Hội thảo khoa học: “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp cơ sở tỉnh Hậu Giang”

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 18/3/2022, Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang phối hợp với Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp cơ sở tỉnh Hậu Giang”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến qua phần mềm Zoom, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị của trung ương và địa phương.
Hội thảo khoa học: “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp cơ sở tỉnh Hậu Giang” được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Về phía các nhà khoa học khách mời có: PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn – Nguyên Ủy viên chuyên trách Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, thành viên Tổ Biên tập xây dựng Đề án: “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; TS. Nguyễn Quang Vinh – Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Cao Vũ Minh – Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học pháp lý, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Thị Thu Hòa – Trưởng Bộ môn Khoa học hành chính và Quản trị, Khoa Chính trị – Hành chính, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội thảo về phía Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh có: PGS.TS. Huỳnh Văn Thới – Phó Giám đốc phụ trách Phân viện; trưởng các đơn vị thuộc Phân viện, các giảng viên, viên chức của Phân viện.

Về phía tỉnh Hậu Giang có ông Phan Hoàng Ngoan – Phó Giám đốc Sở Nội vụ; ông Võ Thành Chính – Phó Giám đốc Sở Nội vụ; bà Phạm Thị Thùy Dung – Phó Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh ủy; TS. Nguyễn Văn Phụng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật Miền Nam; cùng với đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Hội Cựu chiến binh tỉnh; Tỉnh đoàn; Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang; Trường Chính trị tỉnh; các sở, ban ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân, Ban Tổ chức, Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố; ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang.

Hội thảo đã nhận được 20 tham luận, trong đó có 12 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Khoa Chính trị – Hành chính, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; 8 tham luận của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và lắng nghe 12 phát biểu tham luận, thảo luận tại Hội thảo.

Ông Phan Hoàng Ngoan – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Phan Hoàng Ngoan – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang khẳng định đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã có vai trò quan trọng. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã là nội dung trọng tâm, then chốt góp phần xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền vững mạnh từ cơ sở. Đối với tỉnh Hậu Giang, bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã còn một số hạn chế nhất định. Vì vậy, Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang mong muốn được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương về chất lượng CBCC cấp cấp xã tỉnh Hậu Giang đặc biệt những giải pháp để nâng cao chất lượng CBCC cấp xã tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.

Trong tham luận về “Vai trò của công chức cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” trình bày tại Hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn – Nguyên Ủy viên chuyên trách Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, thành viên Tổ Biên tập xây dựng Đề án: “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” khẳng định đội ngũ công chức cấp xã có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định chính trị, thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương. Trong bối cảnh mới cần phải nhận diện đầy đủ các áp lực tác động và đặt ra những yêu cầu mới cho đội ngũ công chức cấp xã trong thực thi công vụ. Do đó, trong thời gian tới trên cơ sở tinh thần Đại hội XIII của Đảng gắn với thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền cơ sở phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách đối với đội ngũ công chức cấp xã.

Từ góc độ lý luận chung về chất lượng CBCC cấp cơ sở, tiếp cận dưới góc độ đánh giá kết quả thực thi công vụ trong tham luận “Xây dựng các tiêu chí đánh giá công chức cấp xã theo kết quả thực thi công vụ”, TS. Nguyễn Thị Thu Hoà – Trưởng Bộ môn Khoa học hành chính và Quản trị, Khoa Chính trị – Hành chính, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định để đánh giá công chức hiệu quả cần xây dựng các tiêu chí khoa học, hợp lý, gắn với vị trí việc làm, theo hướng xác định được kết quả thực thi công vụ. Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Thị Thu Hoà đề xuất 6 nhóm tiêu chí: khối lượng công việc thực hiện; chất lượng thực thi công vụ; kết quả đánh giá, thi đua hàng năm; năng lực thực thi công vụ; tuân thủ chính sách, pháp luật, trình tự, thủ tục trong thực hiện công việc; sáng tạo, chủ động trong thực hiện công việc; tinh thần trách nhiệm.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thế Tài – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, bồi dưỡng, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định tiêu chí đánh giá chất lượng CBCC nói chung và CBCC cấp cơ sở còn chung chung, thiếu những tiêu chí về định lượng; việc đánh giá CBCC ở cấp cơ sở hiện nay cần phải được xây dựng phù hợp với vị trí công việc. Công tác đánh giá chất lượng CBCC hiện nay yếu nhất là khâu nhận xét, đánh giá của đồng nghiệp, lãnh đạo trong chu trình đánh giá; tiêu chí đánh giá về phẩm chất chính trị hiện nay khó đánh giá, mang tính chất trừu tượng, nặng hình thức; khâu hậu đánh giá hiện nay còn đặt ra nhiều vấn đề… Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Thế Tài đề xuất hoàn thiện tiêu chí đánh giá chất lượng CBCC cấp cơ sở như: nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đảng ủy, người đứng đầu, đội ngũ CBCC và nhân dân về đánh giá chất lượng công chức cấp cơ sở; tiếp tục mở rộng dân chủ, tự phê bình và phê bình, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan; đề cao vai trò tự đánh giá của công chức cấp cơ sở; người đứng đầu cấp ủy, chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã phải gương mẫu, đi đầu trong tự đánh giá; việc đánh giá CBCC cần được thực hiện xuyên suốt, định kỳ không tập trung cuối năm mới đánh giá; tăng cường khâu hậu đánh giá để tập trung hỗ trợ, khắc phục hạn chế, khuyết điểm người được đánh giá, giúp hoàn thiện năng lực, phẩm chất người được đánh giá…

Toàn cảnh Hội thảo đầu cầu trực tiếp tỉnh Hậu Giang.

Từ thực tiễn tỉnh Hậu Giang, trong tham luận “Đổi mới công tác dân vận chính quyền cơ sở tỉnh Hậu Giang để nâng cao ý thức phục vụ Nhân dân”, bà Phạm Thị Thùy Dung – Phó Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định, trong bối cảnh hiện nay để thực sự đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nhằm nâng cao ý thức phục vụ Nhân dân cần thực hiện một số giải pháp: (1) Tiếp tục quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản của tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh về công tác dân vận. (2) Cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên các cấp phải sâu sát cơ sở, phải gần dân, sát dân và “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói đúng sự thật”. (3) Xác định việc chăm lo đời sống cho Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chính quyền các cấp, nhất là ở cấp cơ sở. (4) triển khai, tuyên truyền, phát động phong trào phòng, chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh – trật tự để an ninh trật tự được giữ vững và yên lòng dân. (5) tiếp tục thực hiện tốt chương trình cải cách hành chính. (6) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đột xuất, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận chính quyền, cải cách hành chính, đạo đức công vụ và khảo sát sự hài lòng của người dân.

Cũng từ thực tiễn tỉnh Hậu Giang, ông Lê Hoàng Nhơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đã chia sẻ thực tiễn của huyện Châu Thành A trong việc đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin đối với CBCC cấp cơ sở trên địa bàn huyện Châu Thành A qua việc triển khai Đề án chính quyền điện tử.

Ông Tô Minh Điền – Bí thư Đảng uỷ phường I, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đề xuất một số giải pháp để đổi mới phong cách, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân của CBCC.

Từ thực tiễn của Phường I, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, ông Tô Minh Điền – Bí thư Đảng uỷ Phường I đề xuất một số giải pháp để đổi mới phong cách, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân của CBCC phường I, thành phố Vị Thanh như: CBCC phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác trên mọi mặt; CBCC cần nâng cao tính chủ động trong công việc, vận dụng một cách cụ thể, phù hợp vào lĩnh vực công việc chuyên môn được phân công, phụ trách; CBCC phải có tính chủ động nghiên cứu, đề xuất và sáng kiến trong triển khai thực hiện công việc chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao, tạo sự đổi mới thực sự trong tư duy, phương pháp làm việc nhằm nâng cao hiệu quả công tác tham mưu. Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Nhơn cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục quan tâm, có những chính sách đối với đội ngũ CBCC cấp cơ sở nhất là các chính sách liên quan đến đãi ngộ.

Dưới góc độ đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp cơ sở, ông Dương Thành Đức – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Nam (thuộc Bộ Tư pháp) trình bày tham luận: “Đào tạo và liên kết đào tạo cho đội ngũ CBCC cấp cơ sở tỉnh Hậu Giang để hoàn thiện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuẩn chức danh tư pháp, hộ tịch”. Ông Dương Thành Đức khẳng định việc hoàn thiện và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng tiêu chuẩn là đòi hỏi cấp thiết đối với CBCC thời kỳ phát triển mới, đặc biệt đối với chức danh Tư pháp – Hộ tịch. Hình thức liên kết đào tạo cho đội ngũ CBCC cấp cơ sở mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực, cụ thể là đối với những chức danh mà pháp luật quy định cần phải đáp ứng tiêu chuẩn và bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm thì liên kết đào tạo sẽ là giải pháp tối ưu giúp cơ quan Tư pháp địa phương hoàn thiện chuẩn chức danh Tư pháp – Hộ tịch.

TS. Nguyễn Hoàng Anh – Trưởng Bộ môn Nhà nước pháp luật và Lý luận cơ sở, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận.

Trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm, định hướng nâng cao chất lượng CBCC, nhất là cấp cơ sở, TS. Nguyễn Hoàng Anh – Trưởng Bộ môn Nhà nước pháp luật và Lý luận cơ sở, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận: “Giải pháp nâng cao chất lượng CBCC cấp cơ sở”. Trong đó đề xuất các nhóm giải pháp: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về vị trí, vai trò của chính quyền cấp cơ sở, vị trí của CBCC cấp cơ sở trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả công việc của CBCC cấp cơ sở; tạo động lực làm việc cho CBCC cấp cơ sở.

Tiếp cận từ góc độ các quy định của pháp luật liên quan đến công chức cấp cơ sở, TS. Cao Vũ Minh – Phó Tổng Biên tập Tạp chí khoa học Pháp lý, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Hoàn thiện các quy định pháp luật về đánh giá, xếp loại chất lượng công chức cấp cơ sở”, đã khẳng định, hoạt động công vụ của công chức cấp cơ sở đóng vai trò rất quan trọng, do đó, công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức cấp cơ sở cần phải được công khai, minh bạch nhằm khích lệ công chức cấp cơ sở hoàn thành tốt công việc được giao. Đặc biệt, TS. Cao Vũ Minh chỉ ra rằng các quy định về xếp loại chất lượng công chức cấp cơ sở vẫn dựa trên các tiêu chí định tính; tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng công chức cấp cơ sở ở mức không hoàn thành nhiệm vụ chưa có sự phân biệt với các quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên; các quy định về xếp loại chất lượng công chức cấp cơ sở giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cũng còn bộc lộ nhiều nghịch lý. Theo đó, cần ban hành thông tư quy định cụ thể, rõ ràng về đánh giá, xếp loại chất lượng công chức nói chung và công chức cấp cơ sở nói riêng; tiến hành rà soát để loại bỏ những tiêu chí định tính trong đánh giá, xếp loại chất lượng công chức cấp cơ sở; cần xây dựng tiêu chí định lượng cụ thể trên cơ sở thang bảng điểm tổng kết để từ đó tạo cơ chế liên thông giữa đánh giá, xếp loại chất lượng công chức cấp cơ sở với vấn đề thi đua, khen thưởng…

Tham gia thảo luận tại Hội thảo, TS. Mai Đình Lâm – Trưởng Bộ môn QLNN về Kinh tế và Tài chính công, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều thời cơ nhưng cũng có rất nhiều thách thức đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế – xã hội, trong đó có việc nâng cao chất lượng CBCC để đáp ứng với yêu cầu mới. Với vai trò rất quan trọng của CBCC cơ sở, việc xác định được các định hướng, từ đó có các giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng CBCC cấp cơ sở để xây dựng và phát triển đội ngũ CBCC có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị vững vàng; giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Từ góc độ nghiên cứu kinh nghiệm của các địa phương trong việc nâng cao chất lượng cán bộ cấp cơ sở, tham gia thảo luận tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Ngọc Toán – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ở những địa phương khác nhau, trong những giai đoạn, thời điểm khác nhau, tùy vào đặc điểm của đội ngũ CBCC cấp cơ sở sẽ có những phương sách cụ thể khác nhau để đạt được mục tiêu trong công tác này. Tuy nhiên, điểm chung của các địa phương là cần thống nhất trong nhận thức về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng CBCC cấp cơ sở, kiên trì, liên tục và liên thông trong công tác cán bộ từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bố trí công việc, đánh giá… CBCC cấp cơ sở. Việc cần làm đầu tiên để nâng cao chất lượng CBCC là các địa phương đều tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng chất lượng CBCC cấp cơ sở và mức độ đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ và năng lực của CBCC theo quy định và thực tế công việc tại địa phương.

Xuất phát từ bất cập của những quy định pháp luật liên quan đến đội ngũ CBCC cấp cơ sở, ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền – Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, các quy định của pháp luật về CBCC cấp xã đã được ban hành và dần hoàn thiện. Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định, ảnh hưởng đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ CBCC cấp xã. Do đó, ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện các quy định như: sửa đổi quy định về tiêu chuẩn của CBCC cấp xã đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; sửa đổi, bổ sung quy định về chức trách, nhiệm vụ của CBCC cấp xã; bổ sung quy định xét chuyển CBCC cấp xã thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh…

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới – Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, những tham luận, ý kiến trình bày tại Hội thảo có giá trị lý luận, thực tiễn quý báu. Các bài viết gửi đến Hội thảo, cũng như các tham luận, ý kiến trình bày, thảo luận tại Hội thảo đã phân tích, luận giải nhiều phương diện khoa học, thực tiễn liên quan đến chất lượng đội ngũ CBCC cấp cơ sở; các ý kiến, bài viết này có ý nghĩa cho Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia trong nghiên cứu phục vụ việc đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức.

Đồng quan điểm này, ông Phan Hoàng Ngoan – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang cũng khẳng định, các tham luận, ý kiến trình bày tại Hội thảo có giá trị, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang. Ông Phan Hoàng Ngoan trân trọng ghi nhận, cảm ơn sự tham gia phối hợp tổ chức Hội thảo của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh; trân trọng cảm ơn sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học; khẳng định kết quả trao đổi, thảo luận của Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức ghi nhận để đề xuất cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả việc nâng cao chất lượng CBCC cấp cơ sở tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn tới.

PV