Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở thành phố Buôn Ma Thuột

(Quanlynhanuoc.vn) – Xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức luôn giữ vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của mỗi quốc gia, vì “đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”1 và “công tác cán bộ là then chốt của then chốt”2, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đồng bộ, hiệu quả hệ thống văn bản quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhằm bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt; bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng; định kỳ cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng, qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Lễ khai giảng 2 lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương khóa 14 (phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và khóa 15 bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Napa.vn

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Buôn Ma Thuột đã triển khai nhiều văn bản về việc đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, công chức (CBCC), trong đó có Chương trình số 07-CTr/TU ngày 08/6/2016 của Thành ủy Buôn Ma Thuột về nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC gắn với xây dựng chính quyền đô thị, thực hiện cải cách hành chính; Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 08/9/2016 của UBND thành phố về công tác ĐTBD CBCC thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2016 – 2020. Đánh giá tổng kết 5 năm về công tác bồi dưỡng giai đoạn 2016 – 2020 của thành phố cho thấy:

Về lý luận chính trị: 59/110 CBCC thành phố có trình độ lý luận chính trị, chiếm 54%. Trong đó: cử nhân, cao cấp: 25 người, chiếm 22,7 %, trung cấp: 24 người, chiếm 21,8%. CBCC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phó trưởng phòng và tương đương trở lên có trình độ trung cấp, cao cấp lý luận chính trị đạt 95%; 100 cán bộ chủ chốt của phường, xã có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.

Về chuyên môn: CBCC thành phố có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ đại học trở lên đạt 100% (trong đó, trình độ sau đại học 36 người, chiếm 33,7 %; đại học: 74 người, chiếm 67,2%). CBCC cấp xã: 451 người, trong đó: 228 cán bộ, 223 công chức (không tính trưởng công an chính quy), tỷ lệ CBCC cấp xã đạt chuẩn theo quy định là 100%, trong đó cán bộ cấp xã có trình độ đại học trở lên 183/228 người, đạt 80,26%; công chức có trình độ đại học trở lên 167/223 người, đạt 75%.

Về bồi dưỡng: thành phố đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 32 lớp bồi dưỡng cho 1.803 lượt CBCC, viên chức thành phố và CBCC cấp xã tham gia, với nội dung: bồi dưỡng kiến thức kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ cho 5 chức danh công chức phường, xã; bồi dưỡng về cải cách hành chính; bồi dưỡng văn hóa công sở, đạo đức công vụ; kỹ năng tiếp công dân và xử lý đơn thư; kỹ năng nâng cao năng lực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tập huấn về phần mềm quản lý Idesk, chữ ký số; bồi dưỡng chuyên sâu theo Đề án 1961 cho lãnh đạo và công chức, chuyên viên, nhân viên các phòng, ban… Ngoài ra, thành phố còn cử CBCC tham gia các lớp bồi dưỡng, như bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng; bồi dưỡng lãnh đạo cấp huyện, tiếng Ê-Đê và cử tham gia các lớp do tỉnh tổ chức cho 2.077 lượt CBCC tham gia3.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác ĐTBD CBCC của thành phố Buôn Ma Thuột thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập như:

Một là, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác ĐTBD CBCC; vì vậy, chưa tạo điều kiện cho CBCC đi học vì lý do không có người đảm nhiệm công việc; hoặc cử công chức đi học chưa sát, đúng với yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn. Mục đích, động cơ, thái độ học tập của không ít CBCC chưa thật sự tự giác, chưa chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, nhiều học viên chỉ quan tâm lấy được bằng cấp, chứng chỉ để chuẩn hóa chức danh, để nâng lương, nâng bậc, nâng ngạch…

Hai là, nội dung chương trình ĐTBD còn nặng về lý luận, còn có sự trùng lặp, dàn trải giữa các chương trình, việc phân loại kiến thức, cập nhật kiến thức mới cho từng nhóm đối tượng chưa tốt. Kết quả thực hiện ở một số nội dung chưa cao như: bồi dưỡng về đạo đức công vụ; bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức; chưa thực hiện ĐTBD nâng cao năng lực ngoại ngữ cho CBCC, viên chức. Chất lượng của hình thức đào tạo vừa học, vừa làm còn hạn chế. Học viên vừa đi học vừa phải hoàn thành nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, dẫn đến nhiều người học phải nghỉ học hoặc đi muộn về sớm. Bên cạnh đó, trình độ và phương pháp giảng dạy của giảng viên còn hạn chế, nhiều giảng viên còn truyền đạt một chiều.

Ba là, việc xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm được UBND tỉnh giao cho các sở, ban, ngành thực hiện, song rất khó kiểm soát về chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng.

Bốn là, chế độ hỗ trợ cho người học, nhất là đối với CBCC vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất mặc dù được quan tâm đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của một số đơn vị còn hạn chế, thiếu đồng bộ; kỹ năng áp dụng, tác nghiệp còn yếu.

Nguyên nhân cơ bản của các hạn chế nêu trên, đó là: (1) Một số cấp ủy, chính quyền, đơn vị thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; xem nhẹ việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu ĐTBD của CBCC; chưa nắm chắc yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, khung năng lực, vị trí việc làm để xây dựng kế hoạch ĐTBD phù hợp; chưa phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát đối với công tác ĐTBD; (2) Quy định phân cấp quản lý chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức  chuyên ngành cho các địa phương chưa phù hợp với thực tế; (3) Một số chương trình, tài liệu bồi dưỡng về đạo đức công vụ; bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức do các bộ, ngành quản lý còn chậm được ban hành; đội ngũ CBCC không tích cực tham gia, chưa có chế tài bắt buộc; (4) Do việc xác định đối tượng CBCC khá rộng nên các loại nguồn điều chỉnh hoạt động ĐTBD CBCC rất đa dạng, nhất là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được ban hành ở mỗi cơ quan, tổ chức khác nhau làm cho tính thống nhất không cao và nội dung còn chung chung, chưa chi tiết cụ thể cho từng loại công chức; (5) Tuy có tốc độ phát triển kinh tế – xã hội cao trong khu vực nhưng Đắk Lắk vẫn là tỉnh nghèo, chưa tự cân đối được ngân sách, do vậy, nguồn lực đầu tư cho ĐTBD CBCC còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tế.

Trong thời gian tới, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cần có giải pháp nâng cao chất lượng ĐTBD CBCC, xin đề xuất như sau:

Thứ nhất, quán triệt nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhận thức của CBCC về tầm quan trọng của việc ĐTBD, việc tự học và học tập suốt đời để nâng cao năng lực làm việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong thời kỳ hội nhập và công nghệ số. Gắn với chế độ ĐTBD theo tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch với bồi dưỡng theo vị trí việc làm phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và yêu cầu phát triển của công tác ĐTBD CBCC, viên chức trong những năm tới. Đa dạng hóa các hình thức ĐTBD đối với CBCC. Cần chuyển từ ĐTBD theo chỉ tiêu sang ĐTBD theo đơn đặt hàng.

Thứ hai, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ĐTBD CBCC một cách đồng bộ làm cơ sở để triển khai thực hiện công tác ĐTBD trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, thường xuyên cập nhật chương trình tài liệu bồi dưỡng, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập trong ĐTBD CBCC theo hướng “khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”4 bảo đảm  sự thống nhất giữa công tác ĐTBD gắn với việc sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

Thứ tư, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị sử dụng CBCC quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động ĐTBD nguồn nhân lực, khuyến khích CBCC học tập, lựa chọn chương trình, địa điểm và thời gian tham gia các khóa ĐTBD phù hợp với hoàn cảnh và vị trí việc làm. Ngoài ra, trong công tác ĐTBD CBCC phải đề cao trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của các bên. Cơ quan, địa phương là cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, tổ chức sử dụng CBCC chịu trách nhiệm chọn, cử CBCC đi học theo đúng quy định đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn gắn với quy hoạch, yêu cầu khung năng lực, phù hợp vị trí việc làm, nhu cầu thực tế cần ĐTBD. Cấp ủy, tổ chức đảng, trực tiếp là lãnh đạo, người đứng đầu các cơ sở ĐTBD CBCC thường xuyên tự kiểm tra, thực hiện kiểm tra, giám sát công tác ĐTBD theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tăng cường quản lý lớp bồi dưỡng bằng việc áp ứng dụng khoa học – công nghệ, thực hiện thi trắc nghiệm trên máy tính, giám sát thi cử bằng camera. Điều chỉnh quy mô lớp học không tập trung không quá đông học viên để nâng cao chất lượng ĐTBD.

Đối với CBCC không chấp hành các quy định khi được cử đi ĐTBD, tùy theo tính chất và mức độ phải đền bù chi phí ĐTBD và các chi phí khác đã được cấp theo Quyết định số 490/QĐ-BNV ngày 22/3/2016 của Bộ Nội vụ ban hành Quy chế ĐTBD công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ.

Thứ năm, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy hiện đại, lồng ghép, bố trí nguồn kinh phí đáp ứng yêu cầu ĐTBD CBCC hằng năm, đồng thời, “chú trọng cơ cấu hợp lý, sớm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số ở các cấp, nhất là ở cấp cơ sở”5.

Chú thích:
1. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 75.
3. Báo cáo số 427/BC-UBND  ngày  31/12/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột về kết quả tổng kết 5 năm công tác bồi dưỡng, giai đoạn 2016 – 2020 và nhiệm vụ, phương hướng giai đoạn 2021 – 2025.
4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 235, 242 – 243.
Nguyễn Tiến Dũng
Học viện Hành chính Quốc gia