(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều ngày 09/5/2022, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Trường Công vụ Xinh-ga-po tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về “Phát triển năng lực hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách dành cho công chức lãnh đạo quản lý: Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo cho Việt Nam”.
Tham dự Hội nghị về phía các chuyên gia quốc tế có, ông Roger Tan, Phó Giám đốc Trường Công vụ Xinh-ga-po; ông Wu Wei Neng, Giám đốc Điều hành Viện Quản trị Chandler, giảng viên thỉnh giảng Trường Công vụ Xinh-ga-po; ông Duc Hoang, Giám đốc quỹ Temasek Xinh-ga-po. Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có, TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc điều hành Học viện; PGS.TS Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; cán bộ, giảng viên, viên chức Học viện Hành chính Quốc gia.
Tại đầu cầu Hà Nội, phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Đăng Quế nhấn mạnh, một trong những nội dung quan trọng hàng đầu của cải cách hành chính ở Việt Nam hiện nay là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định, tổ chức thực thi và đánh giá chính sách. Để thực hiện mục tiêu và góp phần xây dựng các chương trình bồi dưỡng chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, gắn với thực tiễn của Việt Nam, thời gian qua, Học viện đã nhận được sự hỗ trợ từ Trường Công vụ Xinh-ga-po và Quỹ Temaseck quốc tế, giúp Học viện xây dựng chương trình phát triển năng lực hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách dành cho công chức lãnh đạo, quản lý. Sự hỗ trợ này rất kịp thời và hết sức có ý nghĩa đối với Học viện, đặc biệt trong bối cảnh Học viện đang tiến hành đổi mới toàn diện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, trong đó chính sách công là nội dung cốt lõi thuộc chương trình trọng điểm của Học viện. Sau hơn hai năm triển khai chương trình hợp tác, vượt qua những thách thức của đại dịch Covid-19, Hội nghị “Phát triển năng lực hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách dành cho công chức lãnh đạo, quản lý” là một trong những hoạt động cuối trong chương trình hợp tác giữa hai bên.
Từ điểm cầu trực tuyến, ông Roger Tan cho biết, Dự án được bắt đầu vào tháng 7/2019 với Hội thảo điều hành về “Tương lai của quản trị: xu hướng và thách thức trong hoạch định chính sách” được tổ chức tại Xinh-ga-po và một chuỗi 4 hội thảo tổ chức tại Việt Nam với sự cộng tác của ông Wu Wei Neng. Các hội thảo đã đề cập tới nhiều khía cạnh khác nhau của quá trình xây dựng chính sách công, bao gồm cả việc chia sẻ kinh nghiệm của Xinh-ga-po. Ông Roger Tan cảm ơn Ban Giám đốc Học viện, Ban Hợp tác quốc tế vì sự hợp tác, cam kết để Dự án thành công và mong muốn được tiếp tục hợp tác với Học viên trong thời gian tới.
Một số nội dung được tiếp tục trao đổi, làm rõ tại Hội nghị, như: kinh nghiệm của Xinh-ga-po trong bồi dưỡng chính sách công dành cho lãnh đạo, quản lý do Giám đốc Điều hành Viện Quản trị Chandler, giảng viên thỉnh giảng trường Công vụ Xinh-ga-po trình bày, bao gồm các phần đào tạo chính sách công dành cho lãnh đạo ở Xinh-ga-po, gồm: chu trình chính sách, công cụ và khung chu trình chính sách và các tình huống thực tế; thiết kế và cung cấp các hoạt động học tập về chính sách công dành cho lãnh đạo, quản lý… Từ thực tiễn đào tạo lãnh đạo, quản lý ở Xinh-ga-po cho biết quá trình đổi mới nội dung, chương trình và nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện cần chú ý đến phương thức giảng dạy; quy trình hoạch định chính sách cần bồi dưỡng thông qua các bài tập tình huống thực tế, qua chia sẻ với đồng nghiệp và các phiên thảo luận nhóm nhỏ có sự điều phối của giảng viên/hướng dẫn viên; chú trọng xây dựng mạng lưới trong đào tạo lãnh đạo; tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác là điều quan trọng để làm phong phú thêm quan điểm, tầm nhìn của các nhà lãnh đạo.
Các giảng viên Học viện đã tham gia thảo luận tại Hội nghị với 4 nhóm nội dung:
(1) Nhóm 1 về “Hoạch định chính sách công” do ThS. Lê Thị Hồng Hạnh, Khoa Khoa học Hành chính và Tổ chức nhân sự, ThS. Nguyễn Thị Quyên, Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính trình bày. Bao gồm các nội dung về tổng quan học phần hoạch định chính sách công, các bước thiết kế chính sách công hiệu quả và sử dụng một số công cụ hỗ trợ giảng dạy. Trong đó, thiết kế chính sách công hiệu quả bao gồm 5 phần: xác định thách thức, bối cảnh xây dựng chính sách; thu thập dữ liệu, thông tin và phương thức thu thập; tiến hành nghiên cứu quyết định vấn đề, mục tiêu, phương án chính sách và tham vấn các vấn đề liên quan; phương pháp lựa chọn chính sách công hiệu quả qua phân tích, lựa chọn giải pháp chính sách; xác định nguồn lực, đánh giá tính khả thi chính sách từ nguồn nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất đã bao quát được các kỹ năng cơ bản của người quản lý trong hoạch định chính sách.
(2) Nhóm 2 với nội dung “Thực thi chính sách công” được ThS. Lê Văn Mão, Trưởng Bộ môn Pháp luật – Hành chính và Tổ chức, Phân viện Học viện tại thành phố Huế trình bày, bao gồm 3 nội dung chính: thực thi chính sách ở Việt Nam; thực thi chính sách hiệu quả; truyền thông chính sách hiệu quả. Với nội dung này, mục tiêu giúp học viên hiểu được quy trình thực thi chính sách ở Việt Nam; nắm được tổng quan các giai đoạn thực thi chính sách; rèn luyện kỹ năng cần thiết để thực thi chính sách/truyền thông chính sách hiệu quả và áp dụng được vào thực tiễn công việc.
(3) Nhóm 3 với tham luận “Đánh giá chính sách công” được ThS. Nguyễn Thị Phương Lan, Khoa Khoa học Hành chính và Tổ chức nhân sự truyền tải với các nội dung về: khái niệm, vai trò, yêu cầu của đánh giá chính sách công; quy trình; các phương pháp đánh giá chính sách công. Với mục tiêu trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về đánh giá chính sách công (quy trình, yêu cầu và các phương pháp đánh giá, viết báo cáo) học viên có kỹ năng sử dụng các phương pháp đánh giá vào thực tiễn công việc; học viên có thái độ đúng đắn, trung thực và nghiêm túc trong hoạt động đánh giá chính sách công…
(4) Nhóm 4 với nội dung “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và sử dụng tình huống trong giảng dạy” do ThS. Lê Thị Hồng Hạnh trình bày với 3 nội dung chính: tóm tắt tiến trình xây dựng tình huống; kinh nghiệm, cách thức triển khai xây dựng tình huống đã được học; những dự kiến vận dụng vào hoạt động xây dựng và sử dụng tình huống; một số mong đợi của nhóm giảng viên tham gia đề án.
Bên cạnh giới thiệu lý thuyết chung về chính sách, các học phần đều có phần phân tích thực tiễn Việt Nam, so sánh với thực tiễn của Xinh-ga-po, giúp học viên có kiến thức cơ bản, có cái nhìn đa chiều, hiểu thực tiễn Việt Nam, từ đó vận dụng một cách hiệu quả nội dung đã học vào thực tiễn hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách hiệu quả ở Việt Nam.
Đại diện quỹ Temasek, ông Duc Hoang vui mừng chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích, tình huống phát triển năng lực hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách của công chức lãnh đạo, quản lý. Ông bày tỏ niềm vinh hạnh được hỗ trợ cho các nước trong đó có Việt Nam, nhằm góp phần xây dựng một châu Á tốt đẹp hơn, và mong muốn tiếp tục được hợp tác với Học viện trong tương lai…
Phát biểu bế mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Đăng Quế khẳng định, những nội dung được trao đổi, chia sẻ trong Hội nghị thực sự hữu ích cho Học viện trong quá trình đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo mà Học viện đang tiến hành. Trên cơ sở kết quả Hội nghị, đề nghị các nhóm đổi mới chương trình của Học viện tiếp tục trao đổi, làm việc với thành viên các nhóm để tiếp nhận và chuyển giao các nội dung phù hợp vào chương trình bồi dưỡng Học viện đang xây dựng.
Phó Giám đốc điều hành Học viện cũng yêu cầu Ban Quản lý Bồi dưỡng, Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính, các phân viện Học viện tại địa phương nghiên cứu khả năng sử dụng chương trình và giảng viên được đào tạo trong chương trình để xây dựng, đề xuất tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách theo nhu cầu của các bộ ngành, địa phương trên cơ sở chương trình đã xây dựng và hợp tác giữa Học viện với Trường Công vụ Xinh-ga-po và sự tài trợ của Quỹ Temasek. Đối với các giảng viên tham gia chương trình, Phó Giám đốc điều hành đề nghị tiếp tục hoàn thiện nội dung chương trình, bài giảng và nghiên cứu khả năng xuất bản sách chuyên khảo về “phát triển kỹ năng hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách dành cho lãnh đạo, quản lý”.