Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khuyến khích các cơ quan báo chí tiếp tục phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực

(Quanlynhanuoc.vn) – Tối 20/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã có buổi gặp mặt các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022).

Về phía lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, tham dự có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN).

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi tới toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố và tất cả người làm báo cả nước tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, báo chí có vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Chia sẻ về thời gian cả nước chung tay vượt qua đại dịch Covid-19 tàn khốc khiến nhiều người thiệt mạng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong bối cảnh như vậy, tất cả phóng viên, nhà báo đều đã lăn xả vào những nơi có diễn biến dịch phức tạp nhất, nhiều phóng viên, nhà báo mắc Covid-19, có người nhà mắc bệnh nhưng không ngại khó khăn, đi sâu đi sát vào phong trào chống dịch. Đồng chí nhấn mạnh, công cuộc phòng chống dịch vừa qua, cả hệ thống chính trị vào cuộc rất mạnh mẽ, cùng với đó là các đơn vị báo chí.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố, trong đó có những cá nhân có tác phẩm thể hiện sự trăn trở, phản ánh đúng thực tiễn, những tấm gương lao mình vào cứu trợ nhân dân, phục hồi sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các chủ trương của Thành phố. Bên cạnh đó, thời gian qua, báo chí đã khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Qua các bài báo phản ánh, những phóng sự điều tra, báo chí có thể “cảnh báo sớm” để các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân không thể và không dám làm sai, không dám tham nhũng, tiêu cực; giúp ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để các sai phạm nhỏ trở thành sai phạm lớn, vụ án lớn gây thiệt hại rất lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân. Với chức năng giám sát, phản biện xã hội, báo chí giúp nâng cao công khai, minh bạch hoạt động quản lý hành chính nhà nước, cũng như quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hoạch định chính sách. Đó cũng là một trong những phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước, hạn chế “lợi ích nhóm”, hạn chế và xóa bỏ các thủ tục hành chính không rõ ràng, là cơ hội để cán bộ, công chức gây phiền hà cho nhân dân hoặc có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với tăng cường rèn luyện đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên trong bộ máy Nhà nước. Các cơ quan báo chí cũng cần đề cập nhiều hơn nữa những vấn đề mà nhân dân quan tâm, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình.

Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại chương trình.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá cao và trân trọng những đóng góp của đội ngũ những người làm báo đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. Cùng với công tác thông tin tuyên truyền, các cơ quan báo chí đã đóng góp nhiều ý kiến, định hướng, giải pháp để TP. Hồ Chí Minh phát triển trong thời gian qua.

“Chúng tôi không thể kể hết những đóng góp, sát cánh của các cơ quan báo chí. Chúng tôi xem đây như là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của Thành phố. Bởi không chỉ thông tin tuyên truyền, qua hoạt động của mình, báo chí đã quy tụ được trí tuệ xã hội để đóng góp cho Thành phố”. Đồng chí Phan Văn Mãi mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành cùng Thành phố trong thời gian tới. Một trong những nội dung quan trọng là các cơ quan báo chí tiếp tục phản biện xã hội, kể cả những mặt chưa hoàn thiện, làm sao chỉ ra những điểm cần được cải thiện, đấu tranh chống tiêu cực.

Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh Trần Trọng Dũng phát biểu tại chương trình.

Tại chương trình, Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh Trần Trọng Dũng thông tin, trong 47 năm qua, báo chí Thành phố đã có sự phát triển vượt bậc. Hiện Thành phố có 19 cơ quan báo chí, trong đó có 7 tờ báo; 2 đài truyền hình, phát thanh và 10 tờ tạp chí. Cùng với đó, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn có 161 cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác đặt văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Các cơ quan báo chí Thành phố không chỉ là cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp mà còn là diễn đàn thân thiết, gần gũi, tin cậy của nhân dân.

Ông Dũng cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cả nước và Thành phố dành tình cảm, quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ tạo mọi điều kiện cho báo chí phát triển. Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để báo chí Thành phố ngày càng phát triển.

Thuý Vân