Xây dựng chính phủ liêm chính ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Liêm chính là giá trị cốt lõi hàng đầu mà các nền công vụ đều hướng đến. Ở Việt Nam hiện nay, mục tiêu xây dựng chính phủ liêm chính đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng cũng còn không ít những hạn chế. Bài viết tập trung bàn về thuật ngữ liêm chính, nội hàm của khái niệm chính phủ liêm chính, lý do phải xây dựng chính phủ liêm chính, khái quát thực trạng chính phủ liêm chính ở Việt Nam và đề xuất một số giải pháp góp phần xây dựng chính phủ liêm chính ở Việt Nam hiện nay.
Liêm chính là một trong những giá trị cốt lõi đặc biệt quan trọng đối với hoạt động công vụ. Ảnh: TTXVN.
Liêm chính – giá trị cốt lõi của công vụ

Tính liêm chính, tiếng Anh là “integrity”. Thuật ngữ “integrity” bắt nguồn từ tiếng Latinh “integer” có nghĩa là ‘toàn bộ, đầy đủ”1.

Theo Từ điển Oxford, “intergrity” có 2 nghĩa: “1. phẩm chất trung thực và có đạo đức; 2. trạng thái nguyên vẹn và không bị chia cắt”2.

Theo Từ điển Tiếng Việt, “liêm chính” nghĩa là “ngay thẳng và trong sạch”3.

Barbara Killinger cho rằng: “Tính liêm chính là một sự lựa chọn cá nhân, một sự cam kết không thỏa hiệp và nhất quán để tôn vinh các giá trị và nguyên tắc về luân lý, đạo đức, tinh thần, thẩm mĩ4.

Theo Hồ Chí Minh: “Liêm là trong sạch, không tham lam”; “Chính nghĩa là không tà, là thẳng thắn, là đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”5.

Như vậy, liêm chính gắn liền với phẩm chất trong sạch, thẳng thắn, nhất quán, trước sau như một trong mọi hành động, là một trong những giá trị cơ bản luôn được các nhà đạo đức từ cổ đại đến hiện đại đề cao.

Về phương diện lịch sử, truyền thống phương Đông luôn rất coi trọng liêm, chính, cho rằng cùng với cần, kiệm, thì liêm, chính là những phẩm chất tối cần thiết để con người – được – thực sự – là người. Về liêm, Khổng Tử cho rằng: “người mà không liêm, không phải là người”; Mạnh Tử cũng cho rằng liêm là quan trọng: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”6. Về chính, Khổng Tử đề xướng học thuyết Chính danh, cho rằng mọi cư xử, hành động và lời nói của người quân tử (chân chính) đều phải phù hợp với danh nghĩa và cương vị của mình, còn Kinh Dịch thì đề cao đức “chính”, cho rằng đạo lý trong thiên hạ tóm gọn chỉ trong hai chữ “trung” và “chính”7.

Ngày nay, liêm chính là một trong những giá trị cốt lõi đặc biệt quan trọng đối với hoạt động công vụ. Các tác giả cuốn Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh cho rằng “sự vô tư, tính hợp pháp và liêm chính là những giá trị trụ cột không thay đổi trong lĩnh vực dịch vụ công”8, đồng thời, “sự liêm chính và đạo đức trong ngành dịch vụ công trở nên quan trọng hơn lúc nào hết đối với uy tín của chính phủ ở các nước đang phát triển cũng như các nước phát triển”9. Duy trì cho được lòng tin của người dân vào sự liêm chính của hệ thống dịch vụ công là đặc biệt quan trọng. Chính vì thế, rất nhiều nền công vụ ghi nhận liêm chính là giá trị đạo đức mang tính bắt buộc đối với người làm việc trong bộ máy nhà nước nói chung và chính phủ nói riêng.

Lý do cần xây dựng chính phủ liêm chính

Cần xây dựng chính phủ liêm chính (CPLC) xuất phát từ những lý do cơ bản sau đây:

Thứ nhất, liêm chính là bản chất của chính phủ dân chủ.

Bản chất của một nhà nước dân chủ là phải giữ gìn sự liêm chính, phải phục vụ Nhân dân. Do đó, chính phủ và các cán bộ, công chức (CBCC) trong bộ máy chính phủ là “công bộc của dân” thì đương nhiên phải liêm chính. Tuy nhiên, việc Chính phủ Việt Nam lựa chọn phương châm liêm chính và kiến tạo có nội hàm hết sức sâu sắc. Đây không phải là một khẩu hiệu thông thường, nó vượt lên trên ý nghĩa của một khẩu hiệu suông, nó là sứ mạng. Hiện nay, khó khăn cho bài toán phát triển ở Việt Nam chính là tệ nạn tham nhũng tràn lan, biểu hiện của sự xuống cấp cả đạo đức công vụ lẫn đạo đức cá nhân trong chính những con người đang vận hành bộ máy công quyền và hệ thống pháp luật. Kêu gọi xây dựng CPLC, do vậy, có lẽ là giải pháp và sự lựa chọn cuối cùng của các hoạt động đổi mới trong thời gian qua10.

Thứ hai, liêm chính là giá trị đạo đức có vai trò rất quan trọng.

Đối với các cá nhân trong xã hội, giữ gìn được sự liêm chính giúp con người sống thanh thản, nhận được sự quý trọng, tin cậy của người khác, góp phần làm cho xã hội trong sạch, tốt đẹp.

Đối với nền công vụ, sự thanh liêm, ngay thẳng của CBCC là một trong những điều kiện có tính nền tảng để xây dựng một hệ thống hành chính công đáng tin cậy và hiệu quả. Xuất phát từ vai trò quan trọng và tính chất công việc đặc biệt của các cơ quan nhà nước, nếu người CBCC bất liêm, bất chính trong quá trình thực thi công vụ (TTCV) sẽ dẫn đến các “vấn nạn” tham ô, tham nhũng, lãng phí, hách dịch, cửa quyền, trốn tránh trách nhiệm… Một nền công vụ với những “vấn nạn” này sẽ mất uy tín và sức mạnh, làm suy yếu bộ máy nhà nước, ngăn cản sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, làm suy giảm hình ảnh và sự cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế… Hậu quả nặng nề nhất của sự bất liêm, bất chính trong nền công vụ chính là làm mất niềm tin của người dân vào đội ngũ CBCC, vào các cơ quan công quyền, vì mất niềm tin có thể coi như là “mất tất cả”.

Thứ ba, xuất phát từ mối quan hệ mật thiết giữa giá trị “liêm chính” với các giá trị “hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ Nhân dân”.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng một Chính phủ “hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ Nhân dân”. Giữa các giá trị này có mối quan hệ với nhau rất mật thiết. Một Chính phủ hành động, kiến tạo được môi trường cho sự phát triển nói chung và doanh nghiệp nói riêng chỉ có thể là CPLC, Chính phủ không vì lợi ích nhóm, Chính phủ không tham nhũng. Nếu một Chính phủ đã hành động vì lợi ích nhóm, một Chính phủ tham nhũng thì đừng bao giờ hy vọng đó là Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ Nhân dân.

Xây dựng chính phủ liêm chính ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam, liêm chính được ghi nhận là một trong những yêu cầu đạo đức căn bản đối với CBCC. Điều 15 Luật CBCC năm 2008 quy định, CBCC trong quá trình TTCV “phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Thực tế, đất nước trong cơ chế kinh tế thị trường đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải trong cuộc đấu tranh xây dựng và giữ gìn sự liêm chính của đội ngũ CBCC. Nhìn chung, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn luôn chú trọng tới công tác xây dựng phẩm chất liêm chính cho cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, trong những kỳ Đại hội gần đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức phát động và triển khai mạnh mẽ cuộc đấu tranh toàn diện chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị nhằm gìn giữ sự liêm chính của CBCC trong TTCV. Hiệu quả của công tác này là căn cứ để đánh giá sự trong sạch, hiệu lực của bộ máy nhà nước.

Thời gian gần đây, tinh thần CPLC đã được thể hiện trong hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, thông qua việc: nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, giải quyết nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Đặc biệt, trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, phát hiện và xử lý kỷ luật đối với nhiều CBCC, trong đó có cả các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, kết luận và xử lý nghiêm minh những vụ việc bổ nhiệm “thần tốc”, những sai phạm trong công tác cán bộ… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về phòng, chống tham nhũng như việc tiến hành sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Những kết quả này phản ánh quyết tâm chính trị và trách nhiệm rất lớn của Đảng, Nhà nước trước Nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế trong việc xây dựng CPLC. Sự bất liêm, bất chính của CBCC trong TTCV ở Việt Nam hiện nay vẫn là vấn đề nhức nhối, với nhiều biểu hiện khác nhau. Đó là việc tham ô, tham nhũng, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, chạy chức, chạy quyền, chạy tội, dùng thời gian công để làm việc tư còn khá phổ biến. Đó là biểu hiện “trên nóng dưới lạnh” – trên quyết liệt, dưới thờ ơ, nói mà không làm của nhiều cơ quan hành chính. Đó là việc một bộ phận CBCC còn quan liêu, nhũng nhiễu, xa dân; việc có hại cho dân vẫn làm, việc có lợi cho dân vẫn tránh; không tự biết xấu hổ, không có can đảm và dũng khí để tự loại mình ra khỏi hệ thống dù không xứng đáng với vị trí. Việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm. Việc làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước. Vấn đề tham nhũng trong khu vực công: “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân”11.

Một số giải pháp xây dựng chính phủ liêm chính Việt Nam

Một là, thực thi pháp chế trong tổ chức, vận hành bộ máy Chính phủ.

Thượng tôn pháp luật là nền tảng để xây dựng một CPLC. Không có tổ chức, cá nhân nào trong bộ máy chính phủ nằm ngoài sự quy định của hiến pháp, pháp luật. Một trong những điều kiện để bảo đảm tính pháp chế là mọi hành vi vi phạm pháp luật về liêm chính của các cơ quan, tổ chức và CBCC chính phủ đều phải bị nghiêm trị. Có thể thấy, không xử lý nghiêm minh các hành vi bất liêm, bất chính thì mọi quy định pháp luật hay tổ chức bộ máy đều không còn ý nghĩa. Do đó, vấn đề quan trọng là cần bảo đảm để các quy định pháp luật được hiện thực hóa trong thực tế đời sống. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm minh đối với mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng, vốn là vấn đề nổi cộm trong số các biểu hiện vi phạm liêm chính.

Hai là, xác định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong hệ thống chính phủ một cách rõ ràng, khoa học.

Cơ sở của giải pháp này đó là: khi và chỉ khi chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước nói chung và bộ máy các cơ quan hành chính từ chính phủ đến địa phương trở nên rõ ràng, không chồng chéo, ít tầng nấc, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, thẩm quyền giải quyết công việc cụ thể, bộ máy tinh giản, hiệu lực, hiệu quả, thủ tục hành chính đơn giản thì mới có thể có sự liêm chính. Bởi, đó là điều kiện cần để các cơ quan nhà nước và CBCC thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, ngăn chặn tình trạng trốn tránh trách nhiệm trong TTCV, lợi dụng chức quyền để gây khó khăn, nhũng nhiễu. Khi đó, mỗi công việc cụ thể đều có con người cụ thể phụ trách và là cơ sở cho việc kiểm tra, đánh giá và truy cứu trách nhiệm với các hình thức biểu dương, khen thưởng đến các biện pháp kỷ luật, miễn nhiệm, bãi nhiệm…

Ba là, xây dựng đội ngũ CBCC đủ năng lực và đạo đức để thực thi liêm chính.

Một điều chắc chắn là không có những CBCC có năng lực, có đạo đức thì Chính phủ không thể liêm chính và không thể kiến tạo được. Do đó, Chính phủ phải có những CBCC có tài, có tâm, có tầm để phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân. Đây là một vấn đề lớn liên quan đến chính sách thu hút nhân tài, đến chế độ tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC. Đây cũng là một thách thức lớn mà Việt Nam không thể không giải quyết nếu muốn hiện thực hóa mục tiêu xây dựng CPLC.

Bốn là, cải cách chế độ tiền lương của CBCC.

Tiền lương có mối quan hệ rất mật thiết với việc giữ gìn sự liêm chính của CBCC. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo đảm lợi ích cá nhân của CBCC là một đòi hỏi khách quan mà Nhà nước luôn phải tính tới. Do đó, nếu mức lương cứ thấp và vấn đề “cơm áo gạo tiền” luôn là gánh nặng với CBCC thì việc giữ gìn sự liêm chính sẽ là một thách thức rất lớn. Vì khi đó, họ sẽ có xu hướng dùng quyền hạn để thu được lợi ích. Không có quyền lợi, thiếu quyền lợi thì người ta sẽ dùng quyền hạn để trục lợi 12. Đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, cải cách chế độ tiền lương của CBCC là một biện pháp căn cơ để tránh những hệ lụy, như: vòi vĩnh, nhận hối lộ, tham ô, tham nhũng… do CBCC có mức lương thấp không đủ trang trải cuộc sống. Do đó, việc quan trọng mà Việt Nam tiếp tục phải thực hiện đó là tinh giản biên chế, trả lương theo vị trí việc làm để có chế độ tiền lương hợp lý hơn đối với CBCC.

Năm là, xây dựng và duy trì môi trường liêm chính trong công vụ bằng sự minh bạch.

Một trong những vấn đề quan trọng để xây dựng CPLC đó là cần có môi trường hành chính công minh bạch. Minh bạch là một trong “bốn trụ cột” của hoạt động quản lý nhà nước trong thế kỷ XXI13. Đối với bộ máy nhà nước, minh bạch có vai trò rất quan trọng trong giảm thiểu tham nhũng. Đòi hỏi về minh bạch còn tạo ra được sức ép để bộ máy nhà nước vận hành tốt hơn.

Minh bạch thông tin là cơ sở để cơ quan nhà nước và công chức chịu trách nhiệm, là điều kiện quan trọng để loại trừ tham nhũng, trốn tránh trách nhiệm… Minh bạch thông tin giúp cho các thành phần khác nhau trong xã hội giám sát được hoạt động của các cơ quan nhà nước và công chức, do đó họ sẽ khó có điều kiện để thực hiện các hành vi bất liêm, bất chính. Vì vậy, cần thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch về các vấn đề trong quản lý nhà nước, như: dự thảo phân bổ ngân sách,quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mua sắm tài sản công, đấu thầu, thủ tục hành chính, kê khai tài sản, thu nhập của CBCC… Sở dĩ các nước phát triển ít tham nhũng vì họ minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ của Nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội.

Sáu là, sự nêu gương của những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong bộ máy hành chính nhà nước.

Theo Hồ Chí Minh, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền14. Do đó, sự nêu gương về liêm chính trong TTCV của những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là của những lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam hiện nay có ý nghĩa vô cùng lớn đối với việc giữ gìn sự liêm chính, từ đó nâng cao đạo đức công vụ. Đây là cách giáo dục vô cùng quan trọng, có tác dụng trực tiếp, mang tính thực chất và có giá trị lan tỏa sâu rộng hơn tất cả những lời kêu gọi hay những bài thuyết giảng chung chung.

Kết luận

Liêm chính là giá trị cốt lõi của các nền công vụ hiện đại. Xây dựng CPLC là đòi hỏi cấp thiết và là mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp liên quan đến tổ chức bộ máy, pháp luật, CBCC, tiền lương, minh bạch thông tin cũng như sự nêu gương của người đứng đầu và cần được tiếp cận ở cả hai cấp độ: pháp lý và đạo đức. Đây là mục tiêu khó khăn, nhưng không phải là mục tiêu xa xôi, nếu từng cá nhân CBCC luôn giữ gìn sự trong sạch, ngay thẳng của mình trong từng lời nói và hành động mỗi ngày. CPLC phụ thuộc vào từng cá nhân liêm chính. Và, để cá nhân liêm chính, thì ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần tạo môi trường, tạo cơ hội để ở đó người CBCC muốn liêm chính, có thể liêm chính, phải liêm chính, và không có cơ hội để bất liêm, bất chính.

Chú thích:
1. Từ điển Bách khoa toàn thư mở, truy cập ngày 20/11/2013.
2. Từ điển Oxford Advanced Learner’s, Oxford Unviversity Press.
3. Hoàng Phê (chủ biên). Từ điển Tiếng Việt. NXB Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học, 2000, tr. 567.
4. Killinger, Barbara. Integrity: Doing the Right Thing for the Right Reason. McGill-Queen’s University Press, 2010, p. 12.
5, 6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 2000, tr. 640, 640.
7. Về chữ “chính” trong cụm từ “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính”.  http://www.xaydungdang.org.vn, đăng ngày 16/7/2007.
8, 9. S. Chiavo-Campo và P.S.A. Sundaram. Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh”. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2003, tr. 72, 665.
10. Xây dựng chính phủ kiến tạo và liêm chính, bắt đầu từ đâu? (bài phỏng vấn luật sư Nguyễn Tiến Lập). http://www.thesaigontimes.vn, ngày 01/01/2017.
11. Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI 2017: Việt Nam có tín hiệu tích cực https://vov.vn, ngày 22/2/2018.
12. Bùi Thị Ngọc Mai. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Luận án tiến sĩ Quản lý Hành chính công. Học viện Hành chính Quốc gia, 2015, tr. 139.
13. Bốn trụ cột bao gồm: trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, tính dự đoán được và sự tham gia – Dẫn theo S. Chiavo-Campo và P.S.A. Sundaram. Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh.H. NXB Chính trị quốc gia, 2003.
14. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1.H. NXB Chính trị Quốc gia, 2000, tr. 263.
TS. Bùi Thị Ngọc Mai
Học viện Hành chính Quốc gia