Quản lý tài chính ở trường đại học công lập hướng tới tự chủ

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, giáo dục đại học trên thế giới đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Với nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn đang hạn hẹp so với nhu cầu giáo dục đại học của xã hội, vấn đề chia sẻ chi phí giáo dục đại học đang được các nhà quản lý chính sách, các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu nhằm thu hút và khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực tài chính trong xã hội cho giáo dục đại học.
cơ chế quản lý tài chính của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và một số trường đại học công lập đã có nhiều đổi mới phù hợp với yêu cầu phát triển. Ảnh: baochinhphu.vn.

Hiệu quả quản lý tài chính là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của giáo dục nói chung và giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng. Quản lý tài chính liên quan đến quyết định của tổ chức về cách tạo nguồn quỹ, kiểm soát các nguồn tài chính thông qua kiểm soát tài chính, phân bổ nguồn tài chính và các biện pháp giải trình trách nhiệm. Cùng với quá trình đổi mới cơ chế quản lý tài chính cho GDĐH, cơ chế quản lý chi tiêu của các trường đại học tại Việt Nam cũng được định hướng điều chỉnh nhằm góp phần giúp các trường đại học chủ động sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí của mình trong các hoạt động. Phần lớn các trường đại học công lập tại Việt Nam sử dụng nguồn ngân sách nhà nước được phân bổ cho các hoạt động của mình.

Tự chủ đại học – xu thế phát triển

Trên thế giới có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm tự chủ đại học tùy theo nhận thức về vai trò của Nhà nước đối với giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng. Ở các nước châu Âu, tự chủ đại học được nhìn nhận từ hai khía cạnh: thoát ra khỏi sự kiểm soát, hạn chế của các cơ quan quản lý nhà nước, của thị trường lao động, nhà cung cấp dịch vụ và các ảnh hưởng chính trị, là quyền tự do đưa ra các quyết định về cách thức tổ chức hoạt động cũng như mục tiêu sứ mệnh.

Tự chủ trong GDĐH cũng có thể được thể hiện ở hai cấp: cấp độ giữa trường đại học với Nhà nước và cấp độ giữa trường với các bộ phận trong trường. Tự chủ cũng có thể chỉ có tính chất thủ tục, hình thức (procedural) – quyền quyết định các phương tiện, cách thức để đạt đến mục tiêu đã được xác định trước, hoặc tự chủ có tính thực chất (substantial) – quyền quyết định các mục tiêu cũng như chương trình hoạt động. Tự chủ cũng có thể được nhìn nhận như là các quyền lực có điều kiện: các trường chỉ có thể có quyền tự chủ khi đã đạt được các chuẩn mực quốc gia hoặc các chuẩn mực đã được định sẵn theo các chính sách công. Tuy được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh khác nhau, tự chủ của trường đại học vẫn có thể được khái quát là khả năng của trường được hoạt động theo cách thức mình lựa chọn để đạt được sứ mạng và mục tiêu do trường đặt ra.

Theo Anderson & Johnson (1998), các thành tố trong tự chủ đại học bao gồm1: (1) Tự chủ nguồn nhân lực: với quyền tự chủ này, trường được quyền quyết định về các vấn đề liên quan đến điều kiện tuyển dụng, lương bổng, sử dụng nguồn nhân lực, bổ nhiệm, miễn nhiệm các vị trí trong khu vực học thuật và khu vực hành chính…; (2) Tự chủ trong các vấn đề liên quan đến tuyển sinh và quản lý sinh viên; (3) Tự chủ trong các hoạt động học thuật và chương trình giáo dục như phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên, nội dung chương trình và giáo trình học liệu…; (4) Tự chủ trong các chuẩn mực học thuật, như: các tiêu chuẩn của văn bằng, các vấn đề liên quan đến kiểm tra và kiểm định chất lượng; (5) Tự chủ trong nghiên cứu và xuất bản, giảng dạy và hướng dẫn học viên cao học, các ưu tiên trong nghiên cứu và quyền tự do xuất bản; (6) Tự chủ trong các vấn đề liên quan đến quản lý hành chính và tài chính, quản lý và sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính của trường.

Trong gần một thập kỷ qua, vấn đề tự chủ trong GDĐH Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ toàn hệ thống GDĐH Việt Nam như một trường đại học lớn, chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước về mọi mặt thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ, thể hiện qua các văn bản pháp quy của Nhà nước. Dự thảo Luật GDĐH được xây dựng cũng quan tâm rất nhiều đến vấn đề tự chủ của cơ sở GDĐH. Quyền tự chủ đại học được coi là đã được thể hiện ở nhiều điều khoản của dự luật về hội đồng trường, hội đồng quản trị, hiệu trưởng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục, tuyển sinh, chương trình giáo dục, văn bằng, học phí, lệ phí tuyển sinh…

Mặc dù, Chính phủ đã hết sức chú trọng vấn đề tự chủ và đã cố gắng tạo ra hành lang pháp lý cho quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH nhưng các quyền tự chủ đó vẫn chưa thật sự phát huy hết tác dụng vì tính chưa triệt để và sự thiếu nhất quán, đồng bộ trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Các cơ sở GDĐH dường như vẫn hết sức mong muốn được tăng thêm quyền tự chủ, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý tài chính, bộ máy, nhân sự, tuyển sinh, trang thiết bị, cơ sở vật chất…

Theo tổng hợp từ những nghiên cứu của các chuyên gia, tự chủ tài chính là một trong những khía cạnh của tự chủ đại học. Khi bàn về tài chính ở trường đại học, chúng ta đề cập đến: nguồn thu của tổ chức, chi phí hoạt động cho trường đại học, kế hoạch chiến lược và phân bổ nguồn lực, và quản lý tài chính của tổ chức. Vấn đề tự chủ tài chính ở trường đại học thể hiện ở nhiều phương diện (khả năng độc lập trong việc ra quyết định vay tiền trong thị trường tài chính, quyết định cách thức tạo ra nguồn thu thông qua học phí, các hoạt động giảng dạy và hợp đồng nghiên cứu cùng với các hoạt động khác tạo ra nguồn thu, có quyền tự do phân bổ nguồn lực tài chính, chính sách lương thưởng và được giữ lại lợi nhuận nếu có)2.

Thực trạng thu – chi tài chính từ thực tiễn Trường đại học Đại học Công nghiệp Hà Nội

Không nằm ngoài xu thế này, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đặt ra mục tiêu trở thành đại học khoa học ứng dụng hàng đầu Việt Nam, theo mô hình tự chủ toàn diện, đi đầu trong xu thế chuyển đổi số và quản trị thông minh.

Nguồn thu từ học phí của Trường mới chỉ bảo đảm một phần chi phí thường xuyên của trường, trong khi đó, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho chi thường xuyên đang ngày càng giảm dần trong tiến trình tiến đến tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên. Từ năm 2016 – 2020, tỷ trọng nguồn thu từ ngân sách nhà nước đã giảm từ 16,54% xuống còn 5,68%. Bên cạnh đó, Trường còn hạn chế trong nghiên cứu và triển khai nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trực tiếp giải quyết những vấn đề thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội. Do vậy, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng chiếm tỷ trọng rất thấp. Trong vòng 5 năm từ 2016 – 2020, thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường chỉ chiếm khoảng 2,74%. Trường chưa có nhiều chính sách tích cực trong thúc đẩy mối liên kết giữa trường học, viện nghiên cứu với các đơn vị kinh tế, chưa gắn kết công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn đời sống sản xuất – kinh doanh để gia tăng nguồn thu3.

Về cơ cấu chi giai đoạn 2016 – 2020, tỷ trọng chi cho giáo dục và đào tạo tăng từ 50,5 – 65%. Trong khoảng 5 năm, tỷ trọng chi cho giáo dục và đào tạo chiếm khoảng 60,7% nguồn chi và có xu hướng tăng do việc tăng lương cho giảng viên, tăng chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, chi mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng cơ bản lại giảm từ 40,5% từ năm 2016 xuống còn 27,54% trong năm 2020 do Chính phủ thực hiện một số những chính sách thắt chặt chi tiêu công4.

Một số hạn chế, bất cập về cơ chế quản lý tài chính của các trường đại học công lập hiện nay

Từ phân tích số liệu của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy, cơ chế quản lý tài chính của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và một số trường đại học công lập đã có nhiều đổi mới phù hợp với yêu cầu phát triển, tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn một số tồn tại.

Thứ nhất, khả năng tự chủ tài chính về chi thường xuyên thấp. Theo đúng phương thức và định mức phân bổ hiện hành cộng với khung học phí bị bó hẹp và thấp như hiện nay, các trường khó có khả năng tự chủ các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi lương và các khoản có tính chất lương. Các khoản chi cho đầu tư xây dựng cơ bản phụ thuộc chủ yếu vào nguồn ngân sách nhà nước (khả năng tự chủ về kinh phí cho xây dựng cơ bản không chỉ riêng đối với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mà các trường khác cũng gặp nhiều bất cập, không có khả năng), nhưng nguồn này được phân bổ rải rác hằng năm, có những dự án bị giải ngân quá lâu do đầu tư dàn trải, dẫn đến lãng phí và không hiệu quả.

Thứ hai, quyền tự chủ về chuyên môn còn hạn chế. Mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách để các trường đại học công lập như Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội triển khai thực hiện tự chủ, nhưng đến nay, những nội dung thực tế bảo đảm cho trường thực hiện quyền tự chủ chưa được quán triệt (xác định các ngành, chuyên ngành đào tạo; xác định các chương trình đào tạo; xác định hình thức tổ chức đào tạo; xác định phương pháp giảng dạy; xác định phương pháp đánh giá các học phần; xác định thời gian đào tạo…, là những tiêu thức được coi là quyền tự chủ cao trong tất cả các hệ và hình thức đào tạo).

Thứ ba, nhiều trường còn lúng túng trong xây dựng và triển khai quy chế chi tiêu nội bộ; khả năng cân đối thu – chi còn nhiều hạn chế, lập dự toán thu sự nghiệp thấp hơn nhiều so với thực hiện. Quy chế thi tiêu nội bộ rất chi tiết nhưng có một số nội dung chi và mức chi không phù hợp.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính cho các trường đại học theo hướng tự chủ

Thứ nhất, huy động các nguồn tài chính.

Nguồn lực tài chính của các cơ sở GDĐH công lập là yếu tố hết sức quan trọng, là điều kiện không thể thiếu được trong quá trình cải cách đổi mới hoạt động của nhà trường. Mục tiêu đặt ra đối với các trường là đa dạng hóa, các nguồn lực, các kênh và cách thức huy động, đặc biệt chú trọng đến việc huy động nguồn lực tài chính từ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, các trường đại học công lập cần tập trung triển khai các nội dung sau:

(1) Để các trường tối đa hóa doanh thu hoạt động thì cách trực tiếp và phổ biến nhất đó là gia tăng số lượng sinh viên đầu vào, mở rộng quy mô của nhà trường. Muốn vậy, các trường phải không ngừng nâng cao danh tiếng, giá trị và tầm ảnh hưởng của tổ chức, các trường cần chú trọng xây dựng và giữ vững thương hiệu trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học bởi thương hiệu chính là tiền đề quyết định cho việc gia tăng việc huy động các nguồn lực tài chính của nhà trường.

(2) Tăng cường nguồn thu được tạo ra từ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ (chẳng hạn: cho thuê cơ sở vật chất, dịch vụ ăn uống, dịch vụ lưu trú, hợp đồng tư vấn cho các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, các tổ chức…) hay từ các nguồn quỹ từ thiện, tài trợ từ mạng lưới cựu sinh viên.

Thứ hai, sử dụng nguồn lực tài chính.

(1) Về quản lý các khoản chi: các cơ sở GDĐH trước hết cần thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, tập trung nguồn lực tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường, từng bước giảm dần tỷ trọng các khoản chi mang tính chất hành chính.

Để hướng tới mục tiêu đó, tùy theo điều kiện của từng trường, cần tập trung nguồn lực tài chính cho việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giảng viên; nghiên cứu cập nhật, đổi mới nội dung chương trình; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; song song với đó là nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học thông qua việc tăng cường cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu và kinh phí cho hoạt động nghiên cứu.

(2) Về việc phân bổ nguồn lực tài chính: nhà trường cần xây dựng các tiêu chí đánh giá năng lực và kết quả hoạt động của cán bộ, viên chức trong trường dựa trên tính chất từng loại công việc, từ đó điều chỉnh phương án chi thu nhập tăng thêm cho phù hợp với năng lực và kết quả cống hiến; hoàn thiện và tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ với các yêu cầu: bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm vai trò kiểm soát của Ban Thanh tra nhân dân trong nhà trường.

(3) Về cách thức hoạch định ngân sách đơn vị: mỗi trường cần thực hiện hoạch định ngân sách đơn vị, ngân sách này phải gắn kết chặt chẽ với mục tiêu hoạt động và các chỉ số đánh giá. Phần quan trọng của thiết kế ngân sách đó là phải lượng hóa mục tiêu tuyển sinh viên, cụ thể số lượng sinh viên đào tạo chuyên ngành, số lượng học viên các khóa ngắn hạn, tổng số đối tượng người học và mục tiêu giảm thiểu chi phí trên một sinh viên và tính toán lợi nhuận trên mỗi sinh viên.

Các trường nên tiến hành hoạch định theo mô hình từ trên xuống. Trước khi phân bổ cho từng đơn vị trực thuộc, hội đồng nhà trường cần tính toán tài chính phân bổ cho khoản đầu tư chung, quản lý chung và các hoạt động chung của tổ chức. Sau đó, xây dựng và hoàn thiện một số chính sách khoán và giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị có quy mô lớn của trường.

Thứ ba, sử dụng các công cụ kiểm soát việc quản lý tài chính.

Các trường có thể nghiên cứu và vận dụng áp dụng những công cụ quản lý phù hợp một cách linh hoạt, như:

(1) Mô hình thẻ điểm cân bằng (Balanced Scorecard – BSC): xem xét các hoạt động của trường đại học từ 4 khía cạnh và phân tích mối quan hệ giữa các khía cạnh với nhau: học hỏi và phát triển; các quy trình nội bộ; khách hàng; tài chính. Mô hình BSC sẽ đánh giá được các công việc trong hiện tại và kết nối nó với thành quả trong tương lai, thành quả có thể là về tài chính cũng có thể là phi tài chính, nhưng trong các trường đại học có những thành quả phi tài chính lại là tiền đề quan trọng cho thành quả tài chính cần đạt được, bốn khía cạnh trong mô hình này cần được kết nối nó lại với nhau.

Các trường tự chủ có thể thu hút được nhiều sinh viên vào học; có quy trình cải tiến mới hiệu quả hơn và việc đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên với phạm vi mở rộng hơn; nhưng nếu không chỉ ra được tác động của các hoạt động đó đến các chỉ số tài chính thì nỗ lực của các trường tự chủ sẽ giảm bớt giá trị. Cần gắn các hoạt động của trường với một số vấn đề tài chính như nguồn kinh phí huy động được, điều chỉnh giảm các chi phí không cần thiết và kiểm soát chi phí chặt chẽ, hiệu quả của việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động…

(2) Sử dụng OKRs (Objectives and Key Results): đây là công cụ được triển khai nhằm hỗ trợ việc quản lý mục tiêu, bảo đảm việc hợp tác giữa các cá nhân trong tổ chức được diễn ra xuyên suốt, tập trung vào các nỗ lực đóng góp của cá nhân, nhóm, tổ chức, đo lường các đóng góp ấy để giúp tổ chức phát triển. OKRs là một hệ thống quản trị mục tiêu, trong đó doanh nghiệp hay các trường sử dụng OKRs như một phương pháp để định lượng và tạo ra những kết quả then chốt cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu trong một thời hạn nhất định.

(3) Sử dụng KPIs (Key Performance indicators): các trường cần chú trọng các tỷ số đo lường hiệu quả tài chính phổ biến như: doanh thu trên mỗi giảng viên, học phí cho mỗi đơn vị học tập và tài trợ nghiên cứu cho mỗi học tập đơn vị học thuật. Ba tỷ số này được cho là bị ảnh hưởng bởi chất lượng, danh tiếng và hiệu quả không chỉ của trường đại học mà còn của các giảng viên. Bên cạnh đó, cần chú ý đến một số chỉ số khác dùng để đánh giá công tác tài chính như: tỷ lệ doanh thu trên giảng viên; tỷ lệ học phí trên mỗi đơn vị học tập; tỷ lệ giữa số giảng viên trên tổng số nhân viên; tỷ lệ nhân viên phòng ban trên sinh viên; tỷ lệ phí học tập trên mỗi sinh viên; doanh thu trên mỗi sinh viên. Mặt khác, để đánh giá tính thanh khoản, các trường cũng có thể đo lường tương tự như đối với các doanh nghiệp, đó là sử dụng hệ số thanh toán hiện hành và hệ số thanh toán nhanh hay tỷ lệ nợ trên vốn.

Chú thích:
1. Anderson, D. and Johnson, R. (1998), University Autonomy in Twenty Countries. Department of Employment, Education, Training and Youth Affairs, Canbe.
2. Hiệu quả quản lý tài chính tại các trường đại học công lập theo hướng tự chủ. https://tapchitaichinh.vn, ngày 02/5/2021.
3. Báo cáo Tài chính Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội các năm từ  2016 – 2020. Hà Nội.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).
2. Quản lý tài chính ở các trường đại học công lập hướng tới tự chủ. https://tapchitaichinh, ngày 23/01/2021.
3. Tài chính cho giáo dục đại học: Những vấn đề đặt ra. https://tapchitaichinh.vn, ngày 29/01/2020.
4. Thực trạng tự chủ tài chính đại học công lập và một số đề xuất, kiến nghị. https://tapchitaichinh.vn, ngày 05/10/2019.
5. Tự chủ tài chính giáo dục đại học ở các nước trong khu vực và khuyến nghị cho Việt Nam. https://tapchitaichinh.vn, ngày 17/8/2019.
6. Thực trạng đầu tư và chi tiêu tài chính của các trường đại học công lập Việt Nam. https://tapchicongthuong, ngày 13/01/2021.
TS. Đặng Xuân Huy
Trường Đại học Thương mại
ThS. Nguyễn Thị Kim Dung
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội