Đánh giá công chức cấp xã theo kết quả thực thi công vụ

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 30/5/2022, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Toạ đàm khoa học: “Đánh giá công chức cấp xã theo kết quả thực thi công vụ”. 

Tham dự tọa đàm khoa học có: PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước; TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính; TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính cùng các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên trong và ngoài Học viện.

Toạ đàm khoa học: “Đánh giá công chức cấp xã theo kết quả thực thi công vụ”.

Toạ đàm được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, với gần 20 bài viết và sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học của Học viện, đã lắng nghe 10 ý kiến phát biểu tham luận, thảo luận trực tiếp và trực tuyến tại Toạ đàm.

Đội ngũ công chức cấp xã có vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, đội ngũ công chức cấp xã phải giải quyết một khối lượng công việc rất lớn, đa dạng và phức tạp liên quan đến mọi mặt ở cơ sở. Do đó, đánh giá công chức cấp xã là nội dung quan trọng trong công tác cán bộ trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ hiện nay. Đánh giá đúng, chính xác kết quả làm việc của công chức cấp xã sẽ cung cấp thông tin cho công tác quản lý, sử dụng công chức, là căn cứ để lựa chọn, sắp xếp, bố trí, sử dụng công chức cấp xã đúng với năng lực, sở trường. Đồng thời, việc đánh kết quả thực thi công vụ của công chức cũng sẽ cung cấp thông tin phản hồi cho công chức cấp xã biết về năng lực và mức độ thực hiện công việc giúp họ phấn đấu để tự hoàn thiện mình và làm việc tốt hơn.

Toạ đàm được tổ chức trực tiếp và trực tuyến.

Trên cơ sở tiếp cận lý thuyết đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ, TS. Đào Thị Thanh Thuỷ, Trưởng khoa Chính trị học, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, cách tiếp cận này chủ yếu của hầu hết các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động công vụ hiện nay. Đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ giúp cải thiện kết quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước qua việc tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh về chuyên môn, phát triển nhu cầu tự đào tạo trong đội ngũ công chức khiến tinh thần nỗ lực phấn đấu không ngừng được phát huy. Đồng thời, đánh giá theo kết quả thực thi công vụ giúp công chức cải thiện hiệu quả hoạt động của chính mình thông qua sự tự ý thức về yêu cầu của công việc và giúp họ gắn bó với công việc.

Đồng quan điểm này nhận được sự đồng thuận của ThS. Lê Văn Mão, Trưởng Bộ môn Pháp luật, Tổ chức và Hành chính, Phân viện Học viện tại TP. Huế khi bàn về phương pháp đánh giá công chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng theo kết quả thực thi công vụ bằng thang điểm. ThS. Phạm Nhựt Cường, Khoa Chính trị – Hành chính, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh khi nghiên cứu ở góc độ tiếp cận trên cơ sở khung năng lực và bản mô tả công việc cũng cho rằng, nội dung này cần được quan tâm trong tổng thể các hoạt động quản lý công chức cấp xã tại Việt Nam hiện nay.

Từ thực tiễn Thành phố Đà Nẵng, bà Mai Kim Anh, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ Thành phố Đà Nẵng chia sẻ về việc đánh giá công chức cấp xã kết hợp giữa phương pháp đánh giá theo mục tiêu/nhiệm vụ và kết quả đầu ra cho từng vị trí. Mô hình đánh giá kết quả làm việc của công chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng tại Thành phố Đà Nẵng có ưu điểm là đề cao tính công khai, dân chủ; lấy kết quả công việc làm thước đo chính; kết quả thực thi công vụ của công chức cấp xã được nhìn nhận toàn diện từ nhiều phía; tạo cơ hội cho mỗi công chức cấp xã được lắng nghe những nhận xét, góp ý của đồng nghiệp.

Từ thực tiễn của tỉnh Sóc Trăng, bà Quách Kim Hằng, Sở Nội vụ Sóc Trăng cho rằng, cần hoàn thiện quy định pháp luật về phương thức đánh giá và tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh cán bộ, công chức cấp xã vì mỗi chức danh cán bộ, công chức cấp xã đảm trách nhiệm vụ không giống nhau nên yêu cầu đặt ra là ngoài những quy định chung, cần phải cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn, định mức riêng đối với mỗi chức danh để lượng hóa, đo lường sát với kết quả thực thi công vụ.

Nghiên cứu thực tiễn của TP. Hồ Chí Minh, ThS. Đào văn Hân, Khoa Chính trị – Hành chính, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, mọi chính sách, đặc biệt liên quan đến vấn đề tài chính, thu nhập tăng thêm, thi đua, khen thưởng nếu muốn hiệu quả thì công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch và định lượng theo từng tiêu chí cụ thể. Đối với TP. Hồ Chí Minh, ThS. Nguyễn Xuân Tiến, Bộ môn khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự đề xuất, đội ngũ công chức phường cũng cần được đánh giá kết quả thực thi công vụ phù hợp với chính quyền địa phương ở đô thị của thành phố trực thuộc trung ương. Do đó, cần xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc đánh giá công chức phường theo kết quả thực thi công vụ, đồng thời cần xây dựng thể chế mới về quản lý công vụ, công chức tức là cần phải thay đổi quy định đánh giá mới với mô hình đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ.

TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học hành chính chia sẻ về việc đổi mới đánh giá công chức cấp xã gắn với việc đổi mới hoạt động quản trị nhà nước ở địa phương. Trong đánh giá công chức nói chung, công chức cấp xã nói riêng khi đánh giá công chức bên cạnh các tiêu chí chung cũng cần quan tâm đến các tiêu chí đặc thù, đồng thời cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá kết qủa thực thi công vụ của công chức. TS. Nguyễn Thị Minh, Bộ môn Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự cũng cho rằng, việc đánh giá kết quả thực thi công vụ của công chức nói chung, công chức cấp xã nói riêng cần phải được đánh giá kịp thời, thường xuyên, bảo đảm sử dụng kết quả đánh giá trong quản lý, sử dụng và tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã.

Toạ đàm khoa học: “Đánh giá công chức cấp xã theo kết quả thực thi công vụ”.

Phát biểu kết luận Toạ đàm ThS. Nguyễn Ngọc Toán, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh trân trọng gửi lời cảm ơn chân thành đến các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã tham gia gửi bài, trực tiếp tham luận, phát biểu. Các bài viết, tham luận, ý kiến trình bày, thảo luận tại Toạ đàm đã phân tích, luận giải nhiều phương diện khoa học, thực tiễn liên quan đến đánh giá công chức cấp xã; các ý kiến, bài viết này có ý nghĩa cho Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Học viện Hành chính Quốc gia nói chung trong nghiên cứu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Phương Truyền