Chuỗi cung ứng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 – cơ hội và thách thức

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng thủy sản của khách hàng, giá thủy sản xuất khẩu tiếp tục giảm trong khi chi phí sản xuất tăng, nguồn cung ứng bị ảnh hưởng và thiếu hụt lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc phân phối khi cước vận tải tăng, thời gian vận chuyển kéo dài, kéo theo sự thay đổi về chuỗi cung ứng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Từ những tác động đó, rất cần có giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hồi phục chuỗi cung ứng trong lĩnh vực thủy sản xuất khẩu sau đại dịch với mục tiêu phát triển bền vững.
Ảnh minh họa (TTXVN).
Chuỗi cung ứng và mô hình hoạt động

Chuỗi cung ứng là quá trình tích hợp, trong đó nguyên vật liệu được sản xuất thành sản phẩm cuối cùng và giao cho khách hàng thông qua hệ thống phân phối, bán lẻ hoặc cả hai. Trong thương mại, chuỗi cung ứng là hệ thống tổ chức, con người, hoạt động, thông tin và nguồn lực liên quan trong cung ứng sản phẩm hoặc dịch vụ cho khách hàng. Hoạt động chuỗi cung ứng gồm sự biến đổi các nguồn tài nguyên, nguyên liệu thô và các yếu tố hoàn thiện sản phẩm, sau đó vận chuyển tới người tiêu dùng cuối cùng.

Để bảo đảm nguồn cung ổn định, có chất lượng, mỗi doanh nghiệp (DN) sản xuất và chế biến đều xây dựng mô hình hoạt động của chuỗi cung ứng, đặc biệt là các DN lớn, DN xuất khẩu. Mô hình tham chiếu chuỗi cung ứng (SCOR) được xác nhận bởi Hội đồng chuỗi cung ứng và trở thành công cụ chuẩn đoán tiêu chuẩn cho các yếu tố công nghiệp và đo lường toàn bộ hiệu suất chuỗi cung ứng.

Hoạt động của chuỗi cung ứng gồm bốn yếu tố chính: (1) Lập kế hoạch là hoạt động thực hiện việc dự báo nhu cầu, định giá sản phẩm và quản lý tồn kho; (2) Tìm nguồn cung ứng là yếu tố gồm các hoạt động cần thiết để tìm hiểu, có được các yếu tố đầu vào để tạo ra sản phẩm, dịch vụ; (3) Sản xuất là hoạt động nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ mà chuỗi cung ứng cung cấp; (4) Phân phối là hoạt động tổng hợp gồm nhận đơn hàng, vận chuyển phân phối các sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng đã đặt đơn.

Mỗi DN sản xuất và chế biến thủy sản có mô hình hoạt động của chuỗi cung ứng cụ thể với sản phẩm thủy sản. Sau khi xem xét một số mô hình hoạt động của DN thủy sản, có thể thấy, các mô hình hoạt động đều tuân thủ các yếu tố lập kế hoạch, tìm nguồn cung ứng, sản xuất và phân phối của mô hình SCOR.

Tác động của dịch Covid-19 đến chuỗi cung ứng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ sự lãnh đạo về phòng, chống dịch hiệu quả của Chính phủ nên lĩnh vực thủy sản xuất khẩu (TSXK) vẫn hoạt động và đạt được kết quả nhất định.

Sản lượng thủy sản của cả nước đạt 8,4 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2019. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 làm cho nhu cầu nhập khẩu thủy sản trên các thị trường cũng biến động. Các quốc gia Hoa Kỳ, Nga, Anh, Ốt-xtrây-li-a, Ca-na-đa có nhu cầu tăng mạnh (tăng 10 – 32%) nhập khẩu thủy sản Việt Nam1.

Sự xuất hiện của các loại vắc-xin phòng dịch đem lại những tác động tích cực cho ngành TSXK, khi các thị trường trọng điểm dần mở cửa và ngày càng tăng nhu cầu nhập khẩu thủy sản. Đồng thời, với chiến dịch phòng, chống dịch hợp lý, tạo được niềm tin cho khách hàng khi tiêu dùng sản phẩm thủy sản Việt Nam, do đó, tạo nên lợi thế cạnh tranh hơn so với TSXK của một số quốc gia khác.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các DN sản xuất và TSXK Việt Nam cũng đã phải chịu những tác động của đại  dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp.

Thứ nhất, về thực hiện kế hoạch.

Dịch Covid-19 kéo dài làm gián đoạn hoạt động thương mại thủy sản toàn cầu, làm thay đổi xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thủy sản. Các DN sản xuất và chế biến TSXK nước ta đã chịu tổn thất rất lớn do dịch bùng phát, nhất là ở các khu vực phía Nam. Xuất khẩu thủy sản tháng 8/2021 đã giảm tới 36% so với cùng kỳ năm 2020, tháng 9/2021 lại tiếp tục giảm2. Chuỗi cung ứng TSXK có nguy cơ bị đứt gãy do sự tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu giãn cách xã hội, thực hiện 3 tại chỗ… khiến cho hàng chục nghìn tấn cá tra, tôm bị quá lứa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long…, do công đoàn thu hoạch không được cấp giấy đi đường từ nhà đến nơi sản xuất thủy sản hay khi vào thu mua phải cách ly 14 ngày làm chậm tiến độ thu hoạch và chế biến. Điều đó khiến cho giá cá tra giảm từ 500 – 1.000 đồng/kg, dao động từ 21.000 – 22.000 đồng/kg, giá tôm xuất khẩu cũng bị giảm 30%3. Bên cạnh đó, có những giai đoạn sản phẩm thủy sản không xuất được do nhiều thị trường đóng cửa, dẫn đến lượng tồn kho tăng nhưng hệ thống kho lạnh ở Việt Nam không đủ, thuê kho giá đắt. Chính những tác động này đã khiến cho các DN gặp nhiều khó khăn trong việc đạt các kế hoạch và dự báo cho các năm tiếp theo.

Thứ hai, về nguồn cung ứng.

Giai đoạn quý III/2021, giá tôm, cá tra giảm mạnh khiến cho người nông dân không muốn tái sản xuất. Nhiều DN bị tổn thất nặng nề.

Về sản xuất, cung ứng thức ăn cho thủy sản, cả nước có 117 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản. Nhưng vào thời điểm tháng 8/2021, đã có 15 nhà máy ngừng hoạt động   do các nguyên nhân khác nhau (như có ca nhiễm, khó khăn trong việc thực hiện “3 tại chỗ”…)4. Bên cạnh đó, có nhiều nhà máy thiếu các vật liệu đầu vào như bao bì, nhãn mác…, hay việc vẫn chuyển thức ăn đến các địa phương chưa thực sự thông suốt. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới nguồn cung ứng cho hoạt động sản xuất và chế biến TSXK của các DN.

Thứ ba, về hoạt động sản xuất.

Đã có hơn một nửa số nhà máy cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long phải đóng cửa, khoảng 60% số DN thủy sản rất khó khôi phục lại sản xuất sau giãn cách. Chỉ có khoảng 30 – 40% DN thủy sản còn đủ sức phục hồi sau giãn cách, theo khảo sát của VASEP tính đến cuối tháng 8/20215. Và theo các DN, nguyên nhân chính yếu là do thiếu nguồn lực lượng lao động. Khi triển khai 3 tại chỗ, DN chỉ đáp ứng được 40% công suất6, trong khi đó, chi phí đội lên cao gấp đôi, thiếu nguyên liệu, vật tư đầu vào. Điều đó khiến cho các DN thủy sản gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ tư, về hoạt động phân phối.

Dịch Covid-19 đã khiến cho chi phí logistics tăng kỷ lục từ cuối năm 2020. Các đơn hàng xuất khẩu thủy sản tăng mạnh sau khi thị trường Mỹ, châu Âu mở cửa kinh tế hậu Covid-19 nhưng cước vận tải tăng cao, booking tàu, container liên tục bị trì hoãn khiến việc giao hàng chậm trễ, DN đối mặt với nguy cơ bị phạt, cắt hợp đồng. Các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã phải đối mặt với sự gia tăng mạnh về cước tàu, tăng thời gian vận chuyển đường biển, tăng đơn hàng đặt chỗ, tăng hoãn đơn hàng và tăng các loại phí. Kết quả là các DN phải đối mặt với áp lực rất lớn khi xuất khẩu các đơn hàng đã ký trước đó. Cuối tháng 8/2021, theo các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản, có đến 40 – 50% đơn hàng bị giao trễ hẹn và 10 – 15% đơn hàng phải hủy7.

Cơ hội, thách thức của các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đã xảy ra trong một thời gian dài. Do đó, có thể thấy đại dịch đã khiến cho nhu cầu của khách hàng cũng như người tiêu dùng thay đổi, đồng thời cũng mở ra cơ hội mới cho các DN nói chung, trong đó có các DN TSXK.

Một là, niềm tin của các nhà đầu tư với thủy sản Việt Nam đã tăng đáng kể sau dịch Covid-19 nhờ vào quyết sách, chỉ đạo phòng, chống dịch hiệu quả của Chính phủ Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản tăng mạnh của một số thị trường chính là cơ hội tốt đối với các DN thủy sản Việt Nam.

Hai là, dịch Covid-19 đã giúp các DN nói chung, DN thủy sản nói riêng cần phải có sự thay đổi linh hoạt để thích ứng với sự biến đổi, thích ứng với các tác động không mong muốn của dịch bệnh. Nhờ đó, DN có những bước đi tốt hơn, đem lại cơ hội để giúp cho DN phát triển, mức độ linh hoạt cao hơn.

Ba là, trong bối cảnh Covid-19, nước ta đã ký kết hai hiệp định FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA). Các hiệp định FTA thế hệ mới đã và sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các DN TSXK Việt Nam.

Bên cạnh những cơ hội mà bối cảnh đại dịch Covid-19 tạo ra, DN TSXK cũng gặp phải một số thách thức.

(1) Một trong những thách thức lớn nhất đối với các DN TSXK, đó là họ vẫn tiếp tục phải đối mặt với giá cước vận chuyển cao, chưa có xu hướng giảm và việc giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn.

(2) Dịch bệnh Covid-19 khiến cho nhiều quốc gia kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu hơn và họ cũng nâng cao kiểm tra hàng để tránh vi rút phát tán thông qua hàng hóa. Điều này dẫn đến quy trình kiểm tra, thông quan nghiêm ngặt hơn, kéo dài hơn, có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

(3) Sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu thủy sản Việt Nam đã đem lại các cơ hội cho DN trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, cũng đưa đến những thách thức, áp lực lớn cho DN thủy sản trong việc bảo đảm nguồn hàng về sản lượng, chất lượng khi có nhiều hộ nông dân không dám tái sản xuất hay thời gian thu hoạch kéo dài dẫn đến cá, tôm… bị quá lứa hay tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu chế biến TSXK.

Một số giải pháp giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay

Trước hết, các DN cần kịp thời nắm bắt sự thay đổi nhu cầu của khách hàng. Dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu về thủy sản thay đổi, chính vì vậy, các hộ nuôi trồng và các DN cần chuyển đổi dần sang nuôi trồng và chế biến sản phẩm thủy sản kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên toàn thế giới. DN cần có chiến lược cụ thể để nâng cao chất lượng, từ đó vừa nâng giá bán đem lại lợi nhuận cao hơn.

Thứ hai, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm TSXK, DN cần có các biện pháp bảo quản sản phẩm TSXK tốt hơn, duy trì chất lượng sản phẩm ngay cả khi quá trình kiểm tra, nhập khẩu hay quá trình vận chuyển kéo dài. DN có thể tính toán phương án bảo quản, ví dụ tăng thêm khối lượng đá hay sử dụng các container lạnh để giảm thiểu rủi ro khi bị kéo dài thời gian vận chuyển.

Thứ ba, hoạt động phân phối thủy sản của Việt Nam tại các thị trường cần được đẩy mạnh hơn. Để có những biện pháp kịp thời nhằm chọn lựa nhà phân phối tại các nước phù hợp để xuất khẩu, việc xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chính xác, đầy đủ về các hệ thống phân phối tại thị trường nước ngoài là cần thiết đối với các DN TSXK Việt Nam. Các DN Việt Nam nên tận dụng những thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh hoạt động phân phối vào các thị trường.

Thứ tư, đối với hoạt động sản xuất và chế biến thủy sản, các DN cần kiểm soát và phát triển nguồn nguyên liệu chế biến bảo đảm đạt chuẩn, nhằm đáp ứng các nhu cầu đối với các DN trong lĩnh vực chế biến thủy sản và các yêu cầu cao từ các nhà nhập khẩu ở thị trường nước ngoài. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nguyên liệu giúp bảo đảm nguồn cung ứng đầu vào, hạn chế các rủi ro thiếu hụt nguồn thức ăn để nuôi trồng thủy sản xuất khẩu, bảo đảm chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, các DN nên áp dụng khoa học – công nghệ tiên tiến vào trong quá trình sản xuất và chế biến thủy sản nhằm phát triển hàng hóa thủy sản, giúp tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của quốc gia trong thị trường quốc tế, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhân lực, giảm rủi ro thiếu nguồn nhân lực dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Chú thích:
1. Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu ngành thủy sản trong bối cảnh hậu Covid-19. https://vioit.org.vn/ truy cập ngày 16/5/2022.
2. Thống kê xuất khẩu thủy sản của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP năm 2021.
3. Những nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất –  chế biến – xuất khẩu thủy sản do tác động của dịch Covid-19. https://consosukien.vn, ngày 12/10/2021.
4. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản phía Nam. https://dangcongsan.vn, ngày 17/9/2021.
5. Chỉ 30 – 40% doanh nghiệp thủy sản có khả năng hồi phục lại sản xuất ngay sau giãn cách. https://vasep.com.vn, ngày 06/9/2021.
6. Ngành thủy sản cần làm gì để chặn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng? https://vtv.vn, ngày 10/9/2021.
7. Sản xuất khó phục hồi, xuất khẩu thủy sản đang bị gián đoạn. https://haiquanonline.com.vn, ngày 06/9/2021.
ThS. Lê Hoàng Quỳnh
Trường Đại học Thương mại