(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 29/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn đàn “Báo chí – doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển bền vững”.
Dự diễn đàn có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Thanh Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cùng các đại diện là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội, các cấp Hội Nhà báo và các doanh nhân, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế, ngân sách khó khăn, khả năng thanh khoản của doanh nghiệp giảm mạnh, công ăn việc làm của công nhân bị ảnh hưởng, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, cùng với đó, việc Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo sinh kế cho người dân…
Đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định, trong quá trình thực hiện “mục tiêu kép”, báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp khi phải đảm bảo vừa sản xuất vừa phải chống dịch, qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Ngược lại, trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện nhiều thông tin đa chiều, thông tin xấu độc gây hoang mang dự luận, những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho chính doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất, khi doanh nghiệp thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành giữa báo chí trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm.
Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nêu những giải pháp của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trong công tác truyền thông chính sách đến doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, nhà báo Hồng Sâm ca ngợi vai trò của báo chí và doanh nghiệp trong phòng chống đại dịch Covid-19… Với tư cách của một cơ quan báo chí, nhà báo Hồng Sâm mong muốn các phóng viên, nhà báo bên cạnh việc phản ánh thực trạng, cần biết đề xuất các giải pháp. Về mối quan hệ với các doanh nghiệp, ông mong muốn các doanh nghiệp coi báo chí là đối tác để chủ động cung cấp thông tin…
Nhà báo Phạm Đức Thái, Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam chia sẻ về công tác thông tin kinh tế Việt Nam ra công chúng nước ngoài. Ông mong muốn công tác thông tin đối ngoại được các Ban ngành Trung ương quan tâm hơn nữa để luôn đúng, trúng và có hiệu quả vì một Việt Nam phát triển bền vững.
Nhà báo Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư mong muốn các cơ quan báo chí và doanh nghiệp phục vụ lẫn nhau, cùng nhau đi lên. Theo ông, doanh nghiệp luôn luôn là nguồn cảm hứng để các cơ quan báo chí đưa thông tin. Ông hy vọng các doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp những thông tin của doanh nghiệp mình để độc giả biết đến, doanh nghiệp cần coi báo chí là một kênh truyền thông để lan tỏa thương hiệu doanh nghiệp.
Nêu tham luận về “Báo chí đồng hành cùng Chính phủ – Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, nhà báo Nguyễn Đức Thành, đại diện Báo Lao động cho biết: “Không có nghề nào là nhẹ nhàng. Báo chí càng là một nghề gian khó. Bởi vinh quang có thể được phủ lên sau những ngày vất vả đi tìm sự thật, nhưng cũng chính vinh quang ấy có thể thiêu đốt những thành công nếu như nhà báo không tự chiến thắng bản thân khỏi những cám dỗ. Có nhiều nghề mà mỗi người vẫn phải tự nỗ lực vượt qua chính bản thân để chiến thắng sự ma mị của bạc tiền, danh vọng. Nhưng ở nghề báo, chiến thắng bản thân thôi chưa đủ. Còn cần cả tinh thần đồng đội, tinh thần cống hiến, tinh thần hi sinh cái riêng để bảo vệ cái chung. Tháng sáu là chuỗi ngày vinh danh những người làm báo. Có lẽ không có nhiều nghề mà sự vinh danh được xã hội tự nhiên kéo dài gần như cả tháng. Cũng dễ hiểu thôi, báo chí cách mạng là nền báo chí phụng sự Nhân dân, song hành cùng doanh nghiệp và đồng hành cùng Chính phủ…”
Các ý kiến, tham luận tại Diễn đàn đều khẳng định, thời gian tới, mối quan hệ đồng hành giữa báo chí – doanh nghiệp cần được duy trì, phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, để mối quan hệ này thực sự có hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động, minh bạch thông tin với báo chí. Cơ quan báo chí cần phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo…
Tổng kết diễn đàn, nhà báo Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, diễn đàn đã nhận được gần 20 ý kiến và tham luận của các đại biểu. Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan báo chí, các nhà báo, doanh nghiệp thảo luận, phân tích làm rõ thực trạng và vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, từ đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp, từ đó thắt chặt mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của xã hội.
Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, trong thời gian tới, mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp cần được duy trì và phát triển hơn nữa, tuy nhiên, để mối quan hệ này thực sự có hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động và minh bạch thông tin với báo chí. Nhà báo Nguyễn Đức Lợi đề xuất có sự ký kết hợp tác sâu rộng giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.