Hoạt động sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang

(Quanlynhanuoc.vn) – Sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố là chủ trương lớn của Đảng nhằm tinh gọn bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách ở TTDP; giảm chi phí hành chính, tiết kiệm ngân sách; phát huy hoạt động tự quản tại cộng đồng dân cư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội của thôn, tổ dân phố.
Huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: tnmttuyenquang.gov.vn.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngày 19/3/2019 Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND về việc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố (TTDP) và hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở TTDP dôi dư sau sáp nhập TTDP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 08/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về ban hành Đề án sáp nhập, đổi tên TTDP và hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở TTDP dôi dư sau sáp nhập TTDP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Để cụ thể hóa chủ trương trên, các huyện, thị, thành phố của tỉnh tích cực triển khai thực hiện, trong đó có thể nhìn nhận công tác này qua hoạt động của huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Thực trạng sau khi sắp xếp, sáp nhập thôn trên địa bàn huyện Yên Sơn

Theo Quyết định số 100/QĐ-UBND quy định, tổng số TTDP sắp xếp, sáp nhập của huyện Yên Sơn từ 167 TTDP thành 81 TTDP mới; giảm 86 TTDP (trong tổng số 473 TTDP trước khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập)1. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2020 có 9 TTDP mới thuộc xã Kim Phú, xã Phú Lâm, thị trấn Tân Bình sáp nhập vào thành phố Tuyên Quang theo Nghị quyết số 816/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Tuyên Quang2. Vì vậy, tổng số TTDP sau sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn huyện Yên Sơn còn 72 thôn (chưa thực hiện đối với các tổ dân phố).

Sau quá trình triển khai thực hiện, đội ngũ cán bộ thôn có 100% trưởng thôn và 79,2% Trưởng Ban công tác Mặt trận là đảng viên…3, đây là điều kiện thuận lợi cho việc gương mẫu thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Về trình độ học vấn, có 50% cán bộ giữ chức danh Bí thư chi bộ thôn có trình độ văn hóa tốt nghiệp trung học phổ thông, có 22,2 % cán bộ thôn được đào tạo về chuyên môn, phần lớn đội ngũ cán bộ thôn là người có kinh nghiệm công tác lâu năm (ít nhất là 3 năm, nhiều nhất là 23 năm trước khi sắp xếp, sáp nhập)4, họ là những người hiểu rõ thói quen, phong tục tập quán, đặc điểm tình hình của các hộ dân trong thôn nên đáp ứng được yêu cầu công việc và được Nhân dân trong thôn tín nhiệm.

Những kết quả đạt được sau khi sắp xếp, sáp nhập

– Công tác vận động Nhân dân thực hiện quản lý cư trú. Sau sắp xếp, sáp nhập số lượng nhân khẩu, hộ khẩu tăng lên, địa bàn rộng hơn nên cán bộ thôn thường xuyên phải tuyên truyền vận động nhân dân tích cực thực hiện quyền cư trú theo đúng các quy định của pháp luật về cư trú. Nắm bắt đầy đủ, chính xác từng hộ, số khẩu cư trú thực tế tại thôn và số khẩu đi lao động ở các địa phương khác. Xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng và các vi phạm khác về quản lý hành chính về trật tự xã hội. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với công an cấp xã kiểm tra, xác minh, trao đổi thông tin về hộ khẩu, nhân khẩu, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

– Công tác vận động Nhân dân phát triển kinh tế – xã hội nâng cao đời sống vật chất. Một số hộ trong thôn có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được cán bộ thôn tích cực giới thiệu, qua đó, khuyến khích các hộ trong thôn cùng giúp nhau học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Điển hình, như: mô hình nuôi ong ở thôn 6, xã Thái Bình; mô hình sản xuất cây giống lâm nghiệp ở thôn Hồng Hà, xã Nhữ Khê; mô hình trồng rau tại thôn Hương Nghiêm, xã Hoàng Khai… với việc nhân rộng các mô hình kinh tế tại các thôn sau sáp nhập đã tạo ra việc làm thường xuyên cho Nhân dân trong thôn, bảo đảm thu nhập bình quân từ 3,5 – 4 triệu đồng/ người/tháng5.

– Công tác vận động Nhân dân phát triển văn hóa nâng cao đời sống tinh thần. Nhận thức rõ vai trò của văn hóa, sau khi sắp xếp, sáp nhập, cán bộ thôn đã vận động Nhân dân hưởng ứng phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa, như: phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa thu hút được sự tham gia của đông đảo các thành viên trong thôn. Bên cạnh đó, còn duy trì, lưu truyền giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, như: Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Y, Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở xã Chiêu Yên…

– Công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở. Chính quyền các xã và cán bộ thôn đã thực hiện triệt để các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân trong thôn. Các cuộc họp thôn đã được tổ chức theo đúng quy định và có sự linh hoạt trong việc tổ chức, ngoài xin ý kiến trực tiếp, còn xin ý kiến qua mạng xã hội (zalo). Tỷ lệ các hộ trên địa bàn thôn dự họp đạt từ 70 – 85% số đại diện các hộ tham gia.

– Hoạt động của thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng tại các thôn luôn được duy trì và ngày càng đi vào nền nếp. Nhờ thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, 72 thôn sau sáp nhập đến nay không xảy ra đơn thư khiếu kiện, tiêu cực trong các hoạt động của thôn, nhất là các lĩnh vực đầu tư xây dựng nông thôn mới và thu – chi của thôn.

Hoạt động giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh môi trường được đẩy mạnh. Trong năm 2021, các thôn tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả 72 mô hình tự quản về an ninh trật tự với 1.061 thành viên6. Các mô hình tự quản về an ninh trật tự đã nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực từ nhân dân; cung cấp nhiều thông tin có giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng công an; tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng lầm lỗi tại địa bàn dân cư.

Hoạt động vệ sinh môi trường ở thôn được thực hiện nghiêm túc bằng ý thức tự giác của các gia đình. Bên cạnh đó, các thôn đã huy động và phát huy tính tự giác của các đoàn thể, như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cùng tham gia xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường, xây dựng tuyến đường hoa, tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp làm thay đổi diện mạo nông thôn.

– Công tác vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, năm 2021, huyện đã nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm; có 16 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc đem lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân trên địa bàn huyện7.

Những hạn chế sau sắp xếp, sáp nhập

Sau sáp nhập, diện tích các thôn tăng lên, địa bàn rộng, dân cư đông nên việc đi lại và thực hiện nhiệm vụ của cán bộ thôn còn gặp nhiều trở ngại. Số lượng cán bộ thôn giảm so với trước nên việc điều hành hoạt động và triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch từ cấp trên triển khai xuống thôn gặp không ít khó khăn.

Trình độ văn hóa và chuyên môn của một bộ phận cán bộ thôn còn thấp (có 50% chức danh Bí thư kiêm trưởng thôn chưa đạt trình độ văn hóa trung học phổ thông và 77% chức danh Bí thư kiêm trưởng thôn chưa qua đào tạo về chuyên môn)8 đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của thôn. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách cho hoạt động của thôn và đội ngũ cán bộ thôn và trưởng các chi hội đoàn thể ở thôn còn hạn chế.

Trước khi sáp nhập, nhà văn hóa thôn ở một số xã được xây dựng theo mô hình cũ nên đa số có diện tích hẹp không đủ diện tích, không gian khi tổ chức họp thôn và triển khai các hoạt động văn hóa tập thể. Sau sáp nhập thôn, mặc dù đã có sự giao thoa, giúp đỡ, động viên trong phát triển kinh tế nhưng vẫn chưa tạo được động lực, đột phá trong hoạt động phát triển kinh tế.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thôn, tổ dân phố sau sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn huyện Yên Sơn

Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc đối với hoạt động của TTDP sau sắp xếp, sáp nhập.

Cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở cần xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, phải thường xuyên theo dõi, chỉ đạo sát sao, kiểm tra tình hình hoạt động của TTDP sau sắp xếp, sáp nhập để kịp thời phát huy những mặt tích cực, tìm ra những hạn chế, chưa phù hợp để kịp thời bổ sung, điều chỉnh; công khai, minh bạch mọi thông tin có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của người dân. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Thứ hai, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ TTDP.

Đội ngũ cán bộ TTDP là những người sát dân, gần dân, hiểu dân nhất. Để phát huy vai trò của cán bộ TTDP cần phải rà soát, đánh giá chính xác thực trạng chất lượng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ TTDP để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ; tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động; đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thôn nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng, kỹ năng xử lý tình huống ở cơ sở; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ như sinh hoạt phí hoặc phụ cấp thỏa đáng.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của TTDP sau khi sáp nhập.

Quán triệt thực hiện chủ trương sáp nhập TTDP là việc quan trọng, có ý nghĩa và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội, sự tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cơ sở nói chung và tổ chức nhân dân tự quản nói riêng. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc sắp xếp, sáp nhập TTDP nhằm tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của TTDP sau sắp xếp, sáp nhập.

Một trong những giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến hoạt động của TTDP sau sắp xếp, sáp nhập chính là tiếp tục nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của TTDP sau sắp xếp, sáp nhập cần phải tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý cư trú; đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường giữ gìn an ninh trật tự tại TTDP; tiếp tục thực hiện có hiệu quả dân chủ cơ sở.

Thứ năm, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất cho TTDP.

Việc sáp nhập các TTDP trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ sở. Tuy nhiên, cần đầu tư cơ sở vật chất, như: cải tạo lại các nhà văn hóa cũ hoặc xây mới, nâng cấp, sửa chữa các nhà văn hóa, mở rộng sân thể dục – thể thao của TTDP nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho người dân.

Việc sáp nhập TTDP trên địa bàn huyện Yên Sơn đã mang lại nhiều hiệu quả, nhưng cũng tồn tại không ít khó khăn ảnh hưởng tới hoạt động của các TTDP sau sắp xếp, sáp nhập. Do vậy, cần nghiên cứu đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của TTDP sau khi sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là một yêu cầu xuất phát từ thực tiễn, đồng thời khắc phục những khó khăn, từng bước bảo đảm thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, sáp nhập TTDP tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện Yên Sơn, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII đã đề ra.

Chú thích:
1. Điểm a khoản 1 mục III, Phần thứ ba. Quyết định 100/QĐ-UBND ngày 08/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Đề án sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố và hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư sau sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
2. Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 816/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Tuyên Quang.
3, 4, 5, 6, 8. Tổng hợp phiếu điều tra thông qua kế hoạch đi nghiên cứu thực tế của Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang, 2021.
7. Danh sách sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, mục 87. http://www.snntuyenquang.gov.vn, ngày 22/02/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo 1453/BC-UBND ngày 28/12/2019 của Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn về việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố.
2. Bùi Xuân Đính. Hương ước và quản lý làng xã. H. NXB Khoa học xã hội, 1998.
3. Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 19/3/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố và hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư sau sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
ThS. Trần Thị Phượng
Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang
ThS. Hoàng Khắc Cương
Trường Chính trị tỉnh Yên Bái