Quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số – từ thực tiễn tỉnh Gia Lai

(Quanlynhanuoc.vn) – Gia Lai nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có địa hình rộng lớn, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ dân cư là người dân tộc thiểu số chiếm khá cao, có một số đơn vị lại tiếp giáp với biên giới Cam-pu-chia và khu vực Nam Lào. Chính vì vậy, hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở trên địa bàn tỉnh vừa có những đặc điểm chung của cấp xã nhưng cũng mang những đặc trưng riêng nhất định.
Làng Đê KJêng (xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Ảnh: vietnamplus.vn .
Đặc trưng của chính quyền cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai hiện nay

Gia Lai nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, là địa bàn có 90 km đường biên giới tiếp giáp với Cam-pu-chia, với tổng diện tích 15.536 km2, dân số hơn 1,5 triệu người, gồm 35 dân tộc anh em, riêng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 46,2% (chủ yếu là người Jrai và Bahnar)1. Toàn tỉnh gồm 1 thành phố, 2 thị xã  và 14 huyện với 220 đơn vị hành chính cấp xã, 1.576 thôn, làng, tổ dân phố2. Đặc điểm của địa bàn tỉnh có địa hình rộng lớn, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ dân cư là người DTTS chiếm khá cao, có một số đơn vị lại tiếp giáp với biên giới Cam-pu-chia và khu vực Nam Lào. Chính vì vậy, hoạt động quản lý nhà nước (QLNN) của chính quyền cơ sở (CQCS) trên địa bàn tỉnh vừa có những đặc điểm chung của cấp xã nhưng cũng mang những đặc trưng riêng nhất định, đó là:

Thứ nhất, hầu hết các đơn vị thôn, làng đều có cộng đồng các DTTS sinh sống, sản xuất và canh tác lâu đời, họ có sự gắn bó chặt chẽ với nhau về nhiều phương diện, như: kinh tế, văn hóa, xã hội, huyết thống, phong tục, tập quán… do vậy, cộng đồng dân cư có tính tự quản trên nhiều phương diện của đời sống xã hội tại cơ sở, các thiết chế xã hội truyền thống được phát huy cao trong quá trình quản lý xã hội.

Thứ hai, phân bố địa giới hành chính cấp xã trên địa bàn tương đối rộng lớn. Điều kiện đi lại, giao thông, phương tiện trao đổi thông tin, cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế. Do đó, việc tiếp cận dân cư, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ QLNN hay tuyên tuyền, vận động và các công việc khác có liên quan trực tiếp đến người dân rất khó khăn.

Thứ ba, dân cư phân bố thưa thớt, trình độ dân trí còn thấp, am hiểu pháp luật chưa cao. Bên cạnh đó, nạn di dân tự do diễn ra một thời gian cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức hiệu quả các công việc CQCS.

Thứ tư, văn hóa, truyền thống, tập tục và những quy định cố kết trong cộng đồng dân cư cũng đang là trở ngại trong tổ chức các công việc của CQCS, như: thực hiện thủ tục hành chính, quản lý tư pháp – hộ tịch, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia… nhằm bảo đảm tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và Nhân dân hay thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực đối với dân cư vùng đồng bào DTTS còn là vấn đề nan giải. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Đảng chưa được người dân nắm bắt kịp thời.

Thứ năm, ở chính quyền cấp xã vùng DTTS, việc tạo nguồn, bố trí, sắp xếp công việc hay điều động, luân chuyển cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã thường rất khó khăn. Tỷ lệ CBCC là người địa phương ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu đội ngũ nhân sự. Điều này đem lại sự thuận lợi lớn trong việc tổ chức, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân địa phương. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về tính chuyên nghiệp, chuẩn về các mặt trình độ và các kỹ năng bổ trợ thì họ vẫn chưa đáp ứng được.

Một số vấn đề đang đặt ra đối với công tác quản lý của chính quyền cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Một là, về công tác xây dựng và tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân còn thiếu chủ động, việc xem xét những vấn đề quan trọng, nhất là về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng cơ bản có lúc, có nơi còn mang tính hình thức. Công tác giám sát còn nhiều hạn chế.

Hai là, hoạt động cải cách hành chính của Ủy ban nhân dân ở một số xã, phường, thị trấn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, có nơi còn gây phiền hà cho Nhân dân, một số nơi chưa thật sự đổi mới phương thức làm việc, không ít CBCC chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, còn là trở ngại lớn để xây dựng CQCS vững mạnh.

Ba là, công tác mặt trận và đoàn thể chính trị – xã hội tại cơ sở vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sự phối hợp giữa chính quyền với cấp ủy và các đoàn thể cùng cấp nhiều nơi thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ và toàn diện. Việc xây dựng lực lượng nòng cốt là người có uy tín ở một số khu dân cư chưa được chú trọng, chất lượng hoạt động của đoàn thể, nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên ở nhiều thôn, làng, tổ dân phố chưa phát huy được hiệu quả, hoạt động xây dựng phong trào và xây dựng tổ chức đoàn thể trên một số mặt còn yếu, công tác giám sát và phản biện xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân có nơi còn hạn chế.

Bốn là, về phẩm chất, năng lực cần thiết để thực thi nhiệm vụ của đội ngũ CBCC, người hoạt động không chuyên trách. Hiện số CBCC cấp xã trong toàn tỉnh có 4.318 người, trong đó cán bộ cấp xã là 2.204 người, công chức cấp xã 2.114 người, số lượng người hoạt động không chuyên trách là 2.788 người và làm việc tại thôn, tổ dân phố là 18.744 người. So với mặt bằng chung của cả nước, số cán bộ cấp xã có trình độ học vấn tiểu học và trung học cơ sở chiếm tỷ lệ còn cao (chiếm 33,11%), khoảng gần 50% công chức cấp xã chưa biết sử dụng tiếng đồng bào DTTS3. Đội ngũ CBCC cấp xã là người gần dân, hiểu dân, là cầu nối quan trọng của Đảng, Nhà nước với quần chúng nhân dân địa phương, tuy nhiên, còn bị hạn chế về ngôn ngữ bản địa, một số chưa am hiểu phong tục tập quán, chưa thạo địa hình… đã làm cản trở không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả tổ chức vận động quần chúng nhân dân. Chất lượng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, tổ dân phố còn thấp, chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm. Công tác tạo nguồn cán bộ, nhất là tạo nguồn tại chỗ đối với cán bộ là người DTTS ở nhiều nơi chưa đạt yêu cầu.

Năm là, cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được đầu tư, từ năm 2009 – 2020, tỉnh đã đầu tư mới và sửa chữa 65 trụ sở làm việc của xã, phường, thị trấn với nguồn kinh phí lên tới 176.834 triệu đồng. Giai đoạn 2016 – 2020 đã xây dựng kiên cố hóa cho 22 trụ sở xã, phường, thị trấn với kinh phí 149.374 triệu đồng4. Mặc dù được quan tâm đúng mức song trên thực tế cơ sở vật chất còn thiếu, làm ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công việc.

Sáu là, về dân trí và mức độ tham gia của người dân đối với các công việc của chính quyền. Với địa hình rộng (nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS) dân cư rải rác, không tập trung, hệ thống phương tiện, thông tin chưa đáp ứng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp nhận, nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một số nơi trình độ dân trí còn thấp, do đó, vai trò tham gia giám sát, phản biện của Nhân dân địa phương đối với CQCS chưa cao.

Ngoài ra, hiện tượng các tôn giáo lạ những năm gần đây xuất hiện trên địa bàn với những yếu tố tiềm ẩn gây bất ổn về đời sống chính trị – xã hội, đặc biệt là sự len lỏi của các đạo lạ vào vùng đồng bào DTTS, một số vùng biên giới tiếp giáp Cam-pu-chia nơi trình độ dân trí còn thấp, hạn chế về thông tin.

Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai hiện nay

Do quản lý một địa bàn lãnh thổ với đặc thù là cấp xã vùng đồng bào DTTS, nơi có truyền thống tự quản khá cao và chịu sự chế ước đặc điểm vùng miền, đặc điểm các tộc người và tôn giáo. Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động QLNN của chính quyền cấp xã, tỉnh Gia Lai cần tập trung vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm và thẩm quyền giám sát của Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành và đổi mới phương thức làm việc của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện chủ trương về sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã và thôn, làng, tổ dân phố kết hợp với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CBCC và những người hoạt động không chuyên trách nhằm hướng đến xây dựng bộ máy cấp xã gọn nhẹ, năng lực, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín hoàn thành tốt vai trò là cầu nối tại cơ sở giữa Đảng, chính quyền với quần chúng nhân dân.

Thứ ba, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo tinh thần Đại hội XIII “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”, hướng tới dân chủ thực chất ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, cần xem cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá của cải cách hành chính tại CQCS.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã hướng đến bảo đảm đúng tiêu chuẩn, có cơ cấu, số lượng hợp lý. Tổ chức tốt khâu rà soát lại tổng thể đội ngũ CBCC cấp xã trên địa bàn về số lượng, chất lượng theo từng nhóm chức danh, gắn với vị trí công việc hiện tại của họ để xác định rõ những mặt hạn chế và yếu kém. Cần dựa vào các tiêu chí nói trên để đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa sử dụng lâu dài, hay bổ sung, thay thế; chú trọng đến CBCC người DTTS địa phương, CBCC là nữ.

Thứ năm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc. Tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nền hành chính đối với CQCS. Tiếp tục triển khai cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa, một cửa liên thông. Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hành chính cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Thứ sáu, tiếp tục xây dựng, củng cố để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng tại cơ sở, coi trọng xây dựng chi bộ thôn, làng; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy trong việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đổi mới phương thức tổ chức vận động quần chúng của các tổ chức đoàn thể tại địa phương. Tăng cường công tác phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của CQCS.

Chú Thích:
1. Chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. https://tcnn.vn, ngày 27/8/2017.
2. Giải quyết chính sách cho 2.117 đối tượng dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính. https://gialai.gov.vn, ngày 07/10/2021.
3, 4. Báo cáo số 117-BC/TU ngày 24 /8 /2021 của Tỉnh ủy Gia Lai về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4 /2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
ThS. Bùi Minh Phúc
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai