Giải pháp giảm thất nghiệp cho thanh niên nông thôn trong bối cảnh đại dịch Covid-19

(Quanlynhanuoc.vn) – Kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu khởi phát cho đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát của đại dịch thị trường lao động, việc làm đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, đợt dịch thứ tư kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm cho nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động phải về quê do mất việc. Thu nhập bình quân của người lao động cũng theo đó bị giảm sút nghiêm trọng. Chính vì vậy, để giải quyết tốt vấn đề này, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, giúp thanh niên nông thôn có việc làm ổn định, bảo đảm cuộc sống và phát triển bền vững.
Ảnh minh họa (Internet).
Đặt vấn đề

Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, việc huy động nguồn lao động trong độ tuổi đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi nó giải quyết các vấn đề của xã hội, như: việc làm, thu nhập, an sinh xã hội, bất bình đẳng nam – nữ thanh niên trong tiếp cận việc làm, văn hóa truyền thống,…

Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng tư với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm, khiến việc giãn cách xã hội kéo dài, hàng loạt các doanh nghiệp, dịch vụ không thiết yếu buộc phải đóng cửa làm số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều người lao động bị buộc phải rời khỏi xí nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp, trở về địa phương.

Để chủ động ứng phó, thích ứng với diễn biến của tình hình dịch bệnh, vừa kiểm soát được dịch, vừa thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thích ứng linh hoạt nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Thực trạng thất nghiệp của thanh niên nông thôn trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát của đại dịch ảnh hưởng nặng nề nhất đến thị trường lao động, việc làm. Đặc biệt, đợt dịch thứ tư kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm cho nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động phải về quê do mất việc. Thu nhập bình quân của người lao động cũng theo đó bị giảm sút nghiêm trọng. Tính đến quý III/2021, số lượng lao động có việc làm tiếp tục giảm sâu, giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước1. Điều này dẫn đến, tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời.

Tính đến quý III/2021, số lao động có việc làm chính thức là 15,1 triệu người, giảm 657 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản là 18 triệu người, giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động phi chính thức  khu vực nông thôn là 61,8%, giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là hơn 1,8 triệu người, tăng 620 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: nam từ 15 – 59 tuổi, nữ từ 15 – 54 tuổi (tính từ năm 2020 trở về trước); nam từ 15 – 60 tuổi 3 tháng, nữ từ 15 – 55 tuổi 4 tháng (thực hiện từ năm 2021 – theo Bộ luật Lao động năm 2019)2. Thu nhập bình quân của người lao động là 5,2 triệu đồng/tháng, sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ của năm 2020 (xem biểu đồ cuối bài)3.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 – 24 tuổi là 8,89%, cao hơn cùng kỳ năm trước là 0,75 điểm phần trăm và cao gấp hơn 2,2 lần tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi. Cụ thể, ở nông thôn, cứ 100 thanh niên trong độ tuổi 15 – 24 tham gia hoạt động kinh tế thì có khoảng 7 người thất nghiệp4. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thất nghiệp của thanh niên nông thôn (TNNT) là tính chất mùa vụ, các cơ sở công nghiệp, khu làng nghề truyền thống, các vùng ven đô thị,… trong điều kiện bình thường vốn đã phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế của đô thị, nay do tác động tiêu cực từ khủng hoảng kép (kinh tế và dịch bệnh) sự phụ thuộc này càng thể hiện rõ nét hơn.

Với quyết tâm của Chính phủ và sự đồng lòng gắng sức của Nhân dân, tình hình lao động việc làm trong những tháng cuối năm 2021 đã được cải thiện đáng kể, trong đó nhấn mạnh đến việc quán triệt, thực hiện tốt phương châm tuân thủ 5K + vaccine + điều trị y tế + ứng dụng công nghệ thông tin + ý thức của người dân + hệ thống an sinh xã hội. Cụ thể, ngày 09/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; tiếp đến là Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về việc quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thích ứng an toàn đã góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, thực hiện “mục tiêu kép”: vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân.

Một số khuyến nghị mang tính giải pháp trong thời gian tới

Một là, tiếp tục hoàn thiện chính sách giáo dục – đào tạo cho thanh niên, giúp thanh niên có điều kiện được học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học – kỹ thuật, kỹ năng quản lý, kiến thức thị trường để có cơ hội lựa chọn nghề phù hợp. Khuyến khích việc tổ chức đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; chú ý đào tạo nghề công nghiệp, dịch vụ cho thanh niên, học sinh mới tốt nghiệp phổ thông, đặc biệt với học sinh ở các vùng nông thôn, nhằm giúp họ chuẩn bị điều kiện chuyển nghề sang lĩnh vực phi nông nghiệp, như: công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ nông thôn, bán hàng…

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần thu hút người lao động, thanh niên chủ động tham gia đào tạo để nâng cao tay nghề, chuyển đổi việc làm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động sau đại dịch, như xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân; phối hợp với doanh nghiệp để gắn đào tạo lý thuyết với thực hành tại doanh nghiệp, đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Mỗi địa phương cần nỗ lực và sáng tạo tìm kiếm các mô hình đào tạo nghề phù hợp để tránh tốn kém, lãng phí.

Hai là, đẩy mạnh và hoàn thiện bền vững thị trường lao động bằng cách đẩy mạnh liên kết vùng điều tiết cung – cầu lao động phục vụ hồi phục phát triển kinh tế – xã hội; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, tăng cường tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm khu vực kết nối cung nhân lực và cầu nhân lực theo yêu cầu của xã hội.

Ba là, tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, tập trung vào các dự án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, dự án phát triển thị trường lao động và việc làm; đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp qua Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác.

Có chính sách tín dụng ưu đãi cho các cơ sở dạy nghề, đặc biệt là các nghề kỹ thuật cao. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ thị trường lao động, tín dụng ưu đãi cho TNNT vay vốn tạo việc làm. Tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông thôn để phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho TNNT cải thiện đời sống.

Mặt khác, xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia về định hướng nghề nghiệp và việc làm cho TNNT, trong đó chú trọng những thông tin về thị trường lao động, cung cấp cho họ những số liệu tin cậy về lao động, việc làm đến các địa phương để có căn cứ xây dựng chương trình hướng nghiệp cho TNNT, giúp họ có điều kiện tiếp xúc với thông tin và những cơ hội tìm kiếm việc làm một cách đầy đủ và chính xác.

Mở rộng các hình thức tư vấn nghề, nâng cao năng lực cũng như hiệu quả hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm cho TNNT.

Bốn là, phát huy sự nỗ lực của cá nhân TNNT trong học tập, lao động và việc làm. Mỗi người phải chủ động học tập, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, tay nghề, cần cù, chịu khó, sáng tạo, rèn luyện tác phong công nghiệp, học tập gương TNNT điển hình vượt khó, vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Đồng thời, phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức, kỷ luật lao động, sẵn sàng đảm nhận những công việc khó khăn.

Kết luận

Đại dịch Covid-19 đang gây thêm những khó khăn, thách thức trong việc hướng đến thực hiện mục tiêu việc làm bền vững của Việt Nam. Do đó, vấn đề cốt lõi để bảo đảm việc làm bền vững trong bối cảnh đại dịch covid-19 như hiện nay là phải thực hiện kịp thời có hiệu quả các gói hỗ trợ an sinh xã hội đối với người lao động bị mất việc làm, đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ cơ sở sản xuất – doanh nghiệp phát triển, giữ được việc làm đã có, tạo ra nhiều việc làm mới; đào tạo, giáo dục lại nghề nghiệp, tăng cường kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đương đại… Công việc này đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao, sự phối hợp đồng bộ và thường xuyên của tất cả các chủ thể liên quan: Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội và chính bản thân người lao động.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Tổng cục Thống kê. Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm năm 2020 và Quý III/2021. H. NXB Thống kê, 2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tình hình mới. https://tuyengiao.vn, ngày 29/11/2021.
2. Nghị quyết số 85/2019/QH14 ngày 11/11/2019 về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020.
3. Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025.
4. Việc làm cho thanh niên – Thực trạng và giải pháp. http://thanhnienviet.vn, ngày 21/7/2021.
5. Việc làm cho thanh niên: Những vấn đề đặt ra. http://consosukien.vn, ngày 03/6/2019.
6. Việc làm bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19. https://tuyengiao.vn, ngày 15/11/2021.
TS. Vũ Văn Hùng
Trường Đại học Thương mại