(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 30/6/2022 tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Khoa học Hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: “Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn” thuộc đề tài khoa học trọng điểm cấp Bộ năm 2022. Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
NGƯT.PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bộ Nội vụ dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo. TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính và TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính đồng chủ trì Hội thảo.
Về phía đại biểu, khách mời, có: TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện khoa học tổ chức nhà nước; TS. Trần Nghị, Tổng biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước; ThS. Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính và lãnh đạo một số Vụ của Bộ Nội vụ; lãnh đạo Sở Nội vụ một số tỉnh, thành phố; ông Hoàng Văn Tân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An; bà Lê Thị Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; ông Bùi Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội; ông Đào Duy Thản, Chủ tịch UBND xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị, phân viện cùng đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, viên chức trong và ngoài Học viện.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, NGƯT.PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bộ Nội vụ cho biết, đây là đề tài nhánh của Đề tài cấp Bộ “Tổ chức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả” thuộc chương trình trọng điểm năm 2021-2025, là Chương trình trọng điểm phục vụ cho nhiệm vụ của Bộ Nội vụ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua. Những nội dung, chất lượng của đề tài nhánh hết sức quan trọng, quyết định chất lượng Đề tài trọng điểm cấp Bộ. Vấn đề đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn rất quan trọng nhằm đánh giá, xây dựng các chính sách phù hợp với thực tiễn.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Đặng Thành Lê khẳng định, hiện nay Việt Nam có 63 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, 705 ĐVHC cấp huyện và 10.599 ĐVHC cấp xã (trong đó có 8.253 xã, 614 thị trấn, chiếm đến 83,7% ĐVHC cấp xã; với 185.447 cán bộ, công chức; đặc biệt có 3.434 xã, chiếm tỷ lệ 41,6% cấp xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Về mô hình quản lý hành chính, có 357 xã thuộc thành phố trực thuộc tỉnh, 299 xã thuộc thị xã và 7.599 xã thuộc huyện). Như vậy, đối tượng phục vụ của chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương ở xã, thị trấn hết sức đa dạng và có sự khác biệt về điều kiện kinh tế – xã hội, điều kiện tự nhiên và điều kiện quản lý. Đây chính là thách thức lớn trước yêu cầu phải đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã để thể hiện được bản chất chính quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Đổi mới quản trị của chính quyền địa phương gắn với cấp cơ sở, đặc biệt là chính quyền ở xã, thị trấn chính là tạo nền tảng cho sự đổi mới bền vững của bộ máy nhà nước, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Muốn đổi mới, cần có sự nhìn nhận, đánh giá thực trạng một cách khách quan, khoa học, có căn cứ, cơ sở pháp lý về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn. Có như vậy quá trình đổi mới của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn mới đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay và lâu dài.
TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính báo cáo tổng quan về chính quyền địa phương và sự khác nhau giữa chính quyền địa phương ở xã, thị trấn; thực trạng về tổ chức chính quyền địa phương, tình hình nhân sự ở xã, thị trấn; thực trạng về tổ chức của HĐND, cơ cấu đại biểu HĐND ở xã, thị trấn; thực trạng hoạt động của HĐND… và một số vấn đề đặt ra. Đồng thời, TS. Nguyễn Thị Hường cũng đưa ra nguyên nhân nhân tồn tại, hạn chế là do cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động còn một số bất cập; Thường trực HĐND xã, thị trấn, đặc biệt là Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách ở một số địa phương còn hạn chế về trình độ và năng lực, thiếu ổn định; đại biểu làm việc chuyên trách quá ít; một số đại biểu còn hạn chế về trình độ, năng lực, thiếu tâm huyết; điều kiện bảo đảm cho các hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND còn hạn chế; một số ban, ngành, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của HĐND; ý thức chấp hành nghị quyết của HĐND ở một số cơ quan nhà nước chưa cao; một số cấp ủy chưa thật sự quan tâm đến hoạt động HĐND.
Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở khẳng định, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước tại địa phương. Nêu rõ thực trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở xã và thị trấn. Đồng thời, đưa ra 6 giải pháp nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở xã và thị trấn, gồm: đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND xã, thị trấn; đổi mới tổ chức và hoạt động của UBND xã, thị trấn; đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương xã, thị trấn; nâng cao năng lực, tiến tới tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức xã, thị trấn; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng và công tác mặt trận, các đoàn thể nhân dân tại xã, thị trấn; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số.
Tham luận tại hội thảo, TS. Tạ Ngọc Hải đưa ra 3 vấn đề: hiện nay cả nước có 1.963/10.599 ĐVHC cấp xã đạt chuẩn 2 tiêu chí về dân số và diện tích (chiếm hơn 18%); về thí điểm chính quyền đô thị; phân cấp, phân quyền và chức năng, nhiệm vụ gắn với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. TS. Tạ Ngọc Hải coi đây chính là những thách thức đặt ra trong đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn.
Tham luận tại Hội thảo, bà Lê Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, cấp cơ sở là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, là nơi phản ánh trung thực sức sống của chính sách pháp luật, phản ánh sự tiếp nhận của công dân, của doanh nghiệp, của các tổ chức, đơn vị về việc thực thi của pháp luật một cách cụ thể, sinh động. Hoạt động của HĐND xã hiện nay vẫn chưa thực sự phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương và còn tồn tại, hạn chế một số mặt, như: công tác tham gia xây dựng và tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của HĐND còn thiếu chủ động; chất lượng các nội dung trình kỳ họp còn thấp… Từ thực trạng, bà Lê Thị Thúy đưa ra 3 giải pháp về đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn: (1) Để cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương hoạt động thực sự hiệu lực, hiệu quả khi không còn HĐND chính là công tác cán bộ. Việc quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải thực sự bảo đảm là người có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. (2) Cần tăng cường mở rộng dân chủ đi đôi với công khai các chủ trương, chính sách các dự án… để Nhân dân được biết và giám sát việc thực hiện đối với cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. (3) Tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan nhà nước cấp trên đối với cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Hội thảo nghe các đại biểu, gồm: ông Hoàng Văn Tân, Phó Chủ tịch HĐND xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An; ông Bùi Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội; ông Đào Duy Thản, Chủ tịch UBND xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ tham luận về thực trạng và những vấn đề đặt ra trong đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn tại cơ sở. Các đại biểu cùng chung quan điểm trong công tác bố trí cán bộ đề xuất, cần bổ sung thêm cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách tại Văn phòng Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND cấp xã để giải quyết các nhiệm vụ kịp thời. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cán bộ, công chức (hiện nay cán bộ có trình độ đại học chiếm khoảng 50%); đội ngũ cán bộ cấp xã còn bị hạn chế gặp nhiều khó khăn về cơ chế và phải kiêm nhiệm nhiều vị trí.
Ngoài ra, Hội thảo còn nhận được các tham luận gửi đến và ý kiến của các giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài Học viện về: đổi mới hoạt động của chính quyền cấp xã đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước ở địa phương; một số vấn đề đặt ra trong đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia; hoàn thiện tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã ở Việt Nam từ bài học kinh nghiệm quốc tế; thách thức trong đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền cấp xã qua thực tiễn sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở tỉnh Thừa Thiên Huế; đổi mới tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo hướng hiện đại, hiệu quả qua thực tiễn tại tỉnh Thái Nguyên…
Kết thúc Hội thảo, TS. Đặng Thành Lê cảm ơn các nhà khoa học tham dự hội thảo, các ý kiến đóng góp về mặt học thuật cũng như những nhìn nhận từ thực tiễn rất quan trọng để ban nghiên cứu đề án hoàn thiện nội dung, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm tham mưu Chính phủ để có những quyết sách trong đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn.