(Quanlynhanuoc.vn) – Tỉnh Lào Cai có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là tỉnh vùng cao biên giới, nằm giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc của đất nước. Với vị thế quan trọng của Lào Cai vừa là “phên dậu”, vừa là “cửa ngõ” của Tổ quốc; có đường biên giới dài 182,086 km với 128 cột mốc biên giới; có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu phụ và nhiều cặp lối mở, điểm thông quan, do đó, yêu cầu tất yếu không chỉ phát triển kinh tế – xã hội mà còn cần phải tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh.
Du lịch là ngành kinh tế – dịch vụ tổng hợp, ngành kinh tế đặc thù, có độ nhạy cảm cao, có mối quan hệ gắn bó mật thiết với quốc phòng, an ninh (QPAN) và văn hóa – xã hội. Do vậy, phát triển du lịch gắn với tăng cường QPAN trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, bền vững và tăng cường, củng cố QPAN vững chắc của tỉnh biên giới.
Lào Cai là địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú cùng với truyền thống văn hóa của 25 dân tộc được bảo lưu phong phú đầy hấp dẫn đan xen, như: lễ hội xuống đồng, hội múa xòe, hội xuân Đền Thượng. Lào Cai còn tập hợp nhiều di tích văn hóa: quần thể hang động Mường Vi, đền Bảo Hà, khu bãi đá khắc cổ Sa Pa, tòa lâu đài trên cao nguyên Bắc Hà,…, đồng thời, có lợi thế quan trọng trong huyết mạch giao thông và cửa khẩu quốc tế, là điều kiện quan trọng để Lào Cai trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của vùng Tây Bắc, một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và Đông Nam Á.
Những năm qua, du lịch Lào Cai đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một ngành kinh tế quan trọng, năm 2018, tổng thu từ du lịch đạt 13.406,3 tỷ đồng; năm 2019 đã thu hút 5,1 triệu du khách, doanh thu đạt 19,200 tỷ đồng1. Năm 2020 do tình hình dịch bệnh Covid -19 nên lượng khách du lịch chỉ đạt 2,5 triệu lượt, giảm trên 50% so với năm 20192.
Phát triển du lịch nhanh và bền vững đã góp phần rất quan trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), nền biên phòng toàn dân (BPTD), nền an ninh nhân dân vững chắc; giữ vững an ninh chính trị, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) và ngăn ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội. Du lịch đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân cho người dân trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo; giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc; bảo vệ cảnh quan, vệ sinh, môi trường, TTATXH. Phát triển du lịch đã tạo ra khả năng tiêu thụ, xuất khẩu tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và các địa phương, mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và nước ngoài. Du lịch góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Số lượng các hộ gia đình cung ứng dịch vụ homestay liên tục gia tăng ở các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Hiện xã Tả Van (Sa Pa) có 42 hộ, xã Bản Hồ (Sa Pa) có 24 hộ, xã San Sả Hồ (Sa Pa) có 10 hộ, xã Trung Đô (Bắc Hà) có 14 hộ đăng ký kinh doanh dịch vụ homestay. Doanh thu của các hộ gia đình này khá cao, bình quân đạt 25 – 27 triệu đồng/hộ/năm (xã Tả Van), 35 – 40 triệu đồng/hộ/năm (xã Trung Đô)3. Đời sống của người dân địa phương đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta, du lịch Lào Cai đang đứng trước vận hội mới nhưng có không ít khó khăn, thách thức. Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch cũng gắn với quá trình xuất hiện các hiện tượng xâm phạm an ninh quốc gia và TTATXH. Các loại tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động thu thập bí mật quốc gia, bí mật quân sự và an ninh, những tác động tiêu cực đến bản sắc văn hóa truyền thống; các hoạt động cực đoan liên quan đến dân tộc, tôn giáo, chính trị có yếu tố người nước ngoài ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng.
Hoạt động du lịch trong lĩnh vực QPAN chưa được khai thác có hiệu quả tiềm năng và các giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, di sản, chứng tích, hiện vật, bảo vật… về QPAN.
Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm an ninh du lịch còn thiếu, chưa có lực lượng chuyên trách hoặc cán bộ có kiến thức sâu về du lịch, khả năng ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác dự báo, phân tích đánh giá hoạt động của các đối tượng lợi dụng du lịch xâm phạm an ninh trật tự còn chậm và chưa đi vào chiều sâu, xử lý có lúc chưa kịp thời, khoa học dẫn tới nhiều vụ việc trở nên phức tạp.
Điều kiện bảo đảm về phương tiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật và kinh phí phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự còn thiếu và nhiều bất cập.
Công tác quản lý khách du lịch tự do, hoạt động của các công ty lữ hành, hướng dẫn viên còn lỏng lẻo. Nhận thức của một số người dân chưa cao, lấy lợi ích kinh tế trước mắt, bỏ qua những quy định của pháp luật về du lịch.
Để nâng cao hiệu quả phát triển du lịch gắn với tăng cường QPAN trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền, phát huy vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch bền vững (DLBV) gắn với tăng cường QPAN. Cần phát triển du lịch gắn với tăng cường QPAN là nhiệm vụ trọng yếu cấp thiết trong sự phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) của tỉnh. Trong đó, lãnh đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương của tỉnh; chú trọng kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ kiến thức, năng lực tổ chức, phương pháp công tác khoa học, đạo đức, lối sống, trách nhiệm công vụ cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã.
Từng cấp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật, Nghị định số 168/2018/NĐ-CP ngày 28/12/2018 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở bộ, ngành và địa phương. Chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức biên chế các cơ quan quản lý nhà nước về QPAN và du lịch, bảo đảm đủ khả năng tham mưu cho lãnh đạo trong việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn, các dự án phát triển du lịch kết hợp với tăng cường QPAN và trong việc tổ chức quản lý, điều hành quá trình thực hiện. Đồng thời, phát huy vai trò của lực lượng quân sự, biên phòng, công an trong phát triển DLBV gắn với tăng cường QPAN, trong đó cần chú trọng công tác tổ chức, xây dựng và sử dụng lực lượng; từng bước pháp luật hóa chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân tham gia phát triển DLBV gắn với tăng cường QPAN và có cơ chế hiệp đồng, phối hợp hoạt động chung giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng trong và ngoài quân đội, công an trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Để phát triển DLBV gắn với tăng cường QPAN cần phát huy vai trò, trách nhiệm, tiềm năng của doanh nghiệp và doanh nhân tham gia hoạt động du lịch thông qua xã hội hóa hoạt động ngành Du lịch với phương thức Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm. Vì vậy, chính quyền các cấp khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh,… Đồng thời, phát huy vai trò của người dân và cộng đồng dân cư tham gia phát triển DLBV gắn với tăng cường QPAN trên địa bàn tỉnh.
Hai là, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch với xây dựng nền QPTD và khu vực phòng thủ địa phương vững chắc. Chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh với tư tưởng, nhận thức lệch lạc, chủ quan, mất cảnh giác, xem nhẹ công tác QPAN và biểu hiện hình thức trong tổ chức thực hiện. Đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Cơ quan quân sự địa phương các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội, tham mưu với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền QPTD vững mạnh. Xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở, từng địa phương và trên phạm vi toàn tỉnh. Xây dựng lực lượng vũ trang của Lào Cai vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, là lực lượng nòng cốt xây dựng nền QPTD vững chắc.
Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc gắn kết với phát triển DLBV. Quá trình tổ chức thực hiện phải bảo đảm toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm ở các vùng du lịch và khu du lịch trọng điểm với xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh Lào Cai vững chắc nhằm tạo ra thế bố trí chiến lược cả về kinh tế, phát triển du lịch gắn với tăng cường QPAN, quân sự theo một ý đồ phòng thủ chiến lược bảo vệ tỉnh Lào Cai. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và các lực lượng thuộc khu vực phòng thủ, thực hiện phương châm ở đâu có đất, có rừng, có hoạt động du lịch là ở đó có dân và có lực lượng QPAN, có lực lượng trị an để bảo vệ địa bàn, bảo vệ dân, bảo vệ khách du lịch.
Ba là, xây dựng nền BPTD vững mạnh để quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia, góp phần hỗ trợ và thúc đẩy du lịch tỉnh Lào Cai phát triển bền vững. Xây dựng nền BPTD vững mạnh cần quán triệt, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn dân về xây dựng nền BPTD, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Phát triển DLBV kết hợp với bảo vệ biên giới quốc gia là nguyên tắc, nhiệm vụ, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Do đó, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; phát huy vai trò nòng cốt của bộ đội biên phòng Lào Cai phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, lực lượng ở địa phương cùng với giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân ở khu vực biên giới nhận thức đúng về xây dựng nền BPTD và bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia gắn với phát triển DLBV, trong đó có du lịch vùng biên giới. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai trong xây dựng nền BPTD, quản lý và bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia gắn với phát triển DLBV; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Bốn là, xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh, tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, TTATXH để hỗ trợ và thúc đẩy ngành Du lịch Lào Cai phát triển bền vững.
Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện tranh chấp có liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, trọng tâm là các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, vùng dân tộc, tôn giáo, các khu kinh tế tập trung, những đô thị lớn;… Tiếp tục chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, là lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, các ban, bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và củng cố nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc trong tình hình mới.
Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phù hợp với điều kiện của từng địa bàn,… Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở. Tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trở thành hoạt động hằng năm ở cấp cơ sở.
Chủ động xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch phòng, chống gây rối, biểu tình, bạo loạn, khủng bố, không để lộ, lọt bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, bí mật an ninh. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội để hỗ trợ và thúc đẩy du lịch Lào Cai phát triển. Đồng thời, nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế, hiệp hội du lịch nước ngoài, góp phần phát triển du lịch gắn với tăng cường QPAN trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong tình hình mới.