Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ

(Quanlynhanuoc.vn) – Giao thông đường bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, bảo đảm an ninh, quốc phòng và nhu cầu giao lưu, đi lại của Nhân dân. Bên cạnh đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng về giao thông, việc bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống vi phạm pháp luật về trật tự giao thông đường bộ, trong đó hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ cần đặc biệt được coi trọng nhằm duy trì trật tự an toàn xã hội, tăng cường pháp chế, bảo vệ pháp luật và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLXCGĐB.

Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông chỉ rõ: “Coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lai xe; quản lý chặt chẽ đối với những người được cấp giấy phép lai xe. Khắc phục những hạn chế, yếu kém và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, sách nhiễu trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lai xe”.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo đảm trật tự an toàn GTĐB được thể chế hóa vào hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Trong đó, nhiều văn bản pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lai xe cơ giới đường bộ (GPLXCGĐB) cho người điều khiển phương tiện (NĐKPT) giao thông cơ giới đường bộ đã được ban hành. Những văn bản quy phạm đó là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác quản lý NĐKPT cơ giới khi tham gia GTĐB; duy trì trật tự bảo đảm an toàn GTĐB và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước (QLNN), thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển bền vững.

Thực trạng quản lý nhà nước đối với hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lai xe cơ giới đường bộ

Hoạt động QLNN đối với hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp GPLXCGĐB cho NĐKPT giao thông cơ giới đường bộ ở nước ta được pháp luật quy định ở từng giai đoạn khác nhau. Trước tháng 7/1995, thẩm quyền QLNN về hoạt động quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLXCGĐB cho NĐKPT giao thông cơ giới đường bộ thuộc về ngành Công an. Tuy nhiên, từ ngày 01/8/1995 hoạt động này được chuyển giao cho ngành Giao thông vận tải và được thực hiện trên cơ sở quy định của Nghị định số 36-CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ về bảo đảm an toàn GTĐB và trật tự an toàn giao thông đô thị. Sau khi Luật Giao thông đường bộ năm 2001 được ban hành, hoạt động này vẫn được quy định thuộc thẩm quyền, trách nhiệm QLNN của Bộ Giao thông vận tải; Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tiếp tục quy định đối với Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLXCGĐB.

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện thống nhất công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLXCGĐB với 64 đầu mối (gồm: Tổng cục đường bộ Việt Nam và 63 Sở Giao thông vận tải của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Đồng thời, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực trong công tác này, từ ngày 20/10/2019, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và kết nối trực tuyến, truyền dữ liệu hình ảnh về các cơ quan liên quan để giám sát trực tiếp công tác sát hạch.

Thời gian qua, ngành Giao thông vận tải đã không ngừng đổi mới công tác quản lý và tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nội dung chương trình, giáo trình đào tạo; nội dung, quy trình và hệ thống trang thiết bị sát hạch được Tư vấn A1.1 (tổ chức tư vấn quốc tế đánh giá dự án tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện Dự án an toàn GTĐB) do Ngân hàng thế giới tài trợ và Tổ chức đường bộ Vicroad của Ô-xtrây-li-a do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ thực hiện khảo sát độc lập và đánh giá là chặt chẽ và hiện đại so với Ô-xtrây-li-a và một số nước phát triển. Nguồn nhân sự tham gia vào hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp GPLX được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý và vận hành hệ thống, trang thiết bị, phần mềm, thiết bị điện tử, tin học, truyền thông gồm hơn 2.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động1.

Năm 1995, cả nước có 127 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, đến nay cả nước có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 135 trung tâm sát hạch lái xe ô tô (tăng 627% về số lượng cơ sở đào tạo) thuộc các bộ, ngành và địa phương2. Với chủ trương tăng cường công tác QLNN và đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp dịch vụ công về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thời gian qua đã thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới, góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu được đào tạo, cấp GPLX của xã hội. Quan điểm chỉ đạo của Đảng về trật tự an toàn GTĐB được thể chế hóa vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể trong đào tạo, sát hạch, cấp GPLXCGĐB giữ vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển này.

Thứ nhất, thực hiện chỉ đạo điều hành thống nhất của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đã phối hợp hiệu quả với các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương tổ chức thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư, quyết định) một cách quyết liệt, triệt để. Vì vậy, thời gian qua công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng như công tác quản lý về đào tạo, sát hạch và cấp GPLXCGĐB có những chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thứ hai, công tác xây dựng và áp dụng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp GPLXCGĐB đã được cụ thể, chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác QLNN về đào tạo, sát hạch và cấp GPLXCGĐB thuận lợi phục vụ nhu cầu của người dân, góp phần quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Thứ ba, công tác kiểm tra đào tạo, sát hạch lái xe đã được thực hiện thường xuyên nên các hoạt động đào tạo, sát hạch cơ bản đáp ứng đầy đủ những những quy định của pháp luật; công tác cấp GPLXCGĐB đã được cải cách với nhiều đổi mới; chú trọng đầu tư về trang thiết bị, bổ sung nhân sự và tiếp nhận phần mềm chuyển giao của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho các đơn vị, các địa phương; bảo đảm triển khai đồng bộ, thống nhất đối với hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp GPLXCGĐB trong thời gian qua.

Tuy nhiên, qua báo cáo tổng kết công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới giao thông đường bộ hằng năm của Tổng cục đường bộ Việt Nam cho thấy, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLXCGĐB cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định, đó là:

(1) Một số cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ở các địa phương chưa chú trọng đến chất lượng đào tạo, vẫn còn chạy theo số lượng; chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, sát hạch viên cũng như nội dung giảng dạy…

(2) Một số đơn vị chưa thực hiện tốt công tác giáo vụ trong công tác quản lý; công tác sát hạch bằng hệ thống tự động đang trong giai đoạn triển khai vẫn còn tình trạng bị lỗi thiết bị chấm điểm tự động.

(3) Công tác thanh kiểm tra và xử lý đối với các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe có những biểu hiện sai phạm chưa được quan tâm đúng mức, đôi khi còn mang tính hình thức, thụ động và kết quả thanh tra, kiểm tra chưa cao.

(4) Việc quản lý, đào tạo lái xe và việc sát hạch, cấp GPLX chưa bảo đảm tính liên thông, quản lý chặt chẽ và đến nay, hoạt động này chưa được khắc phục, không bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn.

Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ

Một là, cơ quan chức năng cần đổi mới nội dung đào tạo, bổ sung thêm kỹ năng điều khiển phương tiện, kỹ thuật tham gia giao thông đường cao tốc, giao thông trong đô thị, các địa hình đường đèo dốc, lái xe vào thời điểm ban đêm, thời tiết sương mù và trời mưa. Đổi mới việc tổ chức sát hạch cấp GPLX theo định hướng tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; cơ quan chức năng chỉ quản lý về nội dung, chương trình đào tạo và quy trình kiểm tra sát hạch. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại để đánh giá chính xác kết quả kiểm tra, sát hạch nhằm hạn chế những biểu hiện tiêu cực trong đào tạo, sát hạch.

Hai là, cần quy định điều kiện, tiêu chuẩn thành lập, hoạt động của các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch NĐKPT giao thông và người vận hành phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong giao thông vận tải; quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của người tham gia đào tạo, sát hạch cấp GPLX; quy định về quản lý công tác đào tạo, cấp GPLXCGĐB, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ cho NĐKPT giao thông và người vận hành phương tiện…

Ba là, xây dựng cơ sở dữ liệu về GPLX kết nối với cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính, tai nạn giao thông, đăng ký phương tiện… đây là một trong những cơ sở rất quan trọng để quản lý NĐKPT giao thông, áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm hành chính bảo đảm chính xác, khách quan, thống nhất, không bỏ lọt vi phạm và xem xét tình tiết tăng nặng đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm trên toàn quốc.

Bốn là, hoạt động QLNN đối với công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLXCGĐB cần được bảo đảm tính liên thông, thống nhất từ trung ương đến cơ sở, góp phần tăng cường pháp chế, nâng cao hiệu quả QLNN.

Chú thích:
1, 2. Bộ Công an. Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an”. Hà Nội, 2022,  tr. 328, 327.
Tài liệu tham khảo:
1. Ðảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Tập I, II. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.
3. Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.
4. Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó đã thống nhất xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
5. Hiến pháp năm 2013.
6. Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
7. Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
8. Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
TS. Tạ Quang Ngọc
 Trường Đại học Luật Hà Nội
TS. Nguyễn Toàn Thắng
 Học viện Hành chính Quốc gia