Kiểm soát quyền lực bằng pháp luật phải được xác định và thực thi một cách nghiêm minh trong xã hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 24/5, Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Kiểm soát quyền lực bằng pháp luật – Lý luận và thực tiễn”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến.
Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu, khách mời, có TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ; TS. Nguyễn Chí Công, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao; TS. Nguyễn Tiến Thành, Phó Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ; GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Về phía Học viện, có PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở, chủ trì Hội thảo; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng cán bộ, giảng viên tham dự Hội thảo.

PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh đã nhấn mạnh, kiểm soát quyền lực nhà nước là một yêu cầu tất yếu trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước nhằm ngăn ngừa, loại bỏ, triệt tiêu mọi sự thoái hóa và lạm dụng quyền lực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã và đang tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi quyền lực nhà nước, kiểm soát quyền lực nhằm bảo đảm cho quyền lực nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân. Đồng thời, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh cũng nêu rõ, cơ chế kiểm soát quyền lực ở Việt Nam đã được thiết lập tương đối đầy đủ, bao gồm kiểm soát từ bên trong và bên ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được thì cơ chế kiểm soát quyền lực chưa thực sự phát huy được hiệu quả.

Học viện Hành chính Quốc gia với nhiệm vụ, chức năng là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nghiên cứu khoa học hành chính và tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước, với mong muốn đóng góp những quan điểm khoa học nhằm hoàn thiện hệ thống lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực nhà nước. Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở tổ chức Hội thảo “Kiểm soát quyền lực bằng pháp luật – Lý luận và thực tiễn” nhằm giải quyết các nội dung nêu trên.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở tham luận tại Hội thảo.

Với bài tham luận mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở đã tập trung phân tích sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực bằng pháp luật nhằm giúp cho việc bảo đảm mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hạn chế việc lạm dụng quyền lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa. Đồng thời, tham luận cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm kiểm soát quyền lực bằng pháp luật trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, trong đó cần tập trung: đổi mới nhận thức, tư duy về kiểm soát quyền lực bằng pháp luật bằng việc làm rõ cơ chế kiểm soát như nào, chủ thể kiểm soát là ai, đối tượng nào chịu sự kiểm soát và kiểm soát trong những hoạt động nào; cần hoàn thiện các quy định về trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ; cần bảo đảm vai trò giám sát của Đảng đối với việc thực thi quyền lực thông qua hệ thống pháp luật…

TS. Nguyễn Hữu Luận tham luận tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Hữu Luận, giảng viên của Khoa đã có ý kiến đóng góp về hoạt động giám sát của Quốc hội. Ý kiến đã nêu hoạt động giám sát của Quốc hội là phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước bằng pháp luật được quy định trong Hiến pháp, Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Bên cạnh việc nêu ra những chuyển biến tích cực, rõ rệt trong hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, TS. Nguyễn Hữu Luận nêu ra những hạn chế, bất cập trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Từ những hạn chế, tham luận đã đưa ra 4 kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, đó là: (1) Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và tổ chức, hoạt động của Quốc hội; (2) Tập thể Quốc hội luôn phải liêm chính, trách nhiệm, quyết liệt xác định tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát; (3) Cần coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chất vấn, giải trình; (4) Cần tăng số lượng và chất lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách.

GS.TS. Phạm Hồng Thái tham luận tại Hội thảo.

GS.TS. Phạm Hồng Thái khẳng định rằng, chủ đề của Hội thảo là vấn đề rất lớn, bởi lẽ, kiểm soát quyền lực có rất nhiều điều để nghiên cứu. Ông cũng đặt ra câu hỏi: trong Hiến pháp năm 2013 và các Luật hiện nay đã có những phương thức nào để kiểm soát quyền lực nhà nước? Cái khó khăn lớn nhất của Việt Nam và thế giới là có kiểm soát quyền lực trong nội bộ các cơ quan nhà nước nhưng tại sao đạt được chưa cao? Mục tiêu Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ vẫn chưa rõ trong thực tiễn. Từ những thắc mắc nêu trên, PGS.TS. Phạm Hồng Thái đã đưa ra một số kiến nghị sau: Cần hoàn thiện thể chế phán quyết của Tòa án trong các văn bản hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật; Viện Kiểm sát nên kiểm soát hoạt động tư pháp; thanh tra chuyên ngành nên được hoàn thiện theo phương thức ai quản lý người đó kiểm tra khi phát hiện ra dấu hiệu vi phạm hoặc khi có yêu cầu thanh tra…

TS. Nguyễn Chí Công, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao tham luận tại Hội thảo.

Trong tham luận của mình tại Hội thảo, TS. Nguyễn Chí Công tập trung vào phân tích quyền tư pháp, bảo vệ Hiến pháp bằng phương thức nâng cao nhánh Tư pháp. Toà án có thẩm quyền quyết định tính hợp pháp của quyết định hành chính nhưng vẫn bị hạn chế bởi 1 số quyết định hành chính. Do đó, cần tăng cường vai trò toà án trong bảo vệ công lý, tăng thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính, mở rộng thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính. Thêm nữa, cần tăng cường sự tham gia của Nhân dân vào hoạt động xét xử với phương châm: công khai là nguyên tắc, không công khai là ngoại lệ với mục tiêu là tránh sự lạm quyền trong kiểm soát quyền lực nhằm nâng cao niềm tin của Nhân dân trong ngành Tòa án.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm tham luận tại Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm có chia sẻ về thẩm quyền chịu trách nhiệm của người đứng đầu chịu nhiều yếu tố tác động trong việc kiểm soát quyền lực. Vấn đề phân định thẩm quyền trong phân công, phân cấp người đứng đầu và cấp phó trong quá trình thực thi công vụ đang có những vướng mắc và người đứng đầu cần có trách nhiệm nêu gương trong các cơ quan nhà nước, ví dụ: công khai, minh bạch về tài sản, tài chính; minh bạch trong công tác cán bộ; xây dựng cơ quan số trong chính phủ số.

PGS.TS. Lê Thiên Hương tham luận tại Hội thảo.

PGS.TS. Lê Thiên Hương, nguyên Trưởng khoa Nhà nước pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia có tham luận với chủ đề “Pháp luật – Công cụ hữu hiệu trong kiểm soát quyền lực nhà nước”. Quyền lực là một yếu tố cấu thành khách quan hoạt động thực thi quyền lực nhà nước, có quyền lực thì tất yếu phải có kiểm soát để quyền lực không trở thành tuyệt đối. Tổ chức thực thi quyền lực nhà nước gồm 3 giai đoạn: trao quyền – sử dụng quyền – kiểm soát quyền. Theo PGS.TS. Lê Thiên Hương, Nhà nước nào cũng cần đến pháp luật để Nhà nước tổ chức, hoạt động và quản lý đối với xã hội, nếu không có pháp luật thì Nhà nước không thể tồn tại và phát triển. Việc bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước.

TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ Thanh tra tham luận tại Hội thảo.

Với tham luận “Vai trò của cơ quan thanh tra trong kiểm soát quyền lực”, TS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, hoạt động thanh tra đóng góp vào việc kiểm soát thưc hiện quyền lực nhà nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng bên trong cơ quan thanh tra. Trong Luật Thanh tra năm 2010 thì các cơ quan thanh tra đã có những đóng góp trong công tác kiểm soát quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhiều cơ quan thanh tra găp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, cụ thể là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành với các tổ chức, cá nhân. Do vậy, cần sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010, cơ quan thanh tra là cơ quan chuyên môn theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019. Cần phân biệt giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra và cần bỏ thanh tra cấp huyện trong Dự thảo sửa đổi Luật Thanh tra sắp tới.

TS. Hoàng Thị Ngân tham luận tại Hội thảo.

TS. Hoàng Thị Ngân trình bày tham luận Hội thảo với chủ đề: “Một số chia sẻ về kiểm soát quyền lực nhà nước bằng pháp luật”. Tác giả cho rằng, pháp luật sẽ là một quan toà biết nói; kiểm soát từ ngoài vào, phân định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò cơ quan tư pháp trong kiểm soát quyền lực nhà nước với cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp. Về vấn đề phân quyền và phân cấp: cần kiểm soát phân cấp của Chính phủ, tăng sự kiểm soát của Nhân dân với hành pháp. Công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ. Xử lý vi phạm đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính của người ký và của người tham mưu.

NCS. Nguyễn Bá Hùng tham luận tại Hội thảo.

NCS. Nguyễn Bá Hùng (nghiên cứu sinh khóa 18 tại Học viện Hành chính Quốc gia) tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh cũng tham gia hội thảo với tham luận “Pháp luật về sự tham gia của người dân vào kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền cấp xã”. Tham luận nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường tham gia của người dân vào kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền cấp xã vừa là một yêu cầu đặt ra quá trình tổ chức thực thi quyền lực nhà nước của chính quyền cấp xã, vừa là một giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả thực thi quyền lực nhà nước. Để bảo đảm sự tham gia của người dân vào kiểm soát quyền lực nhà nước một cách thiết thực và hiệu quả nhất thì yêu cầu phải được thể hiện ngay từ cấp cơ sở.

Ngoài những tham luận, chia sẻ trực tiếp tại Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo cũng đã nhận được hơn hai mươi bài viết của các nhà khoa học từ các cơ quan, ban, ngành ngoài Học viện, các khoa, ban thuộc và trực thuộc Học viện cùng các giảng viên thuộc Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở. Các tham luận đã tập trung vào những nội dung trọng tâm của Hội thảo, như: quan niệm về quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền; các nguyên tắc, yếu tố tác động, giải pháp bảo đảm kiểm soát quyền lực bằng pháp luật… Nhiều tham luận tập trung đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả của kiểm soát quyền lực nhà nước, phát huy vai trò của Nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước…

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm .

Tổng kết ý kiến và phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, đại biểu tham dự Hội thảo, những tham luận, chia sẻ, ý kiến của các nhà khoa học là cơ sở để Học viện Hành chính Quốc gia hoàn thiện những quan điểm về kiểm soát quyền lực nhà nước bằng pháp luật nhằm thực hiện tốt hơn chức năng tham mưu cho Chính phủ về khoa học hành chính và quản lý nhà nước.

Tin, ảnh: Thu Hương