Quản lý xung đột lợi ích trong thực thi công vụ ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Xung đột lợi ích nảy sinh khi lợi ích riêng của một cá nhân, tổ chức tác động, chi phối đến tính khách quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ và quyền hạn mà cá nhân, tổ chức đó được giao. Ở Việt Nam, xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ diễn biến khá phức tạp, khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đã lạm dụng quyền hạn, chức năng của mình trong thực thi công vụ để tư lợi. Cuốn sách Quản lý xung đột lợi ích trong thực thi công vụ ở Việt Nam hiện nay do TS. Trương Quốc Việt và TS. Lý Thị Huệ (đồng chủ biên) và được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật ấn hành tháng 4/2022.

Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:

Chương I – Cơ sở lý luận về xung đột lợi ích và quản lý xung đột lợi ích trong thực thi công vụ (từ trang 13 -100).

Ở Chương I, các tác giả đã tập trung làm rõ các khái niệm cơ bản về xung đột lợi ích, xung đột lợi ích trong thực thi công vụ, đặc biệt là vấn đề quản lý xung đột lợi ích trong thực thi công vụ của một số quốc gia trên thế giới (như Anh, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Xinh-ga-po, In-đô-nê-xi-a…). Từ kinh nghiệm thực tiễn này, có thể nhận diện và quản lý các nguy cơ xung đột lợi ích một cách khách quan cho Việt Nam, nhất là trong kiểm soát các nguy cơ xung đột lợi ích, cụ thể là:

(1) Xác định những nguyên tắc nền tảng để xây dựng cơ chế và phương tiện quản lý xung đột lợi ích (bao gồm: bảo vệ lợi ích công, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; thúc đẩy trách nhiệm và cam kết cá nhân; xây dựng văn hóa tổ chức).

(2) Những định hướng giải pháp để hoàn thiện hệ thống thể chế về quản lý xung đột lợi ích gồm: xác định những lĩnh vực tiềm ẩn xung đột lợi ích; xây dựng chiến lược và hành động phản ứng phù hợp; giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của các nhà quản lý và đội ngũ nhân viên công vụ; lãnh đạo nêu gương; truyền thông với các đối tác; thực thi chính sách và điều chỉnh chính sách.

Chương II – Thực trạng xung đột lợi ích và quản lý xung đột lợi ích trong thực thi công vụ ở Việt Nam hiện nay (từ trang 123 – 250).

Trong Chương này, nhóm tác giả đã phân tích quá trình phát triển chính sách, pháp luật về quản lý xung đội lợi ích trong thực thi công vụ giai đoạn 1945 – 1998; giai đoạn 1998 – 2005 và giai đoạn từ năm 2005 đến nay. Bên cạnh nêu các vấn đề về thực trạng cũng có những đánh giá về kết quả, hạn chế và nguyên nhân của quản lý xung đột lợi ích trong thực thi công vụ ở Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh các biểu hiện xung đột lợi ích (nhiều nhất liên quan tới hoạt động đấu thầu, công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, việc làm thêm của cán bộ, công chức…) mà biểu hiện cụ thể của xung đột lợi ích đó là tặng/nhận quà, ưu ái người thân và sử dụng thông tin sai mục đích để tư lợi…

Chương III – Quan điểm và giải pháp tăng cường quản lý xung đột lợi ích trong thực thi công vụ ở Việt Nam hiện nay (từ trang 287 – 295).

Từ thực tế được nêu ở Chương II, các giải pháp được các tác giả đưa ra để nhằm phòng ngừa tham nhũng, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, khách quan, minh bạch, phục vụ nhân dân, đó là:

(1) Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về xung đột lợi ích và quản lý xung đột lợi ích trong thực thi công vụ;

(2) Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý xung đột lợi ích trong thực thi công vụ;

(3) Hoàn thiện chính sách, pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ;

(4) Xây dựng và thực hiện văn hóa công vụ, đề cao giá trị liêm chính, khách quan, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân;

(5) Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và bảo đảm các điều kiện để cán bộ, công chức toàn tâm toàn ý thực thi công vụ khách quan, minh bạch, liêm chính;

(6) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ;

(7) Ứng dụng khoa học – công nghệ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích trong thực thi công vụ;

(8) Tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý xung đột lợi ích trong thực thi công vụ.

Cuốn sách “Quản lý xung đột lợi ích trong thực thi công vụ ở Việt Nam hiện nay” đã cung cấp những luận chứng và luận cứ khoa học có giá trị tham khảo cho các cơ quan có thẩm quyền nhằm cụ thể hóa quan điểm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng; xây dựng nền hệ thống hành chính tinh gọn, trong sạch, hiện đại ở nước ta. Cuốn sách cũng là tài liệu tham khảo cho thực tiễn hoạt động thực thi công vụ hiện nay ở Việt Nam, phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy môn học liên quan đến khoa học chính trị, ngành xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, ngành quản lý công, quản lý nhà nước.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 

Phạm Thị Thanh Băng