Những vấn đề phải chứng minh, chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh trong vụ án vi phạm về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng

(Quanlynhanuoc.vn) – Xác định sự thật của vụ án là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự Việt Nam, định hướng toàn bộ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích, làm rõ những vấn đề phải chứng minh, chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh trong vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Ảnh minh họa. Nguồn: tapchitoaan.vn.
Đặt vấn đề

Trải qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, đồng lòng của quần chúng nhân dân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các phương diện về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội; tạo được uy tín trên trường quốc tế. Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn và hấp dẫn của các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư trên thế giới. Những thành tựu đó, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, những năm qua, tình hình tội phạm về kinh tế, trong đó có tội phạm vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng diễn biến phức tạp, diễn ra ở cả trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, ở nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội khác nhau. Hành vi vi phạm quy định về kế toán không chỉ để lại những hậu quả về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước.

Thực tiễn hoạt động điều tra cho thấy, tội phạm này thường gắn liền với các hành vi phạm tội khác, như: buôn lậu, trốn thuế, tham ô tài sản, rửa tiền… và có tính chất đồng phạm. Điều này càng làm gia tăng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Vì vậy, cần phải nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, xử lý loại tội phạm này. Nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động tố tụng hình sự nói chung, quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án vi phạm về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng nói riêng là phải thu thập chứng cứ, chứng minh, làm rõ được tất cả những vấn đề phải chứng minh trong vụ án này, đồng thời, cần xác định được nguồn chứng cứ và trách nhiệm chứng minh trong quá trình giải quyết vụ án.

Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng

Căn cứ Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Điều 221 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có thể xác định những vấn đề phải chứng minh trong vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng bao gồm các vấn đề sau:

Thứ nhất, có tội phạm vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và các tình tiết khác của hành vi phạm tội?

Để chứng minh có tội phạm vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra hay không, cần phải chứng minh được các nội dung:

(1) Có hành vi giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán; dụ dỗ, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật; để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán; hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật Kế toán; lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên nhằm bỏ ngoài sổ kế toán tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn vị.

(2) Thời gian xảy ra hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; được kéo dài trong thời gian bao lâu. Hành vi này xảy ra ở khâu nào, thuộc đơn vị kế toán nào; phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm và những tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ án.

(3) Hậu quả do hành vi vi phạm quy định về kế toán gây ra; những tình tiết khác của hành vi phạm tội.

Thứ hai, ai là người thực hiện hành vi phạm tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng?

Để đạt được nhiệm vụ của quá trình điều tra vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, quá trình điều tra cần chứng minh, làm rõ được chủ thể của tội phạm ở các nội dung sau:

(1) Ai là người phạm tội (bao gồm: họ tên; ngày, tháng, năm sinh; nghề nghiệp, chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp), năng lực trách nhiệm hình sự, lỗi của người phạm tội là gì. Họ có đồng phạm hay không có đồng phạm vị trí; vai trò, mức độ phạm tội của các đồng phạm trong vụ án. Đồng thời, làm rõ chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ của từng người khi thực hiện hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

(2) Mục đích, động cơ, ý thức chủ quan của mỗi người khi thực hiện hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Thứ ba, những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, đặc điểm nhân thân của bị can.

Trong quá trình điều tra vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, cần chứng minh, làm rõ được:

(1) Chứng minh, làm rõ người phạm tội có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 52 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Điểm 5 Mục I Công văn 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án Nhân dân tối cao và Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

(2) Những đặc điểm về nhân thân của người phạm tội có ảnh hưởng trực tiếp đến tội phạm (những đặc điểm mang tính chất pháp lý) như phạm tội lần đầu hay đã có tiền án, tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, có tính chất chuyên nghiệp; có thái độ tự thú hoặc hối cải, lập công chuộc tội hay ngoan cố không chịu nhận tội. Người phạm tội có tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm, có lập công chuộc tội hay có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc trong công tác.

(3) Những đặc điểm nhân thân khác tuy không mang tính chất pháp lý, nhưng ảnh hưởng nhất định đến hành vi phạm tội như thành phần gia đình, quá trình hoạt động chính trị – xã hội, trình độ học vấn, nghề nghiệp; người phạm tội thuộc dân tộc ít người, gia đình chính sách, có công với cách mạng, là nhân sĩ, trí thức có tên tuổi, là chức sắc tôn giáo…; những đặc điểm phản ảnh hoàn cảnh thực tế của người phạm tội như người già yếu, bị bệnh hiểm nghèo, phụ nữ có thai, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bản thân hay của gia đình…

Thứ tư, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng gây ra.

Đây là dấu hiệu bắt buộc, là yếu tố quan trọng để đánh giá và xác định đúng mức tính chất của hành vi phạm tội. Quá trình chứng minh vấn đề này cần làm rõ thiệt hại do hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng gây ra, tác động như thế nào đến tình hình chính trị, kinh tế – xã hội, thiệt hại về kinh tế, tài sản là bao nhiêu.

Thứ năm, nguyên nhân, điều kiện phạm tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Mục đích đấu tranh, phòng, chống tội phạm không chỉ phát hiện, điều tra để xử lý nghiêm minh người phạm tội mà còn tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nhằm loại trừ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội. Vì vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải thu thập tài liệu chứng cứ để làm rõ:

(1) Làm rõ những sơ hở, thiếu sót trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kế toán cũng như quá trình tổ chức thực hiện, vận dụng các văn bản pháp quy đó; những sơ hở, thiếu sót trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nguyên tắc, chế độ, chính sách về quản lý tài chính, kế toán.

(2) Đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý tài chính, kế toán cũng như biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với những hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Thứ sáu, những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.

Trong quá trình điều tra vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, để có cơ sở đề nghị truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, cần phải chứng minh các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự của bị can được quy định tại Chương IV BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), bao gồm: sự kiện bất ngờ, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên và các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Chứng cứ trong vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng

Phân loại chứng cứ

Căn cứ quy định tại Điều 86, 87 Bộ luật TTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), từ thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, chứng cứ trong các vụ án vi phạm về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng có thể bao gồm:

– Vật chứng: bao gồm hồ sơ, tài liệu kế toán của đơn vị kế toán vi phạm; công cụ, phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (máy tính, laptop…); tiền, tài sản hình thành từ nguồn kinh phí bị thiệt hại của đơn vị kế toán; tài liệu, phương tiện phản ánh việc chỉ đạo, liên lạc, trao đổi, thỏa thuận giữa các bị can, người có liên quan trong vụ án…

– Lời khai của bị can, người làm chứng, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, người đại diện đơn vị kế toán để xảy ra hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

– Dữ liệu điện tử: bao gồm dữ liệu kế toán được lưu trên các phương tiện, thiết bị điện tử được khởi tạo bởi các phần mềm tin học; thông tin về việc chỉ đạo, liên lạc, trao đổi, thỏa thuận giữa các bị can, người có liên quan trong vụ án được lưu trữ trên các phương tiện, thiết bị điện tử, không gian mạng…

– Kết luận giám định tài chính kế toán; kết luận giám định tài liệu chữ ký, chữ viết, con dấu; kết luận giám định tình trạng tâm thần; kết luận định giá tài sản…

– Biên bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; biên bản khám xét, biên bản bắt, biên bản tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm, biên bản nhận dạng, biên bản thực nghiệm điều tra…

– Kết quả thực hiện ủy thác điều tra và hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự.

Phương thức thu thập chứng cứ

Các chứng cứ trên có thể được thu thập bằng cách tiến hành các biện pháp sau:

Một là, thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh thông qua tiến hành các biện pháp điều tra theo tố tụng hình sự như: khám xét, hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, lấy lời khai người đại diện của đơn vị kế toán có hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra, trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, khám xét, nhận dạng…

Hai là, cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về tội phạm vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng thông qua quá trình làm việc với: các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan (cơ quan quản lý thuế, sở Tài chính, cục Tài chính doanh nghiệp, vụ Tài chính ngân hàng, cục Quản lý giám sát bảo hiểm, đơn vị quản lý cấp trên của đơn vị kế toán…), đơn vị kế toán có xảy ra tội phạm vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, bị can, bị hại, người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng cung cấp, giao nộp cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc tiếp nhận phải được lập thành biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.

Ba là, tiếp nhận các thông tin, tài liệu về vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng do người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác trong vụ án cung cấp. Đối với trường hợp này, khi tiếp nhận, các cơ quan tiến hành tố tụng phải lập biên bản tiếp nhận và kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án của các tài liệu, chứng cứ này.

Trách nhiệm chứng minh trong vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng

Điều 15 Bộ luật TTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”.

Căn cứ vào quy định này, có thể thấy, trách nhiệm chứng minh trong vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, đó là cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án phải áp dụng các biện pháp thu thập, đánh giá tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật để chứng minh, làm rõ sự thật của vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Người bị buộc tội trong vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng có quyền được đưa ra tài liệu, chứng cứ để chứng minh nhưng không bị bắt buộc. Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật TTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021): “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Như vậy, căn cứ quy định của pháp luật tố tụng hình sự và thực tiễn hoạt động điều tra cho thấy, ở giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, giai đoạn điều tra vụ án và truy tố vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra, viện kiểm sát có nghĩa vụ chứng minh tội phạm, còn ở giai đoạn xét xử, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về đại diện viện kiểm sát thực hành quyền công tố và Hội đồng xét xử. Trách nhiệm chứng minh tội phạm vi phạm quy định về kế toán thuộc về các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, do vậy, kể cả trong trường hợp người phạm tội không đưa ra được những chứng cứ để chứng minh là họ vô tội thì cũng không thể vì thế mà các cơ quan có thẩm quyền không tiến hành tố tụng kết tội họ.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
2. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
3. Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 19/9/2019 của Tòa án Tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử.
4. Học viện Cảnh sát nhân dân. Giáo trình Luật Tố tụng hình sự, năm 2018.
5. Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999.
ThS. Phạm Văn Thiệu
Học viện Cảnh sát nhân dân