Tăng cường công tác tuyên truyền về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, bản cho người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

(Quanlynhanuoc.vn) – Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của công tác sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, bản là sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Theo quy định hiện nay, khi thành lập thôn mới và sáp nhập thôn thì phải lấy ý kiến toàn thể cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn. Chỉ khi nào đa số người dân thống nhất thì mới được thực hiện. Do vậy, công tác tuyên truyền cần phải được chú trọng và đẩy mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên báo cáo tại Hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do Bộ Nội vụ tổ chức (Nguồn: https://www.moha.gov.vn).

Thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, bản là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhằm tổ chức hợp lý các đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của đất nước, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng; phát triển kinh tế – xã hội.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã áp dụng nhiều hình thức nhằm tăng cường tuyên truyền, thông tin đến người dân về sự cần thiết, những lợi ích khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính tại địa phương. Theo kết quả khảo sát của tác giả, việc tiếp cận thông tin vấn đề này được thể hiện ở các kênh và mức độ sau:

Một là, tiếp cận thông tin từ cán bộ, cơ quan đoàn thể, tuyên truyền viên chiếm 65% đánh giá là rất hiệu quả và hiệu quả. Đây được coi là kênh truyền tải thông tin tới người dân đạt hiệu quả tốt nhất. Qua nghiên cứu thực tế cho thấy, các hoạt động tuyên truyền nhằm trực tiếp giải quyết những băn khăn, thắc mắc của người dân về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, tổ dân phố được thực hiện thường xuyên, đa dạng về hình thức thường mang lại hiệu quả cao hơn các hình thức tuyên truyền khác, thậm chí ở một số xã vùng cao, cán bộ sẽ trực tiếp xuống cơ sở “cắm bản” để tuyên truyền, giúp đỡ bà con hiểu được sự cần thiết và lợi ích của việc sắp xếp, sáp nhập thôn, bản.

Hai là, tiếp cận thông tin từ gia đình, bạn bè, người thân (chiếm 62%). Với mối quan hệ thân quen và sự tin tưởng, kênh thông tin này đóng vai trò “cầu nối” chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân đạt hiệu quả tốt.

Ba là, tiếp cận thông tin từ hội họp chiếm 43%, mặc dù tỷ lệ tiếp cận không cao nhưng thực tế cho thấy, đây là một trong những hình thức kênh tiếp cận và cung cấp thông tin cho người dân khá hiệu quả. Trong quá trình họp, người đại diện hộ gia đình nêu ra những vấn đề quan tâm, cán bộ trực tiếp phổ biến thông tin và cung cấp tài liệu. Những thông tin và tài liệu sau đó sẽ được thành viên dự họp chia sẻ tới gia đình và hội, nhóm trong xã, tổ dân phố hoặc thôn, bản.

Hội nghị công bố quyết định sáp nhập Khối phố 3, Khối phố 4 Thị trấn Bình Gia với tên mới thành Khối phố Trần Hưng Đạo (Nguồn: https://binhgia.langson.gov.vn).

Bên cạnh những hình thức – kênh tiếp cận thông tin “truyền thống” thì sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các phương tiện, loại hình truyền thông hiện đại cũng đã và đang giúp cho người dân thay đổi đáng kể nhận thức về chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, tổ dân phố. Thông qua truyền hình, phát thanh, truyền thanh … người dân đã có những nhận thức được sự cần thiết và lợi ích của việc sáp nhập. Theo kết quả khảo sát, có 52% người dân lựa chọn kênh tiếp cận thông tin về lĩnh vực này qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Sự phát triển tích cực của các ứng dụng công nghệ trên điện thoại trong những năm gần đây cũng tạo ra một kênh thông tin khá hữu hiệu để người dân tại đây, nhất là giới trẻ tiếp cận chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Kết quả khảo sát cho thấy lần lượt 28% đánh giá hiệu quả của kênh tiếp cận qua Internet và 11% đánh giá hiệu quả thông qua mạng xã hội.

Để thiết lập thói quen chủ động và nâng cao khả năng tiếp nhận, cập nhật thông tin của người dân cần phải có các giải pháp chiến lược, đồng bộ và lâu dài trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, kinh tế, văn hóa, xã hội… đồng thời, cũng là những giải pháp căn cơ để thay đổi, phá bỏ những rào cản, trong đó có rào cản tư duy và tập quán – thói quen tiêu cực.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ trong việc thực hiện chủ trương của Đảng. Bên cạnh các giải pháp tuyên truyền cần có chính sách vận động, hỗ trợ để người dân nhận thức đúng vai trò và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng.

Lực lượng làm công tác tuyên truyền, nhất là đội ngũ tuyên truyền trực tiếp cần được quan tâm, đầu tư tăng cường hơn nữa cả về số lượng, chất lượng và điều kiện làm việc. Bên cạnh lực lượng nòng cốt là báo cáo viên và tuyên truyền viên thì cán bộ cơ sở, giáo viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người có uy tín cần tích cực “chung vai góp sức” đưa các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, tạo sự thay đổi tích cực và xây dựng niềm tin cho người dân.

Cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương pháp, ký năng truyền thông; sử dụng linh hoạt, có trọng tâm trọng điểm các kênh truyền thông phù hợp với từng thời điểm, bối cảnh, địa bàn, nhóm đối tượng khác nhau; chú trọng đến tính rõ ràng, cụ thể, chính xác, ngắn gọn trong thông điệp truyền thông.

Việc tăng cường mở rộng thông điệp truyền thông đến người dân cần khắc phục tình trạng: “gom” nhiều chủ đề, vấn đề và nhiều đối tượng nghe khác nhau vào một cuộc tuyên truyền. Thực tế ở nhiều nơi việc tuyên truyền vẫn chủ yếu theo mô hình “Một cho tất cả”, lồng ghép nhiều chủ đề khác nhau, dựa vào loa phát thanh, mạng lưới tuyên truyền viên hoặc các cuộc họp tại tổ dân phố và thôn bản là chính. Vì thế, nội dung tuyên truyền thường không hấp dẫn, thiếu sinh động, khó nhớ.

 TS. Lê Thị Tuyền
 Học viện Hành chính Quốc gia