Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

(Quanlynhanuoc.vn) – TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong những năm qua, Thành ủy, chính quyền TP. Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chú trọng công tác cải cách hành chính (CCHC). Kết quả CCHC của TP. Hồ Chí Minh trên các nội dung cũng đã đạt được nhiều tích cực trên nhiều phương diện.
Hội nghị công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 và chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Theo công bố mới nhất của Bộ Nội vụ tại Quyết định 362/QĐ-BNV ngày 06/5/2022 về việc phê duyệt và công bố Chỉ số CCHC năm 2021 của các bộ. cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Par index của TP. Hồ Chí Minh đạt 57,39 điểm (xếp 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), giảm 20 bậc so với năm 2020 (năm 2020 Thành phố đạt 56,06 điểm xếp 23/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Par index của TP. Hồ Chí Minh năm 2021 giảm mạnh do nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân khách quan lớn nhất đó là do Thành phố chịu sự tác động nặng nề của đại dịch Covid -19.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, UBND TP. Hồ Chí Minh phải quyết định tạm hoãn đợt cao điểm CCHC theo chủ đề năm 2021: “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Do đó, trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, các sở ngành, quận, huyện cần cố gắng nỗ lực để vừa thực hiện chống dịch, vừa có thể thực hiện tốt nhất công tác CCHC. Nhưng do diễn biến dịch bệnh quá phức tạp và cần bảo đảm yêu cầu chống dịch nên các cơ quan đơn vị đã thực hiện bố trí hạn chế đến mức thấp nhất số người đến cơ quan, đơn vị; tăng cường việc tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính công ích nhưng kết quả vẫn chưa đạt được sự kỳ vọng.

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác CCHC năm 2021 và triển khai công tác năm 2022, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế đã bộc lộ sau một năm rất khó khăn do dịch Covid-19 đó là: “Dù đã chuyển đổi phương thức hoạt động, rất năng động và sáng tạo nhưng tác động của dịch quá lớn nên Thành phố cũng gặp khó khăn… vẫn còn tình trạng một số cơ quan, bộ phận cán bộ, công chức do năng lực hoặc do e ngại trách nhiệm nên trong việc tham mưu xử lý các vấn đề của TP. Hồ Chí Minh vẫn còn e dè, từ đó làm cho tiến độ công việc chậm trễ”.

Chính vì vậy, theo công bố của Bộ Nội vụ tại Quyết định số 352/QĐ-BNV ngày 29/4/2022 về phê duyệt và công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS) thì SIPAS 2021 của TP. Hồ Chí Minh (đạt 86,69%, xếp 39/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), so sánh trong khu vực Đông Nam Bộ thì SIPAS của Thành phố vẫn thấp hơn một số tỉnh trong khu vực (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu).

Nguồn: Bộ Nội vụ (2022), SIPAS 2021.

Ngày 31/12/2021, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định 4424/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch CCHC năm 2022 trên địa bàn Thành phố. Theo đó, công tác CCHC năm 2022 nhằm triển khai hiệu quả Chủ đề năm 2022 của TP. Hồ Chí Minh là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”; khắc phục những khó khăn, vướng mắc; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CCHC, nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp trong sau dịch Covid-19.

Thành phố đề ra 10 chỉ tiêu thực hiện trong năm 2022, trong đó phấn đấu PAR Index năm 2022 của TP. Hồ Chí Minh cao hơn so với năm 2021 về xếp loại và xếp hạng. Phấn đấu mức độ hài lòng của cá nhân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt 95% trở lên. Đồng thời, 100% các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được ghi nhận, xử lý và phản hồi đầy đủ; công khai kịp thời 100% kết quả giải quyết trên trang thông tin điện tử đối với các phản ánh, kiến nghị được gửi trên môi trường mạng.

Như vậy, để đạt được mục tiêu trên năm 2022, tất cả các cấp, các ngành của Thành phố cần tiếp tục có sự nỗ lực và quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, các cấp, các ngành của Thành phố cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện công tác CCHC; thường xuyên giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành CCHC của Thành phố.

Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các quận, huyện, sở ngành trong việc nâng cao hiệu quả CCHC. Đặc biệt, cần thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa trong công tác quản lý, điều hành; nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động phối hợp, hợp tác giữa các ngành, địa phương, giữa các cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện CCHC.

Tập trung đẩy mạnh các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân tốt hơn, bảo đảm gia tăng sự hài lòng của người dân, tổ chức theo đúng tinh thần “Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả của sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước”.

Phương Truyền