(Quanlynhanuoc.vn) – Xác định vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã là phải tạo cơ hội và phương thức phát triển kinh tế cho những người lao động đơn lẻ, những chủ doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình, tập hợp lại với nhau để tạo ra sức mạnh mới, nhằm khắc phục khó khăn, tránh rủi ro trước những thế lực thị trường. Với tư cách là một thể chế kinh tế đặc biệt, hợp tác xã không những có thể phát huy lợi thế và tiềm năng của mình trong nền kinh tế thị trường mà còn góp phần khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường, khẳng định quy luật phát triển của kinh tế hợp tác là không phủ định, không thay thế kinh tế hộ mà làm cho kinh tế hộ có sức cạnh tranh tốt hơn, thu nhập cao hơn trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu. Những kinh nghiệm phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã qua thực tiễn quốc tế các nước như Ấn Độ, I-ta-li-a dưới đây rất có giá trị tham khảo cho Việt Nam.
Kinh nghiệm của Ấn Độ
Ấn Độ là một nền kinh tế nông nghiệp với 72% dân số ở nông thôn. Rất nhiều loại dịch vụ của người dân cần đến sự giúp đỡ bởi hợp tác xã (HTX). Những HTX đầu tiên của Ấn Độ ra đời vào năm 1904. Kể từ đó, phong trào HTX đã đạt được tiến bộ đáng kể, đã mở rộng trên cả nước và hiện nay ước tính có 230 triệu thành viên. Hệ thống HTX tín dụng của Ấn Độ có mạng lưới lớn nhất thế giới và HTX đã chiếm thị phần nhiều hơn trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX không chỉ cung cấp yếu tố đầu vào có tính chiến lược cho người làm nông nghiệp, mà còn đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của họ ở mức giá ưu đãi. Hoạt động tiếp thị của HTX giúp nông dân có được mức giá có lợi và việc hợp tác với các đơn vị chế biến góp phần làm tăng giá trị các sản phẩm thô… Ngoài ra, các HTX còn mở rộng hoạt động hỗ trợ nông dân vượt qua những biến động về hàng nông sản như: xây dựng kho lạnh, làm đường giao thông nông thôn, cung cấp hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông và y tế.
Ấn Độ có HTX phân bón (IFFCO) bảo đảm sản xuất và phân phối hơn 35% thị trường phân bón ở Ấn Độ. Các sản phẩm khác chiếm thị phần, như: HTX sản xuất và chế biến đường chiếm hơn 58%, 60% thị phần tiếp thị và phân phối bông, 55% sản phẩm dệt may, 50% thị trường chế biến và phân phối các loại dầu ăn. Tại Ấn Độ, đã hình thành các HTX trong lĩnh vực bảo hiểm; một số HTX trong lĩnh vực này của nông dân Ấn Độ còn hợp tác với công ty nước ngoài thành lập công ty liên doanh để tiến hành kinh doanh bảo hiểm. Phong trào HTX đã có bước tiến toàn diện, có vai trò đa chức năng, đóng góp đáng kể cho sự tiến bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn của Ấn Độ.
Cấu trúc các HTX ở Ấn Độ bao gồm các hình thức tổ chức khác nhau. Ở dưới cùng của cấu trúc này là các hiệp hội (societies) với nhiều loại hình dịch vụ, trong đó chiếm khoảng 80% là dịch vụ có liên quan đến nông nghiệp. Các hiệp hội thực hiện chức năng khác nhau như tín dụng, thủy lợi, tiếp thị, vận tải… và được chia thành hai nhóm: hiệp hội tín dụng và hiệp hội phi tín dụng. Mỗi nhóm lại được chia thêm thành các nhóm nhỏ hơn: Hiệp hội Nông nghiệp và Hiệp hội Phi nông nghiệp (hai nhóm này đều phát triển ở các vùng nông thôn).
Ngân hàng trung ương và Ngân hàng HTX nhà nước là tổ chức hỗ trợ và giám sát tài chính cho các hội tín dụng HTX. Hoạt động của các ngân hàng này giống như một liên kết giữa các hội HTX và thị trường tiền tệ, có chức năng trung gian trong việc chuyển các quỹ của hội dư thừa cho hội thiếu vốn. Ở phía trên của các HTX tín dụng là Ngân hàng HTX nhà nước được gọi là ngân hàng đỉnh (apex bank), điều khiển và cung cấp tài chính cho hoạt động của các ngân hàng trung ương, chỉ đạo phong trào HTX trong tiểu bang. Nguồn tài chính từ vốn cổ phần, tiền gửi công, các khoản cho vay từ Nhà nước và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ.
Các liên minh HTX quốc gia Ấn Độ là tổ chức cao nhất thúc đẩy phong trào HTX trong nước. Trong cấu trúc này, có các loại HTX: HTX tín dụng nông nghiệp, HTX tín dụng phi nông nghiệp, HTX tiếp thị nông nghiệp, HTX nông hội và HTX dịch vụ xã hội. Phong trào HTX có ý nghĩa lớn đối với một nước đông dân như Ấn Độ, bởi đây là một tổ chức cho người nghèo, học vấn thấp, giúp đỡ và chia sẻ lẫn nhau, hạn chế xung đột xã hội, làm giảm sự phân chia giai cấp xã hội và các tệ nạn quan liêu, cực đoan của các phe phái chính trị…
Hiện nay, phong trào HTX ở Ấn Độ đang trong quá trình cải cách. Mục tiêu cải cách này nhằm duy trì các giá trị và nguyên tắc của HTX, tăng cường tính chuyên nghiệp trong quản trị, phát triển nguồn nhân lực, hướng các HTX vào phát triển sản xuất, cung cấp dịch vụ công ở khu vực nông thôn, tham gia sản xuất và phân phối ở các lĩnh vực hiệu quả nhất. Ấn Độ ngày càng nhận thức rằng, hệ thống HTX có năng lực và tiềm năng để trung hòa tác động bất lợi phát sinh từ quá trình toàn cầu hóa, tự do hóa và tiếp tục đóng vai trò quan trọng tạo ra nhiều việc làm và xóa đói, giảm nghèo.
Kinh nghiệm phát triển hệ thống hợp tác xã ở tỉnh Trentino (I-ta-li-a)
Trentino (I-ta-li-a) là tỉnh tự trị ở miền Bắc I-ta-li-a và thuộc Vùng Trentino-Alto Adige, với dân số 538.000 người. GDP hằng năm của Trentino đạt 20 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 35.000 USD/năm1. Hiện nay, kinh tế hợp tác chiếm 80% sản lượng nông nghiệp của tỉnh và đảm nhiệm gần như toàn bộ các hoạt động maketing, phân phối các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương. Sự phát triển và hiệu quả của kinh tế hợp tác được lý giải bởi 2 yếu tố: tính kinh tế nhờ quy mô và chế độ tự quản.
Kinh tế hợp tác ở Trentino có ba cấp độ: (1) Sự hợp tác tự nguyện giữa các cá nhân. Họ kết nối trực tiếp với nhau, tư vấn và cung cấp nguồn lực cho các nhà sản xuất nhỏ. (2) HTX – tổ chức kinh tế được quản trị bởi thỏa ước giữa các thành viên nhằm phát triển các hoạt động maketing và tạo ra các chuỗi giá trị. Các HTX được hỗ trợ, quản trị hiệu quả để đạt được quy mô kinh tế tối ưu. Các HTX được khuyến khích tập trung vào yếu tố chất lượng bằng cách áp dụng các kỹ thuật sản xuất bền vững, thay vì sử dụng biện pháp giảm giá bán để cạnh tranh. (3) Liên đoàn các HTX – là tổ chức đóng vai trò trung tâm trong các quan hệ hợp tác nêu trên. Liên đoàn HTX đại diện, bảo vệ và thúc đẩy lợi ích cho toàn bộ hệ thống kinh tế hợp tác của địa phương. Hiện nay, Liên đoàn HTX của Trentino có trên 533 HTX thành viên với hơn 273.000 người và hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất2.
Chính quyền tự trị của tỉnh Trentino có vai trò quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của hệ thống HTX, cụ thể:
Thứ nhất, giám sát và kiểm soát. Các quy định về giám sát và kiểm soát đối với các HTX đã được nêu trong Luật Địa phương (Luật Địa phương năm 1954, sửa đổi năm 1994 và Luật Địa phương năm 2008). Chính quyền tỉnh Trentino có trách nhiệm đăng ký và giám sát đối với các HTX: thực hiện vai trò đăng ký và giám sát các điều kiện hoạt động của HTX; thực hiện các đánh giá định kỳ hoặc đột xuất; đưa ra các biện pháp trong trường hợp có những sai phạm nghiêm trọng trong việc quản lý của HTX. Tổ chức liên đoàn HTX, với tư cách là hiệp hội đại diện, thực hiện chức năng kiểm soát bằng thành lập một đơn vị kiểm toán độc lập có năng lực và nguồn lực phù hợp để thực hiện kiểm soát đối với các HTX: quản lý hợp tác; kiểm toán của các HTX. Theo quy định, tình hình tài chính và việc quản lý của các HTX được kiểm toán hằng năm nhằm xác định các điều kiện kinh tế của HTX và sự tuân thủ của Ban Giám đốc.
Thứ hai, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho HTX. Chính quyền địa phương đã thúc đẩy đổi mới thông qua các biện pháp khuyến khích tài chính. Chính quyền hỗ trợ cho các HTX bằng việc cung cấp các khoản tài trợ cho các chi phí liên quan đến chứng nhận sản phẩm, tổ chức sản xuất, quản lý… Các khoản tài trợ cũng được sử dụng cho các sáng kiến nghiên cứu, phát triển các sản phẩm đạt được chứng chỉ bảo đảm chất lượng…
Thứ ba, thành lập quỹ tài trợ cho các HTX và các hiệp hội của họ, tài trợ cho các sáng kiến nhằm thúc đẩy và phát triển văn hóa hợp tác. Các HTX được hưởng lợi từ các gói cho vay để tái cấp vốn, đầu tư, tái cấu trúc… Các gói tài trợ được ưu tiên cho các hoạt động khởi nghiệp do thanh niên hoặc phụ nữ khởi xướng (chi trả 50% chi phí khởi nghiệp), thúc đẩy liên kết và mạng lưới kinh doanh (hỗ trợ tối đa 45% chi phí cho các dịch vụ kinh doanh), các hoạt động quốc tế hóa (hỗ trợ tối đa 70% chi phí cho các triển lãm thương mại, 50% chi phí cho tiếp thị quốc tế)3, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng, các khoản giảm thuế khác.
Thứ tư, phát triển các HTX xã hội – hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội. Tỉnh Trentino giao cho các HTX xã hội thiết kế và thực hiện các chương trình cụ thể cho những người thất nghiệp (những lao động bị sa thải do dôi dư từ chu kỳ sản xuất và không có khả năng tìm được việc làm). Những người lao động này sẽ tham gia các HTX xã hội với một hợp đồng mở cho đến khi họ đạt đến tuổi nghỉ hưu tối thiểu. Các công việc đặc biệt dành cho mục đích này như: phục hồi và cải thiện môi trường, duy trì các con đường, chăm sóc các công viên công cộng,… (dành cho nam giới); trợ lý thư viện, lưu trữ viên, người trông coi, chăm sóc người cao tuổi,… (dành cho nữ giới)4.
Giá trị tham khảo nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã ở Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn từ năm 2013 – 2020, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể (KTTT) (bao gồm HTX, liên hiệp HTX, không bao gồm cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác) vào GDP của cả nước trung bình khoảng 3,84%/năm. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT nhưng đóng góp của các tổ chức KTTT vào GDP rất thấp so với yêu cầu. Tốc độ tăng trưởng đóng góp vào GDP của khu vực KTTT có xu hướng giảm từ 4,03% năm 2013 xuống 3,62% năm 2020. Năm 2020, quy mô của khu vực KTTT chỉ bằng 40% khu vực kinh tế tư nhân, 10% khu vực kinh tế cá thể, 20% khu vực vốn đầu tư nước ngoài và 13,6% khu vực kinh tế nhà nước, thấp nhất trong các khu vực kinh tế5.
Nhằm phát triển hệ thống KTTT ở Việt Nam từ kinh nghiệm thực tiễn của Ấn Độ và tỉnh Trentino (I-ta-li-a) nêu trên, Việt Nam nên quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, con đường và xu thế phát triển KTTT là tất yếu. Cùng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và kinh tế thị trường hội nhập, tất yếu phải đa dạng hóa hình thức và lĩnh vực sản xuất – kinh doanh của HTX, trong đó hình thức HTX dịch vụ tài chính, tín dụng có vai trò quan trọng; phải phát triển các HTX kinh doanh đa mục đích; phải mở rộng việc hình thành liên hiệp các HTX của nông dân và liên kết giữa HTX ở nông thôn với các doanh nghiệp, các tổ chức để tăng sức mạnh tham gia cạnh tranh. Phải tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của KTTT đã được Liên minh các HTX thế giới khẳng định. Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, tạo môi trường và hỗ trợ KTTT phát triển. Việc can thiệp của Nhà nước phải trên cơ sở coi trọng quyền tự chủ của HTX và coi trọng vai trò tự điều tiết của cơ chế thị trường.
Hai là, nên bổ sung quy định cho các hình thức hợp tác như tổ hợp tác, liên hiệp HTX trong Luật HTX. Theo đó, cần làm rõ vị trí, vai trò của các tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện trong khu vực KTTT hiện nay để các tổ chức này hoạt động một cách hiệu quả, phù hợp với thực trạng ở Việt Nam và xu hướng phát triển chung trên thế giới. Xem xét bổ sung tổ chức đại diện các HTX là liên đoàn HTX với chức năng, nhiệm vụ chính là đại diện cho các HTX thành viên: tư vấn, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, sản xuất – kinh doanh, quản trị; hỗ trợ vốn sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đại diện thành viên trong quan hệ với cơ quan nhà nước và với các tổ chức, cá nhân bên ngoài khác.
Ba là, thúc đẩy phát triển các HTX xã hội hay HTX công ích nhằm cung cấp các hàng hóa, dịch vụ công thông qua cơ chế đặt hàng; cần khuyến khích HTX quan tâm giải quyết các vấn đề của cộng đồng, của xã hội. Đồng thời, bổ sung quy định cho các HTX được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ quản lý, thành viên, người lao động trong HTX.
Bốn là, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành HTX. Cần bổ sung về kiểm toán đối với HTX theo hướng quy định bắt buộc kiểm toán đối với HTX phù hợp các nội dung, tiêu chuẩn kiểm toán HTX trên thế giới và quy định chung về kiểm toán hiện hành ở nước ta.
Năm là, xây dựng các chính sách đồng bộ hỗ trợ cho HTX, ưu tiên đối với các tổ chức KTTT định hướng nâng cao bản chất HTX về phát triển thành viên, theo mức độ sử dụng dịch vụ; phát triển quỹ dự trữ và tài sản không chia, phục vụ thành viên và cộng đồng, phát triển bền vững, phát triển lên mô hình tổ chức KTTT cao hơn, trên cơ sở báo cáo kiểm toán của HTX; thực hiện tài trợ cho các hoạt động của các HTX theo định hướng ưu tiên.