Xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”

(Quanlynhanuoc) – Ngày 27/5/2022, tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương; các sở, ban, ngành tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo các thị xã, thành phố các tỉnh khu vực Tây Nguyên, đặc biệt, có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực xây dựng cơ chế chính sách, kinh tế, du lịch, xây dựng thương hiệu, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật…

Ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột nêu mục tiêu của Hội thảo nhằm xây dựng Đề án: Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia” theo Kết luận số 67/KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 của Chính phủ và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/4/2021 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Toàn cảnh hội thảo.

Theo Lãnh đạo thành phố, để phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột theo như yêu cầu, kỳ vọng của trung ương, thành phố Buôn Ma Thuột rất cần những ý kiến đóng góp, những ý tưởng sáng tạo của các nhà khoa học, các chuyên gia, cố vấn, các đồng chí lãnh đạo địa phương về thành phố cà phê, gồm: không gian kiến trúc, vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, giao dịch, phát triển kinh tế, làm giàu từ cà phê, du lịch, xây dựng thương hiệu… Từ đó, thành phố sẽ cụ thể hóa những giải pháp mang tính thiết thực, chính sách có tính đột phá, đề ra tầm nhìn chiến lược để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một trong những trung tâm cà phê của thế giới – một điểm đến của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, tài chính, kinh doanh… đồng thời, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột có tính khác biệt trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc.

Đại biểu dự hội thảo.

Tại phiên buổi sáng, Hội thảo được nghe các tham luận và thảo luận xoay quanh vấn đề thương hiệu đô thị và cách tiếp cận xây dựng thương hiệu cho thành phố Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà phê thế giới; các nhân tố định vị thương hiệu Buôn Ma Thuột – thành phố cà phê thế giới; cà phê đại ngàn và du lịch; cùng kiến tạo và thức tỉnh vì thành phố Buôn Ma Thuột – thành phố cà phê khác biệt – đặc biệt – duy nhất trên thế giới; Buôn Ma Thuột – kinh đô của cà phê; định hướng chất lượng môi trường đối với việc phát triển thương hiệu đô thị – Buôn Ma Thuột thành phố cà phê thế giới.

Bảo tảng thế giới cà phê tại Buôn Ma Thuột (Ảnh: Sưu tầm)

Phiên buổi chiều với những trao đổi về không gian Ban Mê City; giải pháp phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối liên vùng theo định hướng xây dựng thương hiệu “Thành phố cà phê”; xây dựng thương hiệu “Thành phố cà phê thế giới” cho điểm đến du lịch thành phố Buôn Ma Thuột; thực trạng và những vấn đề đặt ra.

Ngoài các tham luận được trình bày tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đánh giá về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội; các ý kiến đóng góp, kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia.

Buôn Ma Thuột về đêm (Ảnh: Sưu tầm).

Đặc biệt, Hội thảo cũng đã đi sâu thảo luận, đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, thảo luận về thực trạng hoạt động du lịch, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với thương hiệu cà phê, về quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối liên vùng theo định hướng xây dựng thương hiệu “Thành phố cà phê”. Đồng thời, định hướng phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với di tích quốc gia, phù hợp với các nguồn lực và có tính khả thi cao; đề xuất các mô hình tiên tiến về công nghệ và tài chính để Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm giao dịch và quảng bá cà phê mang tính toàn cầu; đề xuất giải pháp cải tạo, chỉnh trang, thiết kế đô thị theo định hướng tạo bản sắc riêng cho thành phố Buôn Ma Thuột; triển khai chính sách khuyến kích người dân tham gia xây dựng thương hiệu “Thành phố cà phê của thế giới”, cơ chế chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và kinh doanh cà phê trên địa bàn thành phố.

Trần Mai