy, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”5. Để thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm này cần phải đổi mới QTNN theo hướng hiện đại, hiệu quả để thực hiện thành công các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thứ bảy, đổi mới QTNN từ những hạn chế, bất cập của QTNN.

Thời gian qua, bên cạnh các kết quả, thành tựu được ghi nhận, QTNN còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần phải khắc phục, như: hoạch định, xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, thể chế, chính sách. Cụ thể, trong thực hiện chiến lược: “Mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Môi trường kinh doanh ở một số lĩnh vực, địa phương còn hạn chế, chưa thực sự thông thoáng”6; “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập. Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch. Chưa tạo được đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển”7; quản lý nhà nước về phát triển xã hội còn một số hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường nhiều mặt còn yếu kém, khắc phục còn chậm… Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Chênh lệch giàu – nghèo còn lớn; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn…; quản lý nhà nước về “Bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn thách thức; an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn còn diễn biến phức tạp8. Vì vậy, cần đổi mới QTNN theo hướng hiện đại, hiệu quả là để tìm ra các giải pháp, biện pháp khắc phục các hạn chế, bất cập này; đây thực sự là yếu tố quyết định sự tồn tại, phát triển và thịnh vượng của đất nước.

Thứ tám, đổi mới QTNN để nâng cao hiệu quả hợp tác và hội nhập quốc tế.

Ngày nay, các vấn đề, như: chiến tranh, hòa bình, đói nghèo, thảm họa thiên tai, dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu… không còn là vấn đề riêng của mỗi quốc gia, dân tộc – đó là những vấn đề chung nhân loại phải cùng chung tay giải quyết. Trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế, khoa học – công nghệ toàn diện và sâu rộng, hợp tác, hội nhập quốc tế để cùng giải quyết những vấn đề chung của nhân loại cũng như để học tập và trao đổi kinh nghiệm QTNN, đặc biệt là quản trị phát triển kinh tế là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hội nhập và hợp tác quốc tế tạo cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức lớn.

Để tận dụng được cơ hội và vượt qua các thách thức chúng ta cần phải đổi mới QTNN theo hướng hiện đại, hiệu quả như trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước”9. Như vậy, đổi mới QTNN theo hướng hiện đại, hiệu quả là yêu cầu tất yếu khách quan để nâng cao hiệu quả hợp tác, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, điều kiện thuận lợi, các nguồn lực để phát triển đất nước.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 203, 217 – 218, 175, 174 -175, 174, 210 – 211, 80, 211 – 212.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 153.
Tài liệu tham khảo:
1. Đại học Kinh tế quốc dân. Giáo trình Khoa học quản trị . H. NXB Khoa học kỹ thuật, 2002.
2. Nguyễn Minh Đoan, Nguyễn Văn Năm. Lý luận chung về nhà nước và pháp luật. H.  NXB Tư pháp, 2016.
3. Harold Koontz, Cyril O Donnell và Heinz Weihrich. Những vấn đề cốt yếu của Quản trị. H. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2004.
4. Khái niệm, vai trò, đặc điểm của quản trị nhà nước. https://quanlynhanuoc.vn, ngày 06/7/2021.
5. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
6. Văn Tất Thu. Năng lực cạnh tranh quốc gia và các thách thức cần vượt qua. Tạp chí Quản lý nhà nước số 302 (3/2021).
PGS.TS. Văn Tất Thu
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ