Những giá trị tham khảo từ cải cách tài chính của chúa Trịnh Cương (1716 – 1729)

(Quanlynhanuoc.vn) – Cải cách để đổi mới, phát triển đất nước là một xu thế tất yếu trong lịch sử. Cuộc cải cách của chúa Trịnh Cương vào thế kỷ XVIII được đánh giá là một trong mười cuộc cải cách tiêu biểu của lịch sử phong kiến nước ta, đồng thời, là cuộc cải cách tài chính duy nhất trong lịch sử cổ trung đại của Việt Nam. Những giá trị về tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách tài chính đa dạng, tiến bộ và toàn diện của chúa Trịnh Cương để lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý cho muôn đời sau.

Lịch sử phát triển xã hội loài người đã trải qua nhiều cuộc cải cách với những nội dung và quy mô khác nhau, như: cải cách về kinh tế, cải cách về bộ máy nhà nước, cải cách về văn hóa – xã hội… và cải cách trên phương diện toàn bộ đất nước. Quá trình cải cách gắn liền với những điều kiện lịch sử nhất định và mang tính đặc thù của mỗi quốc gia. Lịch sử Việt Nam thời cổ trung đại ghi nhận nhiều cuộc cải cách lớn, song chỉ có cuộc cải cách của chúa Trịnh Cương vào đầu thế kỷ XVIII là cải cách về kinh tế – tài chính.

Trong những năm 1716 – 1729, trước tình trạng khủng hoảng kinh tế – tài chính ở Đàng Ngoài, chúa Trịnh Cương đã ban hành các chính sách cải cách chế độ thuế, thắt chặt chi tiêu công, phòng, chống phiền hà, sách nhiễu của quan lại, tinh giản đội ngũ quan lại để giảm chi tiêu lương bổng… Trong đó, các quy định mới về chế độ tô thuế, như : xóa bỏ phép “bình lệ”, chia đều thuế khóa cho đinh và điền, định phép tô – dung – điệu, đánh thuế ruộng tư, định các loại thuế chuyên lợi… được thực hiện nghiêm minh và đáp ứng yêu cầu tình hình thực tế đất nước, giúp triều đình bổ sung nguồn thu lớn vào quốc khố. Các chính sách quản lý, thắt chặt chi tiêu công giúp triều đình sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính, góp phần cân đối nguồn thu và các khoản chi trong quốc khố. Chính sách miễn giảm thuế cho nhiều đối tượng trong xã hội đã từng bước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống cho Nhân dân, đồng thời xoa dịu các mâu thuẫn trong xã hội. Những chính sách tài chính đó giúp triều đình tăng cường nguồn thu và giải quyết tạm thời những khó khăn về mặt tài chính.

Dù có sự khác biệt về mặt thời đại so với hiện nay, những thành công trong cuộc cải cách tài chính của chúa Trịnh Cương với phương hướng, nội dung và cách thức tổ chức thực hiện cải cách gắn với điều kiện thực tiễn truyền thống của xã hội Việt Nam đã để lại nhiều kinh nghiệm và các giá trị có tính chất tham khảo hiện nay.

Cuốn sách “Những giá trị tham khảo từ cải cách tài chính của chúa Trịnh Cương (1716 – 1729) do TS. Nguyễn Thị Thu Hòa, giảng viên Khoa Chính trị – Hành chính, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (chủ biên) cùng nhóm tác giả ThS. Nguyễn Thị Loan, ThS. Nguyễn Đức Kim Ngân được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2022, có bố cục gồm 3 chương, với cách tiếp cận hệ thống và toàn diện, tập trung làm rõ các nội dung: (1) Cơ sở lý luận và thực tiễn của cải cách và cải cách tài chính; (2) Hoàn cảnh lịch sử, những nội dung cơ bản, ưu điểm, thành công và hạn chế của cuộc cải cách kinh tế – tài chính của chúa Trịnh Cương; (3) Thực trạng công cuộc cải cách kinh tế – tài chính ở Việt Nam hiện nay và những giá trị tham khảo từ cuộc cải cách của chúa Trịnh Cương đối với công cuộc cải cách tài chính đất nước. Bên cạnh đó, cuốn sách có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy các môn học Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Lịch sử kinh tế – tài chính Việt Nam…

Tạp chí Quản lý nhà nước trân trọng giới thiệu cuốn sách tới quý bạn đọc.

Hoàng Trang