Thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội – một số vấn đề về an ninh, trật tự trên địa bàn phường

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng chính quyền đô thị là xu thế tất yếu, khách quan của các thành phố trên thế giới, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Do đó, công tác quản lý, cơ chế quản lý nhà nước nói chung và QLNN về an ninh, trật tự nói riêng của thành phố Hà Nội phải có những đặc trưng phù hợp với tính chất đô thị để bảo đảm sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước; là đô thị đặc biệt, có quy mô dân số đứng thứ 2 cả nước với tốc độ đô thị hóa cao và quy mô đô thị ngày càng mở rộng. Thực hiện Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017 về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 – 2020: “đồng ý để thành phố Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”, thành phố Hà Nội đã xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT để báo cáo Trung ương xem xét cho phép triển khai. Ngày 19/4/2019, Bộ Chính trị đã họp và thông qua Kết luận số 46-KL/TW về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT tại thành phố Hà Nội.

Tại kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về thí điểm mô hình CQĐT tại thành phố Hà Nội. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình CQĐT tại thành phố Hà Nội. Để thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12/4/2021 triển khai thực hiện, phân công nhiệm vụ các sở, ngành, các quận và thị xã Sơn Tây bảo đảm các điều kiện thực hiện thí điểm quản lý mô hình CQĐT tại thành phố Hà Nội.

Ngày 01/7/2021, Việt Nam bắt đầu triển khai thí điểm mô hình CQĐT ở thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và tổ chức thực hiện ở TP. Hồ Chí Minh. Mô hình CQĐT tại Hà Nội khác với mô hình CQĐT của TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Theo đó, CQĐT ở Hà Nội không còn Hội đồng nhân dân (HĐND) phường; TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng không tổ chức HĐND cấp quận và phường.

Thành phố Hà Nội đã chính thức triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây theo Nghị quyết số 97/2019/QH141.

Những vấn đề mới đặt ra cho thành phố Hà Nội trong quản lý an ninh, trật tự trên địa bàn phường

Điều 34 Luật An ninh quốc gia năm 2004 quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong QLNN về an ninh quốc gia: “Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia tại địa phương; thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Tuy nhiên, với mô hình tổ chức thí điểm CQĐT sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước (QLNN) ở các cấp và đặc biệt là cấp phường, cấp cơ sở trong hệ thống cơ quan nhà nước. Do đó, QLNN về an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn phường ở Hà Nội cũng có sự thay đổi nhất định để đáp ứng được những đặc trưng đô thị với những điểm mới so với mô hình chính quyền trước đây, cụ thể:

Một là, về vị trí pháp lý của UBND phường trong QLNN về ANTT trên địa bàn.

Trước khi thực hiện thí điểm mô hình CQĐT thì UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp. Vị trí pháp lý được quy định tại Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020) là: UBND do HĐND cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Tuy nhiên, mô hình CQĐT mới thì vị trí pháp lý của UBND phường đã thay đổi được quy định tại Nghị quyết số 97/2019/QH14: cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, UBND, chủ tịch UBND quận, thị xã”. Như vậy, UBND phường được xác định là cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, hoạt động theo nguyên tắc chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung; gắn với cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính.

Ngoài ra, theo Nghị quyết số 97/2019/QH14, UBND và chủ tịch UBND phường đều chịu sự giám sát trực tiếp của HĐND quận, thị xã. Một mục tiêu quan trọng của hoạt động giám sát là xác định được “trách nhiệm” của chủ thể chịu sự giám sát. Điều này được hiểu là bao gồm cả trách nhiệm tập thể UBND (trong đó có trưởng công an phường) và trách nhiệm cá nhân chủ tịch UBND. Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ quy định về tính chịu trách nhiệm của chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, không thấy trách nhiệm tập thể UBND đối với bất cứ một chủ thể nào khác. Nghị quyết cũng xác định UBND phường không được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 30 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì UBND cấp xã được ban hành quyết định dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật để quy định những vấn đề được pháp luật giao.

Hai là, về nguyên tắc hoạt động của UBND phường.

Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định nguyên tắc hoạt động UBND phường “Làm việc theo chế độ thủ trưởng, chủ tịch phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường theo quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật”. Trong đó, chủ tịch phường tổ chức các cuộc họp để thảo luận tập thể “đề xuất, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo phân cấp quản lý”2. Trong QLNN về ANTT thì UBND phường có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội do UBND quận, thị xã chỉ đạo và thực hiện.

Ba là, về cơ cấu tổ chức của UBND phường.

Quy định của Nghị định số 32/2021/NĐ-CP bao gồm: chủ tịch phường; phó chủ tịch phường; trưởng công an phường; chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường và các công chức văn phòng – thống kê; địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường; tài chính – kế toán; tư pháp – hộ tịch; văn hóa – xã hội. Với cơ cấu tổ chức như vậy, thì chủ tịch UBND phường có trách nhiệm chỉ đạo công an phường thực hiện nhiệm vụ QLNN về ANTT; thực hiện chế độ, chính sách đối với các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở; chủ trì hoặc phối hợp xây dựng, quản lý, bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Một số khuyến nghị đối với hoạt động quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên địa bàn phường ở Hà Nội

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện thể chế CQĐT. Đây là một trong những khâu đột phá chiến lược để nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về ANTT của CQĐT nói chung và của Hà Nội nói riêng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, chính quyền thành phố Hà Nội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và họat động của UBND quận, UBND phường, công an phường theo mô hình CQĐT (như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng; Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân…)  phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ QLNN về ANTT trong tình hình mới.

Thứ hai, lực lượng công an phường của Hà Nội cần phải chú trọng làm tốt công tác tham mưu với công an quận, chủ tịch UBND phường để kịp thời kiến nghị UBND quận ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về ANTT trên địa bàn phường. Bởi vì theo quy định của Luật An ninh Quốc gia năm 2004 thì lực lượng công an nhân dân là lực lượng chủ trì, nòng cốt trong QLNN về ANTT tại địa phương mà hoạt động tham mưu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là nội dung quan trọng, cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định mới của CQĐT thì UBND phường không được ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, xác định đúng đối tượng QLNN về ANTT. Việc xác định đúng đối tượng quản lý của CQĐT sẽ giúp chính quyền Hà Nội thực hiện QLNN về ANTT xác định được nội dung, phương pháp quản lý cho phù hợp. Chẳng hạn: người nông dân gắn với lao động nông nghiệp trong khi cư dân đô thị là những cư dân phi nông nghiệp (dịch vụ, công nghiệp) dẫn đến nội dung QLNN về ANTT cũng khác nhau (ở nông thôn thì QLNN về ANTT trên lĩnh vực nông nghiệp, còn ở đô thị QLNN về ANTT đối công nghiệp, dịch vụ…).

Ngoài ra, đời sống tinh thần, văn hóa mang tính bản địa sâu sắc ở nông thôn nhưng không còn là của cư dân phường, quận. Ví dụ như ở nông thôn: chùa chiền là một sở hữu cộng đồng làng xã nhưng chùa ở đô thị thì không còn nhiều tính cộng đồng làng xã, nó thể hiện cấu trúc dân cư… do vậy, đối tượng QLNN về ANTT trên lĩnh vực tôn giáo có sự khác nhau rõ nét ở đô thị và nông thôn.

Chú thích:
1. Hà Nội giao biên chế thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị: Đúng quy định, phù hợp thực tế. Hanoi.com.vn, ngày 18/12/2021.
2. Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật An ninh quốc gia năm 2004.
2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
3. Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

TS. Đỗ Hoàng Vương
Học viện An ninh nhân dân