Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở ở tỉnh Hậu Giang

(Quanlynhanuoc.vn) – Tỉnh Hậu Giang được thành lập từ năm 2004 theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội. Ngay sau khi được thành lập, tỉnh Hậu Giang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn trên tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; đặc biệt là về nguồn lực con người, nguồn nhân lực, cán bộ, công chức  làm việc trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh nói chung và ở cấp cơ sở nói riêng còn thiếu và yếu cả về chất lượng, số lượng.
Hội thảo khoa học: “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp cơ sở tỉnh Hậu Giang” do Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang phối hợp với Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 18/3/2022.

Trong giai đoạn này, hầu hết cán bộ, công chức (CBCC) chưa qua đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ (còn chiếm tỷ lệ khá cao) nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công việc, nhất là cấp cơ sở.

Theo số liệu thống kê năm 2004, số CBCC cấp xã chưa qua đào tạo chiếm 76,15%; trình độ sơ cấp chiếm 4,6%; trình độ trung cấp chiếm 17,1%; cao đẳng, đại học chiếm 2,15%. Trong khi đó, công tác ĐTBD nguồn nhân lực của tỉnh bước đầu được lãnh đạo quan tâm chỉ đạo nhưng thiếu đồng bộ, còn hạn chế và bất cập1.

Mạng lưới các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh những ngày đầu thành lập còn khá khiêm tốn và chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng nên năng lực đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh chưa bảo đảm theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa kịp thời ban hành chính sách nhằm khuyến khích, tạo động lực để CBCC, viên chức, trong đó có đội ngũ cán bộ cấp cơ sở tham gia học tập nâng cao trình độ.

Các quy định của pháp luật về CBCC cấp xã đã được ban hành và dần hoàn thiện, tuy nhiên, các quy định này vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định, ảnh hưởng đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ CBCC cấp xã.

Để vượt qua khó khăn, thách thức, hiện nay, tỉnh Hậu Giang đã từng bước hình thành nguồn nhân lực phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã chi gần 140 tỷ đồng cho ĐTBD nguồn nhân lực của tỉnh2. Trong đó, tỉnh đã chú trọng đến việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên nhằm phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy tinh thông lý luận, am hiểu thực tế, áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin.

Các nội dung, chương trình, giáo trình ĐTBD công chức, viên chức cũng đã bám sát yêu cầu điều kiện và tình hình thực tế của các đơn vị và triển khai thực hiện có hiệu quả; đội ngũ CBCC sau khi được ĐTBD về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Hậu Giang, hằng năm, đã cử hơn 17.600 lượt CBCC, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quốc phòng – an ninh, bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn, nghiệp vụ…3.

Riêng đối với đội ngũ CBCC cấp cơ sở, so với năm 2004, hiện nay, chất lượng đội ngũ CBCC cấp cơ sở của tỉnh không ngừng được nâng lên. Tính đến năm 2021, tổng số CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là 1.440 người (trong đó có 727 cán bộ và 713 công chức). Số CBCC được ĐTBD về chuyên môn, nghiệp vụ, về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học… ngày càng được quan tâm chú trọng, trong đó:

– Về trình độ chuyên môn: sơ cấp: 12 người, chiếm tỷ lệ 0,83% (giảm 3,77% so với năm 2004); trung cấp: 183 người, chiếm tỷ lệ 12,70% (giảm 4,4% so với năm 2004); cao đẳng, đại học: 1.234 người, chiếm tỷ lệ 85,69% (tăng 83,54% so với năm 2004); sau đại học: 11 người, chiếm tỷ lệ 0,76% (tăng 0,76% so với năm 2004).

– Về trình độ luận chính trị: chưa qua đào tạo 13 người, chiếm tỷ lệ: 0,9%, sơ cấp 95 người, chiếm tỷ lệ: 6,59%, trung cấp 1.114 người, chiếm tỷ lệ: 77,36%, cử nhân, cao cấp 218 người, chiếm tỷ lệ: 15,13%.

– Về trình độ quản lý nhà nước: chưa qua bồi dưỡng 589 người, chiếm tỷ lệ: 40,90%, chuyên viên và tương đương 834 người, chiếm tỷ lệ: 57,91%, chuyên viên chính và tương đương 17 người, chiếm tỷ lệ: 1,18%.

– Về trình độ tin học: chưa qua đào tạo 47 người, chiếm tỷ lệ: 3,26%, có chứng chỉ tin học là 1.393 người, chiếm tỷ lệ: 96,73%4.

Tỉnh cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ ĐTBD, hỗ trợ đào tạo sau đại học, thu hút nhân lực, giải quyết kinh phí thu hút nhân lực, kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học cho đội ngũ CBCC, viên chức, đặc biệt là công chức ở cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, công tác ĐTBD trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vẫn còn tồn tại, hạn chế do chưa gắn chặt giữa quy hoạch đào tạo, sử dụng, bố trí sau ĐTBD; vẫn có CBCC chưa được bố trí đúng vị trí việc làm; tình trạng bổ nhiệm CBCC chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo tiêu chuẩn quy định.

Về trình độ, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, tinh thần, thái độ tác phong làm việc của một bộ phận CBCC chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của tỉnh.

Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu cho việc thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra những mục tiêu, yêu cầu  cao hơn về chất lượng đội ngũ CBCC, viên chức của địa phương nói chung, cán bộ cấp cơ sở nói riêng về ý thức chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ, phẩm chất, đạo đức tốt, lối sống đúng mực, có trách nhiệm trước Nhân dân và bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện; đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hậu Giang cần tiếp tục thực hiện đồng bộ và tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác ĐTBD về chuyên môn, tiêu chuẩn chức danh đạt chuẩn theo quy định của pháp luật. Công tác ĐTBD phải đi vào thực tế, gắn với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng CBCC đang đảm nhiệm. Sau khi ĐTBD từng CBCC có khả năng vận dụng những kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc mang lại hiệu quả cao và cải thiện rõ nét tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân. Để thực hiện được điều này cần phải nắm rõ đặc điểm của đội ngũ CBCC cấp cơ sở, từ đó có những chiến lược cụ thể trong công tác ĐTBD CBCC.

Điểm chung của các cấp cơ sở hiện nay, là cần thống nhất trong nhận thức về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng CBCC cấp cơ sở, kiên trì, liên tục và liên thông trong công tác cán bộ từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bố trí công việc, đánh giá… Việc cần làm đầu tiên là tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng chất lượng CBCC cấp cơ sở và mức độ đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ và năng lực của CBCC theo quy định và thực tế công việc tại địa phương.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ CBCC cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Mục tiêu đến năm 2025, Hậu Giang phấn đấu 100% CBCC, viên chức đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, các chức danh lãnh đạo, quản lý (kể cả các đối tượng trong quy hoạch). Có ít nhất 80% CBCC, viên chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. 100% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, phù hợp với vị trí việc làm…5.

Bên cạnh đó, cần mạnh dạn thay thế, giải quyết chế độ, chính sách đối với những CBCC không đáp ứng tiêu chuẩn, không còn khả năng cống hiến để tuyển dụng, thu hút những người có trình độ cao, tri thức vào làm việc ở cấp xã.

Thứ ba, chú trọng đổi mới công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu bầu các chức danh cán bộ và nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật CBCC cấp cơ sở một cách toàn diện, khoa học và coi đây là cấp chính quyền với đội ngũ CBCC có đủ trình độ, phẩm chất, năng lực, thống nhất của hệ thống chính trị ở nước ta.

Cần xác định rõ các tiêu chí đánh giá CBCC cấp cơ sở theo 6 nhóm tiêu chí: (1) Khối lượng công việc thực hiện; (2) Chất lượng thực thi công vụ; (3) Kết quả đánh giá, thi đua hằng năm; (4) Năng lực thực thi công vụ; (5) Tuân thủ chính sách, pháp luật, trình tự, thủ tục trong thực hiện công việc; (6) Sáng tạo, chủ động trong thực hiện công việc và tinh thần trách nhiệm. Theo đó, ban hành thông tư quy định cụ thể, rõ ràng về đánh giá, xếp loại chất lượng công chức nói chung và công chức cấp cơ sở nói riêng; tiến hành rà soát để loại bỏ những tiêu chí định tính trong đánh giá, xếp loại chất lượng công chức cấp cơ sở. Đồng thời, xây dựng tiêu chí định lượng cụ thể trên cơ sở thang bảng điểm tổng kết, từ đó, tạo cơ chế liên thông giữa đánh giá, xếp loại chất lượng công chức cấp cơ sở với vấn đề thi đua, khen thưởng…

Trong công tác bố trí, sự dụng, luân chuyển, điều động để bảo đảm mỗi CBCC đều có bằng cấp chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm và xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý để khơi dậy khát vọng cống hiến vì sự phát triển của địa phương, do đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn của CBCC cấp xã đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; sửa đổi, bổ sung quy định về chức trách, nhiệm vụ của CBCC cấp xã; bổ sung quy định xét chuyển CBCC cấp xã thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh…

Ngoài ra, sự nhận thức, trách nhiệm của đảng ủy, người đứng đầu, đội ngũ CBCC và Nhân dân về đánh giá chất lượng công chức cấp cơ sở cũng rất quan trọng; nhất là việc triển khai tự phê bình và phê bình, mở rộng dân chủ, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đề cao vai trò tự đánh giá của công chức cấp cơ sở…

Thứ tư, đẩy mạnh việc ứng dụng tin học, công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của CBCC cấp cơ sở. Hình thành đội ngũ CBCC đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng chính phủ số và xã hội số theo xu hướng phát triển chung.

Thứ năm, thường xuyên rà soát, quan tâm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường làm việc, để đội ngũ CBCC cấp cơ sở yên tâm công tác, cống hiến, phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và thực sự là cầu nối trực tiếp thể hiện ý Đảng, lòng dân.

Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về vị trí, vai trò của chính quyền cấp cơ sở, vị trí của CBCC cấp cơ sở trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả công việc của CBCC cấp cơ sở; tạo động lực làm việc cho CBCC cấp cơ sở.

Một số nhiệm vụ cần tiếp tục thực hiện tốt, như:

(1) Quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.

(2) Cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên các cấp phải sâu sát cơ sở, phải thực sự gần dân, sát dân và “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói đúng sự thật”.

(3) Xác định việc chăm lo đời sống cho Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chính quyền các cấp, nhất là ở cấp cơ sở.

(4) Triển khai, tuyên truyền, phát động phong trào phòng, chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh – trật tự để an ninh trật tự được giữ vững và yên lòng dân.

(5) Tiếp tục thực hiện tốt chương trình cải cách hành chính.

(6) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đột xuất, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận chính quyền, cải cách hành chính, đạo đức công vụ và khảo sát sự hài lòng của người dân.

Chú thích:
1. Xây dựng cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. https://www.baohaugiang.com.vn, ngày 21/8/2018.
2, 3, 5. Tỉnh ủy Hậu Giang. Hội nghị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 24/6/2021.
4. Quyết định số 797/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Công văn số 2188/SNV ngày 30/9/2020 của Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang về việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2021.
2. Đề án “Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 – 2025” của Tỉnh ủy Hậu Giang. Năm 2011.
3. Đề án “Thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Hậu Giang” của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang. Năm 2022.
4. Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa XI về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh.
5. Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang và Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp cơ sở tỉnh Hậu Giang, tháng 02/2022.
ThS. Phan Hoàng Ngoan
Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang