Đào tạo, bồi dưỡng công an cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng lực lượng công an nhân dân vững mạnh, toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của đất nước, đặc biệt là đối với lực lượng công an cấp xã. Thời gian qua, các trường, học viện đào tạo, bồi dưỡng lực lượng công an chính quy các cấp đã tập trung xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với thực tiễn theo quy định khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở 4 cấp công an, nhất là yêu cầu đối với công an cấp xã hiện nay.
Công an tỉnh Lâm Đồng tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách. Ảnh: cand.com.vn.
Thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho công an cấp xã

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó có xác định: “Xây dựng công an xã, thị trấn chính quy”, đồng thời, trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội ở địa bàn cơ sở hiện nay ở các địa phương, việc chính quy hóa lực lượng công an xã đã được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Thời gian qua cho thấy, chất lượng công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở tiếp tục được nâng lên, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội. Điều này phải kể đến vai trò nòng cốt, đi đầu của lực lượng công an cấp xã trong công tác thu thập dữ liệu, cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử trên toàn quốc, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như thực hiện tốt công tác điều động, bố trí, sắp xếp tổ chức lực lượng an ninh theo Nghị quyết số 06-NQ/ĐUCA ngày 26/6/2017 của Đảng ủy Công an Trung ương về chủ trương nghiên cứu, xây dựng Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” theo hướng tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở. Kết quả từ báo cáo của Bộ Công an cho biết: “đến ngày 15/10/2021, công an 63 tỉnh, thành phố đã bố trí bảo đảm đạt 100% số xã; trung bình mỗi xã, thị trấn bố trí 5,3 cán bộ công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã…”1.

Cùng với việc sắp xếp, bố trí tổ chức lực lượng, công tác bồi dưỡng công an xã chính quy luôn được Bộ Công an đặc biệt quan tâm và coi đây là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng lực lượng công an lớn mạnh, trong đó nâng cao chất lượng về nhận thức chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực của mỗi chiến sĩ công an nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở trong tình hình hiện nay.

Từ các văn bản, kế hoạch triển khai công tác bồi dưỡng cho đội ngũ công an cấp xã của Bộ Công an, như: Quyết định số 5245/QĐ-BCA-X02 ngày 11/9/2018 về việc ban hành 4 chương trình bồi dưỡng cho lực lượng công an cấp cơ sở, trong đó có Chương trình số 01 về bồi dưỡng cho lực lượng công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn; Kế hoạch số 38/KH-BCA-X02 ngày 15/02/2019 về tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn giai đoạn 2019 – 2020, quy định về chỉ tiêu được Bộ Công an phê duyệt, công an các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho công tác tổ chức các lớp bồi dưỡng theo chương trình học tập của Bộ Công an… Đồng thời, chủ động phối hợp với các học viện, trường đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) lực lượng công an nhân dân mời các giảng viên tham gia giảng dạy, cùng các sở, ban, ngành có liên quan để tổ chức bồi dưỡng cho lực lượng công an cấp xã theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Đến nay, “công an các địa phương đã tổ chức hơn 300 lớp bồi dưỡng cho hơn 3 vạn lượt cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định”2.

Về chương trình, tài liệu giảng dạy cũng được Bộ Công an thẩm định, ký quyết định ban hành, cấp và phát tài liệu học tập kịp thời cho công an cấp xã các địa phương. Chương trình có thời lượng 12 ngày học, trong đó 1 ngày học chuyên đề chuyên biệt, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Thời lượng mỗi chuyên đề này tập trung cung cấp các kiến thức cốt lõi và hợp lý để học viên vận dụng kiến thức lý luận vào giải quyết một số tình huống thực tế xảy ra tại địa phương.

Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng cho công an cấp xã là lãnh đạo các khoa, phòng, bộ môn của các học viện, trường ĐTBD công an nhân dân và các giảng viên kiêm nhiệm là lãnh đạo, chỉ huy các phòng, ban của công an các địa phương có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn.

Tại các cơ sở ĐTBD, các học viên được bồi dưỡng các chuyên đề về lĩnh vực liên quan đến kiến thức nghiệp vụ quản lý nhà nước về an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, như: công tác đăng ký, quản lý cư trú; công tác cấp, quản lý chứng minh nhân dân, căn cước công dân, tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; công tác tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tin báo, tố giác và việc thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản tại địa bàn; công tác bảo vệ, xác định hiện trường, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, phát hiện, tạm giữ, bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan theo chức năng của công an cấp xã; công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy ở địa bàn cơ sở; công tác tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông của công an cấp xã…

Các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các quy định về tổ chức và hoạt động của công an cấp xã; quy trình xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự tại địa bàn, về giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… được đưa vào giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu học viên sau khi tốt nghiệp trở về vị trí công tác tại địa phương sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác nghiên cứu học tập, nâng cao trình độ pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực và vận dụng linh hoạt có hiệu quả các kiến thức đã được tiếp thu trong quá trình học tập vào thực tiễn, từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn, cơ sở công tác.

Công tác quản lý học viên cũng được thực hiện chặt chẽ, rõ ràng và hiệu quả. Công an các địa phương và cơ sở ĐTBD đã phối hợp phân công cán bộ trực tiếp quản lý học viên, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy định đối với người học, qua đó, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật cho các học viên.

Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy, nhiệm vụ của công an cấp xã càng khó khăn hơn khi phải thực hiện hai nhiệm vụ lớn, vừa bảo đảm an ninh chính trị, an ninh trật tự, vừa phải chăm lo cho toàn dân trong thực hiện phòng, chống đại dịch Covid-19, trong khi lực lượng quân số công an cấp xã còn mỏng, công việc và nhiệm vụ ngày càng lớn, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian để tham gia các khóa học ĐTBD. Việc trang bị các loại công cụ hỗ trợ theo quy định tiêu chuẩn, định mức trang bị cho công an xã, bao gồm súng đa năng, gậy điện, gậy cao su, còng số 8, găng tay bắt dao, áo giáp, loa cầm tay còn thiếu; điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của công an xã còn lạc hậu, một số nơi, máy tính, hệ thống lưu giữ tài liệu, thông tin đã lạc hậu và cũ kỹ (nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn).

Chế độ, chính sách và các quy định bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng công an cấp xã còn chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ mà lực lượng này đang đảm nhiệm. Họ là những người làm việc trong môi trường có nhiều yếu tố cường độ lao động lớn, tâm lý làm việc căng thẳng, làm nhiệm vụ cả ngày, đêm và nguy hiểm. Mặc dù, đã có Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định về việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy, song hiện nay, quy định việc thực hiện chế độ, chính sách và chi trả tiền lương, phụ cấp cho công an cấp xã bằng nguồn kinh phí của địa phương còn chưa thực sự sát với điều kiện thực tế. Nhiều địa phương thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp đối với phó công an xã và công an viên còn thấp so với tính chất đặc thù là lực lượng vũ trang bán chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Thực tế này đã xảy ra khi có trường hợp phó trưởng công an xã, công an viên xin nghỉ việc vì chế độ phụ cấp hằng tháng quá thấp, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt của bản thân và gia đình…

Một số đề xuất nhằm nâng cao năng lực công an cấp xã từ công tác đào tạo, bồi dưỡng

Thứ nhất, Bộ Công an tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong công tác ĐTBD cho cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an cấp xã từ Bộ Công an đến công an các địa phương thông qua các chương trình, kế hoạch ĐTBD… Thực hiện phân công, phân cấp về thẩm quyền gắn với trách nhiệm của thủ trưởng công an các cấp và các cơ sở ĐTBD.

Thứ hai, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an cấp xã đối với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an ninh xã hội phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương; đặc biệt trong việc xây dựng chủ trương, kế hoạch và tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng cho đội ngũ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an cấp xã.

Thứ ba, công tác bồi dưỡng cho cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an cấp xã phải gắn với thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội của mỗi công an địa phương. Trong đó, cần đa dạng các loại hình bồi dưỡng vào giảng dạy, như: tăng cường thảo luận các vấn đề công tác chuyên môn, nghiệp vụ, các tình huống phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu, gắn học lý thuyết với thực hành; đồng thời, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa công an các địa phương…

Thứ tư, về xây dựng đội ngũ công an cấp xã theo yêu cầu chỉ đạo của Bộ Công an, các đơn vị công an địa phương cần tranh thủ sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời, yêu cầu các cục nghiệp vụ, công an địa phương tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ cho công an cấp xã “phấn đấu năm 2030 xây dựng lực lượng Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”3. Để đạt được mục tiêu đề ra, cần tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đối với công tác tổ chức ĐTBD cho công an cấp xã, nhất là đánh giá chất lượng ĐTBD và kết quả thu được sau khóa học của công an cấp xã được cử đi học.

Thứ năm, cần chú trọng đến chế độ, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ trong quá trình tham gia các khóa học bồi dưỡng công an cấp xã được gắn với công tác cán bộ, như: quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng…; có cơ chế khuyến khích, động viên cán bộ, chiến sĩ công an chính quy ở địa bàn xã, phường, thị trấn để họ phát huy khả năng công tác chuyên môn và tạo dựng phong trào học tập ở địa bàn cơ sở.

Cần có quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm quản lý, trợ cấp ngày công lao động thêm giờ, trợ cấp ngày công lao động vào ban đêm đối với công an cấp xã. Đồng thời, cũng cần phải bảo đảm các điều kiện về phương tiện trang bị và kinh phí phục vụ công tác bồi dưỡng cho công an cấp xã. Cụ thể là hỗ trợ kinh phí tham gia học tập và phương tiện đi lại cho cán bộ, chiến sĩ của công an các địa phương tham gia các lớp ĐTBD, từ đó, tạo động lực cho cán bộ, chiến sĩ có kết quả học tập tốt và hiệu quả.

Chú thích:
1, 3. Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến về xây dựng Công an cấp huyện toàn diện và xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, Hà Nội, ngày 19/10/2021.
2. Chú trọng bồi dưỡng công an chính quy đảm nhiệm chức danh tại cơ sở. https://daihoi13.dangcongsan.vn, ngày 18/6/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 38/KH-BCA-X02 ngày 15/02/2019 của Bộ Công an về tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn giai đoạn 2019 – 2020.
2. Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định về việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy.
3. Pháp lệnh Công an xã năm 2008.
4. Thông tư số 32/2009/TT-BCA-V19 ngày 28/5/2009 của Bộ Công an quy định về chương trình bồi dưỡng, huấn luyện đối với công an xã.
5. Bồi dưỡng công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn giai đoạn 2019 – 2020. http://xaydungdang.org.vn, ngày 07/6/2021.
TS. Nghiêm Xuân Dũng
Học viện An ninh nhân dân