Quản lý nhà nước của tỉnh Luông-Pha-Băng (Lào) trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

(Quanlynhanuoc.vn) – Nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Luông-pha-băng hết sức chú trọng. Những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp tỉnh Luông-pha-băng đã góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, thay đổi bộ mặt nông thôn.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: trip14.com.
Tổng quan về tỉnh Luông-pha-băng 

Luông-pha-băng nằm ở phía Bắc của nước CHDCND Lào, cách Thủ đô Viêng Chăn 420 km, là cửa ngõ nối các tỉnh miền Bắc với Thủ đô. Diện tích của tỉnh là 16.875 km2, trong đó rừng núi cao chiếm 85%. Hiện nay, tỉnh có 11 huyện và 1 thành phố, với dân số là 474.366 người, trong đó nữ là 235.865 người; thành phố Luông-pha-băng là trung tâm về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của tỉnh.

Là tỉnh miền núi, có nhiều điểm du lịch văn hóa – lịch sử và danh thắng, nhưng nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp của Luông-pha-băng là chủ yếu, do đó, nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Luông-pha-băng hết sức chú trọng. Nông nghiệp của tỉnh được hình thành và phát triển có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đã góp phần huy động được nhiều tiềm năng về lao động, vốn, kỹ thuật… Tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn của tỉnh được khai thác một cách có hiệu quả hơn, thu hút ngày càng đông du khách trong nước và quốc tế.

Sự mở rộng và đa dạng hóa các loại hình kinh doanh nông nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động trong tỉnh. Phát triển nông nghiệp từng bước đi vào nề nếp, tạo nên sự phát triển và cạnh tranh lành mạnh của thị trường.

Những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp tỉnh Luông-pha-băng đã góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, thay đổi bộ mặt nông thôn.

Thực trạng về quản lý để phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Luông-pha-băng

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, những năm qua, tỉnh Luông-pha-băng  đã tập trung tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực của tỉnh. Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, bảo quản; ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

Chính quyền tỉnh đã luôn chỉ đạo ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, từ đó đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân ở nông thôn, góp phần thu hẹp chênh lệch về điều kiện sống và lao động giữa đô thị và nông thôn, tạo dựng bộ mặt nông thôn mới văn minh, từng bước hiện đại. Chỉ đạo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bám sát vào chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Sở Nông và Lâm nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh phát triển thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hệ thống tưới tiêu đã hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm liên hoàn chống úng, chống hạn, bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm do úng ngập gây ra, giữ gìn và phát triển môi trường sinh thái. Có biện pháp hữu hiệu cải thiện môi trường sống ở các vùng ngập lụt thuộc vùng đồng bằng. Đồng thời, xây dựng quỹ dự phòng phòng, chống lụt bão, thiên tai từ tỉnh tới các huyện.

Nhờ có chính sách ưu tiên cho các chương trình, dự án khuyến nông cho vay vốn đầu tư, Sở Nông và Lâm nghiệp đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp các huyện tích cực chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân, như: kỹ thuật trồng cỏ, làm vườn, nhập khẩu giống nuôi, thức ăn và tiêm thuốc phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Kết quả đạt được, cụ thể như: sản xuất lúa trong diện tích 41.928 ha, thu hoạch được 107.809 tấn, so với kế hoạch đặt ra đạt 84%; trồng rau sạch, sản xuất hoa quả, trồng cỏ nuôi gia súc khá nổi bật; tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, như: trâu, bò, lợn gà… Hiện tại, cả tỉnh có 125 trang trại lớn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá… thu nhập khoảng 35,65 tỷ kíp/năm1.

Tỉnh cũng đã tăng cường quản lý rừng và khai thác gỗ rừng. Rừng sản xuất, rừng bảo tồn quốc gia đã được bảo quản hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt. Cùng với bảo vệ, quản lý rừng tự nhiên, Luông-pha-băng còn tổ chức trồng cây công nghiệp, cây cảnh, cây ăn quả với tổng diện tích 21.818 ha, chiếm 70% của kế hoạch (31.365 ha); diện tích trồng cây công nghiệp tổng 57.119 ha, trong đó: gỗ tếch chiếm 27.481 ha, cây cao su 16.900 ha, trầm hương 751,23 ha, cây dương 1.365 ha, cây chẩu 9.278 ha và cây trồng khác 1.344 ha2.

Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, an ninh lương thực của tỉnh được bảo đảm vững chắc; một số mặt hàng nông sản xuất khẩu đã chiếm được vị thế cao trên thị trường thế giới. Kinh tế nông thôn chuyển dịch dần theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn thay đổi rõ rệt.  Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả ngày càng tốt.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành Nông nghiệp tỉnh Luông-pha-băng vẫn còn những hạn chế, yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Đó là:

Nông nghiệp phát triển còn chưa bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất; nghiên cứu, chuyển giao khoa học – công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm chạp, mô hình sản xuất phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của nhiều mặt hàng rất thấp.

Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội còn yếu kém, môi trường ngày càng ô nhiễm; năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc.

Công nghiệp, dịch vụ và các ngành nghề phát triển chậm nên chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Các hình thức tổ chức sản xuất chậm được đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh của nền sản xuất hàng hóa. Chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư  trong và nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh. Vốn vay cho đầu tư nông nghiệp còn hạn chế, nông dân vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện vay vốn…

Những giải pháp quản lý để phát triển nông nghiệp tỉnh Luông-pha-băng

Để ngành Nông nghiệp của tỉnh Luông-pha-băng phát triển bền vững, cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu ngành nghề. Khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, phát triển thành các hợp tác xã sản xuất – kinh doanh – dịch vụ tổng hợp. Ở những nơi chưa có hợp tác xã nông nghiệp thì hỗ trợ, khuyến khích hình thành các loại hợp tác hướng vào dịch vụ sản xuất và đời sống theo nhu cầu của nhân dân và xã hội.

Thứ hai, ban hành cơ chế tổ chức, bầu chọn cán bộ quản lý hợp tác xã. Chính sách đối với kinh tế nhà nước. Hướng hoạt động của kinh tế nhà nước trong nông nghiệp vào làm dịch vụ đầu vào, đầu ra; đầu tư  vào các lĩnh vực, địa bàn mà các thành phần kinh tế khác không đủ sức hoặc không muốn đầu tư, hoặc để hỗ trợ cho các thành phần kinh tế khác. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động tăng tiềm lực cho các doanh nghiệp quốc doanh có vị trí quan trọng, sản xuất – kinh doanh có hiệu quả, sắp xếp lại những doanh nghiệp nhà nước yếu kém, tổ chức doanh nghiệp mới để bảo đảm vai trò chủ đạo về cung cấp giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Thứ ba, đổi mới cơ chế quản lý đất đai. Đổi mới cơ chế quản lý đất đai và lao động của các nông, lâm trường theo hướng giao khoán đất, vườn cây lâu dài, ổn định cho các hộ nông, lâm trường viên và hộ nông dân địa phương gắn với sản phẩm cuối cùng hoặc có thể giao một phần đất cho hộ nông, lâm trường viên làm kinh tế gia đình.

Thứ tư, kêu gọi, thu hút đầu tư. Khuyến khích người có vốn, có kinh nghiệm quản lý, kinh doanh tự đầu tư hoặc liên kết, liên doanh phát triển ngành nghề, dịch vụ công nghiệp, phát triển kinh tế trang trại… Trao đổi kinh nghiệm khuyến nông với các tổ chức, cá nhân nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

Thứ năm, đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, tưới tiêu. Đầu tư nâng cấp và tăng cường công tác quản lý để khai thác có hiệu quả các công trình đã có, tập trung vốn hoàn thành các công trình còn dở dang, đầu tư mới cho những công trình thật sự cấp bách và có hiệu quả cao. Chú trọng đầu tư phát triển các công trình thủy lợi nhỏ gắn với thủy điện ở miền núi, củng cố hệ thống đê sông, các công trình phòng, chống lụt bão, khuyến khích nhân dân tham gia đầu tư phát triển sản xuất.

Thứ sáu, phát triển khoa học – công nghệ, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, nghiên cứu sản xuất các loại máy móc, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản. Chấn chỉnh tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các viện nghiên cứu, các trung tâm, tổ chức, sự nghiệp khoa học trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

Thứ bảy, bảo vệ diện tích đất canh tác lúa nước. Việc trồng cây lâu năm trên đất trồng lúa hoặc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải theo quy định của pháp luật và phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Sớm hoàn thành quy hoạch sử dụng đất lúa để có cơ chế, chính sách bảo vệ, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài.

Thứ tám, tổ chức tuyên truyền về phát triển nông nghiệp. Phải tập trung tuyên truyền vận động để bà con nông dân nhận thức được con đường tất yếu để phát triển trong sản xuất – kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp là liên kết, hợp tác với nhau trong quy trình sản xuất – tiêu thụ sản phẩm để sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thứ chín, xây dựng các chính sách phát triển nông nghiệp. Trong đó, Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp một cách căn cơ hơn, như: chính sách đầu tư, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp; chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp; chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển nhanh, hiệu quả và vững chắc kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Thứ mười, đào tạo nghề cho nông dân. Để người nông dân có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế hàng hóa, bảo vệ môi trường sống thì tỉnh cần phải có các chính sách ưu đãi về dạy nghề cho nông dân. Mặt khác, cũng cần phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho kinh tế hợp tác và hợp tác xã.

Chú thích:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Luông-pha-băng. Báo cáo tổng kết của năm 2021.
2. Sở Nông và Lâm nghiệp tỉnh Luông-pha-băng. Báo cáo tổng kết của năm 2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, về việc phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
2. Thị trường du lịch ở tỉnh Luông-pha-băng nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Luận án tiến sĩ của Somsanith Kenmany, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2019.
3. Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch. https://www.baohaugiang.com.vn, ngày 02/02/2022.
4. Thực trạng và giải pháp phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam. http://tapchicongthuong.vn ngày 10/8/2021.
Bounmy Laofaidang
NCS của Học viện Hành chính Quốc gia