Hoạt động thanh tra phòng, chống tham nhũng của thanh tra TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Thanh tra Thành phố là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ theo Quy chế tổ chức và hoạt động ban hành kèm theo Quyết định số 19/2016/QĐ-UBND ngày 25/5/2016 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Thời gian qua, Phòng 7 và Thanh tra Thành phố đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện nghiêm túc việc triển khai thực hiện phòng, chống tham nhũng. Công tác này luôn được xác định là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài, có ý nghĩa quan trọng, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thành phố.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của ngành Thanh tra TP. Hồ Chí Minh, ngày 19/01/2022. Ảnh: thanhtra.com.vn.
Tổ chức bộ máy thanh tra phòng, chống tham nhũng của Thanh tra TP. Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh có tổng diện tích tự nhiên hơn 2.095 km2, được chia thành 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Đây là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học – công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế và hội nhập quốc tế, là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.

Thanh tra Thành phố là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ theo Quy chế tổ chức và hoạt động ban hành kèm theo Quyết định số 19/2016/QĐ-UBND ngày 25/5/2016 của UBND TP. Hồ Chí Minh. Thanh tra Thành phố có chức năng tham mưu, giúp UBND Thành phố quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (PCTN); tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN theo quy định của pháp luật1. Hiện cơ cấu tổ chức của Thanh tra Thành phố có 9 phòng, gồm: Văn phòng, 6 phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (số 1, 2, 3, 4, 5, 6) và 2 phòng chuyên môn, nghiệp vụ (gồm: Phòng Thanh tra PCTN (Phòng 7) và Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức hoạt động của Phòng 7 được quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 357/QĐ-TTTP ngày 19/12/2016 của Chánh Thanh tra Thành phố. Phòng 7 có chức năng giúp Chánh Thanh tra Thành phố tham mưu cho UBND Thành phố quản lý nhà nước về công tác PCTN trên địa bàn Thành phố2. Đội ngũ nhân sự Phòng 7 gồm có 14 cán bộ, công chức (5 nam, 9 nữ), trong đó có 1 trưởng phòng và 3 phó trưởng phòng. Về trình độ chuyên môn có 100% tốt nghiệp đại học trở lên, trong đó 2 người có trình độ thạc sỹ, 2 đang học cao học. Về trình độ lý luận chính trị có 1 người trình độ cao cấp lý luận chính trị, 1 cử nhân chính trị, 12 người có trình độ lý luận trung cấp chính trị hoặc tương đương. Giai đoạn 2017 – 2021, đã quy hoạch 2 công chức vào chức danh trưởng phòng và 3 công chức vào chức danh phó phòng; đã cử 1 người tham gia lớp thanh tra viên chính, 2 người lớp trung cấp lý luận chính trị – hành chính, 4 người thi Thanh tra viên chính3.

Thời gian qua, Phòng 7 và Thanh tra Thành phố đã tham mưu cho UBND Thành phố thực hiện nghiêm túc việc triển khai thực hiện PCTN. Công tác này luôn được xác định là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài, có ý nghĩa quan trọng, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thành phố. Thanh tra Thành phố đã tập trung công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X); Chương trình hành động số 07-CTrHĐ/TU ngày 07/3/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Quy định số 1374-QĐ/TU ngày 01/12/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Nhờ vậy, công tác PCTN, lãng phí tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố từng bước chuyển biến tích cực.

Những kết quả và hạn chế trong công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng của Thanh tra TP. Hồ Chí Minh

Về kết quả công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng

Từ năm 2017 – 2020, Thanh tra Thành phố đã tổ chức thực hiện 21 đoàn thanh tra, kiểm tra. Qua đó đã phát hiện các sai phạm trong thực hiện dự án, đầu tư xây dựng, quản lý vốn nhà nước, quản lý đất đai, PCTN,… đồng thời, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kịp thời nhằm ngăn chặn phát sinh sai phạm, khắc phục hậu quả đã xảy ra, kiến nghị sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế để bảo đảm quyền lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức hoặc tránh thiệt hại và thu hồi tài sản về cho Nhà nước, trong đó đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách tổng cộng là 145.321.107.690 đồng (đã thu hồi 135.160.107.690 đồng), xử lý khác 262.950.915.207 đồng; chuyển cơ quan điều tra 5 vụ việc (vụ xây dựng cầu Đồng Điền; xây dựng Tòa nhà IPC; vụ việc Công ty cổ phần cấp nước Trung An ký hợp đồng với 4 Công ty thi công trái với quy định của pháp luật trong việc thực hiện 9 dự án phát triển mạng lưới cấp nước tại quận 12, quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn; đoàn Thanh tra tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội và đoàn Thanh tra tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn). Đồng thời, Phòng 7 Thanh tra thành phố còn cử cán bộ, công chức (CBCC) tham gia 16 đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, đoàn thanh tra của các phòng nghiệp vụ thuộc Thanh tra Thành phố4.

Cùng với việc quán triệt và thực hiện nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết của Đảng ủy về lãnh đạo công tác PCTN, lãng phí tại cơ quan; bám sát việc chấp hành các quy định pháp luật (Luật Thanh tra, Luật Tố cáo, Luật Tiếp Công dân, Luật PCTN, các văn bản hướng dẫn thi hành) và của ngành Thanh tra đội ngũ CBCC luôn thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND Thành phố về đánh giá, phân loại hằng quý theo hiệu quả công việc. Đồng thời, tham mưu UBND Thành phố triển khai các nội dung theo kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Thanh tra Chính Phủ, Thành ủy và UBND Thành phố; tổng hợp các báo cáo đột xuất liên quan công tác PCTN.

Việc thực hiện tổng hợp, tham mưu báo cáo về công tác kê khai, công khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai của cơ quan thanh tra Thành phố và các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của UBND Thành phố luôn kịp thời và đúng tiến độ theo quy định Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó, Phòng 7 đã tham mưu UBND Thành phố và tổ chức Hội nghị về triển khai thi hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, thực hiện tổng hợp báo cáo công tác PCTN định kỳ theo quý, 6 tháng, 9 tháng và năm; tổng hợp xây dựng bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN; báo cáo hội nghị 10 năm thực hiện Luật PCTN; báo cáo theo lịch làm việc của đoàn đại biểu Quốc hội, Thanh tra Chính phủ… Ngoài ra, Phòng 7 còn trực tiếp tham mưu Tổ liên ngành đánh giá công tác PCTN trên địa bàn Thành phố. Kết quả đạt được khi TP. Hồ Chí Minh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số đánh giá công tác PCTN.

Hạn chế và nguyên nhân trong công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng

Một là, công tác tuyên truyền, quán triệt phổ biến pháp luật về PCTN, Chiến lược, Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng tuy được triển khai thường xuyên nhưng còn dàn trải, chưa sâu rộng, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, chưa tạo hiệu quả cao trong việc nâng cao nhận thức của CBCC, viên chức, người dân về phòng, chống tham nhũng; việc tham mưu xây dựng kế hoạch, chiến lược, chương trình phòng, chống tham nhũng ở một số lĩnh vực chuyên ngành, một số đơn vị đặc thù còn chưa sát với thực tế.

Hai là, quá trình thực hiện công tác tổng hợp, tham mưu báo cáo về công tác PCTN  trên địa bàn Thành phố còn chậm, nội dung tham mưu, số liệu báo cáo chưa chuẩn xác; đôi lúc còn thiếu chủ động. Một số đoàn thanh tra chậm ban hành kết luận, do đó chưa bảo đảm quy định về thời gian.

Ba là, công tác kiểm tra, giám sát nội bộ tại các đơn vị chưa thường xuyên, khả năng tự phát hiện tham nhũng chưa cao; sơ kết, rút kinh nghiệm trong công tác PCTN chưa kịp thời, chưa góp phần tổng kết thực tiễn; việc xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm có nơi còn thiếu kiên quyết, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; trách nhiệm người đứng đầu chưa được xem xét, xử lý nghiêm.

Bốn là, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng vẫn còn một số bất cập, hạn chế, vướng mắc, như: chưa có giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí tiềm ẩn trong công tác đầu tư, xây dựng, chỉ định thầu, bán chỉ định tài sản, chuyển nhượng đất công, xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất;… vẫn còn tình trạng đơn vị, doanh nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê đất đã cho thuê lại để hưởng lợi dưới hình thức liên doanh liên kết. Việc phát hiện tham nhũng qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác thanh tra chưa nhiều.

Năm là, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP và Văn bản hướng dẫn số 252/TTCP-C.IV còn mang tính chất chung chung chưa rõ ràng, cụ thể và cũng không có thông tư hướng dẫn thực hiện nên rất khó khăn trong việc tham mưu. Thanh tra Thành phố chưa hoàn thành tham mưu thành lập Tổ kiểm soát tài sản, thu nhập.

Nguyên nhân của hạn chế này là do: TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của cả nước, dân số đông nên phát sinh nhiều giao dịch về hành chính, kinh tế – xã hội… Thời gian qua, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đều thực hiện giãn cách xã hội, vì vậy, gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Thanh tra, ảnh hưởng đến tiến độ công việc.

Chính vì sự e ngại, cả nể, chưa kiên quyết trong đấu tranh, góp ý phê bình, phản ánh của CBCC nên việc tiếp cận thông tin và hiệu quả công tác phát hiện, đấu tranh với hành vi tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; tiến độ thực hiện công việc còn chậm; công tác tổng hợp còn gặp khó khăn về thời gian do một số đơn vị gửi báo cáo không chi tiết, không có số liệu cụ thể về công tác PCTN; không đúng biểu mẫu, không đúng thời hạn yêu cầu báo cáo, không cung cấp tài liệu đính kèm (file mềm); tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN thiếu tính hệ thống, thiếu sự gắn kết, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị…

Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng tại Thanh tra TP. Hồ Chí Minh

Trên cơ sở định hướng của TP. Hồ Chí Minh, Thanh tra Thành phố giai đoạn 2020 – 2025 về công tác PCTN cần triển khai hoạt động theo hướng sau: (1) Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Thanh tra Thành phố xây dựng các giải pháp nhằm thực hiện tốt chỉ tiêu, hoàn thành kế hoạch công tác hằng năm và các nhiệm vụ khác do lãnh đạo giao. (2) Quán triệt nghiêm túc và triển khai thực hiện hiệu quả các quy định về PCTN. (3) Nâng cao vai trò, năng lực của đội ngũ CBCC. (4) Bảo đảm hoạt động thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, thực chất, tránh chồng chéo; kiến nghị xử lý sai phạm nghiêm minh, đúng pháp luật, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách chưa phù hợp tình hình thực tiễn, bảo đảm lợi ích hợp pháp, hợp tình của công dân, tổ chức được bảo vệ. Bên cạnh đó, nhiệm vụ của thanh tra PCTN cũng ngày càng trọng trách hơn, như: tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quán triệt, phổ biến sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu công tác PCTN, lãng phí tại cơ quan Thanh tra Thành phố và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố…

Từ những định hướng nêu trên, trong những năm tiếp theo, công tác PCTN của Thanh tra TP. Hồ Chí Minh cần chú trọng là:

Thứ nhất, lãnh đạo Phòng Thanh tra PCTN phải gương mẫu về đạo đức, tác phong làm việc, tích cực chủ động để lãnh đạo phòng và CBCC đề ra kế hoạch cụ thể theo từng quý, 6 tháng và năm nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị theo hướng chuyên sâu trên các mặt công tác.

Thứ hai, cần nêu cao tính tự giác học tập, rèn luyện, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác, tu dưỡng về đạo đức, lối sống, gương mẫu trong công tác; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và kiến thức về pháp luật PCTN trong công tác để có đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới;

Thứ ba, cần tiếp tục duy trì, tăng cường mối quan hệ với đơn vị, cơ quan trong ngành Thanh tra để cùng hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ trong công tác PCTN của cơ quan thanh tra của Thành phố; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan trong khối nội chính Thành phố và các cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng nắm thông tin, tình hình để kịp thời đề xuất Chánh Thanh tra Thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố hoặc xây dựng kế hoạch thanh tra đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt” hoặc khi có dấu hiệu vi phạm;

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với CBCC trong thực thi nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của Nhà nước, như tham mưu triển khai thực hiện kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập (năm 2021 và các năm tiếp theo) của CBCC thuộc diện người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập…

Thứ năm, luôn giữ vững đoàn kết nội bộ, trong đó cần tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong tập thể.

Chú thích:
1, 2. Quyết định số 19/2016/QĐ-UBND ngày 25/5/2016 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra TP. Hồ Chí Minh.
3, 4. Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2017 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 – 2022 của Phòng Thanh tra phòng, chống tham nhũng thanh tra Thành phố (Phòng 7).
ThS. Nguyễn Thị Thanh Thảo
Trường Đại học Quy Nhơn