Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng

(Quanlynhanuoc.vn) – Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước là một trong ba đột phá chiến lược mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Đặc biệt, Đại hội XIII nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập. Như vậy, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển được khẳng định là khâu đột phá chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ tạo động lực mà còn giải phóng các nguồn lực phát triển đất nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: vtv.vn.
Đặt vấn đề

Nghị quyết số 76-NQ/CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 xác định cải cách thể chế là một trong 6 nội dung trọng tâm để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Vì thế, việc hoàn thiện đồng bộ thể chế nền hành chính nhà nước cả về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội là rất quan trọng, từ đó, khơi dậy nguồn lực phát triển đất nước bền vững, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, môi trường…, kịp thời tháo gỡ  những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”1.

Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế – yếu tố quan trọng tạo động lực cho sự phát triển đất nước

Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định 3 đột phá chiến lược, một trong 3 đột phá đó là: “Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là các yếu tố thị trường sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học – công nghệ”2. Đặc biệt, nhấn mạnh đến “thể chế phát triển nhanh và bền vững”. Đây là lần đầu tiên Đảng ta sử dụng cụm từ phát triển nhanh và bền vững, điều này cho thấy, sự đổi mới về nhận thức lý luận, thực tiễn đã ngày càng hoàn thiện, thích ứng trong tình hình mới.

Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, mở đường cho các ngành, lĩnh vực hoạt động và phát triển. Trước đó, Đại hội XII, “thể chế” chỉ được nhắc đến trong nhiệm vụ tổng quát là “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”3, tức là, mới chỉ đề cập đến hoàn thiện thể chế (HTTC) phát triển trong lĩnh vực kinh tế. Đại hội XIII đã đề cập nội dung HTTC một cách bao quát, rộng lớn trên tất cả lĩnh vực nhưng phải bảo đảm tính bền vững, ổn định phát triển đi lên của đất nước, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đồng bộ không có nghĩa là ồ ạt, không có trọng tâm, trọng điểm mà phải hướng đến phục vụ nhiệm vụ chung của đất nước phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; Nhân dân ấm no, hạnh phúc được hưởng những thành quả từ việc HTTC đem lại, vị thế, uy tín, tiềm lực của đất nước ngày được củng cố vững chắc trên trường quốc tế.

Việc nhấn mạnh và đặt vấn đề “thể chế phát triển bền vững” trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện sự thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về việc cần phải có cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lý để đoàn kết, tập hợp lực lượng, giai cấp cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giai cấp.

Hơn 91 năm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đất nước, Đảng ta đã đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có bài học phải thường xuyên bám sát thực tiễn để xác định chủ trương, biện pháp thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng cho hiệu quả. Thể chế phát triển bền vững là điều kiện quyết định để “tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”4.

Thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới đã cho thấy, vai trò, ý nghĩa to lớn của thể chế đối với sự phát triển đất nước nói chung và từng lĩnh vực, ngành nghề nói riêng, nhiều đổi mới, sáng tạo được phát huy, nhất là trong giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế. Đổi mới, sáng tạo góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo sức cạnh tranh mới cho nền kinh tế. Đặc biệt, Nghị quyết số 12/2021/ UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc ban hành Nghị quyết này, nhằm kịp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về kế hoạch phát triển – kinh tế – xã hội năm 2022.

Những thành tựu, hạn chế trong xây dựng và hoàn thiện thể chế

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự điều hành của Chính phủ cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp và sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, xây dựng và HTTC ở nước ta có bước phát triển toàn diện, đầy đủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết về xây dựng, HTTC, như: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục HTTC kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về HTTC kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 76-NQ/CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030…

Tổng số văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ đã ban hành từ năm 2012 đến nay là hơn 8.600 văn bản trên các lĩnh vực từ dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội5. Chính quyền địa phương các cấp cũng đã chú trọng ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, mỗi năm ban hành hàng nghìn quyết định để cụ thể hóa các văn bản của Trung ương cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Cụ thể, từ năm 2011 đến tháng 5/2020, các tỉnh, thành phố đã ban hành khoảng 385.826 văn bản quy phạm pháp luật6. Do đó, các ngành, lĩnh vực đã hoạt động tích cực, hiệu quả đóng góp vào bức tranh phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam toàn diện sâu sắc, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, thu hút các nguồn lực bên ngoài, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, xây dựng và HTTC phát triển hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập gây khó khăn cho việc huy động nguồn lực, sức mạnh để phát triển một cách đồng bộ, bền vững. Nhiều quy định còn chồng chéo, chưa có sự phân định rõ ràng giữa các bộ phận, lực lượng; thủ tục hành chính còn rườm rà qua nhiều khâu, nhiều bước; việc áp dụng thành tựu khoa học – công nghệ vào giải quyết công việc ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa hiệu quả, thiết thực, chưa theo kịp xu hướng vận động phát triển của xã hội.

Thông báo số 273/TB-VPCP ngày 22/10/2021 của Văn phòng Chính phủ đã nêu rõ: “Các cơ quan có thẩm quyền chưa chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, văn bản theo thẩm quyền để điều chỉnh các quan hệ xã hội phù hợp với tình hình mới; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa ổn định do vẫn còn tình trạng xin lùi, rút; công tác thi hành pháp luật chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả; tình trạng “chậm, nợ” ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để…”7.

Một số giải pháp hoàn thiện thể chế theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng

Một là, tiến hành rà soát lại hệ thống văn bản ở tất cả các ngành, lĩnh vực phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ở nước ta hiện nay có nhiều văn bản ban hành đã không còn phù hợp với tình hình mới hiện nay, nhưng ở một số nơi vẫn áp dụng, hoặc có một số văn bản quy định chưa chặt chẽ, rõ ràng, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp (DN). Vì vậy, cần tiến hành rà soát lại hệ thống các văn bản ở từng ngành, từng lĩnh vực cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể có đặc thù hoạt động riêng, người đứng đầu cần phải cụ thể hóa, thể chế hóa các văn bản bảo đảm hành lang pháp lý thông thoáng, đơn giản, gọn nhẹ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN.

Xây dựng, ban hành văn bản mới phải căn cứ vào tình hình thực tế, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra để sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc làm mới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”8.

Hai là, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả những văn bản đã được bổ sung, ban hành ở các ngành, lĩnh vực.

Khi hệ thống văn bản đã được ban hành, người đứng đầu các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức thực hiện văn bản mới đúng quy định, hướng dẫn, khâu nào, chỗ nào yếu thì tập trung chấn chỉnh, nhắc nhở, hoặc có những hướng dẫn cụ thể cho người dân và DN.

Thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và lắng nghe sự phản hồi từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân và DN về những mặt được và chưa được của văn bản mới ban hành. Trên cơ sở đó, tổng hợp ý kiến, tập trung thảo luận, đánh giá để có thêm những thông tin cụ thể, rõ ràng, đầy đủ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình HTTC. Đồng thời, cần sơ kết, tổng kết, đánh giá về quá trình triển khai tổ chức thực hiện các văn bản mới ở từng cấp độ khác nhau, qua đó, rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thực thi công vụ. Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất; đồng thời, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành”9.

Ba là, xử lý nghiêm một số bộ phận cản trở quá trình thực hiện đổi mới HTTC phát triển.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “có cơ chế sàng lọc, thay đổi kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín với Nhân dân”10. Do đó, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện văn bản mới, cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp cận văn bản mới để họ nắm chắc, hiểu rõ rồi mới triển khai, hướng dẫn người dân, DN làm việc một cách thuận tiện.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện văn bản mới tác động đến với người dân, DN, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức; đồng thời, xử lý nghiêm đối với những trường hợp không làm theo đúng hướng dẫn văn bản mới được ban hành, gây khó khăn cho người dân và DN.

Kết luận

Phát triển đất nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó HTTC là nhân tố quan trọng  xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Đặc biệt, hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng của Đảng, của dân tộc, đòi hỏi mỗi người dân, nhất là cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp, các ngành, lĩnh vực cần hành động quyết liệt, nói thật, làm thật, người dân và DN được hưởng thật, đó mới là đích hướng đến của việc phát triển đồng bộ thể chế.

Chú thích:
1, 2, 4, 8, 9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 114, 220, 114, 175, 177, 179.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2016, tr. 77.
5, 6. Báo cáo số 128/BC-CP ngày  19/4/2021 của Chính phủ về tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030.
7. Thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. https://dangcongsan.vn, ngày 23/10/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 76-NQ/CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
2. Nhận thức và giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược phát triển đất nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. http://mattran.org.vn, ngày 11/4/2022.
ThS. Cao Thị Hà
Trường Chính trị tỉnh Nam Định