Chính sách về khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong những năm qua, đã có nhiều chủ trương, chính sách và cơ chế khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ (KHCNđã được Đảng và Nhà nước ban hành. Đặc biệttheo tinh thần đổi mới phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế được thể chế hóa kịp thời tại các văn bản luật của Quốc hội như: Luật KHCN năm 2013, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản dưới luật của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo.
Ảnh: bacgiang.gov.vn
Kết quả đạt được

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KHCN đã cơ bản được hoàn thiện, chất lượng văn bản ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) đất nước nói chung và vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTSMN) nói riêng, đưa KHCN dần trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng DTTSMN.

Trong lĩnh vực nghiên cứu về KHXH có nhiều chương trình, đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp Quốc gia, cấp bộ liên quan đến những vấn đề xã hội trọng yếu. Hoạt động nghiên cứu khoa học luôn bám sát các yêu cầu cấp bách của cuộc sống và nhu cầu quản lý sự phát triển xã hội của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Về cơ bản, các đề tài, nhiệm vụ được thực hiện thời gian qua đã đạt được kết quả và chất lượng đáng kể góp phần cung cấp hệ thống luận cứ khoa học có giá trị cả về lý luận lẫn thực tiễn cho việc tham khảo để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nói chung, chính sách dân tộc, chính sách phát triển KTXH ở vùng DTTSMN nói riêng.

Các kết quả nghiên cứu, chuyển giao, mô hình KHCN đã đem lại hiệu quả kinh tế đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực nhờ các giải pháp KHCN trong quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các dự án thuộc chương trình nông thôn, miền núi đã xây dựng được một số mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN có hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh trong vùng DTTSMN và thực hiện được nhiều mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hỗ trợ tạo việc làm cho các lao động thường xuyên và lao động thời vụ, tạo sinh kế cho đồng bào người dân vùng DTTSMN và chuyển giao được nhiều công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển KTXH khu vực DTTSMN như: các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình ương nuôi cá chình hoa giống và thương phẩm đạt năng suất và hiệu quả cao tại Thanh Hóa; ứng dụng tiến bộ KHCN nâng cao chất lượng chè nguyên liệu cho chế biến chè Ôlong và chè xanh chất lượng cao tại tỉnh Lai Châu; ứng dụng công nghệ mới trong sấy gỗ rừng trồng tại tỉnh Phú Thọ; xây dựng mô hình ứng dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật nhằm sản xuất cà phê, chè bền vững tại tỉnh Sơn La.

Nhiều địa phương, trên cơ sở hoạt động KHCN đã xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả, đặc biệt việc hình thành các vùng chuyên canh sản xuất theo chuỗi sản phẩm, hình thành các mối liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản, sản phẩm chủ lực của địa phương, xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản của địa phương, giúp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường. Hoạt động KHCN đã hỗ trợ tích cực trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới,

Một số doanh nghiệp đổi mới và phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nhà kính, nhà lưới đồng bộ, quy mô tập trung, hiện đại và đưa phương thức mới vào sản xuất, đẩy mạnh việc đầu tư chuyển giao công nghệ sản xuất rau, quả an toàn trong nhà mái che cho các hộ gia đình, kết nối xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao, tạo chuỗi sản phẩm hàng hóa lớn, an toàn, chất lượng và giá trị cao.

Một số tồn tại hạn chế

Việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật ở một số địa phương có lúc, có nơi còn chậm, chưa thực sự coi trọng KHCN, chưa gắn KHCN trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Chủ yếu chỉ tập trung triển khai thực hiện các văn bản, các chương trình của trung ương, ít có chính sách riêng để KHCN phát huy lợi thế so sánh, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Mặt khác, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện một số chương trình chính sách có nơi còn lúng túng.

Số lượng các nhiệm vụ KHCN thực hiện phục vụ cho phát triển KTXH vùng DTTSMN còn ít (trong gần 10 năm với hơn 700 nhiệm vụ), quy mô nhỏ. Chương trình trọng điểm nông thôn, miền núi (Quyết định số 1831; Quyết định số 1747) được phân bổ cho các địa phương có sự chênh lệch khá lớn: một số địa phương có tỷ lệ DTTS cao nhưng số nhiệm vụ, nguồn kinh phí được cấp rất thấp và ngược lại một số địa phương có tỷ lệ DTTS thấp nhưng số nhiệm vụ, nguồn kinh phí được cấp rất cao.

Các đề tài nghiên cứu, ứng dụng thường tập trung nghiên cứu các vấn đề độc lập, ít có sự gắn kết. Chưa chú trọng nghiên cứu theo chuỗi giá trị sản phẩm, do vậy, chưa góp phần thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi liên kết gắn với thị trường tiêu thụ. Công tác triển khai ứng dụng, duy trì và nhân rộng mô hình (kết quả dự án) vào thực tiễn sản xuất còn gặp một số khó khăn về vốn sản xuất. Các dự án sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa quy mô chưa lớn, chưa khép kín từ khâu nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển vùng nguyên liệu đến sơ chế, chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường.

Việc đề xuất, tuyển chọn, nghiệm thu, đánh giá hiệu quả các nghiên cứu phục vụ phát triển KTXH vùng DTTSMN còn hạn chế, nhiều khi mang tính hình thức. Các kết quả nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học xã hội chưa được các cơ quan quản lý đánh giá và sử dụng đúng mức. Một số nghiên cứu chỉ dừng lại ở các dự án điểm, hàm lượng khoa học chưa cao, trùng lắp về nội dung, ít có kiến nghị cụ thể, hữu ích.

Việc chuyển giao các tiến bộ KHCN, đổi mới công nghệ, thiết bị còn chậm, hiệu quả chưa cao; chưa thu hút nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KHCN. Một số mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được thử nghiệm thành công và có hiệu quả, nhưng lại chưa có nguồn vốn để nhân rộng, triển khai thực hiện tiếp theo.

Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầu tư cho KHCN tại vùng DTTSMN, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước do thiếu cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đặc biệt là chính sách về vốn, thuế, hỗ trợ phát triển. Phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lĩnh vực thế mạnh của vùng dân tộc, miền núi là nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt… chưa theo kịp với nhu cầu sản xuất để kết nối giữa KHCN và thị trường, mối liên kết giữa 4 nhà “Quản lý – khoa học – doanh nghiệp – nông dân”. Đa phần doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được vai trò dẫn dắt, tiên phong trong việc tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng KHCN vào sản xuất.

Việc huy động nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư phát triển KHCN cho đồng bào DTTS còn khó khăn, liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp còn hạn chế.

Nguồn nhân lực KHCN nói chung và phục vụ phát triển KTXH vùng DTTSMN nói riêng có xu hướng suy giảm về chất lượng và số lượng do thiếu các chính sách trọng dụng nhân tài trong khoa học, ưu đãi với người làm công tác nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp – một trong những lĩnh vực mà người làm công tác nghiên cứu khó có thể có thu nhập cao. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ KHCN đầu ngành ngày càng thiếu vắng. Thực hiện chủ trương trọng dụng nhân tài trong khoa học, nhất là các tài năng trẻ còn hạn chế, dàn trải, thiếu chiều sâu và không phát huy được tác dụng.

Đầu tư kinh phí cho nghiên cứu còn thấp với nhu cầu hầu hết của các địa phương trong cả nước. Do thiếu kinh phí đầu tư nên dẫn đến việc cơ sở vật chất kỹ thuật ở nhiều viện nghiên cứu nông nghiệp còn lạc hậu. Phương thức đầu tư, cơ chế tài chính trong hoạt động KHCN chậm đổi mới, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN, làm giảm năng lực sáng tạo.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

Về cơ bản, hệ thống chính sách pháp luật về KHCN liên quan đến vùng DTTSMN đến nay chưa bộc lộ các quy định mâu thuẫn, chồng chéo lớn nhưng có nhiều điểm chưa phù hợp; chưa có hệ thống văn bản riêng về hoạt động KHCN phục vụ phát triển bền vững cho vùng DTTSMN. Chưa có các chính sách, giải pháp mạnh mẽ về KHCN để tạo đột phá trong những lĩnh vực vùng DTTSMN có lợi thế hoặc để giải quyết những vấn đề cơ bản của miền núi như phát triển nông lâm nghiệp, chế biến, giải quyết nước sinh hoạt, ứng phó thiên tai…

Hiện chưa có chương trình nghiên cứu chuyên sâu, đa ngành, đa lĩnh vực về thực hiện chính sách, pháp luật về KHCN, còn thiếu cơ chế phối hợp nghiên cứu và xây dựng, thực hiện, đánh giá và bổ sung chính sách giữa các tổ chức Đảng, cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan khoa học đã gây khó khăn trong việc thu hút nguồn lực, nhất là từ doanh nghiệp tham gia hoạt động KHCN tại vùng DTTSMN.

Cơ chế quản lý hành chính trong khoa học – hành chính hóa khoa học còn nặng nề, gây cản trở đến tiến độ và chất lượng khoa học. Nhiều nhiệm vụ khoa học khi được phê duyệt và triển khai thì nhiều nội dung nghiên cứu cũng như dự toán định mức chi đã trở nên lỗi thời. Cơ chế và quy định xét duyệt, đánh giá và thanh quyết toán có nhiều điểm không phù hợp, không bảo đảm tính khoa học, không khuyến khích được tính mới, tính sáng tạo trong khoa học.

Cơ chế phân bổ ngân sách cho khoa học còn nhiều bất cập, như các cơ quan và địa phương không có chức năng nghiên cứu nhưng được phân bổ rất nhiều chương trình, đề tài, nhiệm vụ… và kèm theo là nguồn kinh phí lớn, trong khi mức phân bổ cho các tổ chức khoa học lại rất hạn chế, khiến các tổ chức và nhà khoa học trở thành đơn vị và cá nhân đi làm thuê cho các tổ chức và địa phương, trong khi việc thực hiện theo chức năng nhiệm vụ chính được giao lại rất hạn chế.

Các nhiệm vụ KHCN của các doanh nghiệp triển khai tại các vùng còn khó khăn về nguồn vốn và khả năng đầu tư của các hộ nông dân còn hạn chế. Đất đai phân tán, điều kiện giao thông tại các vùng dự án còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đủ năng lực phục vụ các hoạt động KHCN cho các doanh nghiệp KHCN còn hạn chế. Đa số các đề tài, nhiệm vụ KHCN được đơn vị triển khai là các đề tài, nhiệm vụ khoa học có quy mô nhỏ, nguồn kinh phí ít nên chưa có nhiều sản phẩm, chưa có sức lan tỏa, tác động mạnh đến phát triển KTXH hội của địa phương.

Địa bàn vùng DTTS và miền núi rộng còn nhiều khó khăn, dân cư ở phân tán, thị trường tiêu thụ nhỏ lẻ manh mún, một số nơi vẫn còn phong tục tập quán lạc hâu, mặt bằng dân trí thấp, tư duy ngại đổi mới lo sợ rủi ro thất bại cùng với điều kiện kinh tế khó khăn, người dân chưa thực sự quan tâm trong việc áp dụng những tiến bộ KHCN vào trong sản xuất. Đồng thời, ảnh hưởng rất lớn trong việc xây dựng và triển khai nhiệm vụ KHCN cho người dân ở vùng này.

Một số giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030

Giai đoạn tới đây, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KHCN trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với quan điểm: “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển KTXH và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp…”, đối với khu vực miền núi dân tộc cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Xây dựng cơ chế hợp tác tăng cường liên kết hoạt động KHCN của vùng trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh và từng vùng. Xây dựng bộ khung pháp lý làm nền tảng liên kết vùng kinh tế. Đề xuất các chương trình các vấn đề về KHCN trọng điểm của vùng liên quan đến phát triển KTXH giữa các tỉnh trong vùng hoặc trong tiểu vùng.

Thúc đẩy liên kết và phối hợp trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng trên cơ sở kết quả nghiên cứu đã có, phối hợp quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN và ứng dụng các kết quả nghiên cứu, bao gồm cả việc chia sẻ kết quả nghiên cứu giữa các địa phương để ứng dụng hoặc nghiên cứu phát triển tạo chuỗi giá trị phù hợp với điều kiện thực tế của vùng.

Đổi mới cơ chế xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách đối với họat động KHCN phù hợp đặc thù của lĩnh vực KHCN và nhu cầu phát triển dài hạn, chương trình phát triển trung hạn với kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng KHCN hàng năm, nhất là cho khu vực miền núi, dân tộc.

Nghiên cứu thành lập quỹ phát triển vùng để triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên vùng, liên tỉnh, mục đích là huy động nguồn tài chính đầu tư cho các chương trình, dự án có tính chất vùng, vì sự phát triển chung của vùng.

Tập trung cho nghiên cứu công nghệ ứng dụng, đem thành quả của nghiên cứu KHCN vào đời sống, tăng chất lượng cuộc sống, ưu tiên công nghệ tạo sức mạnh cho khu vực miền núi.

TS. Nguyễn Lâm Thành
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội