Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX)

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP. Hồ Chí Minh tuy tăng lên theo từng năm nhưng mức tăng không lớn. Phân tích kết quả đánh giá chỉ số PCI trong giai đoạn 2016-2020 cho thấy, TP. Hồ Chí Minh tuy có tăng về điểm số nhưng tăng không nhiều (3,98 điểm trong 5 năm). Về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), theo công bố của Bộ Nội vụ giai đoạn 2012 – 2020  thì TP. Hồ Chí Minh đứng ở các vị trí thuộc nhóm khá tốt trong bảng xếp hạng và luôn cao hơn giá trị trung bình cả nước.
Bảng đồ, biểu đồ về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020 của các tỉnh thành trên cả nước (TP.HCM đứng vị trí 14/63) – Nguồn: PCI Việt Nam.
Chỉ số PCI và Chỉ số Par Index của TP. Hồ Chí Minh

Theo Báo cáo Chỉ số PCI năm 2020 thì PCI của TP. Hồ Chí Minh hiện xếp hạng thứ 14/63 địa phương trong cả nước. Qua phân tích số liệu PCI 10 năm (2010 – 2020) của Thành phố có thể thấy, thứ hạng cạnh tranh có sự thay đổi từ thứ hạng 23 (năm 2010) tăng lên hạng 14 (năm 2020). Tuy nhiên, kết quả PCI của Thành phố từ năm 2014 lại liên tục giảm: từ hạng 4 (năm 2014), hạng 6 (2015), hạng 8 (2016, 2017), hạng 10 (2018), hạng 14 (năm 2019, 2020). Về điểm số PCI có sự tăng nhẹ từ 62,73 điểm (năm 2014) lên 67,16 (năm 2019), 67,5 năm (2020)1.

Những năm qua, chỉ số PCI của TP. Hồ Chí Minh tuy tăng lên theo từng năm nhưng mức tăng không lớn. Phân tích kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong giai đoạn 2016-2020 của TP. Hồ Chí Minh cho thấy, PCI tuy có sự tăng về điểm số nhưng tăng không nhiều (tăng 3,98 điểm trong 5 năm). Năm 2020 trong 10 chỉ số thành phần của PCI (chỉ số chi phí gia nhập thị trường; chỉ số tính minh bạch; chỉ số chi phí thời gian; chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; chỉ số đào tạo lao động; chỉ số tiếp cận đất đai; chỉ số chi phí không chính thức; chỉ số cạnh tranh bình đẳng; chỉ số tính năng động; chỉ số thiết chế pháp lý) thì có đến 4 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2019, đặc biệt chỉ số tinh minh bạch chỉ đạt 5,68 điểm (thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay). Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành phố khác có sự tăng mạnh về điểm số ở các chỉ số, do đó TP. Hồ Chí Minh bị xuống hạng, giảm 6 bậc, từ đứng thứ 8 (năm 2016) xuống thứ 14 (năm 2020). Như vậy, trong giai đoạn qua, chỉ số năng lực cạnh tranh của Thành phố dù tăng nhẹ, nhưng thứ hạng PCI vẫn tụt giảm so với nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt, Thành phố không còn nằm trong 5 địa phương có PCI cao nhất cả nước.

Về Chỉ số Par Index, theo công bố của Bộ Nội vụ giai đoạn 2012 – 2020 thì Thành phố đứng ở các vị trí thuộc nhóm khá tốt trong bảng xếp hạng và luôn cao hơn giá trị trung bình cả nước. Năm 2012, năm đầu tiên xác định Par Index, Thành phố xếp thứ 3/63 tỉnh, thành và đây cũng là thành tích tốt nhất của Thành phố. Tuy nhiên, đã có những thời điểm, thứ hạng về cải cách hành chính của Thành phố đạt được khá thấp, đặc biệt năm 2015 xếp hạng 18; năm 2020 xếp hạng 23.

Nếu so sánh TP. Hồ Chí Minh với 4 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại, Par Index của Thành phố có lẽ chỉ hơn Thành phố Cần Thơ (năm 2020, TP. Cần Thơ xếp hạng 37/63). Tuy nhiên, Thành phố Cần Thơ đã có những năm vượt TP. Hồ Chí Minh: năm 2015 (Cần Thơ xếp 4/63, TP. Hồ Chí Minh xếp 16/63); năm 2017 (Cần Thơ xếp 9/63, TP. Hồ Chí Minh xếp 10/63); năm 2018 (Cần Thơ xếp 6/63, TP. Hồ Chí Minh xếp 10/63). Trong khi đó Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội luôn duy trì thứ hạng cao trong những năm qua (năm 2015 Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng lần lượt xếp thứ hạng 2; 4; 5 cao hơn TP. Hồ Chí Minh). Đặc biệt là năm 2020, khi cả nước đều gặp khó khăn vì Covid-19, các địa phương này vẫn duy trì thứ hạng cao (Hải Phòng xếp thứ 2/63; Đà Nẵng xếp thứ 6/63; Hà Nội xếp thứ 8/63). Trong khi đó TP. Hồ Chí Minh bị tụt hạng đáng kể xếp hạng 23/63. Kết quả này chưa tương xứng với vị thế, vai trò và tiềm lực của Thành phố cũng như chưa đáp ứng sự kỳ vọng của lãnh đạo và người dân Thành phố.

Như vậy, mặc dù trong thời gian qua, Thành phố đã có nhiều nỗ lực để cải thiện thứ hạng PCI và PAR INDEX. Tuy nhiên, kết quả năm 2020 cả hai chỉ số này là thấp so với kỳ vọng và mong đợi.

Ảnh minh hoạ: TTXVN.
Một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới

Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 -2025 đề ra mục tiêu “phấn đấu Thành phố nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI và chỉ số Par index”. Để đạt được mục tiêu đề ra, TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp bứt phá để nâng cao cả hai chỉ số này.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện công tác cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh; thường xuyên giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố.

Hai, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các quận, huyện, sở, ngành trong việc nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư gắn việc đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục chủ động nghiên cứu các tiêu chí, tiêu chí thành phần và tình hình chấm điểm, kết quả PCI và PAR INDEX và kết quả đánh giá Par Index của các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện để quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ba, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương cần có những giải pháp đột phá triển khai hiệu quả Chủ đề năm 2022 của Thành phố: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, góp phần thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội Thành phố giai đoạn 2020 – 2025. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp để khắc phục các mặt còn yếu kém, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng quá hạn trong giải quyết, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình cải cách hành chính và giám sát chất lượng thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố.

Bốn là, tăng cường kiểm tra tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đặc biệt việc thực hiện quy tắc ứng xử và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó, kịp thời xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm; kiểm tra đột xuất trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác và kết quả thực hiện các chỉ tiêu cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố để bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục cải thiện theo hướng thuận lợi, minh bạch, đưa Thành phố vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế – xã hội tốt nhất cả nước.

Năm là, tập trung thực hiện chuyển đổi số nhằm phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cung ứng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền Thành phố.

Sáu, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh. Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan thuộc UBND Thành phố và các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với đặc điểm của Thành phố. Tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền các cấp theo hướng dẫn của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục có những kiến nghị các bộ, ngành trung ương cho phép thí điểm xây dựng các mô hình mới trong tổ chức bộ máy để bảo đảm cho mô hình chính quyền đô thị của Thành phố hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp đột phá để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội; đồng thời có tổng kết, đánh giá để kiến nghị Quốc hội ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển phù hợp với vị trí, vai trò của Thành phố trong bối cảnh mới.

Chú thích:
1. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020. https://pcivietnam.vn/an-pham/bao-cao-pci-2020-ct185, phát hành 15/4/2021.

ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh