Một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ở Nghệ An

(Quanlynhanuoc.vn) – Những thành tựu nổi bật trong cải cách hành chính (CCHC) của Việt Nam trong suốt thời gian qua có phần đóng góp to lớn của chính quyền các địa phương. CCHC mà trọng tâm là cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ, hợp hiến, hợp pháp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất, sáng tạo trong giải quyết các yêu cầu từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, địa phương; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số… là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.
Ảnh minh hoạ: baonghean.vn.
Thực tiễn cải cách hành chính nhà nước, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Nghệ An

Trong những năm qua, Nghệ An đã liên tục ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Ngày 10/01/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 96/QĐ-UBND ban hành nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An năm 2019, trong đó có các nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Cũng trong năm 2019, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn thanh tra thực hiện trình tự thủ tục hành chính (TTHC) của 10 dự án đầu tư trên địa bàn và đã ban hành Kết luận Thanh tra số 471/KL-UBND ngày 05/5/2019, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị thực hiện chậm các nhiệm vụ công vụ. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra thực hiện TTHC, kiểm tra công vụ của Văn phòng UBND tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, Thanh tra tỉnh… đã đôn đốc các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết TTHC cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Ngày 14/12/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, nhiều cơ chế chính sách tiếp tục được hoàn thiện; tổ chức bộ máy từng bước được sắp xếp tinh gọn hơn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; đội ngũ cán bộ, công viên chức được sắp xếp hợp lý hơn; TTHC được đơn giản hoá, minh bạch, tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý cũng ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ có những chuyển biến tích cực, rõ nét hơn. Tuy nhiên, đạo đức công vụ là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp và có nhiều ý kiến đa chiều.

Ngày 02/10/2020, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An chính thức vận hành. Theo đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh có TTHC sẽ tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm này, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết TTHC, qua đó tạo lập môi trường làm việc thống nhất, thuận tiện, văn minh, hiện đại; tích hợp được các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; tiếp nhận trực tiếp, nhanh chóng, kịp thời sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, cũng như xử lý kịp thời những kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Ngày 28/7/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2642/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và sở, ban ngành tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025. Đề án này được giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Nghệ An (VCCI Nghệ An) và một số đơn vị khác tổ chức triển khai thực hiện.

DDCI là Bộ Chỉ số đánh giá, xếp hạng các địa phương và sở, ban, ngành về chất lượng điều hành kinh tế và đóng góp vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp. Chỉ số DDCI được xây dựng với mục đích kép: trao quyền cho cộng đồng doanh nghiệp địa phương đóng góp tiếng nói và thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh; mặt khác, đặt các cơ quan sở, ban, ngành và các địa phương thuộc tỉnh vào tâm thế thường trực cải cách và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Từ những nỗ lực CCHC, trong những năm qua, nhiều Chỉ số về CCHC, quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Nghệ An đã đạt được những kết quả khả quan, có tính bền vững. Cụ thể, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của Nghệ An đạt 43,821 điểm, thuộc top các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Trước đó, năm 2020, Nghệ An đạt 43,86 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố. Năm 2020, Chỉ số CCHC (PAR Index) của Nghệ An đạt 85,28 điểm, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 6 bậc so với năm trước đó.

Bên cạnh công tác CCHC được chính quyền tỉnh Nghệ An quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI để thu hút đầu tư hiệu quả hơn. Xác định Chỉ số PCI là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá về năng lực, môi trường kinh doanh, trong những năm gần đây, cùng với việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI và tiếp tục chỉ đạo triển khai Đề án nâng cao chất lượng các Chỉ số, trong đó có Chỉ số PCI. Do đó, Chỉ số PCI của Nghệ An liên tục được cải thiện một cách bền vững với nhiều giải pháp đồng bộ.

Như chúng ta đã biết, Chỉ số PCI được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực CCHC của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đây là kết quả của nỗ lực hợp tác liên tục, bền bỉ kể từ năm 2005 cho tới nay giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Với quy mô điều tra toàn diện và phương pháp luận cập nhật định kỳ, Chỉ số PCI thường niên phản ánh kịp thời những chuyển động của môi trường kinh doanh, chuyển tải tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố từ những trải nghiệm thực tế của hơn 10.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước, gần 1.200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có các doanh nghiệp tại Nghệ An.

Năm 2019, Chỉ số PCI của Nghệ An đạt 66,64 điểm, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2018 và nằm trong các tỉnh có Chỉ số PCI khá, tiếp tục là tỉnh dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Đây cũng là vị trí cao nhất từ trước tới nay của tỉnh nhà. Theo kết quả, các Chỉ số thành phần PCI năm 2019 của Nghệ An hầu hết đều được đánh giá tốt hơn so với năm 2018. Tiếp đó, năm 2020, Chỉ số PCI tỉnh Nghệ An đạt 64,73 điểm, đứng thứ 18 của cả nước, tiếp tục nằm trong top đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tất cả những con số biết nói đó đã minh chứng cho những nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực CCHC, làm trong sạch môi trường đầu tư của chính quyền các cấp trong tỉnh.

Thời gian qua, việc vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chưa có tiền lệ một cách kiên trì, quyết liệt và hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất – kinh doanh thông suốt, không đứt đoạn là nỗ lực to lớn của chính quyền tỉnh Nghệ An.

Những bất cập cần được tháo gỡ trong quá trình thực hiện

Mặc dù rất cố gắng, nhưng do có nhiều địa phương bứt phá mạnh mẽ, quyết liệt nên PCI năm 2021 của tỉnh Nghệ An chỉ đạt 64,74 điểm, tụt 12 bậc so với năm 2020, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành trong cả nước, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ (sau Thừa Thiên Huế và Hà Tĩnh), thuộc nhóm khá.

Theo kết quả khảo sát, các Chỉ số thành phần PCI năm 2021 của tỉnh nhà có 5 chỉ số tăng: Tiếp cận đất đai (6,54 điểm lên 6,94 điểm); Tính minh bạch (tăng từ 6,04 lên 6,1); Chi phí không chính thức (6,22 tăng lên 6,5); Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (6,78 tăng lên 7,57); Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (6,53 lên 6,59) và 5 chỉ số giảm gồm: Gia nhập thị trường (giảm từ 7,39 xuống 6,99); Chi phí thời gian (7,61 xuống 7,54); Tính cạnh tranh bình đẳng (6,35 xuống 4,21); Đào tạo lao động (6,25 xuống 5,82); Tính năng động của chính quyền địa phương (6,31 xuống 6,27). Đây là một vấn đề cần phải được xem xét, đánh giá và tìm ra nguyên nhân để khắc phục một cách nghiêm túc.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân chính vẫn là tình trạng “trên bảo, dưới không nghe” hay “tỉnh mở mà sở thì thắt” đã, đang và sẽ tồn tại ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Nghệ An mà chưa thể giải quyết một sớm, một chiều.

Trong khi chính quyền tỉnh Nghệ An đang nỗ lực xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước thì đâu đó, vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”. Trong các cơ quan công quyền, tình trạng “trên bảo, dưới không nghe”, “nói một đằng, làm một nẻo”, lợi ích nhóm, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, trục lợi chính sách… vẫn còn xảy ra. Tháng 3/2022, công an TP. Vinh đã khởi tố 3 cán bộ, gồm trưởng phòng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và 1 chuyên viên, 1 cán bộ Phòng Hỗ trợ doanh nghiệp – Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An với cáo buộc làm trái quy định khi tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp. Từ năm 2017 đến giữa tháng 3/2022, các bị can đã làm trái quy định khi bắt tay với một doanh nghiệp ở địa bàn tiếp nhận hơn 3.000 bộ hồ sơ làm thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Nhiều hồ sơ của các doanh nghiệp khác bị nhóm cán bộ này gây khó dễ, xử lý thủ tục chậm hơn so với quy định. Mở rộng vụ án, cơ quan điều tra thu thập được nhiều tài liệu phản ánh hoạt động môi giới dự án trên các lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, xây dựng ở địa bàn Nghệ An do các bị can tham gia. Đây được cho là một sự việc vô cùng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của Đảng bộ và chính quyền tỉnh trong nỗ lực CCHC, làm trong sạch môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư; và đặc biệt là vấn đề đạo đức công vụ như đã đề cập ở trên. Đây cũng có thể là nguyên nhân gián tiếp làm giảm Chỉ số PCI năm 2021 của Nghệ An khi mà không ít doanh nghiệp có ý kiến về chi phí thời gian, tính cạnh tranh bình đẳng.

Một số giải pháp cải cách hành chính nhà nước, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Nghệ An trong thời gian tới

PCI cùng với DDCI đã, đang và sẽ là tiếng nói, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tới chính quyền các cấp nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Theo thống kê, cứ 5 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì đã có 1 doanh nghiệp từng tham gia việc điều tra PCI. Con số này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và Nghệ An nói riêng rất có trách nhiệm và tâm huyết với PCI, xem đây như là một kênh hiệu quả để phản ánh ý kiến của mình về môi trường kinh doanh và năng lực điều hành của chính quyền địa phương. PCI đã trở thành nguồn thông tin khách quan, có tính tham khảo cho chính quyền cấp tỉnh và Trung ương trong việc hoạch định và thực thi chính sách cải cách kinh tế, hỗ trợ cho các bên có liên quan triển khai các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh; đồng thời là nguồn thông tin quan trọng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước cân nhắc, lựa chọn các địa điểm đầu tư, kinh doanh phù hợp.

Để PCI Nghệ An tăng hạng so với năm 2021 và tiến tới nằm trong top 15 như mong muốn, chính quyền tỉnh Nghệ An cần chú trọng vào những “điểm nghẽn” sau:

Một là, tiếp tục CCHC mạnh mẽ, có chiều sâu, tạo sự đột phá, tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề mà doanh nghiệp, người dân quan tâm và có nhiều ý kiến như: Bộ máy vẫn còn cồng kềnh, chưa tinh gọn; ý thức, trách nhiệm và đạo đức công vụ của không ít cán bộ, công viên chức chưa cao. Nếu không được xử lý nghiêm sẽ làm mất niềm tin vào nỗ lực CCHC của chính quyền); một số cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ và bất cập gây không ít phiền toái cho doanh nghiệp; trong nhiều lĩnh vực, TTHC vẫn còn nhiêu khê, phức tạp; cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại một số đơn vị còn chưa hiệu quả; nạn phong bì, chi phí không chính thức vẫn còn phổ biến tại một số sở, ngành nên nhiều doanh nghiệp (qua khảo sát) vẫn cho rằng đó là một phần của thực tế kinh doanh nếu muốn công việc được thuận lợi…

Hai là, không ít các doanh nghiệp phản ánh chính quyền một số địa phương vẫn ưu ái hơn với các doanh nhiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu trong việc tiếp cận các nguồn lực Nhà nước như đất đai, tài chính, đấu thầu. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp thiếu năng lực vẫn luôn trúng thầu, đặc biệt là những gói thầu lớn làm nhiều doanh nghiệp liêm chính khác chán nản và mất niềm tin. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần ra soát, thanh kiểm tra những doanh nghiệp được cho là “lùm xùm” đó một cách công khai, minh bạch.

Ba là, nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu của sở, ban, ngành và các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ.

Bốn là, chính quyền cần coi trọng và đánh giá cao hơn nữa vai trò của VCCI và các Hiệp hội Doanh nghiệp tại địa phương. Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả hơn với các Tổ chức này trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị của doanh nghiệp.

Năm là, tiếp tục các giải pháp nâng cao chất lượng các chỉ số, trong đó có Chỉ số PCI; chú trọng hơn nữa các chỉ số thành phần của PCI, như: Gia nhập thị trường, Chi phí thời gian, Tính cạnh tranh bình đẳng, Đào tạo lao động,Tính năng động của chính quyền địa phương. Theo khảo sát PCI năm 2021, bất chấp những tác động của Covid-19, doanh nghiệp tại các địa phương ghi nhận tính năng động của chính quyền địa phương có kết quả tốt nhất từ trước tới nay. Việc PCI của Nghệ An giảm điểm trong Chỉ số thành phần này lại cần phải được xem xét nghiêm túc, có biện pháp khắc phục kịp thời.

Hiện nay Nghệ An đang thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, đa dạng. Những doanh nghiệp này đang cần tuyển dụng số lao động lớn, có tay nghề, có trình độ lên đến hàng chục ngàn người. Mặc dù Nghệ An có rất nhiều cơ sở đào tạo, dạy nghề, nhưng cũng chỉ đào tạo một số nhóm nghề, chậm đổi mới quy trình đào tạo, đào tạo theo hợp đồng, theo đơn đặt hàng là chính. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm điểm của Chỉ số thành phần Đào tạo lao động. Đã đến lúc chính quyền cần hỗ trợ, định hướng cho các trường nghề, trung tâm đào tạo lao động đánh giá và tiên lượng nhu cầu xã hội một cách chuẩn xác trước khi đào tạo.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực cải cách TTHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước các cấp; gia tăng mạnh mẽ tiện ích để sử dụng cho người dân và doanh nghiệp; có phương pháp phù hợp để tuyên truyền, vận động và thu hút người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số cùng với phát triển mạnh và có hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông. Coi đây là một trong những cơ sở quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Thị Hoài An
Trường Chính trị tỉnh Nghệ An