Hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập

(Quanlynhanuoc.vn) – Lĩnh vực sự nghiệp công luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đổi mới và được thể hiện trong các nghị quyết, văn bản của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, ngày 21/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu ứng tích cực trong đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tuy nhiên, trong Nghị định cũng còn những điểm bất cập. Bài viết đưa ra một số kiến nghị để làm rõ và sửa đổi một số điều được quy định trong Nghị định nhằm hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới.
Ảnh minh họa (internet).
Khái quát về cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập

Những năm qua, cùng với quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công cuộc đẩy mạnh cải cách và đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công (ĐVSNCL) nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ dịch vụ công của Nhân dân, đồng thời cũng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ luôn nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới khu vực sự nghiệp công, đặc biệt hoàn thiện pháp luật về cơ chế tự chủ đối với các ĐVSNCL thuộc các ngành, lĩnh vực trên cơ sở mức độ tự chủ về tài chính, tăng cường phân cấp và tăng tính chủ động cho các ĐVSNCL. Cụ thể, Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, đã đề ra các giải pháp tổ chức sắp xếp, tổ chức lại hoặc giải thể ĐVSNCL hoạt động kém hiệu quả, tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý vào giá các dịch vụ công thiết yếu và tài sản công (TSC); chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng, từ giao kinh phí theo đầu vào sang theo số lượng và chất lượng đầu ra, từ hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng…

Ngày 25/10/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 19/NQ-TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ĐVSNCL và đề ra mục tiêu tổng quát: đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các ĐVSNCL, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho ĐVSNCL để cơ cấu lại NSNN, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong ĐVSNCL…

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, trong đó khẳng định chủ trương hoàn thiện hệ thống các ĐVSNCL theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao; đẩy mạnh việc chuyển giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các ĐVSNCL.

Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) lần đầu tiên được áp dụng khi Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 quy định về chế độ tài chính áp dụng cho ĐVSN có thu. Sau một thời gian thực hiện, cơ chế tự chủ dần được sửa đổi và hoàn thiện khi Chính phủ lần lượt ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với ĐVSNCL; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 06/4/2015 quy định về cơ chế tự chủ của ĐVSNCL. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ tài chính (TCTC) của các ĐVSNCL thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.

Nhìn chung, do được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, các ĐVSNCL đã chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính cho các hoạt động chuyên môn, bố trí hợp lý các khoản chi trong dự toán ngân sách được giao, áp dụng các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có nguồn chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên, thu hút nhân tài, lao động giỏi đến nghiên cứu và làm việc, trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để tái đầu tư, phát triển đơn vị, tăng nguồn thu của đơn vị so với giai đoạn trước khi tự chủ, từ đó giảm gánh nặng cho NSNN.

Những điểm mới và bất cập của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế TCTC của ĐVSNCL, trong đó có những điểm mới khắc phục được tình trạng chờ đợi ban hành văn bản hướng dẫn về cơ chế tự chủ của ĐVSNCL theo từng lĩnh vực, bao gồm:

Một là, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP chỉ quy định nội dung TCTC trong các ĐVSNCL, không quy định nội dung tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự như trong Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Như vậy, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP tập trung quy định về TCTC, gồm: danh mục và giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN; phân loại chi tiết hơn mức độ TCTC của ĐVSNCL; cách thức xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên; quy định các nguồn tài chính của đơn vị; quy định chi thường xuyên giao tự chủ và chi thường xuyên không giao tự chủ; phân phối kết quả tài chính năm; tự chủ về giao dịch tài chính và liên doanh, liên kết; TCTC của ĐVSNCL trong lĩnh vực y tế – dân số và cơ sở giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; lập, chấp hành dự toán và quyết toán thu – chi.

Hai là, cách phân loại các ĐVSNCL đã được chi tiết, cụ thể hơn, đồng thời tiêu chí để xác định mức tự chủ về đầu tư cũng rõ ràng hơn. Các ĐVSNCL được phân thành 4 nhóm, gồm: (1) Các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. (2) Các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên. (3) Các đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, được phân thành 3 loại (đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên). (4) Các đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Ba là, cụ thể hóa chủ trương, định hướng về cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, theo đó, sửa đổi về cơ chế tính toán, chi trả tiền lương; tạo động lực khuyến khích ĐVSNCL khai thác nguồn thu, nâng cao mức độ TCTC.

Bốn là, bổ sung quy định cụ thể về tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết. Theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, có cơ chế tài chính phù hợp để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, nhất là cho y tế và giáo dục, kể cả hình thức hợp tác công – tư, liên doanh, liên kết; để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất chung về việc phân phối kết quả từ hoạt động liên doanh liên kết của ĐVSNCL theo Luật Quản lý, sử dụng TSC và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng TSC.

Năm là, cách tính mức độ tự chủ cũng đã đổi mới, đặc biệt ở chỉ tiêu xác định số thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân chỉ xác định chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước).

Sáu là, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cụ thể tự chủ về giao dịch tài chính và liên doanh, liên kết, trong đó điểm mới nổi trội là các quỹ được trích lập theo quy định tại Nghị định này (gồm quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; quỹ khen thưởng phúc lợi; quỹ bổ sung thu nhập) được gửi tiền tại ngân hàng thương mại để quản lý.

Nhìn chung, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã khắc phục được nhiều hạn chế của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và các nghị định trước đó nhưng trong nội dung của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP vẫn còn những bất cập sau:

Thứ nhất, chưa có thông tư hướng dẫn Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Mặc dù Điều 40 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định: đến ngày 31/3/2022, đơn vị nhóm 3 và đơn vị nhóm 4 thực hiện báo cáo cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt phương án TCTC; đến ngày 30/6/2022, các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, cấp huyện phê duyệt phương án TCTC của đơn vị sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp. Tuy nhiên, hiện nay, đã cuối tháng 4/2022 vẫn chưa có thông tư hướng dẫn Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và điều này sẽ gây khó khăn cho các đơn vị nhóm 3 và đơn vị nhóm 4 để có những hướng dẫn cụ thể cho việc xây dựng phương án TCTC.

Thứ hai, về công thức xác định mức độ tự chủ đối với đơn vị nhóm 4. Các khoản thu xác định mức độ TCTC theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đối với ĐVSN do NSNN bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4) là nguồn thu hoạt động sự nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ĐVSN công (chỉ xác định chênh lệch thu lớn hơn chi sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước). Tuy nhiên, thực tế phần lớn các đơn vị trường mầm non công lập và trung học cơ sở công lập có nguồn thu học phí được xác định thuộc đơn vị nhóm 4. Nếu xác định nguồn thu học phí chỉ xác định chênh lệch thu lớn hơn chi sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước thì hầu hết các trường đều sử dụng hết số học phí đã thu được nên nguồn thu học phí để xác định mức độ tự chủ sẽ bằng 0, như vậy là không đúng vì khi đơn vị có nguồn thu thì NSNN cấp sẽ giảm đi so với đơn vị không có nguồn thu.

Thứ ba, về các khoản thu xác định mức độ tự chủ. Các khoản thu xác định mức độ TCTC theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đối với 3 loại ĐVSNCL (đơn vị nhóm 1 – ĐVSN công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị nhóm 2 – ĐVSN công tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị nhóm 3 – ĐVSN công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên) đều tính gồm cả “Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có)”. Riêng đối với đơn vị nhóm 4 – ĐVSN công do NSNN bảo đảm chi thường xuyên thì không tính “Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có)”. Việc áp dụng công thức này sẽ gây khó khăn cho đơn vị nhóm 3 và nhóm 4, đơn vị sẽ không biết đưa nguồn thu khác vào công thức tính hay không vì chưa biết đơn vị mình được xác định ở nhóm nào. Trong thực tế, các trường này có nhiều nguồn thu khác, ví dụ như thu từ dạy thêm, học thêm, thu từ tiền ăn, chăm sóc phục vụ bán trú, thu từ học buổi 2… Nếu tính thêm các khoản thu khác này có thể đơn vị được xếp vào nhóm 3 nhưng nếu không đưa vào thì có thể xếp vào nhóm 4.

Thứ tư, tại Điều 4 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN: (1) NSNN chuyển từ hỗ trợ cho các ĐVSN công sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Tuy nhiên, tại Điều 19 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định đối với đơn vị nhóm 4 – ĐVSN công do NSNN bảo đảm chi thường xuyên.

Như vậy, đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập cung cấp dịch vụ giáo dục mầm non và phổ thông thường được xếp vào nhóm 4 nhưng trong các nguồn NSNN không có nguồn NSNN đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Điều này mâu thuẫn với Điều 4 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP là NSNN chuyển sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Thứ năm, tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về chi thường xuyên không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó các ĐVSNCL  phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về chế độ công tác phí nước ngoài, chế độ tiếp khách nước ngoài và hội thảo quốc tế ở Việt Nam. Về nguyên tắc, đối với những nội dung chi thường xuyên không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thì mọi khoản chi đều phải đúng các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn, định mức, chế độ chứ không phải chỉ riêng 2 khoản chi công tác phí nước ngoài, chế độ tiếp khách nước ngoài và hội thảo quốc tế ở Việt Nam.

Thứ sáu, tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về nguồn thu hoạt động sự nghiệp: thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ĐVSN công; thu từ cho thuê TSC: đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê TSC. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017, thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê tại ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý của địa phương là chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp; thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng TSC vào mục đích liên doanh, liên kết tại ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý của địa phương là chủ tịch UBND cấp tỉnh sau khi có ý kiến của thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp.

Hiện nay, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng số các ĐVSNCL của cả nước. Tuy nhiên, với thẩm quyền phê duyệt đề án như hiện nay là chủ tịch UBND cấp tỉnh sau khi có ý kiến của thường trực HĐND cùng cấp rất phức tạp nên hầu như các trường thường không lập đề án. Bên cạnh đó, hoạt động liên doanh, liên kết của các trường thời gian qua vẫn còn phát sinh những hạn chế nhất định. Cụ thể như trong lĩnh vực y tế, một số dự án liên doanh, liên kết cần thu hồi vốn nhanh, vì vậy, có đơn vị lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật không cần thiết, khiến cho người bệnh phải chi phí nhiều. Một số bệnh viện mở ra khoa khám, chữa bệnh tự nguyện có trang thiết bị, cơ sở vật chất tốt hơn nhưng chi phí rất cao, dịch vụ không được cải thiện nhiều.

Thứ bảy, hiện nay, việc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN thuộc phạm vi quản lý của địa phương chưa được đầy đủ. Thẩm quyền ban hành còn có sự mâu thuẫn trong Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh báo cáo UBND cấp tỉnh để trình HĐND cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương… Khoản 1 Điều 37 quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh: ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP; tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Việc quy định không thống nhất trách nhiệm của cơ quan nào ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc phạm vi quản lý của địa phương gây lúng túng cho địa phương để triển khai thực hiện.

Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP

Một là, kịp thời ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định số 60/2021/NĐ-CP trước ngày 30/6/2022 để các ĐVSNCL có hướng dẫn cụ thể xây dựng phương án TCTC trình cấp trên phê duyệt.

Hai là, về công thức xác định mức độ tự chủ đối với đơn vị nhóm 4. Các khoản thu xác định mức độ TCTC theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đối với ĐVSN do NSNN bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4) cần sửa lại là “Nguồn thu hoạt động sự nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công (chỉ xác định chênh lệch thu lớn hơn chi sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, từ hoạt động sản xuất – kinh doanh, liên doanh, liên kết)”. Đồng thời, cũng cần xác định rõ các nguồn thu hoạt động sự nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ĐVSNCL tại khoản 2 Điều 19, bao gồm: thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh, hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ĐVSNL; thu từ cho thuê TSC…

Ba là, về các khoản thu xác định mức độ tự chủ. Các khoản thu xác định mức độ TCTC theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cần thống nhất cả 4 loại ĐVSNCL (đơn vị nhóm 1 – ĐVSN công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị nhóm 2 – ĐVSN công tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị nhóm 3 – ĐVSN công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; đơn vị nhóm 4 – ĐVSN công do NSNN bảo đảm chi thường xuyên, đều tính “nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có)”. Trên cơ sở xác định đầy đủ, chính xác các khoản thu, đơn vị áp dụng công thức xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên để xác định đơn vị thuộc nhóm nào. Đồng thời, cần bổ sung thêm tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định đối với đơn vị nhóm 4 – ĐVSNCL do NSNN bảo đảm chi thường xuyên.

Bốn là, tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về chi thường xuyên không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cụ thể, ĐVSNCL phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về chế độ công tác phí nước ngoài, chế độ tiếp khách nước ngoài và hội thảo quốc tế ở Việt Nam” thì nên chuyển sang thành khoản 8 Điều 12 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về chi thường xuyên giao tự chủ.

Năm là, để khai thác các nguồn thu từ việc sử dụng tài sản công, về thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê tại ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp huyện nên sửa thành chủ tịch UBND cấp huyện đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp; thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng TSC vào mục đích liên doanh, liên kết tại ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp huyện là chủ tịch UBND cấp huyện sau khi có ý kiến của thường trực HĐND cùng cấp. Đồng thời, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức, cơ chế hoạt động của ĐVSNCL trong quá trình liên doanh, liên kết, trong đó, quy định cụ thể loại hình tổ chức trong trường hợp hình thành pháp nhân mới, các vấn đề cơ chế quản lý người làm việc, mối quan hệ giữa pháp nhân mới và ĐVSNCL; trong trường hợp không hình thành pháp nhân mới thì cần quy định cụ thể chế độ, chính sách của viên chức, người lao động làm việc trong bộ phận liên doanh, liên kết.

Sáu là, cần thống nhất sửa lại khoản 3 Điều 4 và khoản 1 Điều 37 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, khoản 2 Điều 26 của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, thẩm quyền ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN thuộc phạm vi quản lý của địa phương là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.

Kết luận

Đổi mới cơ chế TCTC của các ĐVSNCL là chủ trương đúng đắn và lâu dài của Đảng và Nhà nước. Để thúc đẩy nhanh tiến trình thực hiện giao quyền tự chủ cho các ĐVSNCL, trước hết phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật hướng dẫn thi hành. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế TCTC của các ĐVSNCL đã tạo hành lang pháp lý mới nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay, từ đó tạo “cú huých” đột phá cho cơ chế TCTC của các ĐVSNCL. Hy vọng, với nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác tổ chức thực hiện quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, cùng với sự nhiệt huyết, tận tâm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lao động tại các ĐVSNCL, hoạt động của các ĐVSNCL sẽ được đổi mới, mang lại chất lượng dịch vụ sự nghiệp công tốt nhất, chuyên nghiệp nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.
2. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
3. Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
4. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
5. Đẩy mạnh cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập. https://tapchitaichinh.vn, ngày 17/7/2021.
6. Điểm mới về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. https://tapchitaichinh.vn, ngày 03/10/2021.
7. Tránh “tư nhân hóa” bệnh viện công. https://nhandan.vn, ngày 05/12/2020.
8. Hoàn thiện quy định pháp luật về liên doanh, liên kết trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. https://tcnn.vn, ngày 02/12/2021.
TS. Phạm Thị Thanh Vân
Học viện Hành chính Quốc gia