Xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo là quá trình xây dựng nhân tố chính trị – tinh thần, ý chí niềm tin của Nhân dân trên vùng biển, đảo của Tổ quốc mà cốt lõi là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu của Nhân dân được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị khơi dậy, quy tụ, phát huy để tạo nên nền tảng chính trị – tinh thần vững chắc và huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Ảnh minh họa (internet).

Biển, đảo là không gian sinh tồn, là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt từ khi nước ta giành được độc lập, Đảng ta luôn có chủ trương nhất quán trong phát triển kinh tế vùng biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo (CQBĐ) của Tổ quốc. Hiện nay, tình hình quốc tế, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, những nhân tố mới xuất hiện tác động trực tiếp đến tình hình Biển Đông, cụ thể về các thế lực thù địch, cướp biển, khủng bố, buôn lậu, tranh chấp, khai thác tài nguyên biển, ô nhiễm môi trường biển… Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn”1. Trong bối cảnh đó, các quốc gia có biển ngày càng quan tâm đến biển, coi trọng xây dựng chính sách, chiến lược biển gắn với phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng – an ninh.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, hệ thống chính sách, pháp luật cũng ngày càng chặt chẽ, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế để bảo vệ CQBĐ, đặc biệt là trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Biển Việt Nam, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”2.

Các cấp bộ, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong quản lý, thực thi và bảo vệ CQBĐ, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của “thế trận lòng dân” trong bảo vệ vững chắc CQBĐ của Tổ quốc, những năm qua, các cấp, các ngành từ trung ương đến các địa phương ven biển đã tập trung xây dựng “thế trận lòng dân” thông qua các lực lượng làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo đặc biệt là lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng biển, Hải quân nhân dân Việt Nam, kiểm ngư và dân quân tự vệ biển bằng các biện pháp thiết thực, áp dụng phù hợp với thực tiễn đã đáp ứng nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của ngư dân vùng biển.

Tuy nhiên, việc xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập, như:

(1) Chưa phát huy thế mạnh, tiềm năng của biển trong phát triển kinh tế – xã hội;

(2) Còn nhiều hạn chế trong ứng dụng khoa học – công nghệ cao, nhất là năng lực của lực lượng bảo vệ quốc phòng – an ninh trên biển;

(3) Một số địa phương xây dựng quy hoạch, kết cấu hạ tầng cho các dự án ven biển, trên đảo (xây dựng bến cảng) chưa chú trọng các phương án xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh, thế trận lòng dân;

(4) Nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo và những vấn đề liên quan đến bảo vệ CQBĐ của một bộ phận người dân chưa cao;

(5) Một số doanh nghiệp làm kinh tế trên biển, đảo (như các khu dịch vụ trên đảo, cơ sở khu công nghiệp biển) mới chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà xem nhẹ đến quốc phòng – an ninh biển, đảo,…

Để xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ vững chắc CQBĐ của Tổ quốc, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho Nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ CQBĐ của Tổ quốc.

Đây là giải pháp nhằm phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân, qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm chiến đấu cao cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân vùng ven biển.

Nội dung tuyên truyền cần tập trung làm rõ vị trí, vai trò, tiềm năng thế mạnh của biển, đảo; truyền thống, ý thức CQBĐ của dân tộc; đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật, phương châm, tư tưởng chỉ đạo, đối sách giải quyết các vấn đề biển, đảo của Đảng, Nhà nước; các tập quán, công ước, điều ước quốc tế về biển mà Việt Nam là thành viên tham gia, ký kết; bản chất, âm mưu, thủ đoạn của nước ngoài khi xâm phạm, lấn chiếm, đánh chiếm biển, đảo và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển, đảo để chống phá nước ta; tính chất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm của nhiệm vụ bảo vệ CQBĐ ở nước ta hiện nay…

Công tác tuyên truyền, giáo dục cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp. Nội dung tuyên truyền cần đổi mới, cập nhật thường xuyên bảo đảm thông tin tuyên truyền luôn mang tính thời sự, khoa học, trung thực, chính xác phù hợp với đối tượng tiếp nhận và đối tượng đấu tranh. Thường xuyên cập nhật bổ sung chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định CQBĐ Việt Nam; các nghị quyết, chỉ thị, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo và bảo vệ CQBĐ Việt Nam. Kết quả đấu tranh bảo vệ CQBĐ của các lực lượng.

Tăng cường tuyên truyền các mô hình: tổ tàu, thuyền an toàn trên biển; xây dựng thế trận quôc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vùng ven biển, các chương trình hành động của lực lượng Cảnh sát biển và Hải quân nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển,… Hình thức tuyên truyền phải đa dạng, linh hoạt, thiết thực, hiệu quả, sát đối tượng, đúng tư tưởng chỉ đạo của Đảng Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Hai là, xây dựng hệ thống chính trị trên các vùng, địa phương có biển, đảo vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ CQBĐ.

Điều này xuất phát từ vai trò của hệ thống chính trị là chủ thể trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tham gia các hoạt động xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ CQBĐ ở các địa phương vùng biển.

Thực tế, những năm qua cho thấy, công tác xây dựng cấp uỷ, tổ chức đảng ở các địa phương ven biển còn nhiều bất cập: chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp cơ sở còn nhiều hạn chế về phẩm chất, năng lực công tác, trong đó có năng lực về công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Vì vậy, để xây dựng “thế trận lòng dân” ở các địa phương ven biển trong bảo vệ CQBĐ hiện nay cần quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, cấp ủy, chính quyền các cấp vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác tốt; gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), (khóa XIII) và Nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

Bên cạnh đó, phải kiên quyết chống nạn quan liêu, tham nhũng ở mọi cấp; thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, chính sách dân tộc, tôn giáo trên các vùng biển, đảo; nhạy bén trong đấu tranh với những thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về CQBĐ quốc gia.

Ba là, triển khai có hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ CQBĐ.

Sức mạnh của thế trận lòng dân trên biển, đảo là sức mạnh tống hợp của nhiều yếu tố từ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển”3. Với phương châm: “Phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ trung tâm, bảo vệ chủ quyền biển đảo là trọng yếu và thiết thực”. Trong đó, phát triển kinh tế biển là cơ sở quan trọng để củng cố quốc phòng – an ninh trên biển, đồng thời củng cố quốc phòng – an ninh trên biển là điều kiện, tiền đề để phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo hoạt động kết hợp giữa phát triển kinh tế biển với quốc phòng – an ninh trong xây dựng “thế trận lòng dân”, bảo vệ CQBĐ. Mục tiêu phát triển kinh tế biển được Đảng ta xác định: đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành một quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển. Đến năm 2045 kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần phải có một hệ thống các giải pháp từ nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển với củng cố quốc phòng – an ninh; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến thủy sản, cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển; hỗ trợ vốn và công nghệ cho ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi bám biển đánh bắt dài ngày trên vùng biển, đảo; đầu tư xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá hiện đại trên các vùng biển, đảo; có chính sách thu hút nhân dân ra sinh sống, làm ăn lâu dài trên các vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Bốn là, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh thực sự là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa vừng chắc trong xây dựng “thể trận lòng dân” trên biển.

Xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cần tập trung xây dựng và phát huy những lực lượng làm nhiệm vụ chuyên trách như: Cảnh sát biển, Biên phòng biển, Hải quân nhân dân Việt Nam, kiểm ngư và dân quân tự vệ biển đủ mạnh, có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp cao; chú trọng xây dựng trình độ kỹ thuật, chiến thuật, trình độ hợp đồng tác chiến, đi kèm với trang thiết bị ngày càng hiện đại. Đồng thời, cần phát huy tốt vai trò tham mưu của lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ CQBĐ cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác quốc phòng, quân sự địa phương; về khu vực phòng thủ biển, đảo vững chắc; về tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quốc phòng, an ninh cho ngư dân; về công tác bảo đảm hậu cần – kỹ thuật nghề cá; về công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường biển…

Tăng cường lòng tin của ngư dân với các lực lượng: Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Dân quân tự vệ biển, đồng hành, cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển,… Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên các tuyến biên giới, biển, đảo, địa bàn chiến lược, trọng điểm; xây dựng đường tuần tra biên giới, dân sự hóa Quần đảo Trường Sa4. Xây dựng lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng biển, Hải quân nhân dân Việt Nam, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển.

CQBĐ Việt Nam là thiêng liêng bất khả xâm phạm bởi biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam.

Trong thế kỷ của đại dương này, các quốc gia có biển đều quan tâm đến biển và coi trọng xây dựng chính sách, chiến lược biển. Vì vậy, xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ CQBĐ là một vấn đế rất quan trọng, góp phần đưa đất nước ta hướng ra biển, làm giàu từ biển và bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước từ hướng biển.

Chú thích:
1, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 107, 125.
2. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
4. Quân ủy Trung ương. Tài liệu nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Hà Nội, 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 1982.
2. Luật Biển Việt Nam năm 2012.
3. Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018.
4. Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
ThS. Nguyễn Trọng Phượng
Trường Sĩ quan Chính trị – Bộ Quốc phòng