Nhận diện mô hình kinh tế tuần hoàn và định hướng chính sách

(Quanlynhanuoc.vn) – Mô hình kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của quá trình phát triển kinh tế – xã hội toàn cầu khi nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội luôn là khan hiếm. Hơn nữa, nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, những tác động tiêu cực vào môi trường đang đặt ra những thách thức cho sự phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều quốc gia là thông điệp gay gắt từ thực tiễn, đòi hỏi cần có mô hình kinh tế phù hợp và mô hình kinh tế tuần hoàn là một giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này.
Ảnh minh họa. Nguồn: moit.gov.vn.
Nhận diện mô hình kinh tế tuần hoàn

Khái niệm kinh tế tuần hoàn (KTTH) được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner (nhà Kinh tế học người Anh) từ năm 1990 với hàm ý chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”1, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống. Theo Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), nền KTTH là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Quỹ Ellen MacArthur Foundation là tổ chức thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu, định nghĩa về KTTH được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi hiện nay là “một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó”2.

Về tổng thể, KTTH có thể được xem là mô hình kinh tế xanh có nhiều lợi thế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu vào, đầu ra, nguồn lực vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Mô hình KTTH tạo ra một vòng lưu chuyển khép kín, hạn chế thấp nhất việc tạo ra phế thải; chú trọng vấn đề quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải; tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức, phương thức đổi mới, sáng tạo, từ thiết kế lại, giảm thiểu, sửa chữa, tái sử dụng, tái chế và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ hoặc cho thuê… dựa trên nguyên tắc tối ưu hóa chu trình sản xuất – kinh doanh, dịch vụ; tối đa hóa giá trị của tài nguyên thiên nhiên; tạo ra nhiều giá trị gia tăng; bảo tồn và phát huy các giá trị của tài nguyên.

Khác với mô hình KTTH, mô hình kinh tế tuyến tính (Linear Economy) có sự tách biệt tương đối giữa các bước trong sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ. Cách tiếp cận của mô hình kinh tế tuyến tính là khai thác tối đa lợi thế tài nguyên thiên nhiên; sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ. Ưu tiên từng công đoạn trong chu trình sản xuất – kinh doanh, dịch vụ. Giảm thiểu các chi phí liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên (xem chu trình vận động của mô hình kinh tế tuyến tính và mô hình kinh tế tuần hoàn cuối bài).

Thuận lợi và thách thức trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Mô hình KTTH đã từng bước được tiếp cận ở nước ta, đó là sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và phát triển KTTH, đã từng bước hình thành thể chế, chính sách cho KTTH. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”3; “phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cácbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và tạo ra hiệu quả cho đầu ra của quá trình sản xuất”4; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030: “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”, khoản 1, Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: “Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình KTTH, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội”; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ hướng dẫn về tái chế; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050; Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững; Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sản xuất sạch hơn; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050… Chủ trương khuyến khích đổi mới, sáng tạo chính là một trong những nền tảng quan trọng đối với KTTH ở nước ta. Định hướng phát triển các khu công nghiệp sinh thái tạo ra sự chuyển biến trong hoạt động sản xuất hướng tới mục tiêu của mô hình KTTH.

Phát triển KTTH đã được triển khai ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới để lại những kinh nghiệm có giá trị tham khảo đối với Việt Nam. Một số mô hình kinh doanh tuần hoàn đã hình thành ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cho thấy Việt Nam đã có những bước đi ban đầu tiếp cận với mô hình KTTH. Việt Nam tích cực hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển số quốc gia, tái cơ cấu mô hình tăng trưởng… sẽ là cơ hội lớn nhằm nâng cao hiệu quả tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển KTTH.

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu về triển vọng KTTH, chỉ riêng đối với ngành điện tử và nông sản thực phẩm vẫn còn không ít thách thức từ nội tại các doanh nghiệp khi triển khai mô hình KTTH (xem bảng cuối bài).

Chính vì vậy, để phát triển KTTH, Việt Nam đang đứng trước một số thách thức về chính sách, sự sẵn sàng chuyển đổi về nhận thức và những điều kiện thực hiện.

Thứ nhất, về khung thể chế, chính sách, các quy định liên quan đến KTTH chủ yếu mới tập trung vào khía cạnh trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường mà thiếu các quy định tổng thể liên quan đến chu trình của KTTH. Từng ngành, lĩnh vực kinh tế phát triển KTTH như thế nào vẫn cần có những chỉ dẫn, định hướng pháp lý và chính sách hỗ trợ.

Thứ hai, nhận thức của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp về KTTH. Mô hình KTTH đối với không ít doanh nghiệp còn là một khái niệm tương đối xa lạ. Nhận thức của người tiêu dùng liên quan đến KTTH, đến các sản phẩm trong chuỗi kinh doanh tuần hoàn cũng là một thách thức cho phát triển KTTH. Thói quen tiêu dùng của người dân cũng chưa thực sự sẵn sàng cho sự thay đổi gắn với tiêu dùng xanh.

Thứ ba, tính liên kết trong chuỗi sản xuất ở nước ta dù được thiết lập nhưng chưa thực sự là nền tảng vững chắc cho KTTH. Sự rời rạc trong chuỗi liên kết dẫn đến mô hình KTTH chưa được hình thành hoặc hình thành một cách thiếu đồng bộ, gián đoạn, cắt khúc. Mỗi ngành, lĩnh vực đa

Thứ năm, các yếu tố cần thiết cho mô hình KTTH gắn với sản phẩm, công nghệ, ngành, chiến lược, tính bền vững, các yếu tố bên ngoài (có tính động lực, lực đẩy, lực kéo…) chưa thực sự đầy đủ do áp lực về vấn đề việc làm, sinh kế, những yêu cầu cấp bách trước mắt về đời sống. Sự chấp nhận của người tiêu dùng đối với các sản phẩm từ KTTH so với các sản phẩm kinh tế truyền thống cũng là một dấu hỏi. Hơn nữa khả năng cạnh tranh về giá của các sản phẩm KTTH với sản phẩm kinh tế truyền thống cũng là thách thức lớn.

Thứ sáu, nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đổi sang phát triển KTTH cũng là một thách thức không nhỏ. KTTH gắn liền với đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực công nghệ, giải quyết có hiệu quả các vấn đề liên quan đến sử dụng nguồn lực đầu vào. Để chuyển đổi sang KTTH cần có sự thay đổi về công nghệ, nguyên vật liệu, người lao động, các sản phẩm mới, chi phí tiếp thị… Hiện nay, chúng ta đang thiếu các doanh nghiệp có đủ năng lực công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có khả năng đầu tư công nghệ để tạo ra sự thay đổi về chất trong sản xuất, tái chế.

Định hướng thể chế, chính sách đối với kinh tế tuần hoàn

Một là, thiết lập tầm nhìn chung, định hướng chiến lược phát triển KTTH, đánh giá đúng hiện trạng và có lộ trình phát triển KTTH với bước đi cụ thể, các mục tiêu lộ trình và mục tiêu dài hạn. Quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình KTTH cần có đủ thời gian và mỗi ngành, lĩnh vực kinh tế không thể có bước phát triển đồng dạng, đồng thời về tốc độ nhưng cần có sự đồng nhất trong nhận thức, trong nỗ lực xây dựng và phát triển KTTH. Việc phát triển KTTH là một hành trình dài nên cần có những mục tiêu giai đoạn, mục tiêu cột mốc để đánh giá đúng hướng và không nản lòng trong quá trình thực hiện.

Hai là, hoàn thiện thể chế, chính sách về mô hình KTTH. Cần hướng tới xây dựng thể chế, chính sách bao quát các chu trình của KTTH mà không chỉ là quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp về môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Cần có những quy định về mô hình KTTH gắn với sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, cung ứng dịch vụ xanh. Quy định về mục tiêu, giải pháp thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm. Quy định về tuần hoàn trong lưu thông, trong sử dụng, tái chế…

Ba là, từng bước tích hợp quy tắc KTTH vào các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội. Quy tắc KTTH như một yêu cầu, một lựa chọn ưu tiên, một lựa chọn bắt buộc trong các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội. Quy tắc KTTH trong việc xây dựng các khu công nghiệp, trong việc tổ chức các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cần từng bước được thiết lập để tạo ra các đơn vị KTTH phù hợp với năng lực đầu tư, năng lực công nghệ. Cần có chính sách xây dựng các chuỗi giá trị gắn với KTTH để tạo ra sự tham gia, khai thác tiềm năng công nghệ của các doanh nghiệp trong chu trình sản xuất, cung ứng, tái chế.

Bốn là, Nhà nước cần có cơ chế đầu tư và khuyến khích đầu tư hạ tầng cho phát triển KTTH, đặc biệt là hạ tầng về xử lý chất thải, tái chế, bảo vệ môi trường. Với từng ngành, lĩnh vực phát triển KTTH sẽ có những nhu cầu khác nhau về hạ tầng tái chế, xử lý chất thải, vì vậy, bên cạnh đầu tư hạ tầng, cần có những quy định về chuẩn mực của các khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống thành các khu công nghiệp sinh thái.

Năm là, truyền thông về mô hình KTTH, tạo nhận thức đúng và đầy đủ về mô hình KTTH. Để phát triển KTTH cần có sự vận động của toàn xã hội, của các cơ quan quản lý nhà nước, của trung ương, địa phương, doanh nghiệp và người tiêu dùng; đồng thời, cần có thông điệp đơn giản, dễ hiểu về mô hình KTTH để có nhận thức đúng về mô hình kinh tế này. Sự thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân sẽ là một động lực quan trọng trong xây dựng và phát triển KTTH.

Sáu là, xây dựng sinh kế cho người dân để bảo đảm tính bền vững của các mô hình phát triển KTTH. Điều này, đòi hỏi phát triển KTTH cần gắn với chính sách xóa đói, giảm nghèo, tạo ra sinh kế cần thiết cho người dân.

Chú thích:
1. Pearce, DW.and R.K.Turner (1990), Economics of Natural Resources and the Environment, Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf.
2. Ellen MacArthur Foundation and McKinsey Center for Business and Environment (2015), Growth within: a circular economy vision for a competitive Europe.
3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 275, 275.
5. Tọa đàm khoa học: Thực trạng mô hình áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn ở Việt Nam”. Viện Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội, ngày 04/3/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Rizos V., Tuokko K., Behrens A. (2017), The circular economy: A review of definitions, processes and impacts, Research Report, No 2017/8, April 2017.
2. OECD (2019), Business Models for the Circular Economy: Opportunities and Challenges for Policy.
3. Geissdoerfer, Martin; Savaget, Paulo; Bocken, Nancy M. P.; Hultink, Erik Jan (2017-02-01), The Circular Economy – A new sustainability paradigm?”. Journal of Cleaner Production. 143: 757 – 768.
TS. Đoàn Văn Dũng
Học viện Hành chính Quốc gia