Bình Định cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm gần đây, với việc chủ động, sáng tạo thực hiện các khâu đột phá chiến lược, trong đó tập trung đổi mới toàn diện, căn bản về cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Bình Định đã đạt được những kết quả tích cực về môi trường kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời, thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả.
Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, ngày 27/4/2022.
Một số kết quả đạt được về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh

Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021, tổng số điểm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Bình Định đạt được là 68,32 (tăng 5,14 điểm so với năm 2020), xếp thứ 11 (thuộc nhóm Tốt), tăng 26 bậc so với năm 2020 (xếp thứ 37). Trong 12 địa phương thuộc vùng duyên hải miền Trung, Bình Định đứng thứ 3 (tăng 7 bậc so với năm 2020) đứng sau Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Trong 10 chỉ số thành phần, Bình Định có 7 điểm tăng so với năm 2020, trong đó các chỉ số thành phần được tính điểm cao, như: chi phí thời gian (8,14); tính năng động của chính quyền tỉnh (7,62); chi phí không chính thức (7,42); thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (7,35); dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (7,13); cạnh tranh bình đẳng (6,41)1.

Để có được kết quả trên, trong năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, “đôn đốc” cải thiện môi trường thu hút đầu tư, đột phá cải cách hạ tầng bằng nhiều biện pháp rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại một số bất cập sau:

(1) Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện phong tỏa, giãn cách tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nên công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực tế cải cách hành chính (CCHC) chưa được thường xuyên; chưa có nhiều sáng kiến, giải pháp mới trong công tác CCHC được triển khai trên địa bàn tỉnh.

(2) Một số cơ quan ngành dọc chưa thực hiện đầy đủ việc đưa một số thủ tục hành chính (TTHC) ngành dọc tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa các cấp theo Danh mục được phê duyệt theo Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù tỷ lệ hồ sơ TTHC trễ hạn ở mức thấp, nhưng số lượng hồ sơ  giải quyết quá thời gian so với quy định vẫn còn tỷ lệ cao tại một số địa phương. Còn tình trạng người dân, doanh nghiệp phản ánh việc không nhận được thông báo trả hồ sơ đề hoàn chỉnh và thư xin lỗi đối với những hồ sơ giải quyết bị trễ hẹn. Một số công chức, viên chức còn thiếu tận tình trong việc hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ nên người dân phải đi lại nhiều lần.

(3) Hiện nay, một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt thực hiện việc sắp xếp, cơ cấu số lượng lãnh đạo cấp phòng và tương đương bảo đảm số lượng cấp phó, bảo đảm tỷ lệ cơ cấu với số lượng người trong tổ chức thuộc cơ quan mình.

(4) Tỷ lệ hồ sơ TTHC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phát sinh giao dịch tại một số cơ quan, địa phương cấp huyện còn rất thấp.

Mục tiêu nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đến năm 2025

Thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về CCHC, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC giai đoạn 2021 – 2025, để tiếp tục cải thiện và nâng cao chỉ số PCI, tạo chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 17/5/2022 về cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh đến năm 2025.

Mục tiêu của tỉnh Bình Định nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI một cách bền vững; tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ số PCI; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh trong việc cải thiện kết quả và thứ bậc xếp hạng Chỉ số PCI của tỉnh, góp phần tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi nhằm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp (DN), bảo đảm sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Phấn đấu đến năm 2025, Chỉ số PCI của tỉnh nằm trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước và nhóm 3 địa phương dẫn đầu khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, điểm chỉ số năm sau cao hơn năm trước; phấn đấu cải thiện số điểm của các chỉ số thành phần, như: chỉ số gia nhập thị trường đạt 8,65 điểm trở lên; cạnh tranh bình đẳng từ 6,7 điểm trở lên; tính năng động của chính quyền từ 7,0 điểm trở lên; tiếp cận đất đai từ 7,3 điểm trở lên; tính minh bạch từ 7,1 điểm trở lên; chi phí thời gian từ 8,1 điểm trở lên; chi phí không chính thức từ 7,1 điểm trở lên; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp từ 6,32 điểm trở lên; đào tạo lao động từ 6,85 điểm trở lên; thiết chế và an ninh trật tự từ 7,2 điểm trở lên2.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Bình Định cần tập trung triển khai một số giải pháp sau:

Một là, thủ trưởng các sở, ngành được phân công làm đầu mối chủ trì triển khai, theo dõi việc cải thiện các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần có trách nhiệm chủ động bám sát tài liệu hướng dẫn của các bộ, ban, ngành để tổ chức thực hiện. Nâng cao nhận thức của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của người dân, DN.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền các TTHC để tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho người dân và DN. Tổ chức thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC. Thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 20/12/2021 của UBND tỉnh về CCHC tỉnh Bình Định năm 2022. Duy trì tốt và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN khi thực hiện các TTHC với cơ quan nhà nước. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các địa phương và đơn vị trong tỉnh trong việc giải quyết các TTHC cho người dân và DN.

Ba là, bảo đảm thực thi đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu cán bộ, công chức của đơn vị mình không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh.

Bốn là, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử gắn với việc đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính phù hợp với tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025. Xây dựng các cơ sở dữ liệu số (trong đó ưu tiên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký kinh doanh, dân số, tài chính, bảo hiểm); bước đầu thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đầu tư xây dựng hệ thống Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Bình Định sau khi vận hành thử nghiệm để đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Năm là, tiếp tục thực hiện tốt việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông văn bản quốc gia. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; bảo đảm cung cấp 85% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở mức độ 4. Tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, DN ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các TTHC. Đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh đối với các dịch vụ công; bảo đảm các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ổn định, an toàn, thuận lợi và hiệu quả cho khách hàng.

Bảy là, triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến đầu tư “tại chỗ” với những giải pháp thiết thực thông qua việc đẩy mạnh hỗ trợ các dự án đầu tư đang được triển khai tại tỉnh. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình triển khai các dự án đầu tư, tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN để đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN hiệu quả gắn với nhu cầu thực tiễn; giải quyết khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN.

Tám là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 18/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và các văn văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, đối tượng, nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định. Thường xuyên lắng nghe và tham vấn ý kiến của cộng đồng DN, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với những lĩnh vực ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển cũng như tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các DN trên địa bàn tỉnh.

Chú thích:
1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021.
2. Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 17/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (Chỉ số PCI) đến năm 2022.
ThS. Lương Ban Mai
Học viện Hành chính Quốc gia